CÁC YẾU TỐ KÍCH THÍCH CẢM XÚC

NEWTON KONDAVETI

Trích “Chữa lành bằng tâm thức”
Tác giả: Newton Kondaveti
Người dịch: Lê Thùy Giang
NXB Hồng Đức, 2018
Ảnh: nguồn internet
Tôi kể bạn nghe một trong số ít lần trong quãng đời trưởng thành của mình khi tôi bị coi là một nỗi xấu hổ với người khác. Tôi đi xem một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng kỳ dị tựa đề lằng nhằng (Tôi thậm chí không biết tên bộ phim dù đã ngồi trong rạp xem nó) với hai cháu trai tuổi teen. Đó là một bộ phim nổi tiếng, được đánh giá cao, nên được bọn nhỏ hết sức trông đợi. Nhưng dù tôi rất yêu hai đứa cháu, muốn trở thành một phần trong đời sống của chúng và chia sẻ những thú vui của chúng thì tôi lại không kiềm được mà ngủ gà ngủ gật, thậm chí có lúc còn phát ra tiếng thở phì phò nữa – tôi rất hay bị vậy – và khiến hai đứa cháu xấu hổ chết được. Tôi thực sự bị đánh thức bởi những cùi chỏ từ hai bên thúc vào, nhiều lần tới mức tôi không nhớ nổi.
Có thể bảo là tôi già cả rồi cũng đúng nhưng thực sự tôi chẳng cảm được điều gì trong bộ phim đó cả. Dù tôi có ý định tốt nhưng ý định đó cũng không tác động được gì đến tôi. Trái lại, tôi có thể nhớ ra mọi chi tiết về một vở nhạc kịch tôi đã xem hai ba chục năm trước, tôi có thể kể vanh vách cho bạn tên của nhà sản xuất, diễn viên, nhạc công và mọi chi tiết liên quan tới vở nhạc kịch đó. Đến ngày hôm nay tôi vẫn còn có thể cảm thấy sự hưng phấn còn sót lại từ sự kiện đó. Điều này không có ý nói rằng vở nhạc kịch được sản xuất tốt hơn bộ phim, tôi chắc chắn bộ phim khoa học viễn tưởng ấn tượng hơn, mà nó liên quan đến việc điều gì khiến tôi hứng thú, điều gì không.
Tương tự, tôi có thể nhớ rõ mồn một cuộc gặp tình cờ với một người bạn trong một trung tâm mua sắm nhiều tháng trước nhưng lại không nhớ ra được gương mặt của người đưa thư hay người giao sữa mà ngày nào tôi cũng gặp. Thực tế là vấn đề này cũng đúng với kẻ thù của chúng ta nữa – người nào đó chúng ta cực kỳ ghét thì chúng ta sẽ luôn nhớ họ. Một lần nữa, sự khác biệt ở đây không nằm ở việc những người này là ai mà là họ có ý nghĩa gì với chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta liên quan đến – điều ta thích hoặc không thích – đều luôn kích thích lên một phản ứng trong chúng ta. Còn những thứ khác sẽ chỉ là vùng mờ nhạt và mất dần đi khỏi trí nhớ của chúng ta.
Các yếu tố kích thích này là những hoàn cảnh, những tình huống hay những người mà trong những hoàn cảnh đó hay với những người đó chúng ta còn công việc cần giải quyết, còn khúc mắc chưa tháo gỡ. Chỉ những thứ đó mới khơi dậy phản ứng trong ta. Còn những thứ khác sẽ chẳng để lại cho ta ấn tượng gì. Khúc mắc này rất có thể là với bản thân mình, để nó giúp ta tự nhận lại mình và khám phá chính mình.
Khi người đưa thư đến cửa nhà bạn, công việc bạn với anh ta đã kết thúc tại thời điểm đó. Trừ phi bạn có một mối liên hệ thân thiết với anh ta còn không sẽ không có thêm sự tương tác gì. Ngày hôm sau có thể lại là một người khác đưa thư cho bạn. Thế nên người này gợi lên rất ít hoặc không gợi lên phản ứng gì của bạn – họ không khơi lên được cảm xúc của bạn. Mặt khác, lại có những người khiến bạn trải qua đủ mọi thể loại cảm xúc.
Các mối quan hệ thường là những yếu tố kích thích cảm xúc thường xuyên nhất – mối quan hệ với gia đình, bạn bè, công việc, sự nghiệp, hay thậm chí là tiền bạc. Khi tương tác với con người hay khi xử lý các vấn đề trong những lĩnh vực chính trong đời sống, cảm xúc của chúng ta thế nào cũng sẽ xuất hiện. Rất thường xuyên, tùy thuộc vào môi trường và hệ thống niềm tin, có một số cảm xúc được coi là thích hợp, một số thì không. Các cảm xúc thích hợp, tất nhiên là những cảm xúc khiến ta dễ chịu và những cảm xúc này luôn được chúng ta chào đón. Tuy nhiên, chính những cảm xúc không mong muốn mới là thứ chúng ta cần chú ý nhiều hơn – không phải là để tìm cách tránh xa những tình huống gợi ra cảm xúc đó, mà để hiểu tại sao những cảm xúc này lại được khơi gợi ra.
Khi một người hoặc một tình huống khơi gợi nên cảm xúc của chúng ta, khiến chúng ta tức giận chẳng hạn, thì điều quan trọng nhất cần lưu ý là có năng lượng đang chuyển động trong chúng ta – dòng năng lượng đi kèm với cảm giác giận dữ. Chúng ta nên tập trung vào việc nhận ra dòng năng lượng này – cảm xúc tức giận – đang nằm tiềm ẩn trong khí chất của mình. Cá nhân hay tình huống nào gợi ra cảm xúc đó thì mục đích cũng chỉ là khiến chúng ta nhận ra những gì đã tồn tại bên trong mình. Điều khôn ngoan cần làm trong những tình huống đó sẽ là nhận ra, thừa nhận và cho phép cảm xúc đó tuôn chảy – cảm nhận hoàn toàn cảm xúc của mình – không phải bằng cách thể hiện cảm xúc đó với đối tượng đã kích thích nên nó mà bằng cách giữ sự tập trung vào bản thân và hòa cùng cảm giác đó. Một khi năng lượng đã tuôn chảy, nó sẽ rời khỏi chúng ta trong một trạng thái tinh thần giúp chúng ta đi sâu vào bản thân mình và xác định được nguyên nhân gốc rễ đã gây ra cảm giác đó.
Các yếu tố kích thích cảm xúc của chúng ta xuất hiện – và cảm ơn Chúa vì điều đó – là để giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trên con đường khám phá bản thân mình. Là con người, chúng ta được trải nghiệm hàng loạt cảm xúc từ sung sướng ngất ngây cho đến đau thương khổ sở. Cũng như tôi có thể nhận ra một người bạn cũ dù rất lâu không gặp nhưng lại không nhớ ra được cuộc gặp gỡ mới đây thôi với một người lạ, thì cảm xúc của chúng ta cũng xuất hiện chỉ bởi vì chúng là “bạn cũ” của chúng ta. Ở một nơi nào đó, trong quá khứ của tôi, nếu tôi chưa từng có cảm giác đó và nếu tôi không mang theo cảm giác đó cho đến thời điểm hiện tại, thì tôi thậm chí sẽ không nhận ra được nó. Những yếu tố kích thích cảm xúc của chúng ta là những thiên thần hộ mệnh giúp chúng ta nhớ tới những người bạn cũ.
???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NIỀM TIN CỐT LÕI

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG