CHÚ TÂM KHÔNG ĐỐI TƯỢNG

KARMAPA THỨ 9 WANGCHUG DORJE

Trích: Đại Ấn – Thiền Xóa Tan Bóng Tối Của Vô Minh – Với Bình Giảng Của Beru Khyentze Rinpoche; NXB Thiện Tri Thức.

Để hướng tâm thức vào cái không có căn cứ hay đối tượng, con nhìn thẳng, trống trơn vào không gian trước mặt với hai mắt mở và không có đối tượng nào cả.

Hư không như bản tánh của tâm thức, là thường hằng, không có điều kiện cũng không lệ thuộc nhân duyên. Bởi thế nhìn thẳng vào không gian trước mặt bạn là một phương pháp tiếp cận cho tham thiền về bản thân tâm thức.

Tham thiền này cũng tương tự như những thực hành được làm trong anuttarayoga tantra liên quan đến tiến trình chết. Bình thường thức nương dựa vào mọi nguyên tố của thân như là căn cứ của nó. Trong tiến trình chết, những nguyên tố như là căn cứ tuần tự mất đi và thức càng lúc càng ít nương dựa vào chúng. Điều này được diễn tả một cách hình tượng là các nguyên tố tan biến cái này vào cái kia. Trước hết căn cứ “đất” hay nguyên tố đặc mất đi và thức không còn dựa vào nó. Rồi sự việc xảy ra cũng như vậy với các nguyên tố nước, lửa, gió. Cuối cùng, cấp độ tinh tế nhất của thức, chỉ nương dựa vào không gian, được để một mình, không tách lìa với cấp độ tinh tế nhất của năng lực duy trì đời sống. Đây là cái sẽ kinh nghiệm Tịnh Quang của cái chết và đi vào trung ấm rồi vào một tái sanh khác. Như thế tham thiền về tâm thức mà không có đối tượng tương tự với những tham thiền tantra lấy Pháp thân như một con đường cho cái chết, trong đó bạn bắt chước trong tham thiền tiến trình tan rã của cái chết và cuối cùng chú tâm vào tâm như hư không trong kinh nghiệm Pháp thân Tịnh Quang.

Tham thiền không có đối tượng không nên lầm lẫn với tâm vô ký trống trơn trong đó bạn hoàn toàn hôn trầm như sự bất tỉnh hay say đờ đẫn. Nó cực kỳ cảnh giác, tỉnh thức và trong sáng, nhưng như trong những tham thiền Tịnh Quang của cái chết, không có đối tượng hay tư tưởng nào.

Không để cho tâm thức con nghĩ về cái gì cả, chớ cho phép một lang thang nhỏ nhặt nào của tâm thức. Chớ hướng tâm thức đến những tư tưởng trạng thái này có những phẩm tính gì, hay quá khứ, tương lai. Đặt tỉnh giác như một tay gián điệp rất siêng năng kiểm soát xem con có đi lạc không, và rồi buông xả. Nói cách khác, hãy tự đặt mình trong một trạng thái thanh tĩnh, không tạo tác giả tạo của cái tại đây và bây giờ (cái hiện tiền).

Chớ lang thang dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy chăm chú như khi xâu chỉ lỗ kim. Chớ để tâm thức con ồn náo, mà như một đại dương không sóng. Chớ có ý cố gắng hoàn thành một cái gì, mà chỉ trụ tâm thức con như một con ó vút thẳng lên. Hãy hoàn toàn thoát bỏ mọi mong cầu và lo toan.

Khi con không có lang thang trong tư tưởng, thì những tư tưởng sẽ không đến. Nhưng khi lang thang xảy ra, bây giờ bởi vì những tư tưởng tiếp nối cái này qua cái khác, hãy cố gắng nhận biết chúng là gì ngay khi vừa khởi lên. Nói cách khác, hãy nhìn thẳng vào chúng và rồi trụ tâm như trước. Bất kể tư tưởng khởi lên như vậy, chỉ nhận biết chúng là cái gì. Hãy đặt sự chú ý của con ngay vào chúng mà không nghĩ gì đại loại “Ta phải chặn chúng” hay “Ta đã chặn được chúng”, hay cảm thấy vui sướng hoặc bất hạnh. Chỉ nhìn vào chúng với con mắt của trí huệ rõ biết. Hãy lấy chính tư tưởng như là căn cứ đối tượng cho tâm thức con nắm giữ và rồi định vào đó. Hãy để cho tâm con trong một trạng thái không căng thẳng quá cũng không buông lỏng quá. Đây là điểm thứ năm cho thiền định.

Khi bạn bắt đầu tham thiền, có vẻ tư tưởng bạn tăng thêm. Thật ra không phải thế, mà chỉ vì bạn ý thức hơn về nhiều “giao thông” trong tâm thức bạn.

Tâm thức và những tư tưởng của nó không đồng nhau cũng không khác nhau. Nếu chúng là một, sẽ không sao làm cho bình lặng hoặc loại bỏ tư tưởng. Nếu chúng là khác và tách biệt nhau, bạn có thể có những tư tưởng mà không cần có tâm. Những tư tưởng là trò chơi nhất thời của tâm. Tâm thì sáng tỏ, thanh tịnh không có đặc tính gì, như tấm gương. Những tư tưởng giống như những hình ảnh trong tấm gương đó; chúng không tách lìa gương, cũng không là một với gương.

Những tư tưởng là kết quả của mê lầm về bản tánh của thực tại, và có nhiều loại khác nhau. Những tư tưởng thô thì dễ nhận ra. Chẳng hạn nếu bạn đang thiền định về một cái tách, và tư tưởng khởi lên bạn muốn uống trà, rồi bạn gọi ai đem tới cho bạn, đó là tư tưởng thô. Một tư tưởng tế có thể nghĩ, “Đây là một cái tách” hay “Nó làm bằng sứ trắng”, hay nhận biết tiếng ra-đi-ô khi đang chú tâm vào cái tách. Nhưng bất cứ loại tư tưởng nào khơi lên, hãy nhận ra nó là cái gì. Nhận biết đó chỉ là một tư tưởng, trò chơi của tâm thức như một hình ảnh trong gương, không bám níu và để chúng đi qua. Hãy để những tư tưởng liên tục tan biến như một cuộc diễn hành đủ mọi tính cách đi qua một khán đài mà không hề dừng lại.

Nếu bạn nghĩ rằng một tư tưởng nhỏ không đáng nghĩa gì, đây là một thái độ dở. Đám cháy rừng có từ một ngọn lửa nhỏ. Cũng như từ tư tưởng nhỏ “Đây là một tách trà”, nếu bạn bám vào nó, bạn sẽ sớm có mặt trong bếp để nấu trà và xa hẳn thiền định của bạn. Chỉ nhìn vào tư tưởng, không theo nó, và nó sẽ tự nhiên tan biến. Không có cái gì khác có thể làm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI NGUYỆN ĐẠI ẤN
  2. THIỀN QUÁN ĐẠI ẤN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ QUÝ GIÁ ĐƯỢC TÁI SANH LÀM NGƯỜI
  2. NGHIỆP VÀ LUẬT NHÂN QUẢ
  3. NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM AN ĐỊNH

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU