QUỐC SƯ ĐẠI ĐĂNG NHẬT BẢN (1282 – 1337)

KENNETH KRAFT

Trích “Quốc Sư Đại Đăng Và Sơ Kỳ Thiền Tông Nhật Bản"

Kenneth Kraft, Thuần Bạch dịch

Quốc sư Đai Đăng

?CHỨNG NGỘ TẠI CHÙA KIẾN TRƯỜNG

Cuối năm 1307, Đại Đăng và Nam Phố rời chùa Vạn Thọ ở Kyoto và đến Liêm Thương. Đại Đăng 25 tuổi, Nam Phố 72 tuổi. Nam Phố làm trụ trì ngôi chùa danh vọng nhất Liêm Thương là Kiến Trường tự vào ngày 29 tháng chạp. Hai hoặc ba năm trôi qua kể từ ngày được giao công án “Quan”, và Sư cũng chưa xong việc. Tác giả Xuân Tác không tả lại sự tu tập của Đại Đăng hoặc gợi nhắc đến sự thăng trầm trong đời sống nội tâm của Đại Đăng; ông chỉ kể lại đỉnh cao của một diễn trình công phu:

“Gần mười ngày trôi qua [tại Kiến Trường] khi Sư [Đại Đăng] làm rớt chìa khóa lên bàn. Ngay đó Sư thấu phá chữ “Quan”. Sư đạt được chứng ngộ, toàn mãn vô lượng vô biên, chỗ Phật pháp hiển lộ tròn đầy. Mồ hôi ướt đẫm châu thân”

Có một lần Đại Đăng đã nói thẳng đến chuyện này khi làm lễ khánh thành chùa Đại Đức, dùng ẩn dụ để diễn tả. Khi niệm hương, Sư bảo:

“Nén hương này nằm trong chữ “Quan” của thầy Vân Môn, một công án bí hiểm mà ta đã không giải nổi một thời gian rất lâu. Khi ta ở chùa Kiến Trường gần Liêm Thương, ta nắm được nén hương này, và từ đó hương thơm của nó tỏa khắp bầu trời”.

Một ngày sau khi chứng ngộ, Đại Đăng trình hai bài kệ lên thầy:

“Tôi đã thấu phá Cửa Mây – con đường sống ở bắc nam đông tây. Chiều tôi nghỉ, sáng tôi chơi, không người không ta. Ở mỗi bước chân, ngọn gió trong lành thổi đến”.

“Cửa Mây đã xuyên thấu, con đường cũ đã đi qua bầu trời trong vầng dương sáng ngôi nhà thực sự của tôi. Bánh xe cơ duyên quay tự do bên trên con người. Ngài Ca-diếp thân vàng ra đi, tay chắp trước ngực”.

Theo sau hai bài kệ, Đại Đăng viết cho Nam Phố:

“Đây là tâm trạng của con. Nếu thầy nhận, con xin đảnh lễ dưới chân thầy và thỉnh cầu thầy cho một lời. Con định sẽ sớm trở về đế đô cũ (Kyoto), con sẽ rất hoan hỷ và phấn khởi nếu thầy cho phép”.

Nam Phố viết đáp từ bài kệ trực tiếp trên tờ thư của Đại Đăng đệ trình, lời của Ngài như thế vẫn được lưu giữ:

“Ngươi đã ném bỏ cái sáng và hiệp nhất với cái tối. Ta không bằng ngươi. Nhờ ngươi, tông phái của ta sẽ được dựng lập vững bền. Trước khi ấn chứng chính thức công khai, ngươi phải tiếp tục tu tập hai mươi năm”.

Lời tiên đoán của Nam Phố rằng Đại Đăng bảo đảm duy trì tông phái đã nhắc lại lời xưa trong đạo, và điều này được chứng thực qua những diễn biến sau này. Những tiểu sử đầu tiên đã chứng minh sự tín nhiệm của Đại Đăng, nhưng không cho biết mối tương quan giữa Đại Đăng và thầy mình. Ấn bản Niên Phổ của Cự Hải chỉ ghi là Nam Phố ban cho Đại Đăng một tử y xem như biểu tín của sự nối pháp.

?SỰ TÁC THÀNH MỘT THIỀN SƯ

Khi Nam Phố nói với Đại Đăng: “Trước khi ấn chứng chính thức công khai, ngươi phải tiếp tục tu tập hai mươi năm”, Ngài đứng trong truyền thống cổ xưa của đạo Phật. Thuật ngữ kinh điển chỉ cho sự tu tập sau khi ngộ đạo là “thánh thai trưởng dưỡng (Shòtai–chyò)”. Câu này được dùng đầu tiên trong bản dịch chữ Hán kinh Bát-nhã Ba-la-mật- đa vào thế kỷ V. Trong Thiền tạng câu này xuất hiện đầu tiên trong ngữ lục của Mã Tổ Đạo Nhất (709– 788), và vào đời Tống vị tăng hành khước Nhật Bản là Đạo Nguyên Hy Huyền (Tổ tông Tào Động Nhật sau này) học chữ này từ thầy của mình là Thiên Đồng Như Tịnh (1163–1228). Đời Đường Trung Hoa, khái niệm về việc tu tập sau khi ngộ đạo (kiến tánh khởi tu) rất gần với một khái niệm khác, đó là sự ẩn tu. Ví dụ, thiền sư Phần Châu Vô Nghiệp (762–823) than phiền là cổ đức “xóa sạch vết tích và quên mất thế gian” trong hai mươi năm hoặc ba mươi năm. Chỉ riêng hình ảnh hai mươi năm cũng nói lên được ý niệm tu hành trùng hợp với quy ẩn. Đối với hầu hết Phật tử, “hai mươi năm” nhắc đến kinh Pháp Hoa với ẩn dụ người cùng tử lang thang nghèo khổ khoảng hai mươi năm mới trở về nhà.
“Kể từ khi Sư được Nam Phố ấn chứng vào năm thứ hai thời Đức Trị [1307] cho đến khi làm lễ khai tự thực sự, hai mươi năm đã trôi qua. Trước đó, vào thời Chánh Trung [1324–1326], chức vị trụ trì chùa Nam Thiền khuyết chỗ, và Nhật hoàng Hậu-Đề-Hồ cung thỉnh Sư đảm nhận ba lần, nhưng không thành. Sư đã giữ đúng thời hạn tu tập theo lời dạy của thầy mình, theo đúng như một cặp nhãn hiệu chẳng khác mảy may”.

Hình ảnh đầu tiên của Đại Đăng xuất hiện trong đầu là một người ăn mày dưới gầm cầu, căn cứ trên giai thoại về những năm Sư quy ẩn: Người ta nói Sư đã sống qua những năm với đám ăn mày dưới cầu Ngũ Điều (Gòjò) ở Kyoto, khó phân biệt Sư với những đồng sự rách rưới. Nhật hoàng Hoa Viên nghe tiếng Sư và mong muốn thỉnh Sư về thuyết pháp trong nội cung. Cũng được biết vị ăn mày lạ thường này thích ăn một thứ dưa tên là chơn tang qua (makuwa-uri). Nhật hoàng bèn cải trang đến cầu Ngũ Điều mang theo một giỏ dưa thật to. Ngài phát dưa cho đám ăn xin từng người một, nhận dạng tỉ mỉ nét mặt mỗi người. Thấy một người có đôi mắt sáng quắc, Nhật hoàng vừa đưa dưa vừa bảo: – Cầm lấy mà không được đưa tay ra. Lập tức có câu trả lời: Hãy đưa cho tôi mà không đưa tay ra!

Tác phẩm của Bạch Ẩn vào năm 1750, có thể là ấn bản đầu tiên, có tả câu chuyện quả dưa, và Bạch Ẩn đã vẽ nhiều chân dung của Đại Đăng rất truyền cảm, một người ăn xin râu ria, tay cầm bát, y phục rách rưới, khoác lên mình một chiếc áo rơm. Trên một bức chân dung Bạch Ẩn viết bài kệ:

Khoác chiếc áo rơm giữa đám ăn mày, vì thích ăn dưa ngọt nên bị bắt sống. “Nếu đưa dưa cho tôi không cầm tay. Tôi sẽ bước vào sự hiện hữu của ông cũng không bằng chân”.

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có hậu đề. Trong nhà Thiền thời Thất Đinh ở Nhật đây là bộ thiền thư được sùng mộ nhất. Đại Đăng đã chép tay hết bốn mươi ngày, một thời gian ngắn đối với một công việc tỉ mỉ, và cho thấy sức tinh tấn bền bỉ của Sư:

“Đây chính là nếp sống đạo của hàng ngàn thánh hiền, là mạch sống của chư tổ anh kiệt. Nó siêu vượt cái “uẩn áo” và cái “thánh thiện”. [của Lão Tử] Nó vượt xa chân lý và nguyên lý tối thượng. Khắp và sâu, khó lường khó biết. Ít có ai hy vọng vẽ được những dấu vết này bằng chữ bằng mực. Chẳng khác nào phô bày vết thương trên một thân thể tráng kiện. Nhưng trong bốn mươi ngày cây bút lông của tôi chưa bao giờ rời khỏi bàn tay. Có ba mươi chương đầy ắp những cuộc đời đã sống rất phong phú và cao vời. Cần phải có một thiên tài hoàn toàn vượt trên cái khéo léo nhỏ nhoi của tôi ngay cả chỉ mới bắt đầu thưởng thức”.

(Chép vào năm thứ 2 Chánh Hòa [1313] ngày 23 tháng 5 do sơn tăng Diệu Siêu.)

Khi Nam Phố tịch, Đại Đăng chấm dứt thời kỳ tu tập chính thức với một vị thầy sinh tiền, và ứng dụng kinh điển như Truyền Đăng Lục làm phương tiện tu tập tiếp tục với những bậc tôn đức cao tăng trong nhà thiền, tự trắc nghiệm mình với công án và vấn đáp. Trưởng dưỡng thánh thai ở mức độ như thế, sự “học” của một học giả và sự “hành” của một hành giả không còn đứng riêng rẽ. Cũng như Đại Đăng đang thầm lặng tự mình chuẩn bị cho giai đoạn sau này sẽ xuất hiện trước quần chúng, Thiền cũng nghiêng về một trào lưu ảnh hưởng mới trong xã hội Nhật Bản, đạt đến cực điểm trưởng thành vững vàng gần một trăm năm mươi năm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẦY TRÒ
  2. PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH
  3. TIỂU SỬ: THIỀN SƯ HUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI