CON NGƯỜI YÊU THÍCH SỰ TÍCH CỰC

PATRICK KING

Trích: Tâm Lý Học Ứng Dụng; Minh Trang dịch; NXB. Lao Động; Cty TNHH Văn Hóa và Truyền Thông 1980 Books

---????---

Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã nghe nói về sức mạnh của sự tích cực vô số lần trong suốt cuộc đời mình. Gần như mọi yếu tố xung quanh chúng ta, từ những diễn giả truyền động lực, các doanh nhân thành đạt và vận động viên đẳng cấp thế giới, đến các kiểu quảng cáo, thiệp chúc mừng sách tự lực… – tất cả những thông điệp này dường như đều đưa ra các biến thể của một lời khuyên đơn giản: chỉ cần sống tích cực và mọi thứ bạn đang tìm kiếm sẽ đến với bạn một cách kỳ diệu.

Nhưng câu trên chỉ là một lời nói sáo rỗng, hay đó là sự thật? Có bằng chứng khoa học nào chứng minh tính tích cực là một phương tiện hữu hiệu để ta thành công về mặt xã hội và được người khác đánh giá cao không? Liệu chúng ta có cần tới sức mạnh của sự tích cực để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn không? Sau cùng, bạn sẽ nghĩ rằng, mọi người việc gì phải đề cao sự tích cực nếu họ không cảm thấy điều đó góp phần tạo nên thành công của họ.

Hóa ra, có những bằng chứng khoa học chứng minh sức mạnh của sự tích cực, nhưng có thể không phải theo những lý do mà bạn mong đợi. Tất cả chúng ta trên hành tinh này đều được kết nối theo một cách khiến cảm xúc của chúng ta lan tỏa sang người khác một cách dễ dàng. Và điều này không chỉ giới hạn ở các tương tác mặt đối mặt, mà còn bao gồm cả việc gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi những người mà chúng ta thậm chí không biết đến sự tồn tại của họ.

Lúc đầu, có thể điều này hơi khó tin. Có vẻ sẽ hợp lý hơn khi nói rằng chúng ta có tác động đến những người mà chúng ta tương tác gần gũi. Khẳng định ở đây lại “to tát” hơn nhiều, đó là trạng thái cá nhân của chúng ta tại bất kỳ thời điểm nào thực sự có ảnh hưởng đến mọi thứ xung quanh chúng ta. Hãy nhớ lại xem bạn đã cảm thấy thế nào khi xem nhũng tin tức cực kỳ vui hoặc cực kỳ buồn trên ti vi, hoặc nghĩ về bộ phim gần nhất đã khiến bạn khóc. Bây giờ, hãy tưởng tượng tất cả mọi người đều đang xem cùng một thứ với bạn. Phương tiện thông tin đại chúng và Internet tác động đến một nhóm dân số rộng rãi. Hãy thử nghĩ về điều này và bạn sẽ nhận ra chúng ta có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhau ở mức độ cao hơn bạn tưởng.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Harvard cho thấy hạnh phúc có thể tỏa ra từ chúng ta như một trường năng lượng – nó có khả năng tiếp cận và tác động đến những người xung quanh chúng ta. Từ năm 1983 đến 2003, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã theo dõi 4.739 tình nguyện viên và đo lường xem niềm hạnh phúc tỏa ra từ họ có thể tác động thế nào đến gia đình, bạn bè, hàng xóm và những người thuộc mạng lưới xã hội của họ. Kết quả được công bố của nghiên cứu bao gồm một số kết luận thực sự đáng kinh ngạc:

  • Tỷ lệ ta trở nên hạnh phúc tăng 42% khi một người bạn sống cách ta nửa dặm trở nên hạnh phúc.
  • Tỷ lệ ta trở nên hạnh phúc tăng “chỉ” 25% nếu người bạn hạnh phúc đó sống cách ta một dặm.
  • Ai sống gần một người anh chị em hạnh phúc sẽ tăng tỷ lệ trở nên hạnh phúc lên 14%.
  • Hàng xóm sát vách hạnh phúc sẽ làm tăng tỷ lệ trở nên hạnh phúc của một người thêm 35%.

Khi các nhà nghiên cứu vẽ biểu đồ các mạng lưới xã hội được nghiên cứu theo vị trí thực tế của những người tham gia, kết quả thể hiện rõ ràng là niềm hạnh phúc có thể lan truyền. Mỗi cả nhân trong mạng lưới được đại diện bằng một chấm được tô màu (màu sắc tùy thuộc vào mức độ hạnh phúc của người đó, với màu xanh lam là điểm cuối của phổ màu – thể hiện bất hạnh tối đa, còn màu vàng là điểm màu thể hiện hạnh phúc tối đa). Thay vì phân bổ ngẫu nhiên như chúng ta thường nghĩ, các chấm màu tương tự nhau có xu hướng tạo thành các cụm với nhau, cho thấy trạng thái cảm xúc của chúng ta không độc lập với môi trường xung quanh.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Christakis, giải thích kết quả như sau: “Bạn sẽ nghĩ rằng trạng thái cảm xúc của bạn phụ thuộc vào các lựa chọn, hành động và kinh nghiệm của chính bạn, nhưng thực ra nó cũng phụ thuộc vào các lựa chọn, hành động và kinh nghiệm của những người khác, bao gồm cả những người mà bạn không liên quan trực tiếp”. James H. Fowler, đồng tác giả nghiên cứu, bổ sung, “Chúng ta cần coi hạnh phúc là một hiện tượng tập thể. Nếu trở về nhà với tâm trạng tồi tệ, tôi không những có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc của vợ và con trai mình mà còn ảnh hưởng tới cả bạn bè của họ nữa”.

Bạn có thể áp dụng kiến thức này ra sao để tận dụng khả năng lan tỏa tuyệt vời của sự tích cực. Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể được chia thành hai phần chính.

Đầu tiên là nó giúp ta xác định xem đối với những người mà chúng ta dành phần lớn thời gian để ở bên, họ tác động như thế nào đến trạng thái cảm xúc của chúng ta. Nếu bạn được bao quanh bởi những người hạnh phúc, các bằng chứng đã cho thấy là bản thân bạn cũng nhiều khả năng sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Và nếu như ở gần một người bạn hạnh phúc có thể giúp ta hạnh phúc thêm 42%, hãy thử tưởng tượng đến niềm vui mà hai, năm, mười hoặc năm mươi người bạn hạnh phúc có thể mang tới cho bạn. Đồng thời, hãy nghĩ về tác động của việc có cùng số lượng bạn bè đó xung quanh, nhưng họ lại là những người thường gắt gỏng, khó chịu, ủ rũ hoặc gây nên ảnh hưởng tiêu cực kiểu khác đến tâm lý của bạn.

Bạn không thể kiểm soát hoàn toàn môi trường sống của mình. Sẽ không ai có thể né tránh hoàn toàn những làn sóng cảm xúc tệ hại. Nhưng bạn luôn có quyền tự do lựa chọn, để tìm đến những làn sóng cảm xúc tốt đẹp. Bạn có thể chọn bạn bè của mình một cách khôn ngoan. Đây chắc chắn là một trong những quyết định lành mạnh nhất mà chúng ta có thể làm để nuôi dưỡng hạnh phúc của chính mình, như người ta vẫn nói, hãy tránh xa những người không may mắn và không hạnh phúc.

Khi bàn tới sự lan tỏa của tính tích cực, điều thứ hai bạn có thể nghĩ đến là trở thành trung tâm của sự tích cực. Hãy hoạt động như điểm phát sóng Wi-Fi và chỉ phát ra những làn sóng cảm xúc tích cực! Thật vậy, đây là điều mà tất cả những lời khuyên sao rỗng vẫn thường nhắc tới – hãy tích cực lên! Nhung như tôi đã đề cập, lý do để bạn làm vậy không nhất thiết là vì những nguyên nhân vẫn hay được người ta nhắc đến. Trên thực tế, nếu bản thân cảm thấy hạnh phúc, bạn sẽ có thể gián tiếp lan truyền cảm xúc đó cho mọi người xung quanh mình. Nếu có thể làm cho người khác cảm thấy vui khi bạn có mặt bên họ thì đó cũng là một kỹ năng xã hội đầy giá trị, bởi đơn giản là mọi người sẽ muốn có bạn ở bên nhiều hơn, sẽ nhớ tới bạn khi bạn không có mặt và mong muốn bạn hiện diện.

Không chỉ vậy, bạn còn có thể cố gắng tác động trực tiếp đến niềm hạnh phúc của người khác bằng cách cư xử tốt với họ và khen ngợi họ, hoặc đơn giản là suy nghĩ những điều tích cực khi tương tác với họ. Đó là điều đơn giản nhất và giản dị nhất trong số những điều ta có thể làm để tạo dựng niềm hạnh phúc. Bạn càng lan tỏa hạnh phúc thì càng nhận về được nhiều hạnh phúc hơn.

Nếu không phải là người đặc biệt dí dỏm, nói chuyện thú vị hoặc hướng ngoại, thì bạn chỉ cần nuôi dưỡng thái độ tích cực – đó có thể là bước đầu tiên và vô cùng giá trị để đạt được địa vị xã hội.

Hãy để ý những điều tốt đẹp trong những tình huống xấu, và biến những thất bại thành những bài học. Hãy tập trung vào hiện tại và cố gắng không bị ám ảnh bởi quá khứ hay tương lai. Hãy cố gắng bỏ qua những suy nghĩ bị quan và khiến bạn nặng đầu. Hãy giữ vững tinh thần cho mọi người bằng cách tỏ ra là một người không thể lay chuyển – điều này làm bạn trở nên đáng tin cậy. Hãy bình tĩnh và phản ứng có chừng mực khi đối mặt với trở ngại và biết rằng bạn luôn có quyền lựa chọn các bước đi tiếp theo của mình. Hãy học cách bày tỏ lòng biết ơn – quan sát xung quanh và liệt kê năm điều mà bạn cảm thấy biết ơn, dù là nhỏ bé hay lớn lao – hãy biết rằng, bạn gần như không thể vừa cảm thấy biết ơn, vừa cảm thấy tức giận hoặc thất vọng cùng lúc được. Khi bạn biết rằng mọi sự có thể diễn ra rất tồi tệ, thì bạn cũng hiểu được những điều mình đang sở hữu quý giá đến mức nào.

Lý thuyết về sự lan tỏa cảm xúc là một nguyên nhân tâm lý học, giải thích tại sao một người có thể chia sẻ cảm xúc với người khác thật dễ dàng, trong đó hạnh phúc và những cảm xúc tích cực chỉ là một phần.

Những ảnh hưởng này giữa các cá nhân được gọi là sự lan tỏa cảm xúc, là hiện tượng đã được các nhà tâm lý học công nhận trong hơn nửa thế kỳ, bắt đầu với Schachter vào năm 1959, sau đó cũng bao gồm cả những công trình nghiên cứu của Cacioppo và Petty vào năm 1987, sau đó là là Levy và Nail vào năm 1993.

Một trong những nghiên cứu quan trọng nhất và được trích dẫn rộng rãi về hiện tượng này được thực hiện bởi Sigal G.Barsade tại Đại học Yale vào năm 2002. Nghiên cứu của Barsade có tiêu đề “Hiệu ứng lan tỏa: Sự lây lan cảm xúc và ảnh hưởng của nó tới hành vi nhóm”.

Những người tham gia nghiên cứu, sinh viên của trường kinh doanh, được chia nhỏ thành các nhóm để thực hiện một bài tập mô phỏng hoạt động quản lý. Mỗi sinh viên được yêu cầu đóng vai một trưởng phòng, có nhiệm vụ vận động nhân viên của họ giành thành tích cao để nhận về tiền thưởng. Đồng thời, tất cả các sinh viên cũng phải làm việc cùng nhau trong một ủy ban để quyết định cách phân bổ tốt nhất một nguồn quỹ hạn chế, nhằm đem lại lợi ích tổng thể cho công ty.

Những người tham gia nghiên cứu không hề biết rằng đã có một diễn viên được đưa vào mỗi nhóm, người này được đào tạo để truyền tải một trong bốn trạng thái cảm xúc khác nhau: vui vẻ nhiệt tình, ấm áp nhẹ nhàng, cáu kinh thù địch, hoặc uể oải chán nản.

Vậy, bạn nghĩ trạng thái cảm xúc được diễn viên duy nhất trong mỗi nhóm thể hiện có thể tác động tới mức nào đến những sinh viên không hay biết gì?

Kết quả đã cho thấy tác động đáng kể của sự lây lan cảm xúc. Các diễn viên truyền tải sự nhiệt tình vui vẻ hoặc sự ấm áp nhẹ nhàng đã lan tỏa được những cảm xúc này tới các thành viên khác trong nhóm, sau đó giúp các thành viên thể hiện tinh thần hợp tác cao hơn và mâu thuẫn cũng ít xảy ra khi các cá nhân giao tiếp với nhau. Ngoài ra, các nhóm này thực sự đã đưa ra quyết định phân bổ quỹ tiền công bằng hơn các nhóm khác, họ cũng cho biết họ có cảm xúc tích cực hơn về kết quả cá nhân của mình so với những người thuộc nhóm có các diễn viên truyền tải cảm xúc tiêu cực.

Điều thú vị là, khi các sinh viên được hỏi điều gì đã khiến họ phân bổ tiền theo cách đó, cũng như tại sao nhóm của họ lại phối hợp với nhau như vậy, họ thường cho rằng nguyên nhân là do bản thân đã rất nhạy bén khi đàm phán. Họ thậm chí không ngờ rằng, hành vi và quyết định của họ, hoặc của nhóm họ, đã chịu tác động bởi trạng thái cảm xúc của một diễn viên.

Bạn có thể thấy rõ sự lan tỏa cảm xúc này có vai trò quan trọng như thế nào tới sự nổi tiếng của bạn. Nếu khả năng gây thiện cảm của bạn liên quan nhiều tới cảm nhận của mọi người với sự hiện diện của bạn, thì bạn đã có một phương pháp để trực tiếp trở nên dễ mến hơn.

Bằng cách chủ ý tỏ ra tích cực và thường xuyên thể hiện biểu cảm vui vẻ, bạn có thể lan truyền sự tích cực cho những người xung quanh và sử dụng ảnh hưởng xã hội của mình để tạo ra một môi trường hợp tác và thân thiện hơn. Đồng thời, trạng thái cảm xúc tiêu cực của bạn cũng ảnh hưởng mạnh mẽ theo chiều hướng ngược lại. Khi cảm thấy cáu kỉnh, uể oải hoặc buồn bã, bạn vẫn nên cố gắng tỏ ra vui vẻ trong các giao tiếp xã hội, nếu không bạn sẽ làm lây lan những cảm xúc tiêu cực đó cho bạn bè hoặc đồng nghiệp. Sự khốn khổ cũng có thể sinh ra thêm nhiều khốn khổ hơn nữa.

Không có ví dụ nào mô tả tốt hơn về sức mạnh lan truyền của cảm xúc bằng việc ở cùng một đám đông. Nếu từng đến một sự kiện thể thao mà bạn cổ vũ cho đội “khách”, bạn hẳn đã có cơ hội trải nghiệm sức mạnh của hiện tượng lây lan cảm xúc trên quy mô lớn.

Khi bạn xem một đấu thể thao trên ti vi, một mình hoặc với một nhóm nhỏ, trạng thái cảm xúc của bạn chủ yếu được quyết định bởi thành tích của đội bạn ủng hộ. Nhưng khi bạn ở trong một sân vận động hoặc một nhà thi đấu và được bao quanh bởi hàng nghìn người hâm mộ tràn đầy năng lượng và đang cổ vũ cho đội “nhà”, có thể bạn sẽ thấy màn trình diễn của đội bạn không ảnh hưởng đến bạn quá nhiều.

Khi đội mà bạn ủng hộ không gặp thuận lợi trên sân bóng, nhưng đám đông cổ vũ vẫn đang hò reo với nguồn năng lượng tích cực, thì kết quả là bạn sẽ khó mà không hòa mình phần nào vào luồng năng lượng đó. Và khi đội của bạn dẫn bàn, nhưng lại làm cho những người xung quanh bạn cảm thấy tiêu cực, thì bạn có lẽ sẽ không tận hưởng thành công của đội bạn nhiều như lúc bạn xem trận đấu ở nhà. Tất nhiên, trong những trường hợp cuồng tín quá mức, sự đối địch sâu sắc giữa những người hâm mộ khác chiến tuyến có thể làm suy giảm những tác động này, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp thì kết luận trên thường đúng.

Không còn gì phải bàn cãi về sự thật là cảm xúc của chúng ta sẽ gây tác động đến người khác, và chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của họ. Do đó, để đạt được thành công trong xã hội, việc đầu tiên là tạo ra ảnh hưởng tích cực đến người khác và loại bỏ hoặc giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực lên bản thân mình.

????

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. CÓ QUA CÓ LẠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP