CÂN BẰNG

DEAN CUNNINGHAM

Trích: Sống sáng suốt-Pure Wisdon; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch; NXB Trẻ

Thật khôi hài. Khi gặp một điều gì tốt đẹp, chúng ta dễ cho rằng cuộc sống là tất cả những gì liên quan tới điều đó. Ví dụ như khi tìm được một công việc mơ ước thì chúng ta nghĩ rằng cuộc đời là tất cả mọi thứ xoay quanh công việc này. Chúng ta nhận thấy các lợi ích của việc tập thể dục, nên cho rằng cuộc sống mà không có thể dục thì hỏng hết. Được nhiều người khen mái tóc mới, ta liền nghĩ đời chả có gì quan trọng hơn kiểu tóc của mình.

Tuy nhiên, để có được lợi ích cao nhất, mọi thứ bạn thực hiện trong đời đều phải được cân bằng. Bởi nếu đi tập thể dục bảy ngày trong tuần, sớm muộn gì bạn cũng bị đuối sức. Nếu làm việc một trăm giờ mỗi tuần, bạn sẽ sớm kiệt quệ. Còn nếu ngày nào cũng cắt tóc, chẳng bao lâu bạn sẽ phải đội tóc giả. Nói một cách đơn giản: để đạt được thành quả cao nhất trong cuộc sống, bạn cần thời gian để phục hồi và không gian để phát triển.

Trong môn karate, tôi thường xuyên nhận thấy sự mất cân bằng. Người ta nghĩ rằng nếu họ luyện tập nhanh hơn, mạnh hơn và lâu dài hơn thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Xét theo một khía cạnh nào đó thì họ đúng – bạn phải chăm chỉ thì mới thành công. Nhưng họ quên mất một bài học căn bản: nếu muốn tiến tới thật mạnh mẽ, bạn cần có sự ổn định vững vàng. Khi còn là một đứa trẻ, bạn không thể tập xe đạp mà không có hai bánh nhỏ hỗ trợ hai bên hoặc một cánh tay nâng đỡ. Bạn cần có sự thăng bằng để tiến về phía trước. Điều đó áp dụng vào mọi mặt trong đời sống. Không có thăng bằng, không có tiến triển.

Nhưng cũng đừng để xảy ra bất ổn trong việc giữ thăng bằng. Bạn thấy đấy, khái niệm này thường bị hiểu lầm. Nhiều người cho rằng luôn có một phương cách trung dung mà lúc nào họ cũng kiểm soát được. Và nếu bạn không có được sự trung dung này, có nghĩa là bạn đang thực hiện sai một điều gì đó. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta luôn trong trạng thái thăng bằng và mất thăng bằng. Nếu bạn đứng trên một chân, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn luôn cần phải điều chỉnh tư thế để không bị ngã. Trong cuộc sống cũng vậy, bạn luôn phải điều chỉnh tư thể để luôn ở đúng vị trí bạn muốn.

Vậy nên, thay vì cố gắng liên tục để cân bằng mọi lĩnh vực trong cuộc sống, hãy thừa nhận là đôi khi bất cứ điều gì quan trọng, hay cần được thực hiện thật tốt, đều đòi hỏi bạn phải toàn tâm toàn ý với nó và khiến bạn mất cân bằng. Có khi nó chính là đứa con mè nheo, hoặc người bạn đời đang đau khổ, và thế là công việc của bạn lãnh đủ. Lúc khác có thể đó là một dự án quan trọng khiến bạn xao lãng với ngoại hình của mình và các mối quan hệ. Bạn thấy đấy, sự cân bằng không phải là một trạng thái bất biến. Luôn có những lúc bạn phải điều chỉnh giữa bổn phận và đam mê riêng.

Hãy hiểu: nếu bạn mất thăng bằng thì cũng chẳng có gì sai, miễn là bạn có thể quay lại. Nhớ cẩn thận đừng để mất thăng bằng lâu quá – bạn có thể quên mất sự khác biệt. Hay nói cách khác: Quá nhiều điều tốt đẹp sẽ làm bạn ngấy. Tuy nhiên cảm giác ngấy có thể chẳng mấy chốc sẽ bắt đầu là chuyện bình thường.

Nhưng không chỉ có vậy. Thăng bằng không chỉ gói gọn trong hành động, nó còn về hành vi. Ví dụ một cuộc sống lành mạnh đòi hỏi chúng ta phải biết cân bằng ước muốn thay đổi với việc chấp nhận mình là ai ngay tại thời điểm này. Chúng ta cần phải cân bằng giữa trạng duy trì và buông lỏng. Và nó đòi hỏi chúng ta phải cân bằng kỷ luật bản thân với sự tự do và tính tự phát. Nói ngắn gọn: chìa khóa cho cuộc sống tốt hơn, lành mạnh hơn và thành công hơn đơn giản chỉ là thế – sự cân bằng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRỞ NÊN CÂN BẰNG VÀ BÌNH THẢN HƠN
  2. TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG BÊN TRONG QUAN TRỌNG HƠN VẺ BỀ NGOÀI
  3. TRÍ THÔNG MINH VÀ KỸ NĂNG TƯ DUY

Bài viết khác của tác giả

  1. KHI BẠN CHO ĐI …
  2. SỰ BÌNH YÊN
  3. THA THỨ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG