CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN

JEFFREY LONG

PAUL PERRY

Trích: Giải Mã Tâm Linh -Sự Sống Sau Cái Chết Linh Hồn - Có Hay Không?; Lê Tuyên dịch - Lê Gia hiệu đính; NXB Đồng Nai

Tôi có mặt tại khu lưu trú y khoa của Đại học Iowa, tìm kiếm các bài báo về chứng ung thư trong thư viện. Bài báo mà tôi tìm đã được xuất bản trong tờ Journal of the American Medical Association (JAMA), một trong những tờ báo y khoa uy tín nhất thế giới. Tờ báo này được xuất bản hàng tuần và là tài liệu quý giá trong việc nghiên cứu y khoa. Và đây là những gì xảy ra vào hôm ấy, một ngày năm 1984.

Tôi bắt đầu đọc xuyên suốt cả tờ báo cho đến khi tôi đọc phần phản biện một bài báo tựa là: “To sleep, perchance to dream” (Ngủ, tình cờ nằm mơ) do Richard Blacher, thuộc Đại học Tufts tại Boston viết. Phần phản biện này là một lá thư mà Tiến sĩ Michael Saborn viết với tựa đề rất đơn giản là: “Trải nghiệm Cận tử” (TNCT).

“Trải nghiệm Cận tử” là gì?, tôi suy nghĩ. Ở góc độ y khoa, không thể có bất kỳ trải nghiệm ý thức nào có thể xảy ra gần điểm chết. Tôi tự hỏi, có phải mọi người đều hôn mê khi họ sắp chết không? Có phải thuật ngữ “hôn mê” (unconscious) hàm ý là vẫn có khả năng tồn tại một trải nghiệm của tri giác có trật tự chăng?

Tiếp tục với những ý nghĩ ấy, tôi bắt đầu đọc lá thư đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Blacher phản biện Sabom bằng những lời bình luận về Trải nghiệm Cận tử. Ông nói rằng cái chết không là điểm đến cuối cùng. Blacher tiếp tục quả quyết rằng chúng ta có thể tránh sự hiểu nhầm về Trải nghiệm Cận tử bằng cách nghiên cứu kỹ hiện tượng này, đây là điều Sabom vừa mới thực hiện. Phản ứng của Sabom trước bài báo của Blacher khiến tôi có cảm giác như có một luồng điện chạy qua người mình.

Tôi vừa thực hiện một cuộc điều tra có hệ thống về trải nghiệm này nơi 107 người vừa được cứu sống ngay tại ranh giới giữa sự hôn mê và cái chết (như tim ngừng đập, hôn mê sâu). Phương pháp sử dụng là kỹ thuật phỏng vấn đạt tiêu chuẩn, dựa trên trải nghiệm về xã hội, tôn giáo, địa lý của mỗi người cùng với chi tiết bệnh án và thu thập mọi chi tiết liên quan từ giai đoạn bất tỉnh…

Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được lời giải thích y khoa xác đáng nào về Trải nghiệm Cận tử. Blacher cho rằng các trải nghiệm này là “cái chết tưởng tượng” và là dấu hiệu của sự thiếu oxy lên não kết hợp với sự hoảng loạn của bệnh nhân trong trạng thái này. Qua thực nghiệm, các bệnh nhân thiếu oxy não nghiêm trọng sẽ có trí nhớ lộn xộn, bối rối với sự suy giảm về cảm giác tột độ dẫn đến mất tri giác.

Blacher vạch ra rằng: “các bác sĩ phải đặc biệt thận trọng cân nhắc về việc chấp nhận đức tin tín ngưỡng như là một dữ liệu khoa học”. Tôi bổ sung thêm rằng lời cảnh báo tương tự sẽ được thực hiện là chấp nhận niềm tin về khoa học như là dữ liệu khoa học.

Sau khi đọc phản ứng của Sabom tôi thật sự kinh ngạc. Dù Sabom chỉ gửi một lá thư ngắn đến biên tập viên, lá thư ấy vạch ra một khía cạnh y khoa hoàn toàn mới đối với tôi. Trải nghiệm Cận tử! Tôi chưa từng trải qua khóa đào tạo nào nói về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng tôi đã bỏ nhỡ một môn học quan trọng và tôi cần tìm tài liệu nghiên cứu để rút ngắn khoảng cách thua sút về học thuật của mình.

Tôi tự hỏi, tại sao không có bài nghiên cứu nào chuyên sâu về hiện tượng này? Tôi ngồi lại thư viện và suy nghĩ miên man về nhữung gì tôi vừa đọc. Sau đó, tiếng gấp sách đưa tôi trở lại với thực tế. Khi ấy tôi đang nghiên cứu để trởi thành một bác sĩ chuyên khoa ung thư trị liệu bằng bức xạ – chuyên gia sử dụng bức xạ để trị chứng ung thư – và tôi không để bản thân mình bị lệch mục tiêu dù chỉ một buổi trưa.

Tôi để đề tài Trải nghiệm Cận tử qua một bên và tiếp tục công việc nghiên cứu y học của mình. Hoặc ít ra thì tôi cũng cố tiếp tục làm việc như thể không có gì xảy ra. Sau khi đọc lá thư của Sabom, dường như khái niệm về Trải nghiệm Cận tử đi theo chân tôi đến mọi nơi. Báo chí, tạp chí cũng như chương trình TV kể về những câu chuyện rằng người nào đó đã thoát ra khỏi thể xác của mình khi đối mặt với cái chết và chuẩn bị đi vào một thế giới khác.

Tôi đọc nhiều tác phẩm cổ điển về Trải nghiệm Cận tử và phát hiện ra nhiều định nghĩa rất rộng về trải nghiệm này. Thuật ngữ “Trải nghiệm Cận tử” được Tiến sĩ Raymonđ Moddy trình bày trong quyển sách đang được bán rất chạy, Life After Life, vốn là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu rộng về vấn đề này. Năm 1997, lần đầu tiên, Tiến sĩ Moddy định nghĩa rằng Trải nghiệm Cận tử nghĩa là “bất kỳ một trải nghiệm có ý thức nào diễn ra trong suốt… một tình huống mà ở đó một người đứng bên bờ cái chết hoặc có thể bị giết chết (kể cả tình huống mà bệnh nhân được xác định là đã chết lâm sàng) nhưng sau đó được cứu và tiếp tục cuộc sống bình thường”.

Hơn một thập niên sau, Moody định nghĩa lại rằng Trải nghiệm Cận tử là “những sự kiện tâm linh sâu sắc xảy đến bất ngờ với các cá nhân tiếp cận cái chết”.

Tôi không quan tâm đến định nghĩa chính xác của TNCT, trong đầu tôi luôn xuất hiện một câu hỏi: Làm thế nào mà những người chết lâm sàng hoặc sắp chết có thể có những trải nghiệm vô cùng cụ thể như thế. Ví dụ, trong cuốn The Light Beyond của Moody, tim của người phụ nữ đã ngừng đập ngay trên bàn mổ vì bị sốc thuốc trong khi được gây mê.

Thay vì không ý thức được những gì xảy ra quanh mình, cô ta nói với Tiến sĩ Moody rằng cô ta cảm thấy “rất bình an và khoan khoái”. Sau đó hàng loạt những sự kiện cực kỳ mạch lạc bắt đầu diễn ra. Đây là những lời của cô nói về TNCT của mình:

Tôi thấy mình trôi bồng bềnh trên trần nhà. Tôi thấy mọi người đứng quanh giường rất rõ ràng, thậm chí tôi thấy cả thân xác của mình bên dưới. Tôi nghĩ thật kỳ quặc khi mọi người đau buồn với cái xác ấy. Tôi rất khỏe và tôi muốn họ biết điều đó nhưng dường như không có cách nào để báo cho họ biết được. Cứ như là có một bức màn hay tấm vách ngăn cách giữa tôi và mọi người trong phòng.

Tôi bắt đầu hiểu về một sự khởi đầu, tôi tạm gọi như thế. Không gian bị kéo dài ra và tối hơn, và tôi nhìn mọi việc qua thứ không gian kỳ quặc đó. Tôi cảm thấy bối rối nhưng vẫn rất hồ hởi. Tôi ra khỏi đường hầm và đi vào một vùng êm đềm đầy ánh sáng yêu thương. Tình yêu dâng tràn khắp nơi. Nó bao phủ lấy tôi và dường như thấm vào tận sâu thẳm trong tôi. Tôi thấy những sự kiện đặc biệt của cuộc đời tôi dần dần hiện ra trong trí óc tôi như một cuộn phim được chiếu nhanh. Toàn bộ việc này là thứ không thể mô tả được. Những người đã chết trước đó xuất hiện bên tôi trong vùng ánh sáng – một người bạn tôi chết trong lúc học đại học, bà tôi, và cả người dì thương yêu của tôi nữa. Họ rất hạnh phúc với nụ cười rạng rỡ. Tôi không muốn quay lại, nhưng một người đàn ông trong ánh sáng đã: nói với tôi rằng tôi phải quay trở lại. Ai đó cũng tiếp lời rằng tôi chưa hoàn thành những gì tôi phải làm trong đời của mình.

Tôi quay về thế xác mình trong trạng thái lung linh chao đảo.

Đó là trải nghiệp của một người với tim ngừng đập. Có thể thế sao? Xét cho cùng thì, cái chết, được tính nghĩa đơn giản (theo từ điển Merriam – Webster online), là “sự chấm dứt vĩnh viễn mọi chức năng cần thiết cho sự sống – kết thúc sự sống”. Nhưng tôi đang đọc hàng tá trường hợp trong đó tim của họ cũng ngừng đập và họ rơi vào trạng thái hôn mê, họ kể về những sự kiện rất cụ thể với nhiều chi tiết giống nhau đến mức kỳ lạ.

☂️ MỘT CÂU CHUYỆN GÂY SỬNG SỐT

Tác phẩm của Moody và nhiều nghiên cứu trước đó về TNCT khiến tôi rất ấn tượng nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên vì ít có ai vận dụng khoa học để tìm hiểu nó ở mức cần thiết. Dù sao thì không phải ai cũng cố tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta có tiếp tục sống sau khi thể xác đã chết không?”. Tôi bắt đầu băn khoăn rằng mình có nên tham gia nghiên cứu về các cuộc hành trình sang thế giới bên kia vốn vô cùng thú vị như thế này không.

Một người bạn thời còn đi học quay về Iowa thăm tôi, chúng tôi ăn tối cùng nhau và tôi hân hạnh gặp cô vợ mới của anh ấy. Ngay lập tức, cô ấy bắt đầu nói về chứng dị ứng của mình, một chứng bệnh hóa ra rất nguy hiểm, vì cô ta đã từng bị dị ứng với thuốc trong khi được gây mê và “tim ngừng đập” ngay trên bàn mổ.

Khi kể về khoảnh khắc tim ngừng đập, giọng của cô không có chút lo sợ. Tôi quyết định thăm dò thử. Tôi nói: “Thật kỳ quặc, tôi cũng từng nghe bệnh nhân của tôi kể về khoảnh khắc đối diện với cái chết, nhưng không giống như cách nói của chị”.

Mọi người chợt im lặng. Rõ ràng là tôi đã nói sai gì đó. Tôi nhìn xung quanh và cố hỏi câu hỏi luôn ám ảnh tôi.

“Có điều điều gì đó đã xảy ra khi chị nằm trên bàn mổ trong trạng thái tim ngừng đập à?”, tôi hỏi. Lập tức cô ấy trả lời rất rõ ràng: “Vâng”. Và ngay sau đó, lần đầu tiên tôi nghe chính người trong cuộc kể về Trải nghiệm Cận tử của mình.

☂️ TRẢI NGHIỆM CẬN TỬ CỦA SHEILA

Tôi luôn phải chịu đựng chứng dị ứng thuốc. Đó chỉ đơn thuần là sự khó chịu nho nhỏ cho đến một ngày định mệnh căn bệnh dị ứng thuốc này đem đến điều hãi hùng nhất đời tôi. Tôi nói với các bác sĩ thực hiện ca mổ cũng như các bác sĩ gây mê về căn bệnh này. Đó là ca mổ tự chọn và nó không thật sự khẩn cấp. Dù nhóm bác sĩ đã làm tất cả những gì họ có thể, tôi đã có biểu hiện dị ứng thuốc trong lúc mổ. Việc dị ứng thuốc này nghiêm trọng đến mức tim tôi ngừng đập. Ngay sau khi tim tôi ngừng đập, tôi thấy mình bay lơ lửng trên trần nhà. Tôi thấy máy EKG được gắn vào người tôi. Trên màn hình máy EKG không có dòng điện biểu diễn nhịp tim. Các bác sĩ và y tá đang điên cuồng cố gắng cứu sống tôi. Hiện trường phía dưới tôi rất hỗn loạn. Ngược lại, tôi có cảm giác rất bình an. Tôi hoàn toàn không chút đau đớn gì. Tôi cảm thấy mình trôi ra ngoài phòng mổ, rồi đến phòng trực của y tá. Tôi nhận ra ngay đây là khu vực tôi đã đến để chuẩn bị mổ. Từ trên cao, tôi dễ dàng thấy cảnh các y tá đang hối hả thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của mình.

Tôi ngắm nhìn các y tá làm việc một lúc, có một con đường hầm mở ra. Tôi bị hút vào con đường hầm ấy. Sau đó, tôi đi xuyên qua đường hầm và bắt đầu cảm nhận luồng ánh sáng rực rỡ cuối đường hầm. Tôi có cảm giác rất bình an. Sau khi tôi đi qua đường hầm, tôi thấy mình đang ở một nơi rất xinh đẹp và tràn đầy ánh sáng huyền bí. Trước mặt tôi là rất nhiều những người bà con thân thuộc đã chết trước đây. Đúng là một sự sum họp tràn đầy niềm vui và chúng tôi ôm lấy nhau.

Tôi nhận thấy tâm hồn tình tràn ngập yêu thương và lòng trắc ẩn. “Cô có thuốn quay lại không?” ai đó hỏi tôi. Tôi lưỡng lự trả lời: “Tôi không biết”. Sau khi cân nhắc, tôi biết rằng tôi có quyền lựa chọn việc trở về thể xác hay không. Thật khó quyết định. Tôi đang ở một thế giới tràn ngập tình yêu. Ở thế giới nay, tôi biết đây mới thật sự là ngôi nhà của mình. Cuối cùng, tôi quay trở về thể xác của mình.

Tôi thức tỉnh và nằm trong phòng ICU suốt một ngày sau đó. Xung quanh tôi có nhiều đường ống và dây dẫn điện. Tôi không thể nói về trải nghiệm sâu sắc của mình. Cuối cùng, tôi trở về tiền sảnh bệnh viện, nơi trước khi ca mổ diễn ra. Đây là khu vực y tá mà tôi đã đi qua trong khoảnh khắc TNCT. Cuối cùng tôi cũng kể những gì tôi thấy trong suốt thời gian ấy của mình cho một y tá nghe. Cô y tá tỏ vẻ sửng sốt và sợ hãi. Đó là bệnh viện Công giáo. Thế nên sau đó một nữ tu sĩ được mời đến gặp tôi. Tôi kiên nhẫn giải thích về những gì tôi đã trải qua. Nữ tu sĩ lắng nghe tôi rất chăm chú và sau đó bà tuyên bố những trải nghiệm vừa qua của tôi chí là “sản phẩm của tội lỗi”. Từ đó, tôi thấy rằng tôi không cần phải kể lại TNCT của mình với bất kỳ ai nữa.

Khi Sheila kết thúc câu chuyện của mình, một sự im lặng bao trùm cả bàn ăn. Tôi không nhớ mình đã ăn gì trong bữa ăn. Tôi nhớ rằng tôi đã rất ngạc nhiên về câu chuyện này và tôi đã im lặng suốt bữa tối hôm đó. Tôi vừa nghe được một câu chuyện gây ấn tượng thật sâu sắc. Với bản năng của một con người và của một bác sĩ nội khoa, tôi tự nhủ rằng trải nghiệm này chắc chắn có thật. Trong khoảnh khắc ấy cảm nhận của tôi về thế giới hoàn toàn thay đổi. Tôi nghĩ rằng điều này đã làm thay đổi nhận thức của tôi về cuộc đời về cái chết, về Thượng đế và về thế giới mà chúng ta đang sống.

Tôi rời nhà hàng và từ buổi tối hôm đó tôi quyết định bắt tay vào nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử. Sau đó tôi đặt ra những kế hoạch đầy tham vọng là thu thập hàng trăm trường hợp về Trải nghiệm Cận tử và nghiên cứu chúng một cách khoa học để xác định với chính mình liệu TNCT có thực không, hay chỉ là ảo giác của não.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁI SINH – LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH
  2. KHÁM PHÁ TIỀN KIẾP VÀ HẬU KIẾP
  3. THÔI MIÊN VÀ TIỀN KIẾP

Bài viết khác của tác giả JEFFREY LONG

  1. CÁI CHẾT MINH MẪN
  2. ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
  3. THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Bài viết khác của tác giả PAUL PERRY

  1. CÁI CHẾT MINH MẪN
  2. ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
  3. THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP