ALEXANDRE JOLLIEN CHRISTOPHE ANDRE MATTHIEU RICARD
Trích: Bàn Về Cách Sống; Việt dịch: Thiên Nga; NXB Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018
ALEXANDRE: Khi tôi mới ra khỏi viện cùng một cô bạn, chúng tôi gặp phải một anh chàng ném cho cô một câu: “À, mày quên dây dắt chó!” Lần khác, tôi đạp xe đi dạo cùng một người bạn khuyết tật. Khi chúng tôi đi ngang, hàng xóm thấy hoảng đến nỗi cuối cùng báo cảnh sát, cảnh sát dẫn thẳng chúng tôi về nhà. Nói tóm lại là những vấn đề đặt ra từ cái nhìn của người khác là một công trường lớn của đời tôi, và tôi sớm hiểu rằng nó có thể giết chết mà cũng có thể cứu chữa người khác.
Sức nặng của miệng lưỡi người đời thỉnh thoảng len lỏi vào chỗ ta không ngờ tới. Bị một khuyết tật hay một dạng vết thương khác, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình muốn được đền bù quá mức, và để được công nhận, chúng ta phải vượt lên chính mình, ra khỏi tình trạng vô danh bằng mọi giá, thậm chí gây chú ý. Cái mối chằng chịt này đẩy chúng ta đến chỗ tìm cách có giá trị đến thái quá, điều này sớm tạo ra thêm cái khổ nữa: sự phụ thuộc, như cầu được tán thành, công nhận và an ủi.
Làm sao để để phòng, để ý đến cơ cấu này mà không bị rơi vào các vai trò, không biến người khác thành công cụ? Để có một cuộc gặp gỡ thật sự, ta nên bỏ khiên và mọi thứ che chở xuống. Hơn nữa, ở viện, tôi học được rằng chỉ bằng một câu đơn sơ “Khỏe không?”, ta đã có thể thực sự quan tâm đến người khác, hiểu họ, hiền từ lắng nghe họ. Ngày nay, khi ta đánh giá thấp câu hỏi này mà biến nó thành chỉ là màn chào hỏi, phản xạ lễ phép, tôi vẫn không quên rằng cái căn bản là đến gần người khác, xây những cây cầu và yêu thương. Từ đó, tôi rất thích dùng câu “Bạn khỏe không?” hay “Bạn hài lòng với cuộc sống của mình chứ?” để xây dựng một mối quan hệ đi thẳng đến cái cốt lõi, xa hơn những mặt nạ và vai trò.
CHRISTOPHE: Tôi thấy dường như việc tự nhủ “Nếu người ta chế nhạo mình và mình biết cách để không tự đánh đồng với hình ảnh mình, lúc đó mình sẽ không khổ” là một nhiệm vụ rất khó khăn, thậm chí bất khả thi! Vì cái khổ này thuộc loại hắt hủi, lạnh nhạt, thiếu nhân từ, và do đó, nó không chủ quan, nó mang tính sinh học: bị hắt hủi là bạo lực, như một cái tát. Nếu người ta tát tai tôi, tôi không thể nói: “Mình sẽ kiềm chế, chuyện này không sao, mình không khổ đau.” Tôi tin là có cái đau đớn thể xác vì cái tát cũng như có cái đau đớn thể xác vì bị loại trừ. Chúng ta là những con người xã hội, nên sự ghét bỏ cũng như hắt hủi làm đau đớn trong thể xác còn trước cả khi nó tác động đến tâm trí và làm lung lay hình ảnh ta có về mình.
Trái lại, thao tác mà cậu làm sau đó, những nỗ lực để không chìm đắm trong cái khổ liên quan đến sự hắt hủi quả là một việc phi thường trước tính ích kỷ, ngu ngốc hay không thấu hiểu của một số người trước người khuyết tật. Nhưng tôi thấy như cậu không thể phủ nhận sự tồn tại của cái đau này. Dẫu vậy, nhờ sự thông minh riêng, tu tập, sự cao cả và cái cậu có để đem lại cho người đọc, cậu tránh được việc sa trong đầm lầy khổ.
ALEXANDRE: Khi ta đang khổ sở, cái cám dỗ mặc áo giáp vào rồi ru rú sau lớp vỏ thật quá lớn. Phải, chế giễu luôn chạm tới tôi, sẽ là nói dối và tự dối lòng khi vờ như tôi đã vượt xa nó rồi. Là người sống tinh thần như người ta làm ra vẻ sẽ không dẫn tới đâu cả, nếu không nói là sẽ dẫn tới rất nhiều dối trá khổ đau. Phải can đảm ghê gớm lắm mới không còn có một thái độ dứt khoát khi đứng trước kẻ làm ta đau, và chấp nhận là ta dễ tổn thương. Một hôm, có một lời phê bình trên Facebook khiến tôi phải chạy sấp ngửa tới gặp sư phụ để nhặt nhạnh đôi lời an ủi. Câu thầy đáp chữa lành cho tôi: “Nếu con xây dựng bản tính con trên những câu ngồi lê đôi mách, những đồn thổi và thị phi, con vẫn chưa hết khổ!” Nhưng làm sao để giảm bớt cái bệnh tâm thần này, sự cực nhạy trước những nhận xét và trách móc? Ánh mắt của các con, của vợ và bạn bè giải thoát cho tôi và giúp tôi ít xem nặng những chế nhạo, mọi ngộ nhận mà một số hoàn cảnh dệt nên này. Cũng vậy, khi đi tàu điện, tôi nghe những tiếng cười khẩy xung quanh, tôi nhắm mắt lại và tắm trong cái nhìn nhân từ của người thân để nghiền nát cái nhói lòng nho nhỏ mà, nếu không được lèo lái, có thể gây tác hại lâu dài.
Vai trò của các phóng chiếu vẫn chưa hết làm tôi ngạc nhiên, Đôi lúc, mọi thứ diễn ra như thể mỗi thứ sống trong thế giới của nó mà không phải là trong thế giới. Thường thường. sau một hội thảo, tôi ngạc nhiên khi người ta tới tâm sự với tôi: “lôi ngưỡng mộ khi anh nói thế.” Lắm lúc, đó chính là cái ngược lại điều tôi muốn chia sẻ. Mới đầu, tôi ra trận đánh lại những ngộ nhận, tôi cố trừng trị những khinh khi rồi mới nhận ra rằng mỗi người hiểu theo vốn sống của họ, những niềm tin, hành trình của họ. Việc của ta là nép mình một chút, dẹp qua một bên mọi thành kiến để cảm nhận thực tại như nó vốn vậy,
Tôi nghĩ đến lời của sư phụ ngàn lần mỗi ngày. Khi tôi đi tàu điện, trong khi tôi muốn được yên thì lại luôn có gì đó cản trở. Hết cú tát này đến cú tát khác, nhưng đúng ra, tất cả đều có thể thành một lời kêu gọi thực hành, một dịp để không chú mục vào mình và để nhắc mình rằng tôi không phải như cái người khác thấy. Một bước nữa thôi là tôi có thể thấy vui vì thiên hạ biến tôi thành trò cười…
MATTHIEU: Để tìm thấy bình yên bên trong, ta không thể phụ thuộc vào ý kiến của người khác và hình ảnh họ có về ta, dù đúng hay sai. VỊ thầy thứ hai của tôi, Dilgo Khyentse Rinpoche, thường nói là mọi lời nói, dễ chịu hay khó chịu, thân thiện hay thù địch, đều giống như tiếng vọng. Nếu ta gào những lời khen chê trước một vách đá, ta có cảm thấy tổn thương hay hỉnh mũi khi tiếng vọng trở lại tai không? Một số người nói những lời dịu dàng với dụng ý xấu, số khác tuôn ra lời khó chịu với ý tốt. Ta có thể sáng được khen rồi chiều lại bị thóa mạ. Nếu lần nào ta cũng bám vào những lời này, ta sẽ bị xáo trộn triền miên.
Coi cái ta nghe thấy như tiếng vọng không có nghĩa là thành dửng dưng, thành rau cỏ. Điều đó chỉ có ý là đừng đem bản ngã ra làm bia cho những lời tâng bốc và mỉa mai. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường nói: “Khi có người xem tôi như Chúa Trời sống, điểu đó vô lý, rồi người khác lại xem tôi như chó sói hay ác quỷ khoác áo thấy tu, vậy cũng vô lý.” Điều này có nghĩa là ngài không đồng hóa mình với một thánh sống, cũng không với quỷ, không với hình ảnh nào của bản ngã. Ngài biết rằng trong sâu thẳm ngài là một sự bình yên đã vững vàng nhờ hiểu biết về bản tính của tâm mình. Cái bình yên này thản nhiên trước những khen chê, chúng chỉ tác động đến bản ngã. Thế nhưng, với bản ngã này, ngài cũng không đồng nhất với nó.
Rõ ràng, việc đồng hóa với một cái tôi tưởng tượng, coi nó là cốt lõi con người ta, chính là trọng tâm những vấn nạn của chúng ta. Chân tính của tâm có thể sánh với bầu trời, nó không bị ảnh hưởng bởi bụi ta tung lên. Điều này tất nhiên nói dễ hơn là thể nghiệm mỗi ngày, nhưng có một điều chắc chắn: ta càng đi theo hướng này, ta càng đỡ tổn thương trước lời lẽ và cái nhìn của người khác.
CHRISTOPHE: Nghe anh nói, anh Matthieu, tôi nghĩ thầm rằng trong đời sống hằng ngày thì đó là một thái độ gần như siêu nhân! Tôi hình dung trên thế giới có lẽ không quá hai mươi người làm được vậy.
ALEXANDRRE: Nếu cần, tôi thấm nhuần thái độ của Chúa Ki Tô, được ghi trong Phúc Âm của Matthieu mà, đối với tôi, còn lâu mới tự nhiên chừng nào trái tim còn co dúm trong một logic trả thù, tính toán: “Ai tát con má trái, chìa ra má phải.” Tấm gương này vẫn còn truyền cảm hứng cho tôi. Có lẽ cái khó hơn cả trên đời này là dung hòa một sự dịu dàng vô hạn với sự cương quyết. Cụ thể là, tôi có thể phản ứng lại những lời chế nhạo ra sao? Tại sao miệng lưỡi người đời lại trở thành một trong những mối bận tâm chính trong đời sống? Sao tôi lại bám víu vào cái tôi nhỏ nhít này và ru rú trong đó? Từng bước, tôi có thể bỏ xuống vô vàn chấp trước làm tôi lầm tưởng mình là cái mớ phản ứng, cảm xúc và ý kiến này. Hẳn là có một cơ cấu mạnh mẽ cứ muốn tôi đánh đồng mình với thân xác và ý nghĩ, nhất là khi tôi đau khổ. Nhưng tại sao không phản công bản năng này và phát hiện ra nó ngay bất cứ đâu nó hoành hành? Và đừng bao giờ quên lời của Marcus Aurelius: “Chúng ta sinh ra để cho nhau.”
MATTHIEU: Chuyện này không phải siêu nhân như ta thấy. Tất cả chỉ là vấn đề về mức độ phát triển bên trong và thế giới quan. Nếu ai đó quá coi trọng hình ảnh mình và cứ bận tâm đến chuyện người khác nghĩ sao về nó, họ sẽ đặc biệt nhạy cảm với cái người ta nói về họ. Nhưng người nào, dù không được hoàn hảo, tập xem những lời này như ảo ảnh, tiếng vọng hay đối đáp của diễn viên trong một vở kịch thì sẽ hiểu rằng không lý gì phải khổ vì nó, dẫu vì thói quen mà họ cũng bị tác động trong chốc lát.
Nếu, như trong trường hợp thường xuyên mà Alexandre nhắc đến, người khác vô tình hay khắc nghiệt với chúng ta, chúng ta có thể, mới đầu, buồn khổ, nhưng đến lần thứ hai, ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nào đó khi hiểu rằng thái độ coi thường của người khác dẫu có thế nào cũng không ảnh hưởng đến con người sâu xa của ta. Chúng ta còn cảm thấy từ tâm với những kẻ muốn làm sai với ta, vì họ bị vô minh và ngu dốt sai sử. Vì nếu họ làm điều sai trái với người khác, trước hết họ làm sai với chính mình.
Phản ứng theo cách này, đó không phải chứng tỏ sự yếu đuối mà là sức mạnh và tự tại. Điều này không ngụ ý là ta thường trực để mình bị người khác xem thường, mà ta hành động với quyết tâm, phẩm cách và lòng từ, không để mình dao động. Để trả lời Christophe, có lẽ chỉ có hai mươi người đạt được một mức độ tiến hóa đủ để phản ứng như vậy đến mức hoàn hảo, nhưng ai cũng có thể trau dồi thế giới quan như họ và dần dần làm thành một phần trong mình, cho đến ngày nó trở thành một bản tính thứ hai.
CHRISTOPHE: Nhưng tôi thấy điều này có vẻ khó quá! Tôi cố gắng đi cùng bệnh nhân hay bản thân mình cũng đi đến đó, nhưng tôi nghĩ ta cũng đã có được một tiến bộ to lớn khi ta chấp nhận rằng những chế giễu hay bất công tồn tại và chúng làm ta đau. Chúng ta là những con vật xã hội. Khi một người chịu sự ác độc, chế giễu, bạo hành thể xác hay tinh thần, lẽ tự nhiên là họ đau khổ, đây không phải là một sai lầm trong thế giới quan của họ. Nếu người ta lấy dao cứa ngón chân tôi, tôi đau đớn là lẽ thường. Trái lại, công việc thật sự là ở chỗ ngăn cái đau này lan ra toàn thân, rồi ngăn sự lan rộng và lây nhiễm đến thế giới quan của ta về người khác và về chính chúng ta. Cần tránh nghĩ: “Thiên hạ toàn là những kẻ khốn nạn cả”, hay “Mình là một kẻ thảm hại”. Chúng ta có thể hạn chế cái đau có liên quan đến những bạo lực này, để nó không xâm chiếm cả con người ta và làm ta tách lìa với thế giới. Nhưng chúng tôi có khả năng làm điều đó hơn nhiều vì một lẽ, chúng tôi thực hiện công việc tâm lý học mà cả hai anh đã mô tả rất hay, các anh thể hiện và các anh nêu cho chúng tôi những tấm gương đặc biệt phi thường, như Đạt-lai Lạt-ma, và vì một lẽ khác là chúng tôi cảm thấy tình thương và trắc ẩn, với chính mình cũng như người khác.
MATTHIEU: Xin thứ lỗi vì tôi cứ khăng khăng, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, đặc biệt ở những người có tập thiền đôi chút, dù còn lâu họ mới hoàn toàn vững, sẽ dễ hơn nếu họ không đồng hóa mình với bản ngã. Nếu khổ vì những chế nhạo và bất công là bình thường như ta khổ vì cái đau thể xác thì cũng hết sức bình thường khi tìm cách không phản ứng lại những cách xử sự này, hay miễn nhiễm với chúng, cũng giống như ta chủng ngừa một thứ bệnh. Điều này không có nghĩa rằng ta trở thành người máy không còn tính người, hay ta không còn nhận thấy khía cạnh ác ý hay lạm dụng trong chế giễu và bất công, mà ta không khổ vì nó theo cách thái quá như trước. Ta giành được sự tự tại bên trong. Tâm trí ta trở nên khoáng đạt đủ để đón nhận những hoàn cảnh xấu mà chúng không làm lung lay ta được. Một nắm muối bỏ vào ly nước làm nó không uống được, nhưng thả vào một cái hồ lớn, nó không làm đổi vị.