CÂU CHUYỆN VỀ XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG BẢN THÂN

TAKESHI FURUKAWA

Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi (Nguyên tác: Nine Ways to Stop Thinking Negatively)/ Như Nữ dịch; NXB Thế Giới, 2018

Nữ vận động viên Shizuka Arakawa(*) giành huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông Turin 2006 được cho là rất ghét việc cạnh tranh với người khác. Trong khi đó, giới trượt băng nghệ thuật lại vốn cạnh tranh rất khốc liệt.

Trong một buổi phỏng vấn, cô Arakawa đã trả lời như sau:

“Với tôi, điều quan trọng không phải là thứ bậc hay huy chương mà là tôi đã trưởng thành hơn trong giây phút vô địch thế giới hay chưa. Nếu tôi chỉ thi đấu với sức mạnh, kỹ thuật thì chiến thắng này cũng chỉ là “một kết quả đáng thất vọng”. Với những gì tôi đã làm được một lần, nếu lần sau tôi không nâng được độ khó của nó lên thì tôi không thể hài lòng với chính mình được. Tôi không muốn thua chính tôi trong quá khứ. Chính vì thế tôi luôn thử thách bản thân mình. Tôi là người rất ghét thua cuộc.”

Shizuka Arakawa-huy chuong vang

Ngay cả một vận động viên như cô ấy cũng có những mâu thuẫn với chính bản thân mình: “Cũng đã có lúc tôi cho rằng ‘nếu không hướng đến Turin thì không cần ép bản thân như thế nhưng…’ Khi tôi mạnh mẽ, tôi sẽ luôn hướng về phía trước, nhưng khi tôi mệt mỏi, bản thân tôi lại bới móc những chuyện xưa cũ mà dù có nhắc đến cũng chẳng có ý nghĩa gì.” Một vận động viên hàng đầu cũng có những mâu thuẫn và rất hay dao động về bản thân.

Những lúc như vậy, Arakawa biết cách xốc lại tinh thần, quyết chiến thắng mình trong quá khứ. Và cô ấy đã “so sánh với chính bản thân trong quá khứ chứ không phải với ai khác”.

Những người tự đánh giá thấp bản thân thường so sánh bản thân với người khác. Bởi chỉ khi so sánh với người khác, họ mới khẳng định được sự tồn tại của mình. Họ an tâm bằng cách dựa trên sự đánh giá bởi các tiêu chuẩn xã hội hoặc quan điểm của người khác.

Tuy nhiên, càng so sánh họ lại càng chìm trong cảm giác tự ti mặc cảm khi nhận thấy người khác thật tuyệt vời còn bản thân thật vô dụng.

Mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn tránh được việc bị so sánh với người khác theo các giá trị hay các tiêu chuẩn xã hội đề ra, nhưng nếu chúng ta chỉ có thể tự đánh giá bản thân bằng cách so sánh với người khác thì ngay cả sống với đúng con người mình chúng ta cũng không thể làm được.

Vậy chúng ta nên làm thế nào?

Có một cách chúng ta có thể thực hiện là xác định rõ phương hướng của bản thân. Bạn hãy xác định rõ “Bạn muốn làm người như thế nào”, “bạn muốn làm gì”, “bạn có giá trị quan như thế nào”.

Sau đó, giống như cách mà vận động viên Arakawa đã làm, bạn hãy so sánh bản thân với chính mình trong quá khứ, từng bước trưởng thành hơn, từng bước tiến gần tới con người mà bạn mong muốn. Qua đó, bạn cũng sẽ yêu quý bản thân mình hơn.

???

(*) Shizuka Arakawa (sinh ngày 29 tháng 12 năm 1981) là một vận động viên trượt băng nghệ thuật người Nhật Bản. Cô là Nhà vô địch Olympic 2006 và Nhà vô địch Thế giới năm 2004. Arakawa là vận động viên trượt băng nghệ thuật Nhật Bản đầu tiên giành huy chương vàng Olympic môn trượt băng nghệ thuật và vận động viên trượt băng nghệ thuật thứ hai của Nhật Bản giành huy chương Olympic môn trượt băng nghệ thuật, sau Midori Ito, người giành huy chương bạc năm 1992. Cô cũng là phụ nữ Nhật Bản thứ hai giành huy chương vàng huy chương tại Thế vận hội mùa đông, sau vận động viên trượt tuyết Tae Satoya. Cô là người Nhật Bản duy nhất giành huy chương tại Thế vận hội mùa đông 2006. (Theo Wikipedia)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC VỚI CHÍNH BẢN THÂN ĐANG TRƯỞNG THÀNH
  2. XÁC ĐỊNH RÕ PHƯƠNG HƯỚNG CỦA BẢN THÂN
  3. NHÌN LẠI QUY TẮC CỦA BẢN THÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA
  2. SUY NGHĨ TỪ LẬP TRƯỜNG CỦA NGƯỜI KHÁC
  3. ĐÁP ĐỀN TIẾP NỐI

Bài viết mới

  1. SỰ TIẾN HÓA CỦA TÂM HỒN
  2. CÁC LUÂN XA
  3. TẬN DỤNG TỐI ĐA THỜI GIAN