CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA CÙNG TU THIỀN VỚI ĐỨC PHẬT: HIỂU RÕ CHÍNH MÌNH

THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI

Ngoài bạn ra, không ai có thể sống thay bạn. Cũng vậy, ngoài tôi ra, không ai có thể sống thay tôi. Bạn có trách nhiệm, tôi cũng có trách nhiệm. Nhưng sống là gì? Và chết là gì?

– Tông Tào Động có câu nói thế này: “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm”. Ai cũng biết câu nói này xuất phát từ một Công án, là câu mà đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã nói khi phó pháp cho Ma-ha Ca Diếp.

Lúc ấy trong pháp hội, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cầm cành hoa đưa lên trước đại chúng, mọi người không biết hưởng ứng thế nào, chỉ có Ca Diếp mỉm cười sáng rỡ, vì vậy đức Phật liền nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, phó chúc cho Ma-ha Ca Diếp.” “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm” mà đức Phật phó chúc cho Ma-ha Ca Diếp rốt cuộc là cái gì? Thật ra, tất cả thảo luận Phật pháp đều là kho báu quý giá nhất này, nó là sinh mệnh bạn, sinh mệnh tôi. Câu này vẫn còn một cách nói khác nữa, đó là: “Tôi là ai?”, hoặc “Đây là cái gì?” Câu hỏi này là Công án căn bản nhất, quan trọng nhất. Giống như tất cả Công án, chúng ta nhất định phải vận dụng trọn vẹn đời mình mới có thể thấu hiểu nó. Sinh mệnh của chúng ta rốt cuộc là gì? Sau khi giải đáp câu hỏi này rồi, chúng ta phải làm thế nào để sống với sinh mệnh này? Làm thế nào mới thể nghiệm được rằng sinh mệnh của đời sống ngay đây chính là sinh mệnh vô hạn như thế – Niết-bàn diệu tâm? Điều buồn cười là mỗi cá nhân chúng ta đều đang sống như thế, sinh mệnh chúng ta đều là kho báu nhưng chúng ta lại không sống ngay trong sinh mệnh đó. Nói cách khác, sinh mệnh chúng ta là “Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn-diệu tâm” trọn vẹn đầy đủ, nhưng trong suy nghĩ chúng ta, thì sinh mệnh mình lại không phải là cái này.

– Chúng ta quan niệm rằng sinh mệnh mình chẳng phải là Niết-bàn ngay đây và bây giờ. Chúng ta cho rằng Niết-bàn có lẽ là một nơi nào đó không phiền não, không hão huyền; hay là một cái gì đó rất đẹp không thể vươn tới được. Chúng ta vẫn cứ cho rằng Niết-bàn và đời người là hai việc, nhưng trên thực tế cần phải hiểu rõ rằng sinh mệnh chúng ta là ở ngay đây chính là Niết-bàn. Làm sao có thể như thế được? Chúng ta có thể nói rằng: Chúng ta tu hành để lấp đầy khoảng cách giữa sinh mệnh Niết-bàn diệu tâm chân chính và sinh mệnh theo quan niệm của chúng ta. Nhưng nói đúng hơn, chúng ta phải làm thế nào mới có thể hiểu rõ rằng thực ra từ khởi thủy cả hai sinh mệnh này vốn đã không có khoảng cách? Muốn thật sự kết hợp thành Nhất thể với Niết-bàn diệu tâm của chính mình thì đừng có quan điểm Nhị nguyên. “Diệu” trong Niết-bàn diệu tâm chính là ý này. Đó là lý do “Diệu” không phải là cái gì đó ẩn tàng khó thấy, khó nắm bắt, mà là cái đang ở “ngay đây”. Chính vì nó ở ngay trước mắt cho nên chúng ta mới nhìn mà không thấy. Sự thật thì chúng ta hoàn toàn đang sống trong Niết-bàn diệu tâm.

– Sống trong đó thì sẽ không còn nghĩ về nó nữa. Hễ nghĩ đến nó là chúng ta liền rơi vào trạng thái Nhị nguyên đối lập, không thấy được chân tướng vẹn nguyên của sinh mệnh. Tại sao khó vậy nhỉ? Chắc chắn quý vị phải tìm ra nguyên nhân, đầu mối của vấn đề. Phần lớn mọi người đều biết cái “Ngã” của chúng ta làm trở ngại chính mình. Cái “Ngã” này cho rằng sinh mệnh của tôi hoàn toàn không phải là sinh mệnh Niết-bàn diệu tâm; trong thể nghiệm của cái “Ngã” này, sinh mệnh hoàn toàn không phải là kho báu. Rốt cuộc, cái “Ngã” làm chướng ngại sự “thể chứng” (realization) này là cái gì? Cái “Ngã” này là một loại tác dụng Nhị nguyên đối lập của tôi. Bản thân “Nhị nguyên đối lập” không có gì sai, đó là một loại tác dụng của tâm. Thế nhưng, chỉ cần liên tục bị trói buộc vào quan điểm Nhị nguyên đối lập là chúng ta liền bị lung lay giữa những quan điểm giá trị đối lập: tốt – xấu, đúng – sai này. Nhưng tốt – xấu, đúng – sai đều là những quan điểm nhất thời. Cùng một sự vật nhưng có khi chúng ta cho là tốt, có khi cho là xấu; có khi đúng, có khi sai; có khi dài, có khi ngắn; có khi lớn, có khi nhỏ, nhưng rốt cuộc bản thân sự vật ấy là như thế nào? Sinh mệnh cũng vậy. Chúng ta cho rằng sinh mệnh mình nhất định phải vượt qua Nhị nguyên đối lập. Sinh mệnh chúng ta đang có mặt trong hiện tại ngay đây lúc này. Chính ở ngay đây! Chính tại chỗ này! Nhưng mà đó là cái gì? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ rằng sinh tử thực ra là sinh tử trong sát-na. Theo lời của thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng trong một ngày đêm, sinh mệnh chúng ta có tổng cộng sáu tỷ bốn trăm triệu chín mươi chín nghìn chín trăm tám mươi lần sinh tử, cho nên mỗi giây sinh mệnh chúng ta có khoảng bảy chục nghìn lần sinh tử. Điều này e rằng tâm trí chúng ta không cách nào tưởng tượng nổi. Sinh mệnh như vậy rốt cuộc là sinh mệnh như thế nào?

niềm tin là gì?– Thông thường, chúng ta cho rằng sinh mệnh con người khoảng chừng năm mươi năm, sáu mươi năm, ít có ai sống trên trăm năm. Có lần, tôi đọc được một quyển sách nói rằng có 3300 người sống trên trăm tuổi, trong đó người cao tuổi nhất là 112 tuổi. Thiền sư Đạo Nguyên nói rằng sống lâu nhưng lại không biết gì thì quả là điều tội lỗi. Và ngược lại, thiền sư Đạo Nguyên cũng nhấn mạnh rằng chỉ cần hiểu rõ sinh mệnh thì dù chỉ sống một ngày nhưng giá trị của một ngày đó tương đương với giá trị của người sống nhiều ngày hay nhiều năm mà không biết gì. Mỗi chúng ta đều quan tâm mình sống được bao lâu, đều cho rằng sống được tám mươi tuổi, chín mươi tuổi, cho đến một trăm tuổi là may mắn rồi. Có lẽ quả thực là may mắn, nhưng cái may mắn này là so với cái gì? So với người thanh niên sớm lìa đời chăng? Chúng ta nhất định phải quan sát rõ ràng sinh mệnh. Rốt cuộc, sinh mệnh đang tồn tại trong giây phút hiện tại đây là cái gì? Trong sát- na ngay đây có bảy chục nghìn lần sinh tử – điều này cuối cùng là gì? Sinh mệnh con người: nam, nữ, già, trẻ có khác gì với sinh mệnh của chúng sinh khác hay không? Sinh mệnh có phải là Nhị nguyên đối lập hay không? Nó là tương đối hay tuyệt đối? Nói được sinh mệnh là gì và nếu đúng là mỗi sát-na nó sinh tử bảy chục nghìn lần, thế thì cách nhìn và sự hiểu biết thông thường của chúng ta đối với sinh mệnh chẳng có ý nghĩa gì đáng nói cả.

– Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Do “cái này” (this) ngay đây chính là sinh mệnh, cho nên chúng ta thực ra đã Khai ngộ từ lâu. Khai ngộ không phải do tu hành mà có; thực sự là khi chúng ta tu hành thì hoàn toàn không mong đợi điều gì cả. Tại sao vậy? Vì tất cả đã sẵn có trong đây! Chính sinh mệnh chúng ta là một phần trí tuệ! Chính việc tu hành của chúng ta là sự Khai ngộ.

– Nếu vượt qua Nhị nguyên đối lập, vượt qua suy nghĩ và không suy nghĩ mà nhìn sinh mệnh, thế thì tất cả đều là Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm! Dùng quan điểm Nhị nguyên đối lập để suy nghĩ về sự vật thì sẽ đem sinh mệnh trói buộc vào những thứ như: tôi là tôi, anh là anh, cái này xấu, cái kia tốt. Trên thực tế, sinh mệnh chúng ta rất rộng lớn, không bờ bến. Sinh mệnh sinh tử trong từng khắc, từng sát-na, cho nên nó hoàn toàn không chịu sự giới hạn bởi không gian và thời gian. Tất cả đều ở ngay đây, lúc này!

– Chỉ cần dùng quan điểm Nhị nguyên để suy nghĩ sự vật thì sinh mệnh chúng ta liền lập tức bị giới hạn. Thế nhưng, sinh mệnh chúng ta thực ra không hề có giới hạn. Bạn là nam hay nữ, là già hay trẻ, là xuất gia hay tại gia đều không quan trọng. Mỗi cá nhân bất kỳ là người nào cũng đều là Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm. Mỗi người đều có rất nhiều cơ hội để thể nghiệm ngay lập tức sinh mệnh chính mình như thế. Làm sao mới thể chứng được sự hiển bày ấy là Đạo cao tột của sinh mệnh? Dù chúng ta có hiểu hay không thì mỗi giây vẫn có bảy chục nghìn lần sinh tử đổi mới, sinh mệnh như thế chính là sinh mệnh cao tột, cũng chính là sinh mệnh của chúng ta ngay đây, lúc này. Nhưng phải làm sao mới thể chứng được điều này? Bạn đang sống trong đó thì bạn đã làm tốt rồi! Hiểu rõ điều trọng tâm này rồi thì chúng ta sẽ biết ngay sinh mệnh không khác gì Đạo cao tột ấy, đời sống này chẳng khác gì Niết-bàn diệu tâm. Chúng ta thể chứng được sinh mệnh không sai biệt! Sinh mệnh chúng ta là như thế, việc tu hành cũng như thế. Do đó, nếu tu theo pháp Quán sổ tức (đếm hơi thở) thì bạn sẽ hợp thành một với hơi thở ra hơi thở vào của chính mình! Nếu tu theo “Chỉ quản đả tọa” thì bạn là sự ngồi thiền ! Nếu đang tham Công án thì bạn hãy để chính mình trở thành Công án!

– Bạn tự hỏi mình xem bạn có phải đang thực sự tu hành như thế không? Nếu bạn ngồi thiền mà dựa vào suy nghĩ phân biệt nào đó, hay ôm ấp kỳ vọng nào đó thì pháp môn bạn tu không phải là “Chỉ quản đả tọa”. Nếu bạn dựa vào kiến thức để tham Công án, nếu bạn hiểu Công án như là câu đố thì bạn không phải đang tham Công án. Tại sao vậy? Vì lúc này bạn có rất nhiều quan điểm Nhị nguyên đối lập, đó là quan điểm có sai biệt.

– Phải làm sao mới thể chứng được sinh mệnh chính là Chánh pháp nhãn tạng, Niết- bàn diệu tâm? Thực ra, từ lâu bạn đã là Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm rồi. Ít nhất bạn phải tin sinh mệnh mình ngay từ đầu là như vậy. Phải tin tưởng điều này! Tiếp đến, bạn sẽ bắt đầu thể nghiệm sinh mệnh này là sinh mệnh của chính bạn! Khi đó, chính sinh mệnh bạn là Bát-nhã- ba-la- mật (Prajnaparamita) – Trí tuệ. “Bát nhã” là trí Bất nhị, không phải bạn, không phải tôi, cũng không tốt – xấu. Đó là tác dụng hiện khởi sự việc ngay đây, lúc này. Ý của “Ba-la- mật” là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ kia). Đến “bờ” nào? Nếu tất cả sự vật ngay đây đều bình yên vô sự thì còn có “bờ” nào để đến nữa?

– Có người cho rằng bờ kia mới là Niết-bàn; Niết-bàn là vạn vật lẽ ra phải như vậy, là nơi mà sinh mệnh chúng ta nên hướng đến. Song, Niết-bàn thực ra là từ lâu đã ở trong đây. Thể chứng sinh mệnh ngay đây lúc này chính là Niết-bàn, là đến được “bờ kia”. Sinh mệnh này chính là kho báu quý giá nhất, là Đạo cao tột, là Đạo thể chứng.

– Sinh mệnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là sinh mệnh như vậy. Thế thì, sinh mệnh chúng ta có gì khác với sinh mệnh của Ngài? Đức Phật đã từng nói trong khoảnh khắc Khai ngộ ấy: “Kỳ diệu thay! Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai!” Chúng ta rốt cuộc là ai? Sinh mệnh chúng ta là việc ra sao? Chúng ta phải sống thế nào với sinh mệnh này – những vấn đề mà đức Phật thể chứng trên đây đã trở thành Công án mà chúng ta phải tham cứu. Chúng ta phải sống ngay trong Công án này, phải tu Công án này. Quý vị hiểu chứ? Mỗi người đều phải quán chiếu Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm này. Không thể không quán chiếu. Chỉ cần quán chiếu một ngày là đủ rồi. Ngồi thiền một lần cũng đủ rồi. Dù là một giây cũng đủ rồi. Nhưng nói ngược lại, dù bạn quán chiếu một tuần, mười năm, năm mươi năm, thậm chí một trăm năm cũng không đủ. Phải thể chứng điều này, không nên chờ đợi. Sự thực là không thể chờ đợi.

Tôi khuyến khích quý vị, xin mọi người hãy cùng tận hưởng sinh mệnh kỳ diệu này. Hãy hiểu rằng thế giới “chính là cái này”! Ngoài “cái này” ra, không có vật nào khác. Hiểu rõ sinh mệnh mình một cách chân thật là kho báu quý giá nhất, hãy nỗ lực chăm sóc nó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CON NGƯỜI CẦN KẾT NỐI LẠI VỚI THIÊN NHIÊN
  2. THIỀN SƯ ĐẠO NGUYÊN
  3. TÍNH KHÔNG VÀ THIỀN ĐỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ
  2. CHƯỚNG NGẠI TẠI ĐÂU ?

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH