TRỞ NÊN CÂN BẰNG VÀ BÌNH THẢN HƠN

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

Tất cả các vị thầy Phật giáo, tôi không phải ngoại lệ, đều chỉ ra rằng toàn bộ hạnh phúc cũng như bất hạnh của chúng ta khởi lên từ tâm. Khi ta tìm kiếm hạnh phúc và sự chấm dứt đau khổ, nơi duy nhất để tìm là trong tâm. Bên trong mỗi người đều chứa dựng tất cả những gì mình cần cho niềm vui, hạnh phúc, trí tuệ, sự thư thái và an bình của bản thân. Không có lý do gì lại nhìn tới những thứ bên ngoài hay bất kỳ nơi nào khác. Khi thật sự nắm lấy suy nghĩ này thì chẳng còn gì phải sợ. Chúng ta sẽ thật sự giải thoát.

Khi vẫn chưa đạt tới cấp độ an tĩnh tâm linh này, ở bình diện nào đó ta luôn chịu sự định đoạt của hoàn cảnh bên ngoài. Ta sẽ tiếp tục bị tác động bởi mọi hoàn cảnh dù lớn hay nhỏ. Các kinh sách Tây Tạng về chuyển hoá bất hạnh thành con đường tâm linh nói rằng “tóc ta bị quấn vào cây”, nghĩa là ta bị trói buộc trong những hoàn cảnh bên ngoài, chúng chi phối và khiến ta rối trí. Trong một bài thi tụng dài, Dudjom Rinpoche viết: “Cầu cho tôi quấn quanh đầu sợi dây dẫn dường, sợi dây ấy buộc vào chính mũi tôi”, nghĩa là cầu cho chúng ta thực chứng sự tự chủ, không phải lúc nào cũng phó mặc cho những thứ bên ngoài mình.

Các thầy tôi thường nhắc nhở rằng chướng ngại và vấn đề có thể được coi như sự may mắn, không nên tránh né. Các khó khăn giúp ta thoát khỏi sự dính mắc tới việc mình muốn mọi thứ như thế nào. Nói ngắn gọn, chúng giúp ta thoát khỏi những tưởng tượng khiến không nhận thức được niềm vui của giác ngộ, hạnh phúc của cái đang là. Với cách tiếp cận này, ta thấy mình có khả năng nhìn nhận, trân trọng những bài học và cơ hội trong mỗi trải nghiệm. Điều này đúng cho cả trải nghiệm tích cực lẫn tiêu cực. Ta thường sợ hãi, lo lắng về những trải nghiệm tiêu cực, do vậy không thể thu được những bài học dành cho ta ở đó. Cũng vậy, ta có thế dễ dàng bỏ qua, chối bỏ những hạnh phúc, những niềm vui giản dị hàng ngày trong đời mình.

Chẳng hạn, nhiều người truy cầu tâm linh ngày nay phàn nàn về mức độ căng thẳng mà họ phải chịu do các áp lực của kế hoạch công việc và trách nhiệm. Thông thường, sự căng thẳng này là do những yêu cầu ta tự đặt ra cho mình, rằng phải trở thành những cha mẹ tốt hơn, những bạn bè, bạn đời, nhân viên, ông chủ, hàng xóm tốt hơn hay nói ngắn gọn, thành những người tốt hơn. Có lẽ thay vì coi những bổn phận của mình như gánh nặng, ta có thể đưa chúng vào thực hành tâm linh bằng một lời cầu nguyện nhỏ, nhấn mạnh sự toàn tâm hướng tới tuệ giác và tính thiện của tâm chứa dung trong Bồ đề tâm quý báu.

Chúng ta tu dưỡng, tăng cường ý nguyện trắc n của bản thân: làm điều thiện và giúp người khác thay vì gây hại cho họ. Khi yêu thương và quan tâm tới bản thân, tự nhiên ta sẽ ngày càng học được nhiều hơn cách mở rộng bản thân tới người khác, bởi lẽ họ thật sự không khác lắm so với ta. Đây là cách mỗi người chúng ta có thể chuyển hóa và sửa đổi phần lớn hành vi ích kỷ, chấp ngã của mình, ngày càng là người kiến tạo hòa bình, người mang tình yêu, ánh sáng ở mỗi nơi mình tới.

Chúng ta ai cũng mong cầu sự hạnh phúc, sự che chở và toàn vẹn về tâm linh. Tuy nhiên, thường ta không hiểu rõ có biết bao hạnh phúc mà mỗi người vốn có sẵn trong mình, trong cuộc đời mình. Hãy nhớ tới lời nhắc nhở tâm linh xưa cũ, “Bạn có nhiều may mắn lắm đấy” để đừng bỏ qua tất cả những gì mình một người kiến tạo hoà bình, người mang tình yêu, đã được trao. Ngoài ra, ta có thể thực hành trao sự may mắn cho chính mình, cho hy vọng và lý tưởng của mình; ta có thể tự do trao sự may mắn cho người khác bằng cả trái tim. Ta cần vượt qua mọi khuynh hướng keo kiệt với sự may mắn, nhầm lẫn cho rằng may mắn đến từ một người khác. Mỗi người chúng ta là một người may mắn – bạn cũng vậy!

Nếu nhìn vào mọi thứ mình đang trải nghiệm – dù tốt hay xấu – với cái nhìn thiêng liêng và sự nhận biết không phán xét, ta sẽ thúc đẩy hơn nữa sự trưởng thành tâm linh của riêng mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG – SỐNG TRONG PHÁP HOA
  2. CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG – SỰ SỐNG BẤT TỬ
  3. MỌI THỰC HÀNH PHÁP ĐỀU BẮT ĐẦU VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG