HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Trích: Ngọn Đèn Trí Tuệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch – Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức.
Câu hỏi: Gần đây con rất tức giận với một người. Cơn giận choán tâm can con. Con cảm thấy hối hận rằng như thế mình đã làm hư hoại giới nguyện và bây giờ con đang tập giữ chánh niệm trong tất cả các mối quan hệ. Xin Ngài cho con xin lời khuyên làm sao để trong tương lai, con có thể ngăn chặn sự tức giận không để nó chế ngự bản thân mình ?
Rinpoche: Khi cảm xúc tiêu cực sinh khởi và chúng ta hành xử theo cảm xúc tiêu cực thì chúng ta tạo nghiệp. Khi nghiệp đã tạo thì cách tốt nhất là phải ăn năn hối lỗi những cảm xúc và hành động tiêu cực. Nếu con sám hối đúng cách thì việc tịnh hóa những nhân tiêu cực trở nên dễ dàng hơn. Sở dĩ con tạo nghiệp tiêu cực là vì con chưa có đủ khả năng để duy trì chánh niệm một cách liên tục và do đó con để cho sự sân giận phát khởi. Đó là vì chánh niệm của con chưa đủ mạnh. Chánh niệm giống như lửa. Ngài Niguma – vị Không-hành-nữ (Dakini) trí tuệ – đã nói rằng: “Hãy thường xuyên liên tục nuôi dưỡng các tia lửa chánh niệm.” Chúng ta cần duy trì chánh niệm cho đến khi nó trở nên mạnh mẽ. Con càng thuần thục với chánh niệm thì chánh niệm càng trở nên mạnh mẽ. Thường thì vấn đề là ở chỗ chúng ta chưa đủ mức thuần thục chánh niệm. Mỗi khi con nhận ra sự sinh khởi của sân giận thì con cần thực hành chánh niệm. Khi sân giận được nhận ra thì vào thời điểm đó, nó có bản chất của trí tuệ như gương hay trí tuệ sáng tỏ (đại viên cảnh trí). Trong năng lực của cơn sân giận có hàm chứa tánh đại sáng tỏ. Thực chất thì sân giận mang bản tánh của tánh giác nguyên sơ.
Câu hỏi: Sau khi nhớ lại sự kiện một người làm tổn thương con khủng khiếp thì con đã giải phóng cảm xúc sân giận trong lòng. Con ngạc nhiên thấy rằng sự sân giận mạnh đến nỗi nó làm con sợ hãi và con gặp khó khăn khi nhìn thẳng vào nó. Nhưng khi con quán tưởng mình là đức Tara Trắng thì việc này trở nên dễ dàng hơn mặc dù vẫn còn khó khăn. Con nên làm gì với tình huống như thế này?
Rinpoche: Điều này xảy ra vì con chưa thuần thục với việc nghỉ ngơi trong bản tánh của tâm con. Việc nhớ nghĩ đến đức Tara hay một vị Bổn tôn nào khác là rất lợi lạc, tuy nhiên chỉ điều đó thôi thì chưa đủ để hoàn toàn nhổ rễ phiền não. Chúng ta được giới thiệu về bản tâm nhưng vấn đề là chúng ta chưa thuần thục trong việc duy trì trong chánh niệm sự tỉnh giác về bản tâm ấy. Cách thức để giúp thuần thục với bản tánh của tâm là chúng ta cần thường xuyên liên tục và hết sức nỗ lực để nhận biết mọi niệm tưởng sinh khởi, kể cả những niệm tưởng mạnh mẽ lẫn những niệm tưởng vi tế. Hãy nhận ra và nhìn vào từng niệm tưởng một. Mỗi khi cơn giận sanh khởi, con cần phải nỗ lực dùng sự tỉnh giác đang được duy trì để nhìn thẳng vào cơn giận đó. Con cần đối trị các cảm xúc tiêu cực đến khi nào chánh niệm của con trở nên thuần thục. Để trưởng dưỡng sự thuần thục đó, con cần phải giải thoát các niệm tưởng một cách thường xuyên và liên tục. Đôi khi việc suy nghĩ về lỗi lầm của sân giận lại ích lợi hơn, ví dụ suy ngẫm rằng sự sân giận sẽ dẫn tới đọa sanh ở cõi địa ngục. Thỉnh thoảng con có thể quán tưởng Bổn tôn. Con hãy áp dụng phương pháp nào phù hợp với con nhất trong từng tình huống. Nếu con tinh tấn thực hành thì con có thể thông qua “cái thấy”, thông qua việc an trú trong bản tâm – để xả bỏ được bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào. Tuy nhiên đôi khi chúng ta không thể nào làm được do vì sự thuần thục, làm quen còn rất yếu.