CHA MẸ ĐỪNG LÀM GƯƠNG MỜ TRONG NHÀ

SƯU TẦM

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online

TTO – Muốn con mình sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, trung thực, giữ lời hứa, cha mẹ phải thôi xả rác bừa bãi, vứt đồ đạc lung tung, nói dối như cuội hay thất hứa với trẻ hết lần này đến lần khác. Như những chiếc máy quay phim, con cái chúng ta miệt mài “ghi” lại mọi thứ từ những người lớn xung quanh để rồi sau đó “chiếu” lại giữa đời. Vì lẽ đó, muốn con trở thành “người mẫu” tốt cho thế hệ tiếp theo, cha mẹ không thể là “gương mờ”.

Nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho mình và cho con khi đi xe máy. Ảnh chụp ngày 30-10 tại một trường tiểu học ở quận 2, TP.HCM – Ảnh: Thái Bình

“Gương mờ” khắp phố

Mới đây, tôi tình cờ gặp lại người bạn thời sinh viên. Hồi đó, anh là “cái ống khói” trong nhóm. Biết thuốc lá có nhiều tác hại như lãng phí tiền bạc, thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, nhưng anh vẫn không bỏ được, cho đến khi có đứa con đầu lòng 8 năm trước.

Anh chia sẻ: “Mình muốn thằng bé tránh xa thuốc lá nhưng nếu cứ tiếp tục với thói quen đó thì làm sao dạy được con”.

Nhưng song song với những người cha người mẹ phải thay đổi mình để dạy con, cuộc sống vẫn đầy rẫy những chiếc “gương mờ”. Như một lần đưa con đến khu vui chơi trẻ em tại công viên Tao Đàn (TP.HCM), tôi chứng kiến một nhóm phụ huynh vô tư tham gia nhún, nhảy, lắc, leo trèo trên các thiết bị chơi ngoài trời của trẻ, mặc cho các bé mỏi mòn chờ đến lượt.

Chưa hết, một bà mẹ trẻ, sau khi cho cô con gái áng chừng 3 tuổi uống sữa, ném luôn vỏ hộp vô… bồn hoa.

Chiều nào đón con đi học về, tôi luôn thấy có những phụ huynh đầu không đội mũ bảo hiểm phóng xe máy xồng xộc trên vỉa hè, lấn làn đường, vượt cả đèn đỏ khi không thấy cảnh sát giao thông.

Chia sẻ trên một chuyên mục truyền hình, một doanh nhân kể có lần vì muốn né tránh người họ hàng hay nhờ vả, khi chuông điện thoại reo, anh dặn con “nếu chú Long gọi thì nói ba đi vắng”. Anh kể hậu quả như vầy: “Nghe máy xong, con bé cứ nhìn tôi đăm đăm. Tôi vội giải thích rằng vì chưa muốn gặp người đó nên ba đành nói thế. Suy nghĩ lại tôi thấy làm vậy thật không ổn, nhưng đã lỡ rồi”.

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, cha mẹ nào là “gương mờ”, rất có thể con cái họ cũng như thế. Bà Thúy chia sẻ câu chuyện một người cha hay đưa bạn về nhà nhậu, lúc say xỉn lại đánh đập vợ con; mười mấy năm trôi qua, hai cậu con trai của họ lớn lên cũng hung hăng và quậy phá trong trường, học hành chểnh mảng. “Hai đứa con đã sao y gương xấu từ người cha”, bà Thúy phân tích.

“Thân giáo” để nêu gương

Nhà giáo dục Maria Montessori từng ví von “trẻ con như miếng bọt biển thấm hút mọi thứ trong tầm mắt của trẻ”. Có lẽ vì thế mà nêu gương được xem là phương pháp giáo dục “tự nhiên” nhất, bởi vì cho dù người lớn có muốn hay không thì điều đó vẫn cứ diễn ra.

Điều bất lợi là thế giới xung quanh trẻ giờ đây tràn ngập những “gương mờ”, từ xả rác bừa bãi, chen lấn giành chỗ… cho đến nói dối, thất hứa, luồn lách, tham lam, bợ đỡ…

Do vậy, cha mẹ muốn nêu gương cho con rất cần dùng cách “thân giáo”, tức là giáo dục bằng chính bản thân mình. Trở ngại là con trẻ ngày nay có nhiều thứ hấp dẫn như tivi, iPad, điện thoại thông minh… nên ít chú tâm quan sát và học hỏi từ cha mẹ.

Trở ngại khác là cha mẹ thời nay ít nhiều có thể bị cuốn theo các mục tiêu cá nhân giữa một xã hội đang có xu hướng coi trọng các giá trị vật chất nên họ không còn thời gian dành cho con và ít chú tâm đến thái độ, hành vi của mình trước con cái.

Đã vậy, “thân giáo” lại là việc không dễ bởi đó là quá trình cha mẹ tự thay đổi bản thân mình. Muốn con mình sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, trung thực, giữ lời hứa, cha mẹ phải thôi xả rác bừa bãi, vứt đồ đạc lung tung, nói dối như cuội hay thất hứa với trẻ hết lần này đến lần khác.

“Trước tiên là cần có ý thức về việc nêu gương mọi lúc mọi nơi. Tiếp theo, cha mẹ cần rèn mình theo đúng những gì mình muốn nhìn thấy ở con thì sẽ là tấm gương tốt cho con noi theo”, TS Thúy nói.

Tuy nhiên, bà Thúy cũng lưu ý rằng “nêu gương chứ đừng bắt con là bản sao của cha mẹ, vì con… khác với cha mẹ”. Theo đó, cha mẹ nên tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích con trẻ sống là chính mình, được tự do chọn lọc học hỏi từ những chiếc “gương sáng” ở xung quanh mình.

Sống là chính mình, biết yêu thương chính mình và người khác cũng là điều đáng nêu gương nhất mà các bậc cha mẹ cần “làm mẫu” cho con.

Theo TS Phạm Thị Thúy, trẻ nghe sẽ quên, trẻ nhìn sẽ nhớ và trẻ làm sẽ hiểu. Do đó, không gì bằng nếu “người mẫu” trong nhà không chỉ dừng lại ở việc “làm mẫu” cho con thấy mà còn hướng dẫn trẻ cùng làm. Cha mẹ muốn con giỏi giang việc nhà thì cha mẹ cần “lôi kéo” con tham gia, cầm tay chỉ việc cho con. Cha mẹ muốn con sống theo giá trị sống tốt đẹp nào thì cha mẹ cần có giá trị sống đó trong chính cha mẹ, thể hiện qua thái độ, hành vi trong cuộc sống hằng ngày.
HUỲNH THANH BÌNH (hội trưởng Hội quán Nếp Nhà, TP.HCM)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁCH RÈN CON THÀNH TÀI CỦA NGƯỜI DO THÁI KHIẾN MỌI DÂN TỘC PHẢI NỂ PHỤC
  2. BÔNG HỒNG CÀI ÁO
  3. KINH VU LAN VÀ BÁO HIẾU

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP