DALAI LAMA – CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Đại Toàn Thiện – Khám Phá Tánh Giác; Chuyển ngữ tiếng Anh: Jeffrey Hopkins; Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; 2017

 

CÁI THẤY, KHOẢNG KHÔNG VĨ ĐẠI VÔ SỐ

Cái thấy thực tại là Phật tánh vượt khỏi những sanh sôi của tính khái niệm nhị nguyên. Cả hai Trường phái Cựu dịch và Tân dịch của Phật giáo Tây Tạng đều nói cái thấy là trí huệ nguyên sơ của tịnh quang, tạng của Người đi đến Lạc phúc (tạng của bậc Thiện Thệ, tạng của Như Lai). Trí huệ nguyên sơ của bản thân tịnh quang là một thực thể thanh tịnh từ ban đầu với một bản tánh tự phát. Tạng tự phát thanh tịnh không có khái niệm này là căn cứ của sự xuất hiện của sanh tử và niết bàn, và như vậy bản thân cái thấy là khoảng không vĩ đại từ đó tất cả vô số hiện tượng hiện lên và vào đó chúng rút vào. Như vậy, Patrul Rinpoche nói, “Cái thấy là khoảng không vĩ đại vô số (Longchen Rabjam)”. Trong cách này, ngài nói cái thấy là “khoảng không vĩ đại vô số”, là nghĩa của tên lama gốc gián tiếp của ngài, Longchen Rabjam.

Cái thấy phải được thiền định là Phật tánh vốn thanh tịnh gọi là Như Lai tạng, thấm khắp khoảng không bao la, lãnh vực của thực tại. Cái hiểu biết rằng mọi xuất hiện của sanh tử luân hồi và niết bàn là hoàn thành trọn vẹn trong thực tại bình đẳng này chính là cái thấy – do đó khoảng không vĩ đại, sự bao la vô tận và vô số.

Cái thấy của Đại Toàn Thiện được nói là vượt khỏi tâm, nhưng như được diễn tả trong lời nói, ở đây “cái thấy” ám chỉ chủ yếu không phải cái được thấy mà cái thức đang thấy. Như thế, nó ám chỉ đến “Chủ thể đang thấy” chứ không phải “cái thấy như là đối tượng được thấy”. Lại nữa, chúng ta phải nhớ rằng những từ như vậy có thể không thích đáng, bởi vì cái thấy ở đây vượt khỏi tâm, và “chủ thể và đối tượng” thì bị buộc vào lãnh vực của tâm.

Mọi hiện tượng được chứa đựng trong khối cầu vĩ đại của tánh giác, căn cứ từ đó mọi hiện tượng khởi hiện – nền tảng của xuất hiện. Từ giữa nền tảng và xuất hiện, tánh giác là nền tảng và sự rung động của nó là xuất hiện. Cái này được gọi là “tánh giác nội tại toàn thiện”, chính nó là cái thấy, khoảng không vĩ đại vô số.

THIỀN ĐỊNH, NHỮNG TIA SÁNG CỦA HIỂU BIẾT VÀ ĐỒNG CẢM

Đã phát khởi cái thấy này, người ta tự nhiên phát sanh lòng bi cho chúng sanh, mà do vô minh, đã không hiểu viễn cảnh này. Bởi thế Patrul Rinpoche nói, Thiền định là những tia sáng của hiểu biết và đồng cảm (Khyentse Oser)”. “Những tia sáng của hiểu biết và đồng cảm” chính là nghĩa của danh hiệu Khyentse Oser. Trong sự phân biệt giữa tánh giác và sự rung động của tánh giác, sự rung động của tánh giác gồm tám loại xuất hiện tự phát. Một trong những cái này là lòng bi thấm khắp – những tia sáng của hiểu biết và đồng cảm, và từ thiền định về nó, những yếu tố tự phát của nhảy qua (Thogal), hay tiến bộ tự phát, khởi lên, trong khi khoảng không vĩ đại vô số là sự thực hành phá thấu (Trekchod), tính thanh tịnh tinh túy.

Ngay khi được giới thiệu với khuôn mặt tự nhiên của tánh giác trong sự trần trụi của nó, nếu người ta có thể ở trong khoảng không của tánh giác nhờ chánh niệm nền tảng, nó là một chánh niệm bẩm sanh tự nhiên, những yếu tố tự phát này tự khởi sanh trong thiền định. “Trần trụi” ở đây nghĩa là nhiễm ô che chướng bởi tính khái niệm đã được loại bỏ – tính khái niệm giống như áo quần đã được cởi bỏ, để cho thân trần trụi, tánh giác trần trụi.

Khi kinh nghiệm tánh giác khởi lên, chánh niệm nền tảng cùng đi với nó, thực hiện sự thực hành thiền định, ở điểm mà hành giả có thể xác quyết rằng cái nó mong muốn, giải thoát, không vượt khỏi khoảng không của tánh giác, và cái nó phải từ bỏ, sanh tử luân hồi, không vượt khỏi sự rung động của tánh giác. Bởi thế, cả hai cái này _ tốt và xấu, niết bàn và sanh tử luân hồi, những hy vọng và lo sợ _ tất cả chúng được thấy một cách xác quyết là sự phô diễn, sự rung động, và sự sủi bọt của tánh giác.

HẠNH, CHỒI CỦA MỘT BẬC CHIẾN THẮNG

Chừng nào người ta an trụ mà không lung lay khỏi kinh nghiệm của khoảng không vô ngại của tánh giác này, bất kể hạnh nào người ta làm đều có một tính cách đơn nhất, giống như một vị đơn nhất. Trong mạch này, Patrul Rinpoche nói, “Hạnh là chồi của một bậc Chiến thắng (Gyalwe Nyugu)”. “Chồi của một bậc Chiến thắng” chính là nghĩa của tên Gyalwe Nyugu. Nhờ có một động cơ bi mẫn và trí huệ thấu suốt, bạn dấn mình vào một hạnh, một thái độ để giúp đỡ những người khác; những hành vi có động cơ vị tha này hòa lẫn với hiểu biết thực tại là chồi để thành một vị Phật.

Bạn cần phát sanh sự thực hành tánh giác trong trạng thái trần trụi của nó và thiền định trong nó. Khi bạn có được một cái thấy thực nghiệm như vậy, không cần thiết tìm kiếm thiền định hay hạnh ngoài phạm vi của nó. Khi bạn duy trì thực hành trong cái thấy này, có nói rằng:

? Cái thấy được để cho như một trái núi bất động.

? Thiền định được để cho như một đại dương. Bất kể nhiều bao nhiêu những làn sóng trên mặt, ở dưới sâu vẫn yên vững. Khi bạn được giới thiệu vào và đã nhận ra tánh giác trong kinh nghiệm, bấy giờ như mặt trời và tia sáng mặt trời, chánh niệm nền tảng được sanh ra trong nó. Vào lúc đó, bạn không cần chánh niệm hoàn thành từ nỗ lực hay hoạt động; chánh niệm là bẩm sanh, có sẵn.

? Hạnh được để cho như xuất hiện. Khi bạn đã nhận ra tánh giác và đã kinh nghiệm cái thấy này, bấy giờ từ viễn cảnh này, bất cứ khái niệm hay đối tượng nào xuất hiện, bạn không chạy theo và bị chúng tóm lấy nhưng an trụ sống động trong bối cảnh của tánh giác đến độ không cần phải phân biệt loại hạnh nào để lấy và loại nào để bỏ, vì bạn vượt khỏi hoàn thành và dừng lại, hy vọng và lo sợ.

Nếu bạn là một hành giả có thể thực hành một cách hiệu quả và thích đáng loại cái thấy, thiền định và hạnh này, bạn có cơ hội đạt Phật quả trong đời này; nó sẽ không khó khăn. “Với người thực hành trong cách này, không e ngại về Phật quả trong một đời”.

Tuy nhiên, dù nếu bạn không thành tựu Phật quả trong đời này, thì qua sự thực hành động lực vị tha và trí huệ thấu suốt, bạn có thể chắc chắn ở vào chứng ngộ cao cấp, đến mức sẽ không lọt vào ảnh hưởng của những hoàn cảnh xấu trong đời này. Bạn sẽ không bị tràn ngập bởi những hy vọng và lo sợ mà sẽ có thể dùng những hoàn cảnh xấu trong con đường, và từ đời này sang đời khác, bạn sẽ đi từ hạnh phúc đến hạnh phúc, tiến càng lúc càng cao hơn. “Dù không như vậy, tánh giác lạc phúc kỳ diệu! A LA LA!” Dù nếu bạn không thành tựu Phật quả trong đời này, bạn sẽ hạnh phúc một cách kỳ diệu: “Ôi, kỳ diệu biết bao nhiêu”.

Những dòng cuối của bài kệ

Vào lúc chấm dứt bài kệ, Patrul Rinpoche cho lời khuyên về sự quan trọng của thực hành này, “Dành riêng cho những đứa con ruột, nó là nghĩa sâu thẳm. Cuộc nói chuyện của trái tim, đàm thoại của lòng. Chớ để mất nghĩa thiết yếu này, tinh túy của nghĩa! Chớ xao lãng với những giáo huấn!”

Như Dodrupchen nói, Chứng ngộ được sanh ra tùy thuộc vào nỗ lực của bạn”. Chúng ta phải luôn luôn giữ nỗ lực. Không có cách gì bạn có thể hy vọng đạt được cái vĩ đại một cách dễ dàng hay nhanh chóng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG