E. H. GOMBRICH
Trích: Lược Sử Thế Giới; Nguyên tác: A Little History of The World; Việt dịch: Phạm Linh Lan; NXB. Hồng Đức; Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 2019
Vào cùng thời gian mà mà Đức Phật đang tìm kiếm sự giải thoát cho đau khổ của con người tại Ấn Độ (bạn nhớ không, đó là khoảng năm 500 trước Công Nguyên), tại Trung Hoa, một nhân vật vĩ đại khác cũng cố gắng đem lại hạnh phúc cho nhân loại bằng những lời dạy của mình. Tuy vậy, cuộc đời của Khổng Tử hoàn toàn khác với cuộc đời của Đức Phật. Ông không phải con cháu một nhà quý tộc giàu có, mà xuất thân từ một gia đình bần hàn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ông không trở thành một ẩn tu, mà là một quân sư và một thầy giáo. Thay vì giúp cho con người từ bỏ các dục vọng, và nhờ đó không còn đau khổ, điều quan trọng nhất đối với Khổng Tử chính là mọi người sống hòa thuận với nhau: cha mẹ và con cái hòa thuận với nhau, cũng như vua chúa hòa hợp với thần dân. Đó chính là mục tiêu của ông: truyền dạy cho mọi người triết lý đúng đắn để chung sống với nhau. Và Khổng Tử đã thành công. Nhờ có những lời giáo huấn của ông, người dân Trung Hoa đã chung sống với nhau hàng ngàn năm, hài lòng và hòa thuận nhiều hơn nhiều dân tộc khác trên thế giới. Tôi đảm bảo là bạn sẽ thích thú với những lời răn dạy của Khổng Tử, hay Khổng Phu Tử như người Trung Hoa gọi ông. Triết lý này không khó hiểu chút nào, và cũng không khó nhớ. Có lẽ chính nhờ vậy mà ông đã thành công.
Những lời dạy của Khổng Tử rất đơn giản. Bạn có thể không thích nhưng nó chứa đựng sự khôn ngoan thông thái hơn nhiều so với khi được tiếp xúc lần đầu. Ông giảng như sau: dáng vẻ thể hiện ra bên ngoài có vai trò quan trọng hơn chúng ta tưởng – cúi chào bậc bề trên, nhường đường cho người khác, dám đứng lên đối thoại với kẻ bề trên, và vô số điều tương tự, vì những thứ này mà ở Trung Hoa có nhiều nguyên tắc hơn so với phương Tây. Ông tin rằng tất cả những thực hành đó không chỉ có ý nghĩa nhất thời, chúng có một ý nghĩa nào đó, hoặc là tập quán từ xa xưa. Thông thường đó là ý nghĩa về cái đẹp. Đó là lý do Khổng Tử nói: “(Ta) tin và thích (lời) cổ (nhân)”(1). Ý ông là tin tưởng vào nền tảng đạo lý của những phong tục tập quán hàng nghìn năm, và ông luôn luôn kêu gọi đồng bào của mình tuân thủ các phong tục ấy. Ông cho rằng mọi sự trong cuộc sống sẽ suôn sẻ hơn nếu mọi người đều giữ đạo lý, một cách tự nhiên như nó vẫn tồn tại, mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều về nó. Tất nhiên những hành vi như vậy không làm cho mọi người đều trở thành người tốt, nhưng nó giúp họ giữ được bản chất tốt sẵn có.
Chính vì Khổng Tử rất tin tưởng vào thiện tâm của con người, ông nói rằng mỗi con người đều sinh ra với bản chất trung thực và nhân ái, và sâu trong tâm khảm, họ vẫn luôn luôn giữ được cốt lõi đó. Ông nói rằng bất cứ ai nhìn thấy một đứa trẻ nhỏ chơi gần bờ nước sẽ lo lắng rằng nó sẽ rơi xuống nước. Sự quan tâm tới đồng loại và lòng cảm thông với sự bất hạnh của kẻ khác là những tình cảm bẩm sinh. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đảm bảo rằng chúng ta không đánh mất bản chất đó. Khổng Tử nói, đó là lý do vì sao chúng ta cần có gia đình. Một người luôn luôn hiếu thuận với cha mẹ và chăm sóc họ – đây là hành vi tự nhiên của chúng ta – cũng sẽ đối xử với những người khác như vậy, sẽ tuân thủ luật pháp của quốc gia như tuân thủ lời cha mẹ. Vì vậy, đối với Khổng Tử, gia đình, với tình cảm thân ái giữa anh chị em và lòng kính trọng cha mẹ, chính là điều quan trọng nhất. Ông gọi đó là “gốc của Đức Nhân”.
Tuy nhiên, ông không hề nói rằng lòng kính trọng và sự tuân thủ chỉ nên được thực hành từ thần dân đối với Đế Vương, mà không theo chiều ngược lại. Trái lại, Khổng Tử và các đệ tử của ông luôn phản đối các đế vương bạo ngược, và thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình đối với họ. Vì một bậc Đế Vương cần phải làm gương trong việc giữ đạo lễ. Ông ta phải thể hiện tình phụ tử bằng cách chu cấp cho các thần dân của mình và phân xử công bằng. Nếu lơ là điều đó, khiến các thần dân của mình chịu đau khổ, vị vua đó xứng đáng bị các thần dân nổi dậy và phế bỏ. Khổng Tử và các đệ tử đã dạy như vậy. Vì nghĩa vụ đầu tiên của bậc đế vương là làm gương cho mọi người dân sống trong vương quốc của mình.
Bạn có thể nghĩ rằng những điều dạy của Khổng Tử là hiển nhiên. Đó chính là ý định của Khổng Tử. Ông muốn dạy những điều mà bất cứ ai cũng có thể hiểu, vì nó rất hợp lý và công bằng; theo đó cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã nói rằng Khổng Tử vô cùng thành công. Nhờ có những lời dạy của ông, đế quốc Trung Hoa khổng lồ, với vô số châu quận, đã thoát khỏi sự tan rã.
Nhưng bạn không nên nghĩ rằng tại Trung Hoa không có những con người có tư tưởng giống Đức Phật, rằng đối với họ điều quan trọng không phải là sự chung sống, hay lễ nghĩa với nhau mà là những bí ẩn vĩ đại của cuộc sống. Một nhà thông thái như vậy đã sống tại Trung Hoa cùng thời với Khổng Tử. Tên ông là Lão Tử. Truyền thuyết kể rằng ông là một vị quan chán chường lối sống triều đình. Vì vậy, ông từ quan và du tản đến những vùng núi hoang vu tại biên giới Trung Hoa để ẩn tu.
Một người lính trơn ở một cửa ải biên giới đã đề nghị ông ghi chép lại những tư tưởng của mình trước khi rời nhân gian. Lão Tử đã làm như vậy. Nhưng người lính gác đó có hiểu được điều gì Lão Tử viết hay không, tôi không dám chắc, vì chúng thực sự vô cùng huyền bí và khó hiểu. Ý nghĩa của chúng đơn giản hóa như sau: toàn bộ thế giới này, từ mưa gió, trong thực vật và động vật, đến sự chuyển biến giữa ngày và đêm, rồi chuyển động của các vì sao, mọi thứ hoạt động theo một quy luật vĩ đại. Quy luật đó Lão Tử gọi là “Đạo”, có nghĩa là con đường, lối đi. Chỉ có con người, trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, trong những kế hoạch và mưu đồ, ngay cả trong những lời cầu nguyện hay cúng tế, cưỡng lại quy luật ấy, cản trở đường đi của nó và ngăn chặn sự hoàn thành của nó.
Vì vậy có một thứ chúng ta phải làm, theo Lão Tử, là không làm gì cả. Hãy tĩnh lặng từ trong nội tâm. Không nhìn, không lắng nghe bất cứ điều gì xung quanh, không ao ước hoặc nuôi dưỡng ý tưởng gì. Chỉ khi nào một người trở nên giống như một cái cây hay một bông hoa, không chứa một ý chí hay mục đích nào, người ấy sẽ bắt đầu cảm nhận được Đạo – quy luật phổ quát rộng lớn vận hành thiên địa và mang lại bốn mùa – bắt đầu hoạt động trong bản thân mình. Bạn sẽ thấy lời dạy này rất khó hiểu và lại càng khó noi theo hơn. Có lẽ, trong sự cô độc của vùng núi hoang sơ, Lão Tử đã có thể phát triển ý tưởng “không làm gì cả” đến tầm mức mà quy luật này bắt đầu vận hành trong bản thân ông. Có lẽ chính Khổng Tử, chứ không phải Lão Tử, mới là “vạn thế sư biểu”, vị sư phụ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa. Bạn nghĩ sao?
Chú thích
(1). Luận ngữ, Thiên VII