CÂU CHUYỆN VỀ CÁI CHẾT THỜI NAY

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh  Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Chân Huyền; NXB Hội Nhà Văn.

Vào đầu thập niên 1990, trên đường tới trung tâm Omega thuộc tiểu bang New York để hướng dẫn một khóa tu, tôi nhận được tin một người bạn cũ đang nằm hấp hối trong bệnh viện ở ngay phía Bắc thành phố New York. Ông ta tên là Alfred Hassler. Ông đã từng là giám đốc Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation). Trong những năm 1966-1967, ông và tôi thường đồng hành đến nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Sau này, trong giai đoạn tôi không được phép trở về xứ nữa, tôi đã nói cho thế giới biết về các hành động vi phạm nhân quyền của cả hai miền Nam Bắc Việt. Hassler đã thay tôi qua Việt Nam để điều hợp các công việc tại đó. Ông giúp các bạn tôi dựng những khu trại giúp nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau nuôi khoảng 8 ngàn trẻ mồ côi. Khi tôi tới Mỹ vào năm 1966, hội Thân hữu Hòa giải đã tổ chức các buổi nói chuyện cho tôi.

Khi cô Chân Không và tôi tới bệnh viện, Alfred đã hôn mê. Vợ ông là Dorothy và con gái Laura của ông có mặt bên ông. Laura là người đã làm việc tình nguyện cho phái đoàn Phật giáo Hòa Bình cùng với chúng tôi khi cô còn rất trẻ.

Khi Dorothy và Laura nhìn thấy chúng tôi, họ rất sung sướng. Laura ráng gọi để cha cô tỉnh lại: “Ba ơi, Thầy tới này – Cô Chân Không có đây này!” Nhưng Alfred không tỉnh lại, ông vẫn chìm trong cơn mê. Tôi bảo cô Chân Không hát cho ông ta nghe. Người sắp chết vẫn có khả năng nghe, dù ta không thấy được điều đó. Cô Chân Không bắt đầu hát: “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt”. Cô hát lại lần thứ hai, lần thứ ba. Giữa hai lần sau này, Alfred tỉnh lại, mở mắt ra.

Laura rất sung sướng, cô bé gọi: “Ba, ba biết Thầy có đây không? Ba có biết Sư cô Chân Không cũng có đây không?”. Alfred không nói được tiếng nào. Nhìn vào mắt ông chúng tôi hiểu là ông biết chúng tôi đang có mặt. Cô Chân Không bắt đầu nói chuyện với ông về những kinh nghiệm hoạt động chung của chúng tôi cho hòa bình Việt Nam. “Alfred, ông nhớ thời gian ông ở Sài Gòn và ráng gặp thầy Trí Quang hay không? Hoa Kỳ đã quyết định thả bom Hà Nội ngày hôm trước và thầy Trí Quang giận quá nên nói là sẽ không gặp một người Tây phương nào nữa, dù họ là bồ câu hay diều hâu”.

“Khi ông tới, thầy không mở cửa. Alfred, ông có nhớ đã ngồi ngoài cửa viết một đoạn ngắn: ‘Tôi là bạn, không phải kẻ thù, tới để giúp cho cuộc chiến sớm chấm dứt trên xứ Thầy. Tôi sẽ không ăn hay uống gì hết cho tới khi Thầy mở cửa cho tôi’. Ông đã đẩy thư qua khe cửa, Alfred, ông nhớ không? Ông đã nói sẽ ngồi đó cho tới khi cửa mở. Ông nhớ chứ? Chỉ mười lăm phút sau, thầy Trí Quang mở cửa, miệng cười tươi để mời ông vô phòng… Alfred, ông có nhớ không? Khi ở La Mã, có một đêm không ngủ của ba trăm tu sĩ Thiên chúa giáo, mỗi người mang tên một vị sư Việt Nam đã bị tù vì không chịu gia nhập quân đội.”

Sư cô Chân Không tiếp tục nói với Alfred về những niềm vui mà chúng tôi đã cùng trải qua khi vận động hòa bình cho Việt Nam. Chuyện này có hiệu quả thật mầu nhiệm. Cô ráng làm như thầy Xá Lợi Phất đã làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô cố gắng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc cho Alfred. Niềm vui của ông là lý tưởng phụng sự hòa bình và chấm dứt khổ đau cho người khác. Khi những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm, trong ông có sự thăng bằng về khổ và vui, nên ông tỏ ra bớt đau đớn.

Trong khi đó tôi thoa bóp chân Alfred. Tôi nghĩ là một người hấp hối có thể không có ý thức gì mấy về cơ thể của họ vì nó đã bị tê. Laura hỏi: “Ba, ba có biết là Thầy đang thoa bóp chân cho ba không?”. Alfred không nói được nhưng nhìn vào mắt ông, chúng tôi biết ông có nhận ra là chúng tôi đang hiện diện. Bỗng nhiên ông mở miệng kêu lên: “Mầu nhiệm quá, màu nhiệm quá!”. Sau đó ông hôn mê lại và không bao giờ tỉnh nữa.

Đêm hôm đó tôi phải nói Pháp thoại hướng dẫn cho các thiền sinh tại Omega. Chúng tôi từ biệt họ và bảo Dorothy cùng Laura hãy làm theo tôi và cô Chân Không, hãy nói chuyện và hát cho Alfred nghe. Sớm hôm sau tôi được tin Alfred đã qua đời rất bình an vài giờ sau khi chúng tôi rời ông. Những người bị hôn mê vẫn có cách để nghe chúng ta nếu ta thật sự có mặt một cách bình an bên cạnh họ. Mười năm trước đây có một sinh viên sống tại Bordeaux, bên Pháp, nghe tin mẹ anh đang hấp hối tại California, anh khóc thật nhiều. Anh không biết khi bay về tới California thì mẹ còn sống hay không. Sư cô Chân Không bảo anh bay ngay về và nếu thấy mẹ còn sống thì hãy làm giống như thầy Xá Lợi Phất đã làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô bảo anh hãy nói về những kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai mẹ con. Anh cũng nên nhắc tới thời mẹ mới lấy bố và những năm mẹ còn trẻ. Nói với mẹ như thế, anh sẽ gọi lại cho mẹ những điều làm mẹ vui, dù cho mẹ không còn tỉnh.

Khi anh tới nhà thương thì mẹ anh đã hôn mê. Dù không hoàn toàn tin rằng người mê man có thể nghe được nhưng anh đã làm những gì mà sư cô đã căn dặn. Bác sĩ cho anh biết bà mẹ đã hôn mê cả tuần trước và không hy vọng gì bà sẽ tỉnh lại trước khi chết. Nhưng sau khi nói chuyện với mẹ khoảng một giờ rưỡi đồng hồ, bà tỉnh lại. Khi ngồi bên giường người hấp hối, nếu bạn bình tĩnh và thân tâm bạn hoàn toàn hiện diện tại đó, bạn có thể giúp được người đó chết một cách an nhiên.

Vài năm trước đây, sư cô Chân Không tới thăm chị cô bị đau rất nặng sau khi thay gan. Sau hai năm cơ thể bà ta từ chối không nhận lá gan mới ghép đó nữa. Bà ấy rất đau đớn. Khi vô tới nhà thương, cô Chân Không thấy cả nhà ai cũng như đầu hàng, thấy không còn giúp gì cho bà ấy được. Dù hôn mê, người bệnh vẫn quằn quại, kêu rên và la hét vì quá đau đớn. Tất cả các con bà, kể cả người con bác sĩ đều cảm thấy bất lực.

Sư cô Chân Không đã mang tới nhà thương cái băng niệm Bồ tát Quán Thế  Âm của tăng ni Làng Mai. Dù chị cô đã hôn mê, cô vẫn để cho máy chạy, mắc ống nghe vào tai bà và mở cho âm thanh lớn gần tới tối đa. Năm sáu phút sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: chị của sự cô nằm gần như yên lặng, không còn quằn quại kêu la gì nữa hết. Bà được bình an như vậy cho tới lúc lìa đời, khoảng năm ngày sau đó.

Trong năm ngày chót đó, chị của sư cô đã liên tục nghe tiếng niệm Bồ tát. Bà đã tới chùa nhiều lần và thường nghe niệm như vậy. Nghe lại khi hấp hối, là tưới tẩm được các hạt giống quý báu và an lạc khi bà còn sống. Bà có đức tin và đã thấy được bình diện tâm linh trong cuộc đời, bà đã nghe tụng niệm và nghe Pháp thoại nhiều lần. Cái băng và giọng tụng niệm của tăng ni đã khơi dậy những hạt giống hạnh phúc, những hạt giống mà bác sĩ không biết làm sao tiếp xúc cho được. Ai cũng có thể làm như sư cô Chân Không nhưng không có ai nghĩ ra.

Tâm thức của chúng ta giống như cái máy truyền hình có nhiều đài. Khi ta bấm một cái nút, đài ta chọn sẽ hiện ra. Khi ta ngồi bên người hấp hối, ta phải biết nên chọn đài nào. Người thân với bệnh nhân là người tốt nhất để làm việc này. Nếu bạn ở cạnh người hấp hối, bạn nên dùng các hình ảnh và âm thanh có thể tưới tắm những giờ phút hạnh phúc nhất của người đó. Trong tâm thức của ai cũng có những hạt giống của Tịnh độ hay Niết bàn, của vương quốc Thượng đế hay Thiên đàng.

Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi, tớilại chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI CHẾT AN LÀNH
  2. CÁI CHẾT KHIẾN SỰ SỐNG TRỞ NÊN KHẢ THI

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ