CHỈ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG MỚI GIẢI ĐƯỢC OÁN THÙ

SƯU TẦM

Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen

Hận thù chỉ làm cho con người tràn ngập khổ đau, dẫn dắt chúng ta ngày càng xa rời cuộc sống an lạc. Vì vậy, hóa giải hận thù là đi ngược chiều sinh tử, trở về nguồn cội bình an. Vậy muốn chuyển đổi nỗi tức giận, oán ghét giữa bản thân với người khác, tự mỗi người phải hóa giải mọi vướng mắc xấu ác, thù hận trong suy nghĩ, lời nói, việc làm, sinh hoạt hàng ngày để mình và người luôn sống trong cảm giác an lạc.

Hàng ngày, chúng ta cần quán sát và thấu hiểu bản chất của kiếp người. Kiếp người quý như vậy nhưng lại rất mong manh và nhiều đau khổ. Nhưng người Phật tử học về nỗi khổ của kiếp người không phải để bi lụy, oán trách đời mà trái lại là để tìm ra được cách đoạn trừ nhân của khổ. Khổ đau mà chúng ta đang gánh chịu chính là kết quả của những hạt giống của chúng ta gieo từ đời trước. Đời này chúng ta làm việc mà cứ có người làm hại là do đời trước mình đã từng làm hại và cạnh tranh với họ. Khi đó, nếu chúng ta thù ghét người làm hại mình, mối oán kết càng sâu hơn, không chỉ gặp nhau đời này mà còn nhiều đời sau nữa, để oan oan tương báo. Còn nếu nhận thức được rằng đời này chính là do nhân đời trước đã gieo, chúng ta dùng tâm thương xót hóa giải, có thể niệm Phật, trì chân ngôn để giải oan cắt kết, thì đối phương sẽ tự gỡ mà mình không biết. Và mối thù ân oán đối đó sẽ chấm dứt trong những kiếp tương lai. Cho nên Đức Phật dạy rằng oán thù không thể dập tắt được oán thù, chỉ có tình thương, lòng từ bi mới dập tắt được oán thù.

Tha thứ để mọi nỗi tức giận tiêu tan

Đức Phật đã từng tha thứ cho Đề Bà Đạt Đa trong nhiều kiếp quá khứ, người đã từng mắng chửi, nói xấu, đẩy đá hại Phật, để rồi sau này Đề Bà Đạt Đa đứng đầu 500 vị Bồ tát hội Pháp Hoa hộ trì cùng Như Lai.

Trước khi để người khác không còn oán giận thì tự tâm chúng ta phải tập tha thứ cho những người làm điều có lỗi và tổn thương đến ta. Sau khi tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, để họ yêu quý và hết lòng vì chúng ta thì lúc đó, ta mới hóa giải nỗi hận thù phát xuất từ mối nhân duyên ta nợ người khác, có lỗi với người đang oán trách ta. Với những ai đã hiểu và yêu thương chúng ta, họ sẽ là người giúp hóa giải hiềm khích, ân oán với người mà ta mắc nợ từ nhiều đời nhiều kiếp.

Tự sám hối, nhận lỗi khi làm sai

Tự thân nhận lỗi, hổ thẹn với lòng với những lỗi lầm từ vô thủy kiếp đến nay là một cách để hóa giải xung đột, hận thù giữa người với người. Bởi lẽ, khi làm sai mà ta càng cố chấp, cho rằng mình có địa vị cao hơn, giàu có hơn, lớn tuổi hơn… mà không chịu thừa nhận cái sai, o ép người dưới mình thì họ sinh tâm tức giận mà từ đó, oán thù mới phát khởi. Nếu tự biết mình sai mà thừa nhận, sám hối thì người kia sẽ không thể tức giận lâu được. Đó mới là cách hữu hiệu để hóa giải những ác nghiệp nhiều đời và không tạo thêm nghiệp xấu mới.

Học cách buông xả

Đôi khi chúng ta tự bào chữa rằng sân giận là vì lẽ công bằng, để mọi người phải nhìn nhận mình sai chỗ nào mà sửa đổi hoặc cho rằng không còn lựa chọn nào khác. Thế nhưng, vận mệnh cuộc đời con người lại không phải do chính bản thân mỗi người quyết định. Cái chết ập đến, khổ đau chầu chực, bất hạnh có thể diễn ra với ta bất cứ lúc nào. Nếu khi nhắm mắt mà tâm không buông xả, mang theo món nợ ân oán của kiếp này để rồi kiếp sau gặp lại, oán oán lại chất chồng. Nếu mạnh dạn xé đi giấy nợ, thì tâm ta sẽ được thoải mái, an lạc. Còn giữ tâm sân hận trong lòng, chẳng khác nào như tự thiêu đốt chính mình và người thân. Trong ngọn lửa của oán thù, kẻ thù chưa chắc đã bị đốt, trái lại, người ôm hận đang tự giết chính mình.

Câu chuyện đem yêu thương giải oán thù khi Đức Phật còn tại thế

Khi Đức Phật còn tại thế, nước Kiều Tát Di có vị vua tên là Trường Thọ bị vua Phạm Dự ở nước láng giềng cướp ngôi. Thái tử của vương quốc Kiều Tát Di là Trường Sinh Đồng Tử phải phiêu bạt khắp nơi và mang trong lòng một mối hận sâu sắc. Khi vua cha của Thái tử bị treo lên giàn thiêu, Thái tử đóng giả làm một người thường dân đến để chứng kiến. Đứng trên giàn thiêu, vị vua nhìn thấy con trai của mình, bỗng nói to rằng:

– Đừng kết nhân quả oán thù, hành đại nguyện từ bi mới là điều quan trọng. Giữ trong tâm mầm mống của sự hung ác độc hại, kết thù gây oán là gieo trồng gốc rễ của ngàn năm tai họa, đó không phải là cách xử sự của người con hiếu thảo. Con phải biết, tâm từ bi của chư Phật bao dung cả trời đất, các Ngài coi kẻ oán người thân bình đẳng như nhau. Ta tìm đạo chân thật, xả thân để cứu người mà còn sợ không làm tròn đạo hiếu, nay nếu con vì ta mà báo thù kết oán là đi ngược lại con đường của ta rồi! Dầu gì đi nữa, ta cũng không thể cho phép con giữ ý định ấy. Con phải nhớ lời ta dặn mới là đứa con hiếu thảo của ta.

Thái tử rất đau xót khi thấy cha mình bị thiêu chết như vậy. Tuy nghe rõ lời dạy của cha nhưng chí oán báo thù vẫn thôi thúc chàng. Thái tử quyết định đóng giả thường dân, tìm cách len lỏi vào giới danh gia quý tộc. Với nhiều tài năng và võ nghệ vô song, chàng dần trở thành hầu cận gần gũi nhất cho vua Phạm Dự. Thái tử đã chuẩn bị tất cả để báo thù.

Một hôm, Thái tử cùng vua Phạm Dự đi săn, Thái tử tìm mọi cách đánh lạc hướng mọi người hầu, cận vệ để chỉ còn vua và chàng lạc lại giữa rừng. Lúc đó vua Phạm Dự quá mệt nên thiếp ngủ. Thái tử thấy đây là cơ hội duy nhất để báo thù và rút gươm ra. Khi Thái tử rút gươm ra định đâm chết vua, chàng chợt nhớ lại lời cha dặn nên lại đút gươm vào bao. Nhưng lòng hận thù lại xui khiến chàng rút gươm ra lần thứ hai. Nhưng những lời cha dạy văng vẳng bên tai khiến chàng lại đút gươm lại. Đến lần thứ ba, chàng rút gươm ra, nhưng những lời cha dặn vẫn khiến chàng không thể xuống tay. Vừa lúc ấy vua Phạm Dự hoảng hốt giật mình tỉnh giấc, nói với Trường Sinh Đồng Tử rằng:

– Ôi chao! Thật quá kinh sợ! Ta vừa mộng thấy Trường Sinh Đồng Tử đến đây báo thù, cầm đao cắt đầu ta.

Trường Sinh Đồng Tử nghe vua nói thế, chậm rãi trả lời rằng:

– Xin đại vương đừng lo sợ gì cả. Trường Sinh Đồng Tử chính là thần đây. Xin nói thật với đại vương, trong lúc đại vương đang ngủ, thần quả có ý định báo thù, nhưng chợt nhớ lại di huấn của cha “Đừng gieo nhân quả oán thù, tâm độc hại chính là gốc rễ của ngàn năm tai họa” nên thần lại cho gươm vào vỏ trở lại.

Lúc đó ông vua đã khóc vì hối hận:

– Ta đã giết hại một thánh nhân, tội của ta thật đáng chết!

Sau khi trở về cung, vua Phạm Dự mời Trường Sinh Đồng Tử tắm bằng nước thơm, lấy y phục vương giả khoác lên người chàng, nhường cung điện cho chàng, mời chàng lên ngồi lên giường vàng của mình và còn đem công chúa gả cho chàng nữa. Sau đó, vua phái rất nhiều quân lính, ngựa, voi hộ tống chàng về nước.

Nguồn: thuvienhoasen.org

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI