CHA MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN – CHUYỂN TỪ THƯỞNG PHẠT SANG YÊU THƯƠNG VÀ LÝ LẼ

ALFIE KOHN

Trích: Cha Mẹ Vô Điều Kiện; Người dịch: Thu Hiền, Huệ Chi; Nxb Phụ Nữ

Đã bao giờ bạn cảm thấy bạn càng cố tình kiểm soát con, đứa trẻ càng tỏ ra bướng binh, trượt ra khỏi vòng tay của bạn? Đã bao giờ bạn cảm thấy bạn đã khen ngợi, khích lệ hết sức, mà con bạn vẫn chẳng tiến bộ hơn? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình nuông chiều con quá đáng, hoặc ân hận vì đã quá khắt khe với con cái? Đã bao giờ bạn cảm thấy thất vọng vì con bị điểm kém hơn so với các bạn? Đã bao giờ bạn cảm thấy lo lắng không biết mình đang dạy con đúng hay sai, hoặc xấu hổ với người khác về cách hành xử của con? Và đã bao giờ bạn cảm thấy, dù đã được trang bị rất nhiều lý thuyết, đã áp dụng rất nhiều kỹ thuật được hướng dẫn trong sách vở, nhưng vẫn cảm thấy mình đang đi sai đường?

Có lẽ, trong cuộc đời làm cha mẹ, hiếm có một ông bố bà mẹ nào chưa từng trải qua những cảm giác như vậy, thậm chí có thể nói, những nỗi băn khoăn, lo lắng đó là cảm xúc thường trực của mỗi chúng ta. Không chỉ ở Việt Nam, các ông bố bà mẹ ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng lâm phải tình trạng này. Bởi vì làm cha mẹ có thể nói là một công việc khó khăn bậc nhất, cho nên nếu có một khóa học kéo dài không bao giờ kết thúc, thì đó chính là khóa học làm cha mẹ.

Cũng như nhiều mẹ Việt khác, từ khi sinh con, tôi bắt đầu nghiến ngấu rất nhiều sách dạy làm cha mẹ, gạn lọc và áp dụng nó vào việc nuôi dạy con của mình. Phần lớn trong số đó là các cuốn sách hướng dẫn về những kỹ thuật cụ thể trong nuôi dạy con cái: Làm thế nào để ăn dặm không nước mắt, làm thế nào để trẻ chịu nghe lời, làm thế nào để kỷ luật tích cực… Nhưng tôi vẫn cảm thấy sâu sắc rằng, việc áp dụng một cách cứng nhắc những kỹ thuật đó không những không hiệu quả mà nhiều khi có hại. Nuôi dạy con cái không đơn thuần chỉ là vấn đề kỹ thuật hay phương pháp, giống như lắp ráp một cỗ máy hay trồng một cái cây, nó đòi hỏi một cái gì đó sâu xa hơn, phi lý trí hơn, bởi quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan hệ thực sự đặc biệt. Và chúng ta không thể né tránh một thực tế là chúng ta đang đối diện với những sinh linh bé nhỏ, có nhân cách và suy nghĩ, có cảm xúc riêng, và do vậy không thể áp dụng một khuôn mẫu và công thức, kỹ thuật nuôi dạy con chung cho tất cả mọi đứa trẻ trên thế giới.

Khi được đọc cuốn sách Cha mẹ vô điều kiện của Alfie Kohn, một chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Mỹ, tôi đã tìm được câu trả lời cho những băn khoăn của mình. Dựa trên những chứng cứ khoa học khả tín, Alfie Kohn đã phân tích những sai lầm của lối giáo dục con cái dựa trên việc kiểm soát hành vi mà ông gọi là mô hình cha mẹ có điều kiện. Tiếc thay, phần lớn chúng ta, vì vô tình hay hữu ý, đã từng phạm phải những sai lầm này. Chúng ta dùng các phần thưởng và hình phạt để khuyến khích những hành động mà ta cho là tích cực và ngăn chặn những hành động mà ta cho là tiêu cực ở trẻ. Chúng ta kiểm soát quá mức mọi hành vi của trẻ. Bằng áp lực thành tích, chúng ta biến trẻ thành một cỗ máy nhỏ bé, khuyến khích sự cạnh tranh thay vì hợp tác. Mô hình cha mẹ có điều kiện này sai lầm ở chỗ, nó được xây dựng dựa trên một quan niệm rất phản nhân văn về bản chất của trẻ, rằng bản thân đứa trẻ không có giá trị gì hết, đứa trẻ không phải một con người với cái tôi và cách nhìn nhận sự việc riêng, Nó bắt nguồn từ nổi lo sợ của bố mẹ trong vô thức, lo sợ rằng mình không thể kiểm soát được, lo sợ mình bị mất quyền lực, lo sợ bị đánh giá. Những áp lực của đám đông, của định kiến vã hội, những nổi lo sợ trong tiềm thức đó của người lớn đã thúc giục chúng ta sử dụng tình thương yêu của mình như một phương tiện để kiểm soát quyền lực, để kiểm soát trẻ. Điều này tạo nên những chia cắt giữa cha mẹ và con cái, chia cắt này càng lớn lên khi con cái tới tuổi trưởng thành và nó có thể gây nên những hậu quả thực sự nghiêm trọng đối với sự phát triển nhân cách của trẻ.

Những bằng chứng khoa học mà Alfie Kohn đưa ra quả thực làm chúng ta phải giật mình. Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát quá mức thường thiếu tự tin, không tương tác nhiều với bạn bè, thiểu tò mò và thiếu sáng tạo, hoặc ở một thái cực khác, chúng trở nên nổi loạn, chống lại tất cả mọi thứ. Việc sử dụng phần thưởng lại dẫn đến một hậu quả tai hại là nó làm thủ tiêu động lực bên trong của trẻ, khiến cho trẻ cố gắng học tập hay đạt tới một kết quả nào đó chỉ vì được thưởng. Việc sử dụng hình phạt tinh thần có thể hủy hoại lòng trắc ẩn và mối quan tâm xã hội của trẻ. Khi trẻ tập trung vào việc đạt điểm cao ở trường, chúng sẽ mất đi hứng thú học tập, tìm cách né tránh những bài tập khó, ít có khả năng tư duy đoc lập và logic. Và bao trùm lên tất thảy, chúng ta đang truyền tới cho trẻ một thông điệp rằng đứa trẻ không có giá trị gì hết, chúng không xứng đáng được yêu thương, rằng môi quan hệ giữa bố mẹ và con cái thực ra là một mối quan hệ đổi chác, rằng con sẽ được yêu thương ít hay nhiều tùy thuộc vào việc con có ngoan ngoãn tuần phục hay không. Và vô hình chung, chúng ta đang hủy hoại điều quý giá nhất trong mồi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng ta đã hủy hoại lòng tự trọng và lòng trắc ẩn bên trong đứa trẻ, điều cốt lõi nhất giúp trẻ trở thành người tử tế trong xã hội.

Tôi rất thích thông điệp “So với muôn vàn định chế trên thế giới, mỗi sinh linh bé nhỏ quý giá hơn biết bao” của nhà giáo dục nổi tiếng người Thụy Sĩ Jean Piaget mà tác giả sử dụng làm lời đề từ. Có thể nói, đó là triết lý bao trùm lên toàn bộ cuốn sách Nguyên lý cha mẹ vô điều kiện mà Alfie Kohn xây dựng dựa trên nền tảng một quan niệm vô cùng nhân văn về trẻ và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rằng trẻ không phải là “môt quái vật nhỏ bé cần phải được thuần hóa hoặc bị ép buộc phải nhất nhất nghe lời” mà là một con người có nhân sinh riêng, có những nhu cầu và mỗi quan tâm riêng, có những nỗi sợ hãi riêng, có cách lập luận riêng. Và tình yêu thương vô điều kiện chính là gốc rễ quan trọng nhất của mọi việc giáo dục, là sợi dây thiêng liêng kết nối cha mẹ và con cái. Mọi sự hướng dẫn của cha mẹ dành cho con cái phải được thực hiện trong hơi ấm của tình mẫu tử, trong cảm giác an toàn và yêu thương vô điều kiện dành cho trẻ. Bởi vì, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một tình yêu thương vô điều kiện sẽ biết chấp nhận bản thân một cách vô điều kiện, sẽ có một cảm giác an toàn, tự tin từ bên trong, sẽ biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, sẽ phát triển duoc khả năng thấu hiểu người khác, gốc rễ của cái gọi là đạo đức.

Nhưng bạn sẽ thất vọng nêu muốn tìm trong cuốn sách này những kỹ thuật hay quy trình nuôi dạy con, bởi Alfie Kohn quan niệm các kỹ thuật chỉ có thể tác động đến hành vi nhất thời, trong khi nuôi dạy trẻ là một sứ mệnh cao cả và thiêng liêng, đồng thời cũng phức tạp, không chỉ tác động đến hành vi mà cần phải kiến tạo nên con người bên trong của trẻ, vì thế, không thế chỉ dựa vào kỹ thuật mà cần phải được xây dựng dựa trên những nguyên lý và nguyên tắc. Dựa vào những nguyên tắc bất biến này, các bậc cha mẹ có thể ứng phó với vô vàn các tình huống vạn biến trong suốt hành trình làm cha mẹ của mình.

Với 13 nguyên tắc chung và ba cách thức, tác giả đã đưa ra những gợi ý giúp các bậc cha mẹ có thể tìm thấy con đường đúng đắn trong việc thể hiện tình yêu thương của mình dành cho con. Bạn sẽ không chỉ có trong tay các kỹ thuật, mà sâu xa hơn, bạn sẽ cảm thấy thức tỉnh, thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình về đứa trẻ, nhận thức của mình về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bạn sẽ có được kim chỉ nam cho toàn bộ hành trình làm cha mẹ của mình, và bạn sẽ hiểu rằng bạn cần thể hiện với con sự chấp nhận vô điều kiện, tình yêu thương Vô điều kiện trong mỗi hành động, ứng xử của mình, để đứa trẻ luôn tin rằng chúng được yêu thương, được chấp nhận bất kể chúng có thất bại, sai lầm, không hoàn hảo tới đâu.

Để thực hiện được nguyên lý cha mẹ vô điều kiện, bạn sẽ học được cách nhìn cuộc sống từ điểm nhìn của trẻ, cách lắng nghe và thấu hiểu trẻ để nắm bắt được căn nguyên của từng hành vi, cách trao cho trẻ cơ hội được lựa chọn, cách ưu tiên mục tiêu lâu dài thay vì chi quan tâm tới cái lợi trước mắt, cách giải thích cho trẻ bằng lý lẽ thay vì đặt ra các giới hạn, bạn sẽ học được cách nói ít đi và hỏi nhiều hơn, bạn sẽ học cách chuyển từ việc kiểm soát sang hợp tác với trẻ… Mô hình ứng xử đó sẽ khó thực hiện hơn các kỹ thuật, đồng thời cũng mất nhiều thời gian hơn, nhưng nó sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, tránh cho bạn phải phân vân và mắc kẹt trong việc lựa chọn các phương pháp kỹ thuật. Và quan trọng hơn, nó sẽ giúp bạn duy trì một mối quan hệ tin tưởng, bền chặt, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Từ trong cái nổi yêu thương đó, những hạt giống tốt lành bên trong đứa trẻ như sự tự tin, tự lập, năng lực thấu cảm, lòng vị tha… sẽ được nuôi dưỡng, tưới tẩm. Đứa trẻ sẽ tự kiến tạo nên chính nó.

“Khi con cái trưởng thành, chúng sẽ có vô vàn cơ hội để đóng vai những nhà kinh tế, người tiêu dùng, người công nhân, nơi những quy tắc lợi ích và điều kiện của mỗi cuộc trao đổi được tính toán chính xác. Nhưng cha mẹ vô điều kiện khẳng định rằng gia đình phải là thiên đường, nơi trú ẩn khỏi những trao đổi đó. Cụ thể, tỉnh yêu từ cha mẹ không cần phải trả giá bằng bất cứ.điều gì. Nó chỉ đơn giản và thuần khiết là một món quà. Đó là điều mà mọi tre em xứng đáng được hưởng”. (Alfie Kohn)

Hãy đọc cuốn sách này thật chậm để cảm nhận từng thông diệp yêu thương mà tác giả gửi đến cho mỗi chúng ta.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh
Giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG TỐT CỦA CHA MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC
  2. YÊU THƯƠNG TỪ BI
  3. CHA MẸ ĐỪNG LÀM GƯƠNG MỜ TRONG NHÀ

Bài viết khác của tác giả

  1. NÓI ÍT ĐI, HỎI NHIỀU HƠN – CHA MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN
  2. CHA MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN: HAI CÁCH NUÔI DẠY TRẺ

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI