LÒNG VỊ THA KHÔNG NHÃN HIỆU

ALEXANDRE JOLLIEN CHRISTOPHE ANDRE MATTHIEU RICARD

BÀN VỀ CÁCH SỐNG – “Đối Thoại Giữa Bác Sỹ, Triết Gia Và Nhà Sư” CHRISTOPHE ANDRE, ALEXANDRE JOLLIEN, MATTHIEU RICARD Người Dịch: Thiên Nga Nhà Xuất Bản: Hà Nội, 2018 - Ảnh: Matthieu Ricard (nhà sư) - Alexandre Jollien (triết gia) - Christophe Andre (bác sỹ) -Nguồn Internet

BÀN VỀ CÁCH SỐNG – “Đối Thoại Giữa Bác Sỹ, Triết Gia Và Nhà Sư”

ALEXANDRE:

Để dấn bước trên con đường Bồ Tát hay chỉ là đưa lòng quảng đại vào giữa đời sống chúng ta, các truyền thống lớn đã cho ta những bài tập phong phú nhất. Tuy là người Cơ Đốc, nhưng tôi không thể sống mà thiếu Đức Phật. Ngày ngày, ngài dạy tôi con đường vô chấp, một đạo lý và khoa học về tâm được áp dụng trực tiếp trên mảnh đất đời sống hàng ngày. Nếu Đức Phật xoa dịu tôi thì Thượng Đế an ủi tôi và ngăn tôi chìm đắm trong một kiểu từ bi siêu phàm vô ích. Vì vấn đề là yêu người bằng xương bằng thịt chứ không phải những thứ trừu tượng xa vời. Tình thương vô điều kiện thể hiện bên cạnh người thân, trên tàu điện, trong siêu thị, mọi lúc mọi nơi. Sáng nào cũng vậy, vừa thức dậy, tôi có thể hồi hướng thực hành của mình, những nỗ lực của mình cho mọi người tôi sẽ gặp trong ngày. Yêu không phụ thuộc, rời mọi mối nguy sùng bái là một điều kiện tiên quyết của đại đạo. Và tôi ngạc nhiên mỗi khi người ta gán cho một thầy nào những tính chất gần như siêu phàm như ta đã làm với một Thượng Đế. Theo tôi thấy, không gì trái với đạo Phật hơn là sự thần thánh hóa làm ta mù quáng này.

Dọc đường, tôi không ngừng nạp lại năng lượng bằng cách tụng Kinh Kim Cương: mục đích của Bồ Tát là giải thoát mọi chúng sinh trong khi chỉ rất cụ thể là không có chúng sinh để giải thoát, vì cái tôi, cá thể, chỉ là một ảo tưởng. Không đi vào các tranh luận siêu hình học, nhưng tôi cũng có thể chứng nghiệm là cái tôi xã hội nhỏ nhít của chúng ta, những gói ảo tưởng, phản ứng, thói quen và định kiến này, không dệt nên những cuộc gặp gỡ đích thực. Mọi thứ đều diễn ra ở một mức độ sâu xa hơn nhiều. Giúp con tức là phải quan tâm đến những nguyện vọng sâu xa của chúng hơn là những ý thích thất thường hoàn toàn phù phiếm. Tôi rất tâm đắc với ý niệm con người mà Cơ Đốc giáo ca tụng. Nó nhắc tôi là mỗi con người đều là riêng có, duy nhất và có thể tồn tại một mối liên hệ vượt lên hẳn mọi trò chơi xã hội. Tôi cũng rất yêu quý thánh Francis thành Assisi, cha bề trên Piere, những thiên tài về lòng nhân này, đã dành trọn thể xác tâm hồn lo cho con người! Chúng ta rất dễ chìm đắm trong một kiểu từ bi hổ lốn, yêu tất cả mọi người mà không thực sự góp sức và tận tụy trong cái cụ thể.

Ở Seoul, tôi gặp một nhà sư. Lời thầy nói làm tôi lung lay chút ít. Khi tôi chia sẻ với thầy mong muốn tìm được những người bạn, thầy đáp: “Con người thì giống như xương rồng ấy, ta mà lại gần thì sẽ bị gai đâm”. Tôi rất ngưỡng mộ người mỗi ngày lo gom đồ ăn, lương thực và thuốc men để gửi đến ấn độ, cho những người khó khăn nhất. Tôi mới nhận thấy rằng lòng quảng đại không có nhãn hiệu là nó bao hàm một sự tại bao la cùng rất nhiều xả bỏ. Phật tử, Cơ Đốc nhân, tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo hay vô thần thực hành điều đó cũng không quan trọng. Điều đáng nói là ta thật sự tham gia, thực sự giúp mọi người, áo đẫm mồ hôi để kéo mọi người ra khỏi khốn khổ.

Những tranh cãi của nhà thờ làm tôi vô cùng buồn khổ và tôi buồn khi thấy lối làm mất uy tín Kitô trong khi nhốt ngài trong những biếm họa xấu xa. Những thành kiến cuối cùng lại biến lòng nhân Phúc Âm thành một đạo đức màu mè, nhạt nhẽo hay rõ ràng là đáng khinh! Về phần mình, tôi thấy ở đó một lời khuyên không bao giờ nắm quyền đối với con người, làm tất cả để tách khỏi mình và yêu người khác ở đây lúc này. Để dấn thân trên con đường Jesus đã mở thì đòi hỏi một sự táo bạo ghê gớm, một sự sự tự do phi thường. Thật lầm lạc khi biến lòng nhân thành một kiểu hạ cố, một cú tiêm lương tâm thanh thản!

Nếu Kinh Kim Cương làm tôi xúc động đến vậy, thì đó là vì nó cho thấy lòng vị tha đòi hỏi tấn công trực tiếp và nguyên nhân của khổ. Bôi dầu lên vết thương thì chưa đủ, đó chỉ là sự xoa dịu chốc lát cái đau và miệt mài nửa vời với lòng quảng đại. Trái lại, tất cả chúng ta được kêu gọi làm việc lâu dài, làm hết sức mình để khổ sở tiêu tan. Và việc thiện có lớp lang bắt đầu từ chính mình. Làm sao dám từ tâm khi mà, từ sáng đến tối, đầu tôi như bị kẹp giữa gọng kềm? Giúp đỡ là nhận ra ngọn ngành những giày vò của ta: ảo tưởng, những thành kiến, tham lam, chấp trước… Cái không cản trở thì cũng đồng thời cải thiện hoàn cảnh vật chất, làm với cái đau thể xác. Phúc Âm, trong khi khuyên ta sửa mình và thể nghiệm tình yêu, cho một cái đà lạ lùng để bắt tay vào băng bó những vết thương của người chịu khổ. Và các đạo sư của nhiều truyền thống khác nhau nhắc ta rằng, nếu ta vẫn mãi xa rời nội tâm, lưu đày biệt xứm ta tất sẽ bất mãn.

Ở Kathmandu, trong thư viện của anh, anh Matthieu, tôi đã gần chứng nghiệm được sự hiện diện của Thượng Đế. Tôi rung rưng nước mắt và trái tim đầy sự biết ơn khi một thầy tu đã nhận thấy là cây thánh giá mà tôi gần như luôn mang theo bên mình rơi dưới đất trong phòng. Với lòng tôn kính vô hạn, thầy nhặt cây thánh giá để lên bàn đầu giường và nói với nụ cười hết mực dịu dàng: “Hãy chăm chút cho cái này và cầu nguyện nhiều hơn nữa”. Tôi hiếm khi thấy một sự khoáng đạt khai sáng như vậy. Ta xa những tranh luận giáo điều, đảng phái, những ngục tù. Và còn món quà nào đẹp hơn là khuyên người khác trở thành con người thật sự của họ trong thâm sâu! Nhờ anh, tôi cũng được gặp một thầy tu khác, với lòng nhân từ vô biên thầy đã tổ chức một buổi lễ chữa bệnh. Sự tử tế của thầy, lòng tốt trong cái nhìn của thầy, sự khôn ngoan vô cùng đã dẫn tôi thẳng tới tận sâu thẳm nhất. Không đâu khác tôi cảm thấy sống động như vậy cái cần thiết phải đọc thầy Eckhart để gạn lọc tim mình. Tôi hiểu rằng mình cần từ bỏ bản ngã để hợp nhất với Thượng Đế. Còn bằng chứng nào huy hoàng hơn về những lợi lạc của sẻ chia, bao dung và làm giàu lẫn nhau! Thật ra, hai thầy tu ở Nepal đã làm tôi đến gần đức tin ở Kitô. Ta có thể cho ai đó quà cáp phủ phê, nhưng không gì quý hơn là đi cùng họ đến tự do và hoan hỷ. Nếu trong hành động vị tha, bản ngã biến mất, thì đó không phải cái tôi của một Phật tử, một tín đồ Thiên Chúa giáo hay một người bán tạp hóa ở góc đường thực hành lòng quảng đại, mà là trái tim ở trạng thái trần trụi.

Làm sao từ đó ta trang bị cho mình khả năng thu hồi tính ái kỷ để từ đó đẩy ta tới chỗ nhân rộng những việc tốt nhằm khôi phục giá trị đẹp nhất? Cái mạo hiểm, là mải mê với lòng quảng đại để xứng đáng với trời hay tẩy nghiệp của mình. Từ đó đến công cụ hóa người khác, biến họ thành phương tiện tiến thân, dẫu họ có thể tan nát giữa đường, chỉ có một bước và có thể vượt qua rất nhanh. Jesus kêu gọi chúng ta yêu thương không tính toán những ai vẫn còn bên ngoài tim ta: những cô gái điếm, những quan thu thuế, hay chỉ là những người tôi không ưa. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong Phúc Âm, Kitô không rao giảng để biện minh cho khổ. Ngài giúp một cách cụ thể, ngài chữa bệnh. Về chuyện này, lời lẽ ba hoa và không hành động sẽ là tội ác.

MATTHIEU:

Tôi đã ngạc nhiên khi đọc một bài phỏng vấn mẹ Teresa – mẹ là một trong những nguồn khích lệ chính cho tôi khi chúng tôi bắt đầu các dự án nhân đạo. Mẹ nói rằng mẹ hiến đời mình để làm vơi khổ của kẻ khác, nhưng mẹ không có khát khao diệt khổ trong chính mình, vì Thượng Đế đã cho phép mẹ tồn tại. Vì lẽ, làm sao mẹ có thể nổi loạn chống lại ý muốn của Thượng Đế mà mẹ yêu quý như vậy? Điều này hoàn toàn logic theo quan điểm của mẹ và tương hợp với một sự tận tụy bền bỉ với mỗi con người chịu khổ. Lập trường của đạo Phật có hơi khác, vì khổ ở đây không được xem là chấp nhận được trong tự thân. Không chỉ cần phải chữa khỏi khổ bằng mọi phương tiện có thể được, mà còn, một cách lý tưởng, tìm phương tiện để diệt khổ.

Mỗi phút giờ, con người bị tàn sát, tra tấn, đánh đập, cắt xẻo, xa lìa người thân. Những người mẹ mất con, con mất cha mẹ, người bệnh lũ lượt triền miên vào bệnh viện. Số thì bệnh không hi vọng được chữa, số thì được chữa nhưng không còn hi vọng lành. Những người chờ chết chịu nỗi đau hấp hối còn người sống khổ nỗi tan tóc. Tất cả những điều này chẳng phải là không mong muốn hay sao? Do vậy cần tính đến cái mong ước của mỗi con người thoát khổ, và lần dò khổ đến tận cùng gốc rễ của nó.

Nếu khổ tuyệt không phải đáng mong muốn, điều này không ngăn ta dùng nó, khi nó có đó, để tiến bộ một cách nhân văn và tinh thần, để tập không tan nát vì các sự kiện đau long, cũng như để làm tăng trưởng lòng nhân ái và từ bi. Chịu đựng bệnh tật, thiệt thòi, thù ghép, phản bội, phê bình hay thất bại đủ loại không có nghĩa là các sự kiện này không tác động đến ta, hay ta đã diệt trừ được chúng, mà là chúng không gây cản trở được ta tiến tới tự tại bên trong.

ALEXANDRE:

Làm sao sống sót ra khỏi vấn đề gai gốc là sự tồn tại của cái ác? Làm sao không tránh né nó mà không nương náu trong những niềm tin nguy hiểm? Trên mảnh đất đầy mìn này, dứt khoát cần im miệng. Và nhất là không tầm thường hóa khổ bằng những giải thích khập khiễng, những biện minh kinh khủng. Tôi tin vào một Thượng Đế tử tế, vậy mà ngày nay, tôi thấy trên đời này vô vàn bất công, một sự tàn bạo không thể tha thứ. Cả lô lốc nỗi khổ mà ta gom góp hứng chịu mỗi ngày, những bất bình đẳng cứ ngày càng thêm đáng phẫn nộ dày vò thế giới buộc tôi phải xóa sạch mọi thứ tôi phóng hóa lên Thượng Đế và không dùng tôn giáo làm chỗ dựa, một thứ xoa dịu. Về lòng nhân từ, mẹ Teresa đã đạt đến những đỉnh cao cho dù ta không cần lý tưởng hóa nữ thánh này, đức đạt lai lạt ma, hay ai đi nữa… rất cụ thể, vấn đề là gạt qua các nhãn hiệu chúng ta khoác cho Thượng Đế và ngừng nói thay cho ngài. Có lẽ về cơ bản ta không biết nhiều chuyện đó. Vậy thì tại sao nhìn đâu cũng thấy ngự trị cái có đi có lại, trừng phạt và bù đắp? Chúa Thượng Đế không phải một con bò cho sữa, nói theo lời của thầy Eckhart. Đừng biến Thượng Đế thành một biếm họa con người, rất con người. Sự khổ tu, cải hóa đòi hỏi từ bỏ tất cả, kể cả những sơ đồ trong óc ta.

Dù có thế nào, để theo gương đức Jesus, trước hết là phó mặc cho thiên ý và yêu thương đồng loại, đỡ đần họ đến cùng. Kitô đã cho một tấm gương sáng chói về điều đó, ngài chữa trị, an ủi, giải thoát những ai oằn mình dưới gánh nặng. Không bao giờ ngài đưa ra những bài học biện thần, không bao giờ ngà xúi buông tay hay chấp nhận cái khổ trao tay.

Nói một cách triết lý, cần phân biệt rõ, như Leibniz, cái xấu siêu hình học, có nghĩa là sự bất toàn của thế giới, và cái xấu vật chất, như là khổ. Bệnh tật, già lão, động đất, cái chết là những thảm kịch làm cho phân thân phận con người thật mong manh. Từ lúc lọt long, một con người đã lãnh trọn đòn vô thường và hiểm nguy. Và điều này không dừng lại ở đó, còn có, như triết gia Đức đã nhấn mạnh, cái xấu đạo đức, ác độc, ích kỷ, bất công, nghèo khổ, loại trừ và vô vàn giày vò có thể tàn phá một con người. Nếu ta tác động được rất ít đến những thử thách không thể tránh khỏi gắn liền với hoàn cảnh của mình thì ta cũng có khả năng hạn chế tổn hại mà sự ích kỷ của mình gây ra. Epictetus, trong cuốn Sổ tay, khuyên chúng ta phân biệt rõ cái phụ thuộc vào ta với cái không phụ thuộc. Nếu tôi phí sức trong những trận đánh vô ích, làm sao tôi có thể cống hiến thân xác tâm hồn cho các trận chiến xoa dịu thật sự, cái thật sự đẩy lùi cái khốn khổ, bất ổn?

Câu hỏi “Tại sao, nếu Thượng Đế nhân từ, cái xấu vẫn tồn tại?” Chưa bao giờ ngừng tiết lộ cái bi của tồn tại, các bấp bênh cực kỳ của nó và những giới hạn lý trí của tôi. Nếu tôi bắt đầu băn khoăn có phải Thượng Đế cho phép, muốn, hay thậm chí mong tôi khuyết tật, chắc chắn tôi làm hỏng đời mình mà không tiến lên được tấc nào. Suy cho cùng, cái nhìn của ta về Thượng Đế mới là cái ta nên xem lại: có phải ngài là một tên vua chuyên chế, một quan tòa chỉ biết trừng phạt, một kẻ phân phát tự động, một người sửa sai, một kẻ bàng quan nhìn chúng ta vẫy vùng trong bùn? Có nhiều biếm họa đến mức cần xóa sạch để từ bỏ từng ảo tưởng một mà đi vào tận cốt lõi. Mà thành kiến thì rất dai dẳng. Ý niệm nghiệp được giải thích vội vàng cũng có thể dọn chỗ cho một thuyết định mệnh tai hại, một miêu tả thế giới mà những kẻ khốn khổ chỉ còn biết trôi dạt trong vũ trụ không thương xót cũng không tha thứ và ở đó những đặc quyền, thậm chí là sự lạm dụng của kẻ mạnh, là hợp pháp. Dứt khoát là không làm cạn được cái bí ẩn vượt quá chúng ta. Tóm lại, cái bí ẩn nè nặng về sự tồn tại cái ác sinh ra cái bất lực trong lý trí của tôi. Và không lúc nào tôi cảm thấy cần chỉ ngón tay tố cáo một Đấng Sáng Tạo, cũng không biện hộ cho ông ta. Luôn có một vực thẳm khoa học luận giữa Thượng Đế và con người. Điều đó không cản trở cả hai, trong từng phút giây, hợp nhất sâu xa. Trước cái đau, nói dông dài là tàn nhẫn khi mà nên hành động không chậm trễ, làm vơi nỗi đau, chống lại bất công và tấn công thói ích kỷ, thói dửng dưng toàn cầu, như đức giáo hoàng francis nói.

Dọc đường, cuốn sách đáng nể của Marion Muller-Colard, Thượng Đế khác: Phàn nàn, dọa nạt và ân sủng, giúp tôi rất nhiều trong việc gỡ cho Thượng Đế cái vai trò đấng siêu bảo hộ. Dần dà, tôi học cách yêu ngài không vì lẽ gì, như kinh của thánh job nói, không còn biến Thượng Đế thành một thứ bảo hiểm nhân thọ, một thực thể can thiệp vào những lắt léo của tồn tại để loại trừ cái bi khỏi đời ta. Thượng Đế không có thiên chức chải chuốt cho tôi và lúc nào cũng để tâm đến tôi, hay theo hướng dẫn nỗi sợ cứ thường lôi kéo tôi. Suy cho cùng, đi đến với Thượng Đế khác là ra khỏi một đầu óc kiểu chuyên viên kế toán, chạy trốn các suy nghĩ ấu trĩ để dám yêu và sống không vì lẽ gì. Không, tôi chưa ký hợp đồng bảo hiểm với Thượng Đế , đó là một mối quan hệ hoàn toàn vô vụ lợi, ngài không nợ tôi gì cả và khổ, bất công vẫn là một dấu chấm hỏi không làm hoen ố sự tin tưởng của tôi mà cũng không vì vậy gây mê cái mong muốn sống động là nổi loạn, dấy loạn chống lại bất công nơi nó hoành hành. Hạnh phúc là một ân sủng, món quà, không phải món nợ. Và, từ khi tôi thôi tìm một tội đồ về mọi thứ xấu xảy ra với tôi, tôi khỏe khoắn hơn nhiều.

CHRISTOPHE:

Có hai câu nói hướng dẫn tôi trong công việc riêng về lòng vị tha. Trước hết là của Martin Luther King, ông nói: “Vấn đề lâu dài và cấp bách hơn cả của đời sống là hôm nay anh đã làm gì cho tha nhân?” Ta cần tự vấn mình điều đó mỗi ngày, mỗi tối. Và ta cần phải trả lời được. Rồi còn câu đặc biệt này của Christian Bobbin, mà tôi đã nêu: “Dù người ta gặp là ai, hãy biết rằng họ đã đi qua địa ngục nhiều lần rồi”. Nói cách khác, ta cần nhớ rằng mọi con người đều khổ, ngay cả tay tỉ phú ngồi trong chiếc limousine. Chúng ta có một nhiệm vụ từ tâm, ngay cả với những người dường như không cần đến nó, hay không xứng đáng.

Nói chung, tôi thấy dường như từ tâm cần phải là thái độ liên hệ “mặc định” của ta, như các nhà tin học nói. Tiếp đến, ta chỉnh lại những tâm ý của mình, những kỳ vọng; ta có thể lùi lại, rút lời hay cho them, nhưng đó là điểm xuất phát tốt hơn cả để thực hiện một lựa chọn đích thực của con người đích thực.

——-

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI CỦA LÒNG VỊ THA
  2. HẠNH PHÚC, NIỀM VUI

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU