CHÍNH NIỆM, TỈNH GIÁC

ĐẠI SƯ TỊCH THIÊN - SHANTIDEVA

Trích: Nhập Bồ Tát Hạnh;Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải; NXB Tôn Giáo.

  1. Người muốn giữ giới, hãy nên chuyên chú giữ tâm mình; vì nếu không giữ tâm thì không thể giữ giới.
  2. Nếu thả cái tâm như voi điên này ra, ta sẽ chịu nạn địa ngục vô gián (ngục A tì, nơi tội nhân liên tục chịu cực hình ngày đêm). Trên đời dù một con voi lớn chưa thuần cũng không gây tai họa bằng tâm này.
  3. Nếu luôn luôn dùng sợi thừng Chính niệm để trói vào cột cái tâm như voi điên này, thì không còn lo sợ gì nữa, mà lại có được tất cả phước lành.
  4. Cọp, sư tử, voi, gấu, rắn, hết thảy kẻ thù địch và lính canh giữ địa ngục trong loài hữu tình, cho đến các hung thần, quỷ la sát;
  5. Chỉ nhờ buộc cái tâm này là ta có thể trói tất cả những thứ trên. Điều phục được tâm là điều phục tất cả.
  6. Phật, đấng luôn nói sự thật, đã dạy rằng tất cả những nỗi lo sợ cùng vô lượng thống khổ đều từ tâm mà sinh ra.
  7. Các binh khí để hành phạt hữu tình trong các địa ngục do ai đã cố ý tạo ra? Ai tạo nên sắt nóng ở hỏa ngục, những nữ nhân địa ngục từ đâu sinh ? (ảo giác khủng khiếp của những kẻ đa dâm khi bị cực hình địa ngục).
  8. Phật dạy tất cả những thứ đó đều do ác tâm tạo ra. Bởi thế trong cả ba cõi, không có gì đáng sợ bằng tâm này.
  9. Nếu cần phải diệt trừ nghèo khổ cho tất cả chúng sinh mới thành tựu được hạnh tu bố thí cao cả (để thành Phật), thế thì ngày xưa làm sao Phật viên mãn thí độ được khi mà đến nay ta vẫn còn thấy những kẻ cơ bần?
  10. Nhưng nhờ vui vẻ đem cho chúng sinh tất cả tài vật cùng thành quả công đức mình, mà thí độ [hạnh bố thí rốt ráo] được viên mãn. Như vậy, bố thí chỉ cứ nơi tâm.
  11. Biết lùa các loại tôm cá và tất cả động vật hoang dã đến một nơi nào cho chúng khỏi bị giết hại? Nhưng khi vĩnh viễn chấm dứt ác tâm, thì gọi là thành tựu giới độ [giữ giới toàn vẹn].
  12. Kẻ ngoan cố sân si trên thế giới đầy dẫy khắp không gian, làm sao điều phục cho hết? Nhưng nếu chấm dứt tâm sân nơi chính mình, thì cũng như diệt được tất cả địch thù.
  13. Làm sao có đủ số lượng da thuộc để trải khắp đại địa? Nhưng chỉ cần lót một mảnh da dưới gót giày, thì cũng như đã trải da toàn mặt đất.
  14. Cũng vậy, ta không cần phải khắc phục tất cả những kẻ thù bên ngoài. Chỉ cần chấm dứt tâm giận dữ nơi chính mình, thì khỏi nhọc công khắc phục cái gì khác.
  15. Khi cái tâm sáng suốt vắng lặng sinh khởi, thì được quả báo sinh lên cõi trời Phạm thiên (cõi trời cao nhất trong sáu tầng trời cõi Dục). Dù làm các việc tốt lành bằng thân và miệng, những tâm hành (động lực từ nội tâm thúc đẩy) yếu ớt thì khó thành tựu phước đức.
  16. Phật dạy, dù tụng niệm và tu các thứ khổ hạnh lâu năm, mà tâm cứ tán loạn để ở chỗ khác, thì cũng vô ích.
  17. Nếu không biết tâm này, bí yếu của tất cả Phật pháp, thì dù có mong muốn thoát khổ và được an vui, rốt cuộc vẫn phiêu bạt trong ba cõi một cách vô nghĩa.
  18. Bởi thế ta nên khéo gìn giữ đạo tâm, Trừ giới giữ tâm này ra, còn cần gì giữ các giới khác?
  19. Như thân thể bị thương mà ở giữa một đám đông hỗn loạn thì cần phải cẩn thận giữ gìn, cũng thế ở giữa đời người hung ác, ta phải giữ vết thương là tâm mình.
  20. Đối với vết thương nhỏ trên thân, ta còn sợ bị hại mà phải cẩn thận giữ gìn, thì tại sao người sợ cái khổ ở địa ngục Núi ép không giữ vết thương là cái tâm mình?
  21. Nếu hành xử được vậy, thì dù ở giữa ác nhân hay nữ sắc cũng tinh tấn giữ giới không thối lui.
  22. Ta thà mất lợi dưỡng, tài sản, thân xác và các sinh kế khác, thà mất những thiện hành khác, quyết không tổn hại tâm này.
  23. Tôi chắp tay thành khẩn khuyên những người muốn giữ tâm, hãy nỗ lực giữ chính niệm và chính tri (chính niệm tỉnh giác).
  24. Những người bị bệnh khổ thì không có sức để làm gì ích lợi, cũng thế kẻ mà tâm bị phiền não quấy nhiễu cũng không thể làm các việc lành.
  25. Người mà tâm không tỉnh giác (chính tri, biết đúng) thì những gì nghe, tư duy, tu tập được sẽ không ở lại trong trí nhớ (chính niệm), như cái bình rỉ.
  26. Dù có tín, đa văn, tinh tấn, mà không tính giác chính tri thì cuối cùng cũng phạm vào ô uế tội lỗi.
  27. Tên giặc không chính tri ấy đi theo sau đuôi sự mất chính niệm (thất niệm) mà trộm hết phước đức đã tích lũy được từ trước, khiến người sa đọa đường ác.
  28. Bọn giặc phiền não ấy đang rình cơ hội cướp đoạt gia tài thiện pháp của ta, hủy hoại pháp thân tuệ mạng của ta và đường đến cõi tốt lành.
  29. Bởi vậy tuyệt đối đừng rời chính niệm khỏi cửa ý; nếu rời thì phải liền nhớ đến những tai hại của việc này, tức liền an trú lại chính niệm.
  30. Nhờ theo bậc thầy, nhờ sợ đọa lạc, nhà giáo huấn của thầy phương trường trú trì, mà người thiện tín dễ phát sinh chính niệm.
  31. Chư Phật, Bồ tát với cái thấy không chướng ngại, thấy rõ tất cả hành vi ngôn ngữ ta.
  32. Tư duy như vậy sẽ sinh hổ thẹn kính sợ và dễ dàng phát sinh chính niệm nghĩ đến Phật.
  33. Do giữ gìn cửa ý, đứng vững trong chính niệm rồi thì chính tri (biết đúng) sẽ xuất hiện, những gì đã quên mất càng dễ trở lại.
  34. Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm như cây bám chặt vào đất.
  35. Không bao giờ nên nhìn dáo dác mông lung, quyết chí thường để mắt nhìn xuống.
  36. Khi cần nhìn bốn phương để con mắt nghỉ ngơi chốc lát, nếu thấy có người nào xuất hiện trước tầm mắt thì hãy nhìn thẳng họ mà chào hỏi.
  37. Khi quan sát có gì nguy hiểm trên đường đi, nên nhìn bốn phương, và lúc nghỉ ngơi hãy quay nhìn sau lưng xem xét.
  38. Quan sát kỹ trước sau xong rồi mới tiếp tục đi tới hay quay về. Vào mọi lúc nên nhận rõ nhu yếu phải hành động (tỉnh giác) như vậy.
  39. Khi muốn thân thể ở trong tư thế nào, sau khi an trú hãy luôn quan sát: thân này đang được giữ trong tư thế nào?
  40. Thường nỗ lực quan sát cái tâm như voi điện to lớn này, buộc nó vào cột trụ chính Pháp, không để cho nó sổng chạy.
  41. Người tinh tấn tu tập thiền định thì trong một sát na cũng không để cho tâm phân tán ra ngoài, thường quan sát như sau: tâm ý mình hiện đi đâu?
  42. Nếu gặp lúc nguy cấp hay vui vẻ, không thể chú tâm thì nên xả cho nó an nghỉ. Kinh Vô Tận Ý có dạy rằng lúc hành bố thí, ta có thể xả những giới nhỏ nhiệm.
  43. Khi đã suy nghĩ một việc và muốn làm, thì không nên nghĩ đến việc gì khác. Tâm chí phải chuyên chú làm cho xong việc ấy đã.
  44. Được vậy việc mới thành, nếu không thì không xong việc nào cả. Sự mất tỉnh giác, con mắt bất chính tri luôn rình rập, nhờ vậy cũng sẽ không lớn mạnh.
  45. Khi đi vào những đám đông đang nói chuyện phiếm hoặc xem kịch, hãy đoạn trừ tâm tham đắm các việc ấy.
  46. Khi vô cớ làm những việc cuốc đất dẫy cỏ, vẽ vời trên mặt đất, thì hãy nhớ di giáo của Phật nên sợ tội lỗi mà từ bỏ ngay hành vi ấy.
  47. Khi thân muốn di động, miệng muốn ra lời, trước hãy xem tâm mình, rồi mới làm hay nói một cách an ổn và hợp lý.
  48. Khi ý khởi lên tham hoặc sắp nổi giận, hãy tạm đình chỉ nói làm, như cây đứng vững.
  49. Khi tâm nghĩ lăng xăng (trạo cử), coi thường kẻ khác, hoặc sinh kiêu căng ngã mạn, muốn phê bình người, muốn nói lời không thực để lừa dối người,
  50. Hoặc muốn khen mình chê người, nói lời thô ác, ly gián… thì hãy ở yên như cây đứng.
  51. Hoặc nghĩ đến danh lợi, cung kính, muốn sai sử người khác, muốn được kẻ khác hầu hạ, hãy ở yên như cây đứng.
  52. Khi muốn nói gì làm cho kẻ khác mất lợi giảm ích, để mưu cầu tự lợi, hãy ở yên như cây đứng.
  53. Khi mất kiên nhẫn, làm biếng, sợ sệt, nói lời vô nghĩa, không biết thẹn, khi sinh tâm thiên vị, hãy ở yên như cây đứng.
  54. Quán sát những tâm lý ô nhiễm ưa làm chuyện vô nghĩa ấy rồi, Bồ tát hãy dùng phương pháp đối trị để giữ tâm kiên cố.
  55. Bồ tát có đức tin sâu xa, rất cương quyết, vững vàng, cung kính lễ độ, biết xấu hổ, sợ quả báo, an tịnh, siêng năng, mong đem lại an vui cho người.
  56. Những kẻ ngu muội ấu trĩ thường không hợp ý nhau, tâm Bồ tát cũng đừng sinh chán ghét; phải thấy chúng bị mê lầm mà ra như thế, nghĩ vậy rồi hãy trải tâm từ.
  57. Vì lợi ích cho bản thân và hữu tình, ta không nên phạm tội; hãy thường xuyên chính quán như huyễn vô ngã.
  58. Hãy nên tư duy nhiều lần rằng trải qua nhiều kiếp ta mới có được nhàn cảnh thân người, vậy cần giữ gìn tâm này bất động như núi.
  59. Này tâm ý, lúc bầy chim kên háu đói tranh nhau gặm thi thể ngươi cũng bỏ qua, thì sao bây giờ ngươi lại để ý đến thân này?
  60. Sao còn ôm giữ cái thân xem nó là tôi? Ngươi với nó khác nhau, nó có ích gì cho ngươi đâu?
  61. Này tâm ý ngu si kia, sao người không giữ một cái thân như cây sạch sẽ, mà giữ chi cái khí cụ hư hoại ô uế này?
  62. Trước hãy dùng ý phân tách da khỏi thịt, rồi dùng trí tuệ sắc bén mà tách thịt ra khỏi bộ xương.
  63. Lại chẻ xương ra mà quan sát sâu vào tủy để tự hỏi, có cái gì sạch và đẹp không?
  64. Tìm kỹ cũng không thấy được cái sạch đẹp, thì sao ngươi còn tham luyến mến giữ cái thân này?
  65. Người cần gì thân này khi người không thể ăn dơ uế trong thân, uống máu trong thân, hút gan ruột trong thân?
  66. Cái lý do duy nhất để tham thân, là nó làm thực phẩm cho chồn và kên kên, vậy thân người chỉ đáng nên chịu sự sai khiến để làm việc thiện.
  67. Nếu ngươi cứ bám giữ nó, thì thần chết cũng không buông tha, sẽ đoạt nó để cho chó và kên kên ăn, khi ấy người làm gì được?
  68. Khi tớ không kham việc thì chủ không cho cơm áo; ngươi cưng dưỡng cái thân mà nó bỏ ngươi đi mất thì sao còn chăm sóc nó chu đáo làm gì?
  69. Đã trả lương cho nó thì nó phải làm lợi cho mình; nếu nó không lợi ích gì thì không cho nó xu nào cả.
  70. Nên xem thân như con thuyền đưa ta qua lại làm lợi lạc hữu tình, chuyển nó thành thân Phật như ý.
  71. Hãy tự làm chủ lấy thân tâm, thường lộ vẻ mặt vui tươi, đình chỉ sự giận dữ và những cái cau mày; trở thành người bạn tốt của chúng sinh.
  72. Khi dời chỗ ghế giường, đừng tùy tiện gây tiếng động lớn. Khi mở cửa cũng phải nhẹ nhàng chớ thô bạo. Thường ưa nói lời hiền dịu nhu hòa.
  73. Con vịt nước, con mèo và kẻ trộm lúc nào cũng làm việc một cách lặng lẽ trong bí mật, nên mới thành tựu được những việc chúng muốn làm. Đức Phật cũng thường làm việc cách đó.
  74. Ở chung nên khéo khuyên răn người bỏ ác làm lành, khi người khác cho những lời khuyên lợi ích mà mình không yêu cầu, thì phải cung kính mà đón nhận, hãy là đồ đệ học hỏi từ tất cả chúng sinh.
  75. Hãy khen ngợi tất cả những lời Pháp khéo thuyết, và thấy ai làm việc phước thì nên ca tụng và sinh tâm vui mừng.
  76. Hãy thầm khen công lao kẻ khác và cùng người nói về thiện đức kẻ khác. Nghe ai nói đến công đức của mình thì hãy tự xét xem mình thực có như vậy hay không.
  77. Tất cả việc làm đều cốt mang lại nguồn vui khó mua được bằng tiền bạc, bởi thế ta hãy nhân thiện hành của mọi người mà hưởng thú vui tùy hỉ.
  78. Làm vậy thì chẳng những đời này không hại gì mà đời sau được vui lớn. Ngược lại, nếu vì ganh ghét mà sầu khổ thì đời sau thống khổ càng tăng.
  79. Nói năng phải từ đáy lòng mình, lời và nghĩa minh bạch khiến người nghe vui vẻ, không nói vì tham sân thúc đẩy mà phải nói lời nhu hòa thích đáng.
  80. Khi nhìn hữu tình, hãy nhìn với từ tâm và thành thực, nghĩ rằng nay tôi nhờ họ mà có thể thành Phật.
  81. Hãy thường khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện), như cũng thí vào ba ruộng phước là kỉnh điền (cúng dường tam bảo), ân điền (cha mẹ), và bi điền (kẻ nghèo) thì sẽ được phúc lớn.
  82. Khi đã có được trí thiện xảo và đức tin, thì ta nên thường hành thiện. Những việc lành hãy tự mình làm, không ỷ lại vào kẻ khác.
  83. Các pháp ba la mật như bố thí, trì giới,… cần phải ngày càng tăng tiến, đừng vì việc nhỏ mà mất lợi ích lớn. Hãy thường nghĩ làm sao lợi ích cho tất cả mọi người.
  84. Đã rõ đạo lý kinh dạy như trên, thì hãy thường phát tâm siêng làm lợi người. Đức Phật thấy xa, đầy đủ bi mẫn đã mở cho Bồ tát những giới cấm đối với kẻ khác.
  85. Thực phẩm nên chia sớt cho những chúng sinh bị đọa, cho người không nơi nương tựa, và cho những người giữ giới. Chỉ nên ăn vừa đủ mà thôi. Y phục chỉ giữ ba bộ, ngoài ra nên thí xả.
  86. Thân này cốt để tu hành chính pháp, không nên vì lợi nhỏ mà làm cho nó bị tổn thương. Được thế thì ước nguyện của chúng sinh sẽ mau thành tựu.
  87. Không có một tâm đại bi hoàn toàn thanh tịnh thì không nên thí xả thân này, mà đời này cũng như các đời khác chỉ nên xả thân vì lợi lạc lớn lao cho hữu tình.
  88. Không thuyết pháp cho người có thái độ như kẻ bị bệnh, không cung kính, người cầm dù, gậy, binh khí, người trùm đầu.
  89. Không thuyết pháp cho người khác phái chỉ có một mình; không nói pháp rộng rãi sâu xa cho người thiếu trí; nhưng phải cung kính tu tập bình đẳng tất cả pháp sâu cạn.
  90. Không nên nói pháp nhỏ cho người có khả năng lớn, không nên xả luật hạnh bồ tát, không dùng chú thuật dối gạt người.
  91. Khi nhổ nước bọt và vứt tăm xỉa răng phải lấy đất che lấp, không đổ phế thải lên đất sạch và nước trong.
  92. Khi ăn chớ độn đầy miệng, nhai ra tiếng, há lớn miệng. Khi ngồi không duỗi chân ra, không xoa hai tay vào nhau.
  93. Ở những nơi như trên xe, trên giường, không nên ngồi chung với người khác phái. Tóm lại là những gì khiến người đời mất niềm tin thì hãy theo đó mà tránh sự ghét hiềm.
  94. Đừng ra hiệu hay chỉ đường bằng cách búng ngón tay, mà nên cung kính duỗi cả bàn tay phải.
  95. Để bày tỏ ý mình, không nên lắc mạnh cánh tay, mà chỉ cử động nhẹ, hoặc nói ra lời, hoặc khảy móng tay, nếu không sẽ mất uy nghi.
  96. Như khi Phật Niết bàn, lúc ngủ hãy xoay đầu về hướng đáng hi vọng. Khi ngủ hãy giữ gìn chính niệm tỉnh giác nghĩ đến lúc thức dậy.
  97. Phật dạy vô số luật nghi Bồ tát (không thể nào nói cho hết), nhưng những pháp hành để thanh lọc tâm trên đây, hãy nên tận lực tu trì.
  98. Ngày ba lần đêm ba lần, hãy tụng đọc Kinh Ba Tụ, và y cứ bốn năng lực là quy y, phát tâm, vân vân… mà sám trừ các tội nặng.
  99. Lúc nào cũng nên vì mình hay vì người mà siêng năng thực hành bất cứ hạnh gì Phật đã dạy.
  100. Không có một giới nào mà Bồ tát không cần học, nếu khéo sống được như vậy thì nhất định không thiếu phước.
  101. Dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả hành vi đều chỉ vì lợi tha; và cũng chỉ vì lợi lạc hữu tình mà ta hồi hướng tất cả cho sự nghiệp giác ngộ.
  102. Dù phải mất tính mạng, tôi thề không từ bỏ bậc Bạn lành quý báu tinh thông giáo nghĩa đại thừa và thực hành viên mãn giới Bồ tát.
  103. Nên tu học những phép tắc hầu thầy nói trong truyện Cát Tường Sinh ở kinh Hoa nghiêm, và những học giới khác đọc kinh sẽ biết.
  104. Trong kinh có giới luật, vậy nên đọc qua tạng kinh, trước tiên là kinh Thánh Xử Hư Không Tạng.
  105. Vì sao phải tu hành? Trong kinh Học Xứ Tập Yếu đã nói rộng điều này, bởi thế nên đọc bộ luận Chúng Học Xử Tập Yếu.
  106. Lại cũng nên đọc qua Nhất Thiết Kinh Tập Yếu và hai bộ luận của Long Thọ.
  107. Hãy siêng tu học những gì mà kinh luận không cấm, và thực hành những gì kinh dạy để giữ gìn đức tin của thế gian.
  108. Tóm lại ý nghĩa của giữ gìn Chính tri là: nên quán sát kỹ các trạng thái của thân và tâm.
  109. Hãy nên cung kính thực hành chứ nói suông đâu có kết quả? Nếu chỉ đọc cái toa thuốc thì có ích gì cho cơn bệnh?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  2. BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG BUÔNG LUNG
  2. NHỮNG LỢI LẠC CỦA TÂM BỒ ĐỀ
  3. TÂM BỒ ĐỀ – NHẬP BỒ TÁT HẠNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP