SƯU TẦM
'Mong học trò của mình cũng sống như thế' – Đó là mong ước của thầy giáo Trần Tuấn Anh – giáo viên môn GDCD Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM – khi lên tiết bài dạy “Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân”. Tiết dạy diễn ra chiều 1/3/2018 ở lớp 9/3.
Sau phần định nghĩa về lao động, thầy giáo hỏi cả lớp: sau này em sẽ làm nghề gì? Lần lượt từng học sinh nói về ước mơ của mình: giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, đầu bếp…
“Ước mơ của các em là tốt nhưng thầy vẫn thấy lo lo…” – cả lớp tròn xoe mắt ngạc nhiên.
Thầy giáo giải thích: “Vì chưa bạn nào nói với thầy: em muốn làm giáo viên tốt, bác sĩ tốt… cả. Hãy gắn thêm chữ “TỐT” phía sau mỗi nghề. Vì các em ơi, làm nghề gì cũng cần phải có lương tâm”.
“Học sinh bây giờ đa số đều thông minh về kiến thức – các em nắm bài rất nhanh, sau này sẽ trở thành những người giỏi chuyên môn. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để các em biết sống tốt, sống đẹp, biết cống hiến cho xã hội… Đó là lý do khiến tôi đưa thêm nhiều câu chuyện đẹp vào bài dạy. Trong đó có nhiều câu chuyện được cắt dán từ báo Tuổi Trẻ” – Thầy Trần Tuấn Anh.
Đồng tiền trong sạch
Và thầy giáo tiếp tục đóng vai người kể chuyện: những câu chuyện sống đẹp, sống tử tế bằng hình ảnh, tư liệu mà thầy sưu tầm từ các bài báo trên báo Tuổi Trẻ: như tấm gương thầy giáo Nguyễn Đức Hoành – giáo viên Trường THPT Trương Định, Gò Công, Tiền Giang: Gia cảnh khó khăn, áo quần cũ sờn nhưng không chịu mua quần áo mới mà để dành tiền cưu mang, nuôi học trò nghèo ăn, học.
Khi thầy bệnh, phải mổ một bên mắt nhưng vẫn đến lớp giảng dạy. Đêm đến, thầy còn dạy thêm miễn phí cho học trò nghèo tại nhà. Ngày thầy mất, học sinh đứng trắng hai bên đường với những giọt nước mắt lăn dài.
Nói rồi, thầy Tuấn Anh kết luận: “Đó là thầy giáo tốt, cả đời tận tụy vì học trò. Vì thế, thầy nhận được tình cảm tốt từ học trò”.
Ngay sau đó, thầy đưa micro đến một nữ sinh: “Em nghĩ như thế nào?”. “Dạ, em rất cảm động, em cũng muốn sau này mình được tôn trọng như thế”.
Thầy giáo lại đặt câu hỏi: “Các em nghĩ chúng ta học để làm gì?”, dưới lớp có câu trả lời rất nhỏ: “Để kiếm tiền”.
Thầy giáo cao giọng: “Đừng bao giờ nghĩ học để kiếm tiền mà học để cống hiến. Khi chúng ta cống hiến càng nhiều thì thu nhập càng cao, lúc đó tiền sẽ tự động tới với mình. Đó là những đồng tiền trong sạch”. Cả lớp cùng vỗ tay tán thưởng.
Hi vọng
Thầy Tuấn Anh lại kể về tấm gương bác sĩ Hà Văn Quỳnh – bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nam Nghệ An: Theo tư liệu trên báo Tuổi Trẻ, khi chuẩn bị phẫu thuật cho một cháu bé 12 tuổi bị thoát vị bẹn, các bác sĩ đã căn dặn người nhà trước khi lên bàn mổ phải để cháu bé thật đói, không được ăn uống bất cứ thứ gì.
Thế nhưng thấy con khóc vì đói bụng, ông bố thương con đã giấu giếm bác sĩ đưa con đi ăn một bát phở.
Sau khi gây mê, chuẩn bị tiến hành phẫu thuật, bỗng dạ dày cháu bé phản ứng nôn thốc nôn tháo, thức ăn tràn ra cả miệng và mũi.
Lúc đó bệnh nhân đã ngấm thuốc mê, nếu không hút hết các tạp chất kịp thời, chỉ trong vòng 2-3 phút các tạp dịch sẽ tràn vào màng phổi gây ngạt thở, bệnh nhân sẽ tử vong.
Thiết bị thiếu thốn, cứu bệnh nhân bằng cách nào? Khi mọi người lúng túng chưa biết nên xử lý thế nào thì lập tức bác sĩ Quỳnh đến dùng miệng của mình ngậm vào miệng, mũi bệnh nhân vừa hút vừa nhả các tạp chất ra ngoài để thông đường hô hấp.
Thầy kết luận: chỉ có tấm lòng lương y như từ mẫu – thiên thần áo trắng mới làm được. Đó là một bác sĩ tốt.
Và không chỉ có thế, học sinh lớp 9/3 còn được xem, nghe về hoạt động của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám chữa bệnh ung thư miễn phí 100% cho người dân – thành lập từ ý tưởng của cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh…
Thầy giáo lại đặt câu hỏi: muốn xây một bệnh viện miễn phí như thế, người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh phải kết nối được tấm lòng của nhiều người: “Một người lãnh đạo tốt, cả xã hội được nhờ, hàng triệu người dân được hưởng lợi; một hiệu trưởng tốt bao nhiêu thế hệ học sinh được nhờ; một giám đốc tốt, cả công ty, xí nghiệp và hàng ngàn công nhân được nhờ. Còn ngược lại, nguy hiểm, đáng sợ và khủng khiếp vô cùng”.
Và câu chuyện của những người thợ điện vượt suối trèo đèo mang ánh sáng đến vùng cao; những người lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy lao vào đám cháy để cứu người dân, những y, bác sĩ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh… đã khiến nhiều học sinh tròn xoe mắt.
Thầy giáo hạ giọng, nói chuyện tâm tình: “Các bạn biết không, khi thầy soạn bài này xong là đã 23h30, lúc ấy trong lòng thầy dâng lên một cảm xúc rất lạ. Thầy thầm mong ước những học sinh của mình lớn lên cũng biết sống tốt, sống vì mọi người”.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online, ngày 3/3/2018