CÁI CHẾT KHIẾN SỰ SỐNG TRỞ NÊN KHẢ THI

DEEPAK CHOPRA

Cuốn Sách Những Bí Mật
Tác giả: Deepak Chopra
Người dịch: Thế Anh – NXB Hồng Đức, 2017

Mục tiêu của cái chết là hình dung bản thể chuyển sang một hình thái mới với một vị trí mới trong không gian và thời gian.

Deepak Chopra là tác giả của hơn 50 tựa sách được dịch ra 55 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm vô số best seller theo tạp chí New York Times, cả trong lĩnh vực hư cấu lẫn phi hư cấu. Chương trình phát thanh Wellness Radio của Chopra được phát hàng tuần trên đài Sirius Stars, kênh 102, chuyên tập trung vào các chủ đề như thành công, tình yêu, giới tính, các mối quan hệ, sức khỏe và con đường tâm linh. Ông là nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Alliance for a New Humanity (Liên minh vì Nhân loại mới). Tạp chí Time đã vinh danh Deepak Chopra như một trong 100 nhân vật hàng đầu của thế kỷ và xem ông là “nhà thơ – nhà tiên tri của nền y học tâm linh”.

—*****—

Tôi tưởng tượng rằng nếu con đường tâm linh muốn tìm kiếm lời khuyên từ Đại lộ Madison thì đó sẽ là: “Hãy dọa mọi người về cái chết”. Chiến thuật này đã tỏ ra hiệu quả trong hàng ngàn năm qua. Do tất cả chúng ta đều hiểu rằng chết đồng nghĩa với việc không còn tồn tại nữa nên cái chết luôn tạo ra một nỗi sợ hãi to lớn. Chưa bao giờ con người không muốn tìm hiểu những gì “nằm ở phía bên kia của sự sống”.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như không tồn tại “phía bên kia” ấy? Có lẽ cái chết chỉ là một sự thay đổi mang tính chất tương đối, thay vì toàn bộ. Xét cho cùng thì mỗi chúng ta đều chết đi mỗi ngày, khoảnh khắc được gọi là cái chết thực chất chỉ là sự mở rộng của quá trình này. Thánh Paul từng nhắc đến việc luôn sống cận kề cái chết, ông có ý nói rằng mình sở hữu niềm tin mãnh liệt vào kiếp sau và sự cứu rỗi mà Thượng đế đã hứa, rằng cái chết đã mất đi sức mạnh tạo ra nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, luôn sống cận kề cái chết cũng là một quá trình tự nhiên vốn đã diễn ra ở các tế bào trong suốt hàng tỉ năm qua. Sự sống gắn liền với cái chết, điều bạn có thể nhìn thấy mỗi khi một tế bào da bị bong tróc. Quá trình bong tróc (exfoliation) này cũng giống như cây rụng lá (từ Latin của “lá” là folio) và các nhà sinh học có khuynh hướng xem cái chết như một phương tiện để sự sống tái sinh.

Một khi bạn ý thức về sự tồn tại mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ độ tuổi nào thì bạn sẽ nhìn thấy người quan sát bí mật ở bên trong một bản thể vốn không bao giờ thay đổi.

Tuy nhiên, quan điểm này mang lại đôi chút thoải mái khi bạn nhìn thấy chiếc lá khô rụng khỏi cây để nhường chỗ cho những chiếc lá mới trong mùa xuân. Thay vì thảo luận về cái chết một cách mơ hồ, tôi muốn tập trung vào cái chết của bạn, sự kết thúc của bản thể đang tồn tại trong khoảnh khắc này cũng như ước muốn được tồn tại mãi mãi. Cái chết cá nhân là điều mà không ai muốn nhắc đến, nhưng nếu tôi có thể giúp bạn hiểu rõ thực tế của cái chết thì mối ác cảm và sợ hãi có thể bị khuất phục. Sau đó thì bạn có thể chú ý nhiều hơn đến cả sự sống lẫn cái chết.

Chỉ khi đối diện với cái chết thì bạn mới phát triển niềm đam mê đích thực với sự sống. Niềm đam mê không phải là sự điên rồ; nó cũng không bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Nhưng ngay bây giờ, ở cấp độ vô thức, đa số đều cảm thấy như thể họ đang giành lấy sự sống từ cái chết. Họ phát điên với ý nghĩa cho rằng thời gian của mình trên trái đất này là quá ngắn ngủi. Tuy nhiên, khi xem mình là một phần của cuộc sống vĩnh hằng thì hành vi giành giật sự sống sẽ biến mất, từ đó bạn sẽ đón nhận sự dồi dào của cuộc sống mà chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều người nhắc đến, cho dù rất ít người sở hữu được điều đó.

Sau đây là một câu hỏi đơn giản: khi trở thành ông bà, bạn sẽ không còn là trẻ con, thiếu niên hay thanh niên nữa. Vậy đến thời điểm lên thiên đường thì hình ảnh của người nào được nhắc đến trên đây sẽ xuất hiện? Đa số đều tỏ vẻ lúng túng trước câu hỏi. Đó không phải là một câu hỏi phù phiếm. Con người của bạn ngày nay không giống với con người của bạn cách đây 10 năm. Chắc chắn cơ thể của bạn đã thay đổi hoàn toàn so với cơ thể cách đây 10 năm. Không một phân tử nào trong các tế bào của bạn là như cũ và tâm trí của bạn cũng thế. Bạn chắc chắn không còn suy nghĩ như một đứa trẻ nữa.

Về bản chất thì đứa trẻ 10 tuổi trước đây của bản thể bạn đã chết. Từ góc độ của trẻ 10 tuổi thì đứa trẻ 2 tuổi trước đây của bản thể bạn cũng đã chết. Lý do khiến cuộc sống có vẻ tiếp diễn liên tục là vì bạn sở hữu ký ức và những khát khao gắn liền với quá khứ. Tuy nhiên, ngay cả những ký ức và khát khao ấy cũng thay đổi không ngừng. Nếu cơ thể liên tục thay đổi thì tâm trí của bạn với những suy nghĩ và cảm xúc thoáng qua cũng thế. Một khi bạn ý thức về sự tồn tại mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ độ tuổi nào thì bạn sẽ nhìn thấy người quan sát bí mật ở bên trong một bản thể vốn không bao giờ thay đổi.

Chỉ nhận thức có tính chất nhân chứng mới đủ điều kiện để trở thành người quan sát – nhận thức này sẽ không bao giờ thay đổi cho dù mọi thứ xung quanh thay đổi. Nhân chứng hay người quan sát các trải nghiệm chính là bản thể mà trên đó mọi trải nghiệm diễn ra. Việc bám víu vào bản thể của bạn lúc này là vô ích nếu xét trên phương diện thể xác và tâm trí. (Con người lúng túng trước việc lựa chọn bản thể, bởi lẽ họ hoặc tưởng tượng về một bản thể lý tưởng, hoặc một bản thể gắn liền với trí tưởng tượng của họ. Tuy nhiên, xét trên một số phương diện thì tất cả chúng ta biết rằng sẽ không có một độ tuổi nào được xem là lý tưởng cả). Cuộc sống cần được làm tươi mới. Cuộc sống cần tự tái tạo. Nếu bạn có thể khuất phục cái chết và duy trì bản thể của mình không đổi – hoặc chọn lấy bản thể của mình vào thời điểm bạn cho là hoàn hảo nhất – thì bạn chỉ thành công trong việc “ướp xác” bản thân mà thôi.

Chúng ta đã khẳng định rằng bạn không sống trong thế giới; thế giới tồn tại bên trong bạn. Giáo lý quan trọng của thực tại duy nhất này cũng đồng nghĩa là bạn không tồn tại trong cơ thể của mình; cơ thể tồn tại bên trong bạn. Bạn không tồn tại trong tâm trí; tâm trí tồn tại bên trong bạn. Con người không thể được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong bộ não. Bộ não của bạn sử dụng không chỉ một phân từ glucose để duy trì cảm giác về bản thân, bất chấp hàng triệu chu kỳ tiếp hợp là điều kiện cần để duy trì mọi hành động mà bạn đang thực hiện trong cuộc sống.

Do đó, nói rằng linh hồn rời khỏi thể xác khi con người chết đi thì sẽ không chính xác mà hãy nói rằng thể xác đang rời khỏi linh hồn. Thể xác vốn dĩ đến rồi đi; khi cái chết đến là nó đang rời đi và sẽ không bao giờ quay trở lại. Linh hồn không thể rời đi vì nó chẳng có nơi nào để đi cả. Lời phát biểu này cần được trao dồi thêm, bởi lẽ nếu bạn không đi đâu cả sau khi chết thì bạn vẫn tồn tại ở đó. Đây là một trong những nghịch lý đến từ vật lý lượng tử, ngành khoa học mà kiến thức hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết đối với nguồn gốc xuất hiện của mọi vật.

Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm khi đồng hóa với những sự kiện đến rồi đi trong trường tiềm năng.

Đôi khi, tôi hỏi mọi người một câu hỏi hết sức đơn giản: “Bạn ăn gì trong bữa tối hôm qua?” Khi họ trả lời thì tôi lại hỏi: “Ký ức đó nằm ở đâu trước khi tôi hỏi bạn?” Như chúng ta đã thấy, trong não của bạn không hề có hình ảnh của bữa tối – bạn cũng không nhớ đến bất kỳ mùi vị của món ăn nào. Khi cố gắng nhớ đến một ký ức nào đó thì bạn đang cố gắng thực hiện hóa lại sự kiện. Các chu kỳ tiếp hợp tạo ra ký ức, với đầy đủ hình ảnh và mùi vị nếu bạn muốn. Trước khi bạn hiện thực hóa ký ức thì ký ức không tồn tại cục bộ, đồng nghĩa với việc nó chẳng tồn tại ở nơi nào cả; nó là một phần của trường tiềm năng, hay trường năng lượng, hay trường tâm thức. Điều này có nghĩa là bạn sở hữu tiềm năng hồi tưởng, với quy mô lớn hơn nhiều so với một ký ức đơn thuần, nhưng lại không xuất hiện trong tầm nhìn. Trường tiềm năng này mở rộng theo mọi hướng; những chiều kích bị che giấu mà chúng ta đã thảo luận và có thể được xem như những trường tiềm năng khác, nằm trong một trường tiềm năng vô tận, tức là bản thể.

Bạn chính là trường tiềm năng này.

Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm khi đồng hóa với những sự kiện đến rồi đi trong trường tiềm năng. Đó chỉ là những khoảnh khắc rời rạc – những tia sáng lóe lên khi trường tiềm năng được hiện thực hóa. Thực tế đằng sau là tiềm năng thuần túy, hay còn được gọi là linh hồn. Tôi biết điều này nghe khá mơ hồ, tương tự như những minh triết cổ xưa của Ấn Độ. Khi nhìn vào sự sáng tạo, với vô số tạo vật và cảm nhận, họ đã nghĩ ra một thuật ngữ đặc biệt, Akasha tức là phù hợp với linh hồn. Từ Akasha có nghĩa đen là “không gian”, nhưng khái niệm rộng hơn lại là không gian linh hồn (soul space), tức là trường nhận thức. Khi qua đời, bạn chẳng đi đâu cả bởi lẽ bạn đang tồn tại trong lãnh thổ của Akasha, tức là khắp mọi nơi. (Trong vật lý lượng tử, hạt hạ nguyên tử nhỏ nhất tồn tại ở khắp nơi trong không gian trước khi được chuyển hóa thành phân tử. Sự tồn tại phi định xứ của nó là có thật, nhưng hoàn toàn vô hình).
Hãy tưởng tượng một căn nhà với bốn bức tường và một mái che. Nếu căn nhà bị cháy thì các bức tường và mái che sẽ bị sập. Tuy nhiên, không gian bên trong căn nhà sẽ không bị ảnh hưởng. Bạn có thể thiết kế lại căn nhà mới. Sau khi bạn xây xong căn nhà thì không gian bên trong nó vẫn không bị ảnh hưởng. Việc xây dựng căn nhà chỉ để phân chia vùng không gian bên trong và bên ngoài mà thôi. Sự phân chia này là một ảo tưởng. Các nhà hiền triết cổ xưa nói rằng cơ thể của bạn cũng giống như căn nhà đó. Cơ thể được tạo nên khi bạn sinh ra và bị đốt trụi khi bạn gian này là vô tận.

Theo những nhà hiền triết cổ xưa thì nguyên nhân của mọi đau khổ, theo klesha thứ nhất, chính là việc không biết được bạn là ai. Nếu bạn là trường tiềm năng vô tận thì cái chết không phải là điều mà chúng ta sợ hãi.

Mục tiêu của cái chết là hình dung bản thể chuyển sang một hình thái mới với một vị trí mới trong không gian và thời gian.

Nói cách khác, bạn tưởng tượng mình đang sống trong cuộc đời này, sau cái chết, bạn lại chìm vào cõi chưa biết để rồi tưởng tượng hình thái tiếp theo của bản thể. Tôi không xem đây là một kết luận bí mật (các nhà vật lý ủng hộ khả năng này với tất cả kiến thức họ biết về tính phi định xứ của năng lượng và nguyên tử), nhưng tôi không có ý định khuyến khích bạn thành một người tin vào sự tái sinh. Chúng ta chỉ thuận theo thực tại duy nhất để đến với nguồn gốc bí ẩn của nó. Ngay bây giờ, bạn đang tạo ra những suy nghĩ mới bằng cách hiện thực hóa tiềm năng của mình; dường như việc quy trình này tạo ra bản thể hiện tại của bạn là điều hợp lý.

Tôi có một chiếc tivi và một chiếc remote. Khi tôi nhấn nút trên điều khiển thì tôi có thể chuyển kênh từ CNN sang MTV. Nếu tôi không bấm nút thì những chương trình này không xuất hiện trên tivi, như thể chúng không hề tồn tại. Tuy nhiên, tôi biết rằng mỗi chương trình đang tồn tại như những rung động điện từ đang chờ được chọn lựa. Tương tự như vậy, bạn tồn tại trong Akasha trước khi thể xác và tâm trí của bạn chọn tín hiệu về thể hiện nó qua thế giới 3 chiều. Linh hồn của bạn cũng giống như những kênh truyền có sẵn trên tivi; nghiệp chướng (hay hành động) của bạn sẽ là yếu tố chọn chương trình. Nếu không tin vào cả hai điều trên thì bạn vẫn có thể trân trọng sự chuyển hóa đáng ngạc nhiên từ sự lang thang vô định trong không gian – như một chương trình tivi – sang một sự kiện rõ ràng trong thế giới 3 chiều.
Vậy thì cảm giác sẽ như thế nào khi bạn chết đi? Điều đó cũng giống như việc chuyển kênh tivi. Trí tưởng tượng sẽ vẫn tiếp tục làm công việc quen thuộc của nó – trình chiếu những hình ảnh mới trên màn hình. Một số truyền thống tôn giáo tin rằng một quá trình hồi tưởng nghiệp chướng phức tạp sẽ diễn ra khi bạn qua đời, nhờ đó một người có thể biết được cuộc đời vừa rồi có ý nghĩa gì và chuẩn bị tạo ra linh hồn mới cho cuộc đời tiếp theo. Khoảnh khắc chết đi được mô tả như xem lại cuộc đời vừa qua của bạn, không phải với tốc độ ánh sáng như những gì các nạn nhân chết đuối thường trải nghiệm, mà là rất chậm rãi với sự hiểu biết đầy đủ về mọi lựa chọn mà con người đã đưa ra kể từ lúc chào đời.

Nếu bạn được dạy để tin vào thiên đường và địa ngục thì việc được lên thiên đường hay xuống địa ngục sẽ là trải nghiệm của bạn. (Hãy nhớ rằng khái niệm về những nơi này trong Thiên Chúa giáo sẽ khác với phiên bản Hồi giáo hay hàng ngàn Loka trong Phật giáo Tây Tạng, vốn tạo tiền đề cho sự xuất hiện của vô số thế giới ở kiếp sau). Cỗ máy sáng tạo của tâm thức sẽ tạo ra trải nghiệm về nơi đó, trong khi đối với những người không sống với niềm tin tương tự thì những hình ảnh này có thể chỉ là giấc mơ hạnh phúc, một sự hồi tưởng về những suy nghĩ kỳ lạ (như một câu chuyện thần tiên), hay sự trình chiếu của những sự kiện diễn ra từ thời thơ ấu.

Tuy nhiên, nếu bạn chuyển sang một thế giới khác sau khi chết thì thế giới ấy cũng sẽ ở trong bạn giống như thế giới này. Liệu điều đó có đồng nghĩa rằng thiên đường và địa ngục là không có thật hay không? Hãy nhìn vào cái cây bên ngoài cửa sổ. Nó không có thực tế nào ngoại trừ một sự kiện không gian cụ thể đang được hiện thực hóa từ sự vô tận của trường tiềm năng. Do đó, sẽ chỉ công bằng nếu nói rằng thiên đường và địa ngục cũng thực tế như cái cây kia – và nếu cái cây kia không thực tế thì thiên đường và địa ngục cũng thế.

Sự phân tách tuyệt đối giữa sống và chết chỉ là một ảo tưởng.

Điều khiến mọi người bận tâm về việc mất đi thể xác chính là cảm giác về một sự ngắt quãng hay phân tách đáng sợ. Sự ngắt quãng được tưởng tượng như thế bước vào cõi hư không; đó là một sự chấm dứt hoàn toàn mang tính cá thể. Tuy nhiên, quan điểm này, dù gây nên nỗi sợ hãi to lớn, lại hạn chế trong cái tôi. Cái tôi cần sự liên tục; cái tôi muốn hôm nay phải là sự mở rộng của hôm qua. Nếu thiếu sự liền mạch đó thì cuộc hành trình đi từ ngày này sang ngày khác sẽ mang lại cảm giác mất liên kết, điều đó khiến cho cái tôi sợ hãi. Tuy nhiên, bạn sẽ đau khổ đến mức nào khi một hình ảnh mới hay một khát khao mới xuất hiện trong tâm trí? Bạn chìm đắm trong trường tiềm năng vô tận để tạo ra những suy nghĩ mới, sau đó quay lại với một hình ảnh cụ thể từ hàng tỉ hình ảnh có thể hiện ra. Trong khoảnh khắc đó, bạn không còn là bản thể của bạn từng xuất hiện cách đây một giây nữa. Bạn đang bám víu vào một ảo tưởng về sự liên tục. Hãy từ bỏ khoảnh khắc hiện tại và bạn sẽ thuận theo lời tuyên bố của Thánh Paul là luôn sống cận kề cái chết. Bạn sẽ nhận thấy rằng mình không hề liên tục, mình thay đổi thường xuyên, đắm chìm trong đại dương của những tiềm năng giúp mang lại điều mới mẻ.

Cái chết có thể được xem là một ảo tưởng vì bạn đã chết thật sự. Khi bạn nghĩ về bản thể như tôi, cái tôi và của tôi thì bạn đang nghĩ đến quá khứ của mình, thời điểm vốn đã chết và không còn nữa. Ký ức về quá khứ là tàn tích của một thời đã xa. Cái tôi giữ cho nó không thay đổi bằng cách lặp lại những gì đã biết. Tuy nhiên, cuộc sống thực chất là điều không biết, bởi lẽ cuộc sống phải như thế thì bạn mới có thể lĩnh hội những suy nghĩ, khát vọng và trải nghiệm mới. Bằng cách lặp lại quá khứ thì bạn đang khiến cuộc sống không thể tự làm mới mình.

Bạn có nhớ lần đầu tiên nếm thử một que kem hay không? Nếu không thì bạn hãy nhìn vào đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy que kem. Cái nhìn trên khuôn mặt đứa trẻ cho bạn thấy rằng nó đang đắm chìm trong cảm giác sung sướng. Tuy nhiên, đối với que kem thứ hai thì đứa trẻ lại không tỏ vẻ hào hứng như ban đầu, cho dù nó vẫn mong muốn có được que kem đó. Mỗi lần lặp lại sẽ làm giảm mức độ hào hứng, bởi lẽ khi quay lại với điều mà bạn đã biết thì trải nghiệm lúc ấy không giống như lần đầu tiên nữa. Đến hôm nay thì cho dù thích ăn kem đến đâu đi nữa, trải nghiệm ăn kem phần nào đã trở thành thói quen của bạn. cảm giác nếm kem không hề thay đổi, nhưng chính bạn đã thay đổi. Cuộc mặc cả mà bạn đã thực hiện với cái tôi, mục đích để duy trì cái tôi, tôi và của tôi không đổi, là một cuộc mặc cả tồi – bạn đã chọn điều đối lập với sự sống, tức là cái chết.

Về mặt kỹ thuật thì ngay cả cái cây bên ngoài cửa sổ cũng là một hình ảnh đến từ quá khứ. Khoảnh khắc bạn nhìn thấy cái cây và xử lý hình ảnh ấy trong não thì cái cây đã dịch chuyển trên cấp độ lượng tử, thuận theo chu kỳ dao động của vũ trụ. Để sống một cách trọn vẹn thì bạn phải tự đưa mình vào lĩnh vực phi định xứ, nơi những trải nghiệm mới được sinh ra. Nếu ngưng giả định rằng bạn đang sống trong thế giới này thì bạn sẽ nhận thấy mình luôn sống trong sự không liên tục, một nơi phi định xứ được gọi là linh hồn. Khi chết đi thì bạn sẽ bước vào một thế giới chưa biết, trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để cảm nhận rằng mình không còn sống nữa.

Tại sao phải chờ đợi? Bạn có thể vẫn sống nếu muốn bằng cách trải qua một quá trình gọi là sự quy thuận. Đây là bước tiếp theo để chinh phục cái chết. Cho đến tận bây giờ trong chương này thì ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh đến mức nó gần như biến mất. Quy thuận là hành vi xóa nhòa hoàn toàn ranh giới này. Khi bạn nhìn nhận bản thân như một chu kỳ hoàn hảo của sự sống trong cái chết và cái chết trong sự sống thì bạn xem như đã quy thuận – công cụ mạnh mẽ nhất của người thần bí để chống lại chủ nghĩa vật chất. Ở cấp độ thực tại duy nhất thì người thần bí sẽ từ bỏ mọi nhu cầu liên quan đến ranh giới và tập trung vào sự tồn tại. Chu kỳ này khép lại và người thần bí sẽ xem mình như thực tại duy nhất.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỬ DỤNG QUY TẮC 80/20 ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH
  2. VŨ TRỤ LÀ TÂM THỨC
  3. LUẬT HẤP DẪN CỦA TÂM THỨC

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. CHẾT CÓ Ý THỨC
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI

Bài viết mới

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  3. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT