CHÚNG TA THỰC SỰ LÀ AI?

JACK CANFIELD

Trích: "Tâm Đạo - Hành Trình Tâm Linh - Những Nguy Cơ và Triển Vọng"; Việt dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hyl; NXB Thời Đại.  

Khi chúng ta đối diện với đủ loại giáo huấn và thực hành tâm linh, chúng ta phải giữ một ý thức tìm tòi chân chính. Các giáo huấn và thực hành này có tác dụng gì đối với tôi và người khác? Trong các lời cuối cùng của mình, Đức Phật nói chúng ta phải là một ngọn đèn soi cho chính mình.

Đây là một thời đại tuyệt vời cho con người tìm kiếm tâm linh. Các hiệu sách tâm linh thời nay có đầy các sách thực hành thần bí của Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Hindu. Các chương trước về “Trò Chơi Tàu Lượn Tâm Linh” (ch. 9) và “Mở rộng và Làm Tiêu tan Ngã” (ch. 10) chỉ là một mô tả thêm giữa hàng trăm các câu chuyện tâm linh khác. Nhưng nhiều câu chuyện tâm linh loại này mâu thuẫn nhau. Chúng ta đã thấy các viễn cảnh có thể khác nhau nhiều như thế nào ngay trong các truyền thống Phật giáo, từ các trường phái tìm kiếm giác ngộ qua thanh tẩy và các trạng thái ý thức biến đổi tới các trường phái nói rằng chính việc tìm kiếm này ngăn cản chúng ta thể hiện giác ngộ đích thực ở đây và bây giờ. Nhiều viễn cảnh mâu thuẫn mà chúng ta gặp đặt ra một trong các vấn đề nan giải của đời sống tâm linh: Chúng ta phải tin gì?

Ban đầu, trong sự phấn khích lúc thực hành, chúng ta có khuynh hướng chấp nhận mọi điều chúng ta nghe hay dọc như là sự thật của Kinh Thánh. Thái độ này thường trở nên mạnh hơn nữa khi chúng ta gia nhập một cộng đoàn, theo một người thầy, chấp nhận một kỷ luật. Nhưng tất cả các lời giảng dạy của các sách, các lược đồ và các niềm tin có liên quan rất ít tới sự khôn ngoan hay lòng từ tâm. Ở mức độ tốt nhất, chúng cũng chỉ là một biển chỉ đường, một ngón tay chỉ mặt trăng, hay câu chuyện còn sót lại từ một thời mà ai đó đã nhận được một vài sự nuôi dưỡng tâm linh nào đó. Để làm cho việc thực hành sống động, chúng ta phải khám phá nội tâm theo cách riêng của mình để trở nên có ý thức, để sống một đời sống của tinh thần.

Khi đối diện với rất nhiều loại giáo huấn và thực hành tâm linh khác nhau, chúng ta phải giữ một tinh thần tìm tòi chân chính. Giáo huấn và thực hành này có ảnh hưởng gì đối với tôi và người khác? Nó tác động thế nào? Quan hệ của tôi với nó thế nào? Tôi có bị mắc kẹt, sợ hãi, hoang mang không? Tôi có đang được dẫn dắt tới một lòng nhân hậu và hiểu biết lớn hơn, một sự bình an và tự do lớn hơn không? Chỉ mình chúng ta mới có thể khám phá ra rằng con đường chúng ta đi phải dẫn chúng ta qua các trạng thái thiền định cao nhất hay qua việc chữa lành các vết thương lòng của mình. Trong những lời cuối cùng, Đức Phật nói rằng chúng ta phải là một ngọn đèn soi cho chính mình, chúng ta phải tìm ra con đường đúng của chính mình.

Một câu chuyện thời nay về Mullah Nasrudin, một bậc thầy Sufi và là một kẻ sùng đạo khờ khạo. Câu chuyện kể rằng ông đến một ngân hàng để rút tiền. Nhân viên thu ngân xin ông xưng danh tánh. Ông thò tay vào túi lấy ra một cái gương nhỏ. Nhìn vào gương, ông nói, “Đây, đây đúng là tôi”.

Suy niệm và thực hành tâm linh cũng giống như thế – nhìn vào gương. Lúc đầu, chúng ta có khuynh hướng nhìn mình và thế giới theo các quan điểm quen thuộc, theo các hình ảnh và khuôn mẫu mà chúng ta đã giữ từ rất lâu. “Đây là tôi”. “Tôi thông minh” hay “chậm chạp”. “Tôi đáng yêu” hay “vô giá trị”. “Tôi khôn ngoan và quảng đại”, hay “Tôi nhút nhát và sợ sệt”. Sau đó có thể chúng ta tìm cách sửa chữa hay tạo lại hình ảnh của mình, nhưng một cách máy móc khiến nó chẳng có tác dụng gì. Tôi từng biết có những người đã theo đuổi việc suy niệm nghiêm khắc trong suốt một năm như là con đường đúng, để rồi năm sau đó lại trở nên lan man và hát các bài ca đạo đức, coi nó như là con đường đúng. Henry Miller hiểu rõ rằng những ý tưởng cố chấp có thể lố bịch như thế nào, “Mọi cái tôi viết về người ấy, một năm sau tôi nhận ra rằng tôi có thể viết ngược hẳn lại”.

Cái chúng ta tìm kiếm là chúng ta là ai, và khi hoàn thành việc thực hành của mình, chúng ta khám phá ra rằng sự hiểu biết của chúng ta vẫn luôn luôn có ở đây rồi. Giáo hoàng John XXIII diễn tả điều này một cách cụ thể:

Tôi rất thường thức giấc vào ban đêm, bắt đầu suy nghĩ về một vấn đề nghiêm trọng và quyết định phải kể cho Giáo hoàng về vấn đề ấy. Rồi tôi tỉnh giấc hoàn toàn và nhớ rằng mình là Giáo hoàng.

Đây chính là suy niệm: Tìm lại bản chất thật của chúng ta và khám phá ra một cảm giác nghỉ ngơi và bình an to lớn, một khoảng không bao la trong tim chúng ta giữa cuộc đời; cho phép chúng ta trở nên trong suốt trước ánh sáng luôn luôn chiếu rọi. “Nó không ở xa”, một Thiền sư nói. “Nó còn gần hơn cả sự gần”. Đây không phải là chuyện thay đổi một điều gì, mà là không khư khư giữ lấy một điều gì, mở mắt và lòng chúng ta ra.

Đạt thành tâm linh không phải là kết quả của một kiến thức bí truyền đặc biệt, một sự học hỏi các bản văn và kinh nổi tiếng, một việc nghiên cứu các tác phẩm tôn giáo vĩ đại, cũng không quan hệ với việc kiểm soát hay quyền lực; nó không gắn liền với các sự vật một cách cố định; và nó không đổ lỗi cho cái gì. Nó không bao gồm sự kiểm soát người này người kia hay kiểm soát chính mình. Đúng hơn, nó bắt nguồn từ một sự khôn ngoan tràn trề của cõi lòng.

Sự khôn ngoan của trái tim là ở đây, ngay bây giờ, bất cứ lúc nào. Nó luôn luôn ở đây, và không bao giờ quá muộn để đi tìm nó. Sự toàn vẹn và tự do mà chúng ta tìm kiếm là chính bản tính thật của chúng ta, là chúng ta thực sự là ai. Mỗi khi chúng ta bắt đầu một việc thực hành tâm linh, đọc một cuốn sách thiêng liêng, hay suy niệm về ý nghĩa của đời sống tốt, chúng ta đã bắt đầu tiến trình tất yếu của sự thật này, sự thật của chính đời sống.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TA LÀ SẢN PHẨM CỦA CHÍNH MÌNH
  2. CHÚNG TA LÀ MỘT VỚI VŨ TRỤ VẠN VẬT
  3. TÂM THỨC CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KHẢ NĂNG VÔ TẬN
  2. MỘT NGÀY TƯƠI ĐẸP
  3. GIÀU CÓ LÀ MỘT TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN

Bài viết mới

  1. TU QUÁN
  2. NĂNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT: CÓ TRÁCH NHIỆM
  3. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA