HẠNH PHÚC, NIỀM VUI

ALEXANDRE JOLLIEN CHRISTOPHE ANDRE MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống; Thiên Nga dịch; NXB Hà Nội.

CHRISTOPHE: Là người hướng nội trầm tĩnh, từ lâu tôi vốn ngờ vực niềm vui vì tôi thấy rằng nó có thể kéo ta đi quá xa, rằng nó rất gần với sự háo hức và ngây ngất. Trái lại, tôi thấy hạnh phúc dường như là một cảm xúc tích cực vô cùng dễ chịu. Hạnh phúc có hai lợi thế so với niềm vui. Nói chung, nó không đẩy đến chỗ náo nức, và nó kín đáo; vì nó tập trung vào bên trong hơn, do vậy nó không làm phật ý người khác. Sau đó, tôi đã xem lại cách phân loại này và tôi thấy rõ là niềm vui, ở khía cạnh lây lan, ngẫu hứng, có thể đem lại cho người khác rất nhiều điều. Khi người ta yêu thương vui vẻ, ta sẵn lòng để mình vui lây.

ALEXANDRE: Nếu tôi thiết tha với niềm vui thì đó là vì tôi thấy nó có vẻ đơn giản hơn, dễ có hơn là hạnh phúc. Tôi có cảm tưởng là câu mệnh lệnh “Hãy hạnh phúc bằng mọi giá” bỏ lại không ít người bên vệ đường. Tôi thấy niềm vui khiêm nhường hơn, gần với những cái yếu kém của chúng ta hơn. Tôi cũng có thể đạt tới đó dẫu tôi chịu những cơn đau kinh niên hay đang chịu tang. Không có gì nặng nề khi đi theo tiếng gọi của nó. Ngay cả người vất vả từ sáng đến tối cũng có thể cảm nhận được nó. Sao lại đánh đồng niềm vui với sự bồng bột, sự phiến diện, trong khi trước hết nó là một tiếng “vâng”, một sự bằng lòng sâu xa và đích thực với thực tế như nó diễn ra? May sao, Spinoza nhắc rằng niềm vui là đoạn đường con người đi từ sự hoàn thiện ít đến sự hoàn thiện nhiều hơn. Mỗi lần cuộc sống giành được đất, mỗi khi tôi tiến bộ, niềm vui làm tôi nở tấm lòng. Một bước nữa thôi thì dứt khoát là bản ngã sẽ bùng vỡ. Trong Ngày thứ tám trong tuần, Christian Bobin gợi lên một niềm vui sơ đẳng của vũ trụ, mà ta làm tăm tối đi mỗi khi ta vời là ai khác, hay biết điều gì đó”.

MATTHIEU: Tôi có cảm tưởng là chúng ta đồng ý với nhau về cơ bản, nhưng chúng ta cho các từ “vui” và “hạnh phúc” nghĩa khác nhau một chút. Đạo Phật mô tả một hạnh phúc sâu xa, trong tiếng Phạn là sukba, nó thấm nhuần và nằm bên dưới mọi kinh nghiệm của ta, dù đó là niềm vui hay nỗi đau, nó đồng thời còn là một trạng thái sáng suốt đã vượt ra ngoài những độc tâm và nhận thấy chân tánh của vạn sự. Nó có liên hệ chặt chẽ với việc hiểu sự vận hành của tâm. Niềm vui, ananda, phần nào là sự tỏa sáng từ sukba. Nó đong đầy lạc phúc cho phút giây hiện tại và, khi nó ngày càng thường xuyên hơn, tạo nên một thể liên tục mà ta có thể gọi là “niềm vui sống”.

Một số nhà tâm lý học đã khẳng định là không thể hạnh phúc trong tù, vì theo họ, hạnh phúc mà ta nếm trải trong tình cảnh như vậy là vô lý. Vậy mà có một người Mỹ, Fleet Maul, bị kết án nhiều năm tù vì một vụ buôn ma túy. Anh ta sống lâu ngày trong một xà lim không có cửa sổ và đông đúc, ở đó lúc nào cũng ồn ào. Chính trong hoàn cảnh cực kỳ khó chịu như vậy anh ta bắt đầu thiền nhiều giờ mỗi ngày. Mới đầu, anh ta thấy vậy khó quá – ta dễ hiểu điều đó – nhưng anh ta kiên trì. Hết tám năm, anh ta đã hoàn toàn tin chắc hiệu quả của tu tập, sức mạnh chuyển hóa của lòng từ bi và chuyện bản ngã không có thực tính.

Một hôm, anh ta được gọi đến đầu giường một tù nhân khác sắp chết là bạn anh ta và trong năm ngày, anh ta có mặc bên người kia lúc hấp hối.  Sau sự kiện này, anh ta cảm thấy thường xuyên hơn một sự tự tại và niềm vui bao la. Tự tin bên trong dẫn anh ta đến chỗ chứng nghiệm cái gì đó không thể hủy diệt, độc lập với hoàn cảnh, trong khi hoàn cảnh của anh ta khó mà chịu nổi. Tôi nghĩ rằng vấn đề là sukba, nó là một cách sống và nhận biết thế giới lâu bền hơn là một niềm vui thoáng qua.

ALEXANDRE: Tôi hoàn toàn thán phục những người vui vẻ bền chí bất chấp những đòn của số phận. Nghèo khổ, bất công, bệnh tật, không có tiếng nói quyết định. Cái bí ẩn này, niềm hy vọng này đáng để cả thiên hạ bàn đến. Cảm nhận được một niềm vui đích thực tức là phát hiện ra trong tất cả mọi thứ một dịp để giải thoát, đi lên và có lẽ thậm chí là vui mừng. Sự sẵn sàng bên trong này, cái hy sinh khiêm nhường và sâu thẳm vô cùng này vượt xa cái cảm giác thuần túy. Đây không phải là một tiếng hô vang cảm thán ngây thơ mà là một sự tán thành thẳng thắn, bình yên, một cái “vâng” thận trọng với thực tại. Tôi thấy vui vì thánh Paul biến niềm vui thành hoa trái của tinh thần, việc niềm vui vẫn là thứ những người trần trụi nhất chạm tới được làm tôi mừng và thấy an ủi vô bờ. Chúng ta không nên tôn sùng các cảm xúc – điều này chứng tỏ chúng ta vẫn còn chấp trước vào chúng. Ta cần du hành tay không.

MATTHIEU: Mỗi người biểu đạt bản thân bằng những từ có một nghĩa nào đó đối với họ. Nhưng tôi thấy hình như niềm vui Alexandre nói tương ứng với cái người khác mô tả là một sự tự tại bên trong cho phép họ đối mặt nghịch cảnh.

CHRISTOPHE: Tôi chỉ thấy khó chịu vì sự phân chia thứ bậc – “niềm vui thì hay hơn là hạnh phúc” hay “hạnh phúc thì hay hơn niềm vui. Mọi cảm xúc tích cực, niềm vui, hạnh phúc, xảy đến khi ta cảm thấy có liên hệ hài hòa với thế giới, trong khi đó thì các cảm xúc tiêu cực luôn là cái đánh dấu sự đoạn giao giữa thế giới và ta, dù đó là giận dữ, buồn bã hay sợ hãi. Niềm tin sâu xa của tôi là, đối với những người bình thường như chúng ta, và không kể vài hiền triết, thì niềm vui, hạnh phúc, tình yêu nhất định là những trạng thái không bền, ta không cảm thấy theo cách lâu dài. Thật ảo tưởng khi muốn cất chúng vào hộp. Cần chấp nhận một lần cho xong cái ý rằng chúng ta là những người làm thời vụ của hạnh phúc, niềm vui, tình yêu, và điều đó hoàn toàn bình thường. Vì vậy mà cần chú tâm làm cho chúng nảy sinh đều đặn trong đời ta. Ta cần cả hai: khi tôi hạnh phúc, tôi thấy như tôi hòa giải với quá khứ và tương lai, trong khi đó thì niềm vui làm tôi neo chặt vào hiện tại, và cho tôi mọi thiện ý tôi cần để sống phút giây này.

ALEXANDRE: Ý niệm vô thường chữa khỏi rất nhiều giày vò. Và cái ý là một người làm thời vụ của hạnh phúc có tính an ủi vô cùng. Khi ta chịu buông tay không còn bám víu vào bất kỳ thứ gì thì ta mới có thể từng bước thoát ra khỏi những giằng co, bất ổn. Đối với người đau khổ mỗi ngày, thật khích lệ khi thấy rằng không yếu đuối, mệt mỏi, bệnh tật hay khuyết tật, tóm lại là không có sự khiếm khuyết nào trên đời ngăn cấm được niềm vui. Bài tập thích hợp là dám có thái độ vô chấp trong mọi lúc. Mọi sự đều phù du, ngay cả bất ổn. Và lời của Spinoza nói lên cái cốt lõi và tôi dùng làm cương lĩnh: “Hãy làm cho tốt và cứ vui vẻ.”

MATTHIEU: Hạnh phúc đóng hộp là ảo tưởng rằng ta có thể kéo dài vô tận một kiểu ngây ngất thường trực, theo cách nói của Pascal Bruckner, dựa trên hoàn cảnh, trong khi đó thì về bản chất, kiểu hạnh phúc này chỉ có thể phù du và mong manh. Có lẽ ta có thể nói rằng niềm vui liên quan đến tính chất của giây phút hiện tại, còn hạnh phúc, sukba, liên quan đến một cách sống lâu dài tương ứng, theo một cách nào đó, với điểm cân bằng bên trong chúng ta. Một trạng thái mà, như Bernanos nói, “không gì làm biến tính được, như những vùng nước bao la bình lặng, bên dưới bão tố”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?
  2. VUI THAY, CHÚNG TA SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG VỊ THA KHÔNG NHÃN HIỆU
  2. NIỀM VUI CỦA LÒNG VỊ THA

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN