ĐẠI ĐĂNG VÀ THIỀN TÔNG HIỆN ĐẠI

Trích: Quốc Sư Đại Đăng và Sơ Kỳ Thiền Tông Nhật Bản; Việt Dịch: Thuần Bạch; NXB Tổng Hợp 2004

07/05/2025
32 lượt xem

Chùa Đại Đức ngày nay là một trong mười lăm ngôi chùa đầu não của tông Lâm Tế. Tổ chức lớn rộng khắp nước của Đại Đức tự gồm có hai thiền viện hoạt động mạnh (ở Kyoto và Fukuoka, Cửu Châu), khoảng 200 chùa chi nhánh, và hơn 50.000 tín đồ. Về mặt cơ sở tổ chức, Diệu Tâm tự vượt trội Đại Đức tự với 3.421 chùa chi nhánh và 847.700 tín đồ. Gia sản của Đại Đăng còn lại không chỉ có tăng đường của chùa Đại Đức và Diệu Tâm, mà còn các thiền viện Lâm Tế khắp nước. Đa số thiền tăng Lâm Tế tụng đọc bài Khuyến Văn Tối Hậu của Đại Đăng hàng ngày, trước thời thuyết pháp của vị giáo thọ và vào cuối ngày. Tầm quan trọng của sự tu tập sau khi chứng ngộ thường được liên tưởng đến Đại Đăng với hai mươi năm ăn xin ở Kyoto. Nhóm công án chuẩn gồm có “ba chuyển ngữ” của Đại Đăng, hai đối thoại tham vấn trong Ngữ Lục của Sư, và câu hỏi hắc búa:

Quốc Sư Đại Đăng được gọi là Vân Môn tái lai, nhưng cả hai sống cách nhau nhiều trăm năm. Trong khoảng thời gian đó họ làm gì?

Tu tập trước ngữ là một phần trong toàn bộ sự dụng công của thiền viện Lâm Tế, tuy sự tương quan không nhiều giữa trước ngữ của Đại Đăng và trước ngữ đang dùng hiện nay. (Mặc dù bình chú trước ngữ của Đại Đăng giữ vai trò tiên phong, chỉ một số ít học giả và trụ trì chùa Đại Đức biết đến.) Trong hệ thống hiện hành, thiền sinh khán công án tham khảo với vị thầy ở các buổi tham vấn gọi là tham thiền. Trong thời kỳ thiền tập mãnh liệt gọi là kỳ tiếp tâm, thiền sinh tham dự có thể được bắt buộc diện kiến với thầy bốn hoặc năm lần mỗi ngày. Khi một hành giả giải đáp một công án được giao, và muốn vị thầy hài lòng, người ấy bày tỏ tinh thần công án bằng một câu hoặc bài kệ tương ứng rút ra từ tập trước ngữ chuẩn. Tuy trước ngữ tự nó không có gì bí ẩn, việc ứng dụng để giải đáp công án được các môn phái Lâm Tế khác nhau bảo vệ triệt để. Để tham dự vào buổi tham kiến với thầy, thiền sinh sử dụng từng thời khắc rảnh rỗi nghiền ngẫm các ấn bản tuyển tập trước ngữ loại bỏ túi, một việc làm phải được giữ kín trong chùa (vì đọc sách không được khuyến khích). Ở buổi tham thiền kế tiếp, một câu hoặc một bài kệ khác sẽ được nêu lên cho đến khi vị thầy chấm đậu. Những khó khăn đều có thể gặp phải ở bất cứ điểm nào trong tiến trình tham thiền: Một công án đã được giải đáp tương đối dễ dàng lại gay go khi bình chú, hoặc một công án nan giải một khi giải được sẽ bình chú dễ dàng. Nếu đòi hỏi nhiều trước ngữ trong một công án đã giao, vài câu đầu có thể tìm ra nhanh chóng, nhưng những câu còn lại sẽ là thử thách để khám phá. Khám phá được một câu hoặc kệ đúng ý thiền sinh thường la lên “A ha!” và vị thầy chứng nhận. Lý tưởng nhất là một trước ngữ bình chú được chấm sẽ chiếu tia sáng mới trên công án và/ hoặc kích thích những câu hỏi mới để tham cứu. Đôi khi tuy một câu trả lời theo truyền thống xưa được vị thầy thấy có triển vọng, một khi tìm ra, có thể cho điểm hành giả thấp hơn những lần thi trước đã bị thầy chấm rớt. Trong giai đoạn tu cấp cao hơn, đa số các công án chia ra thành từng phần, mỗi phần đòi hỏi một câu đáp và (thường là) một câu trước ngữ. Ví dụ công án “Tứ Liệu Giản của Lâm Tế” dĩ nhiên là chia thành bốn phần:

Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh.

Đoạt cảnh chẳng đoạt nhân.

Nhân cảnh đều đoạt.

Nhân cảnh đều chẳng đoạt.

Khi Đại Đăng bình chú công án này, Sư chỉ thêm một trước ngữ cho mỗi câu trong bốn câu này (tắc thứ tám trong chương sau). Ở chùa Đại Đức ngày nay, tu tập trước ngữ có nhiều cấu trúc hơn và phức tạp hơn. Đối với mỗi câu trong công án này thiền tăng phải chọn sáu hoặc bảy trước ngữ đủ loại, trong một câu đặc biệt. Rồi họ phải tìm ra câu kết để bình chú toàn bộ công án. Những công án khác được chia ra và bình chú cùng một phương thức; nhất là một công án phức tạp đòi hỏi nhiều chừng năm mươi câu khác nhau. Thiền tăng tu trong thiền viện thời gian đủ lâu gần cuối giai đoạn thiền tập chính thức cũng dùng trước ngữ để viết bình chú các công án. Các tiểu luận này thường viết bằng Kanbun với bút lông. Tuy sự liên kết lịch sử giữa việc sử dụng trước ngữ của Đại Đăng và hệ thống hiện nay có loãng nhẹ, cũng nên có một sự so sánh. Trong khi Đại Đăng sáng tác công án riêng của mình hoặc trích dẫn từ những nguồn tư liệu rộng lớn, hành giả bây giờ hạn cuộc trong những câu và bài thi kệ thuộc những tuyển tập chuẩn. Trong khi Đại Đăng thay đổi câu giải đáp cho mỗi công án hoặc mỗi bản văn mỗi khi gặp phải, truyền thống hiện nay quy định rõ những câu trả lời được chấp nhận. Đại Đăng thực sự ghi dấu lập trường trung dung trong quá trình chính thức hóa dần dần thể loại này. Trong khi những bình tụng của Viên Ngộ đầy tính sáng tạo và thông tục, Đại Đăng sẵn sàng phô bày xu hướng Nhật Bản để trích dẫn những nguồn tài liệu khác, nhất là có giá trị văn học. Sự lặp lại những song cú Trung Hoa xác nhận khuynh hướng này: Viên Ngộ bất chấp, Đại Đăng tùy lúc diễn ra, và sách vở trước ngữ hiện đại lại tôn trọng những song cú.

Trong nội bộ các chùa thuộc tổ đình Đại Đức, vào ngày 22 mỗi tháng, các vị đương kim trụ trì của hai mươi bốn chùa chi nhánh tập hợp làm lễ tưởng niệm vị khai tổ của mình. Nghi lễ bắt đầu với sự tụng kinh và cầu nguyện ở Phật điện, rồi các vị trụ trì hành lễ nơi phòng thờ Đại Đăng trong phương trượng thuở xưa. Họ dâng hoa, trà xanh, và các phẩm vật khác đặt trước tượng gỗ bằng người thật của Đại Đăng. Vào tháng mười một hàng năm nghi lễ này tiến hành trước toàn chúng trong Pháp đường. Những người có mặt gồm đại biểu của hoàng gia, các vị trà sư tiếng tăm, khoảng hơn mười vị trụ trì các tu viện khác, và tất cả tăng chúng chùa Đại đức và Diệu Tâm. Kỷ niệm năm mươi năm ngày Đại Đăng viên tịch đã cử hành đại lễ long trọng và trang nghiêm. Một tuần lễ hội kỷ niệm năm thứ 650 tổ chức vào tháng 5 năm 1983, hơn ba ngàn quan khách đến dự từ khắp nước Nhật. Bức tượng của Đại Đăng được dời lên bệ đài cao trong Pháp đường đầy cờ xí sáng chói, đông dù những vị trụ trì trong pháp y đại lễ cử hành chín khóa lễ kỷ niệm riêng biệt. Nhật hoàng Chiêu Hòa (1901-1989) gửi cúng dường của riêng hoàng đế và chính thức phong tặng Đại Đăng tước hiệu mới. Ấn bản khắc gỗ mới của Đại Đăng Ngữ Lục, bản sao của ấn bản năm 1621, được phân phát cho số quan khách chọn lọc. Hai dự án in ấn cũng để kỷ niệm ngày lễ: toàn bộ ba quyển thư pháp của Đại Đăng và bộ sưu tập nhiều quyển gồm các ngữ lục của những vị trụ trì lãnh đạo chùa Đại Đức.

 

HẦU NHƯ CŨNG MỘT CON ĐƯỜNG ẤY

Ngay sau khi đạt ngộ, Đại Đăng chạy đến thầy Nam Phố nói rằng, “Hầu như cũng giống con đường ấy!” Trước ngữ này có thể tổng quát hóa nhận thức của người Nhật về Thiền tông và vị trí của Đại Đăng trong dòng mạch truyền thừa. “Hầu như cũng giống con đường ấy!” có đặc tính hàm dung nhiều nghĩa nhất trong các trước ngữ, một phần bởi vì gốc chữ Hán không nói đến chủ từ hoặc nói rõ ý nghĩa muốn ám chỉ trong chữ “giống”. Hậu quả là câu này vẫn có đầy đủ ý nghĩa trong nội dung rộng lớn hơn. Khi chứng nghiệm giác ngộ. Đại Đăng đã vật lộn với câu trả lời “Quan” của Vân Môn trong phần cốt yếu của công án “Thủy Nham lông mày”. Trong phạm vi này, một hướng khai triển lời nói của Đại Đăng có thể là: “Con đường của tôi cũng giống con đường của Vân Môn”. Đại Đăng cũng có thể ý muốn nói ngoài Vân Môn là cả một dòng mạch các thiền đức, và vì thế ở đây có thể chỉ cho Nam Phố nên lời nói của Sư có thể là “Con đường của tôi cũng giống con đường của thầy”. (Ý nghĩa thay đổi như thế đều phù hợp.) Chữ “Hầu như” giới thiệu thêm luận giải khả dĩ. Nếu Đại Đăng không tự đặt mình ngang hàng với các bậc tiền bối của mình, “hầu như” có thể chỉ cho lòng khiêm hạ. Hoặc, có thể có nghĩa ngược lại Đại Đăng nói rằng sự giác ngộ của Sư giống y hệt sự giác ngộ của các vị thiền đức như Vân Môn. Trong Thiền, “ngay khi gọi tên thì đã lầm qua”, do đó nếu Đại Đăng nói rằng “Cũng giống y hệt con đường ấy” thì Sư chỉ mới đến được gần. Nhìn dưới một góc cạnh khác, Đại Đăng có thể muốn nói “Hầu như tôi cũng đi giống con đường các bậc tiền bối. May mắn thay tôi không như thế!” Trong trường hợp này Sư khẳng định mỗi người phải tìm con đường giác ngộ riêng cho chính mình; đi theo Vân Môn hoặc bất cứ vị tiền bối nào đều lạc hướng. Vân Môn là Vân Môn, và Đại Đăng là Đại Đăng; dù có những điểm tương đồng giữa hai cá nhân, mỗi người có con đường riêng của chính mình. Tuy như thế trong nguyên văn câu trả lời của Đại Đăng về sự giác ngộ của Sư có thể phản ánh tinh thần khiêm cung, có tính chất ẩn mật, độc lập, hoặc thậm chí cả ba yếu tố cùng một lúc. Hơn nữa, mỗi ý nghĩa trong câu nói “Hầu như cũng giống con đường ấy” có sự bình chú về cuộc đời cũng như sự giác ngộ của Sư. Nói về sự tương tục của ánh sáng tâm linh siêu vượt những dị biệt lịch sử và văn hóa, Đại Đăng quả thực đã noi theo con đường các bậc tiên tổ Phật giáo. Thiền tông Nhật Bản không hẳn cùng một đường y hệt Thiền tông Trung Hoa về mặt xã hội, tổ chức cơ chế, hoặc giáo điều song chính là đứa con hợp pháp của truyền thống cha ông, chân truyền và sinh động đúng ý nghĩa nhất. Ở vị thế khiêm hạ qua chữ “hầu như”, Đại Đăng chủ ý phấn đấu để quán triệt ngôn ngữ và nghi thức trong nhà Thiền, và nhận biết căn nguyên Thiền tông Nhật Bản chưa cắm sâu được trên mảnh đất quê nhà. Ở vị thế ẩn mật (“hầu như” là “đúng thật”), Sư xem lịch sử Thiền tông là lịch sử tôn giáo của chính mình, tự biết mình là con cháu chính đáng của dòng mạch nhất thể này. Và ở vị thế độc lập (loại bỏ mô phỏng sai lầm), Đại Đăng đã nói lên rõ ràng cái nhìn của mình về tính chân chánh của Thiền tông. Hiển nhiên con đường Sư đã hun đúc đúng là chính mạch Thiền tông Nhật Bản chân truyền. Về phần Đại Đăng con người, sau khoảng thời gian gần bảy thế kỷ, một số những đặc trưng sẽ không tránh khỏi còn nằm im trong bóng tối.

Chúng ta đã thấy lẽ thực về mặt tôn giáo và lịch sử đã kết hợp như thế nào trong giai thoại cuộc đời của Sư. Hầu hết những sự mô tả Đại Đăng theo truyền thống gặp phải trong các trang sách này đã nói lên rất nhiều lý tưởng thịnh hành về những vị thiền sư như đã trình bày về Đại Đăng. Nhật hoàng Hậu-Đề-Hồ, bản thân Ngài biết rõ Sư, tuy thế đã bảo rằng Sư “tính hạnh nghiêm khắc và khiến cho nễ sợ nên khó ai dám đến gần”. Về sau các thiền tăng trong chùa Đại Đức tả chân dung Sư càng mạnh bạo hơn: “Đôi mắt nhìn lướt khắp vũ trụ, và chiếc miệng nuốt hết Phật Tổ. Hét vang như sấm nổ và giáng gậy như mưa sa, Sư làm long trời lỡ đất”. Những sự thẩm định của các học giả ngày nay cũng đầy ấn tượng nhưng sơ sài. Việc Đại Đăng am tường ngôn ngữ Trung Hoa một cách sâu sắc khiến Haga Kòshirò gọi Sư là “thiên tài”. Ogisu Jundò, đã nêu lên sự mô tả thời thơ ấu của Đại Đăng như thánh sử, lập luận rằng tánh tình của Sư “khác với người thường cả khi mới chào đời”. Hirano Sójò thấy “hai phương diện nghịch lý” của Đại Đăng ưa chuộng ẩn tu và hăng say kiến lập chùa Đại Đức. Tuy sự phân tích này đáng tin, sự nghiệp của Mộng Song cũng được mô tả y hệt như vậy. Furuta Shòkin muốn so sánh Đại Đăng và Mộng Song trên thư pháp của hai vị: “Nét bút của Mộng Song mềm mại và tỉ mỉ, trong khi đường cọ của Đại Đăng thì mạnh bạo và chân phương hồn nhiên… Hai con người trực tiếp đối nghịch”. Vài nhà bình luận đã ngoại suy từ bức chân dung nổi tiếng của Đại Đăng lúc năm mươi ba tuổi (xem Hình 6: Chân Dung Quốc sư Đại Đăng, năm 1334).

Sư ngồi kiết già trên chiếc ghế nguy nga kiểu Trung Hoa, đắp y nghi lễ của một vị trụ trì, thân tướng kiên cố đường bệ. Khuôn mặt rộng có vẻ dịu dàng nhờ hai má phính và đôi môi hồng, và tia mắt liếc nhìn về bên trái. Lời đề, của chính Đại Đăng, là thử thách cho mỗi người nhìn: “Ai được vẽ ra đây trên tờ lụa này? Nhìn xem!” Vào thế kỷ XV Nhất Hưu đáp lại bức họa lòng đầy vẻ ngưỡng mộ:

Chân dung của Sư sáng sủa thẳng thắn,

chiếu soi như trăm triệu núi Tu-di.

Nếu Đức Sơn hoặc Lâm Tế có vào đây,

chẳng khác nào đom đóm trước mặt trời.

Nhìn bức họa này những thế kỷ sau, Hirano thấy vẻ mặt của Đại Đăng như thể bối rối, ý Hirano gán như thế vì sự tranh chấp giữa hai hoàng đế thí chủ của Sư. Tuy nhiên đối với Furuta, nét vẽ truyền đạt thật sắc bén ý chí dũng mãnh bất khuất của Đại Đăng. Nếu Đại Đăng con người vẫn tránh bị ghi nhận thì đó là điều tốt đẹp nhất. Như Tâm Anh Tông Duyệt (1691-1775) đã viết trong phần hậu đề quyển tự truyện đầu của Sư:

Tại sao phải bắn tên

sau khi tên trộm đã ra đi?

Hư không vỗ tay

và cất tiếng “Thôi, đủ rồi!”