ĐỂ THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA AI ĐÓ HÃY DỪNG NÓI và HÃY LẮNG NGHE

NILOFER MERCHANT

Trích: Lắng Nghe Trong Tỉnh Thức/ Havard Business Review; Tuấn Vinh dịch Việt; NXB. Công Thương; Công ty sách Alpha; 2021

NILOFER MERCHANT đang giảng dạy tại Đại học Stanford, diễn thuyết khắp thế giới và được Thinkers50 xếp hạng là một trong những nhà tư tưởng quản lý có ảnh hưởng nhất thế giới. Cô là tác giả cuốn The Power of Onlyness: Make Your Wild Ideas Mighty Enough to Dent the World (tạm dịch: Sức mạnh của sự duy nhất: Khiến những ý tưởng ngông cuồng của bạn đủ mạnh để lay chuyển thế giới.)

Samar Minallah Khan, nhà nhân loại học, nhà nữ quyền và nhà làm phim người Pakistan đã rất phẫn nộ trước việc người đứng đầu các bộ lạc địa phương chấp thuận cho trao đổi các bé gái như một cách đền bù cho tội lỗi của các thành viên nam trong gia đình họ.

Những người đứng đầu này chịu trách nhiệm phán quyết các tranh chấp trong làng của họ. Ở đây có một tập quán rất lâu đời, đó là giải quyết các tội lỗi nghiêm trọng bằng cách “bồi thường” cho gia đình người bị hại bằng con gái của gia đình người có tội. Khi đó người cha hay chú có tội sẽ được trả “tự do” và người trong làng sau đó được thông báo là vụ việc đã được “giải quyết”. Samar thấy tục lệ này (được gọi là swara) thật kinh khủng: Nó thay đổi mãi mãi cuộc đời của cô gái trẻ mặc dù cô không hề phạm tội. Nhưng dù Samar có giận dữ thế nào đi chăng nữa, cô nhận thấy rằng sẽ không bao giờ đạt được kết quả mà cô mong muốn nếu để sự giận dữ đó dẫn dắt mình.

Do đó, Samar đã thử cách khác. Đầu tiên, cô lắng nghe nhiều hơn là nói. Cô lắng nghe những nhà lãnh đạo tôn giáo (nam giới) giải thích về swara và lợi ích của nó, và hỏi họ tục lệ này sẽ được Nhà tiên tri Mohammad giải thích như thế nào. Cô lắng nghe những người cha, người chú đã từng được chuộc tội bằng tục lệ này. Bằng cách lắng nghe, Samar đã học được rất nhiều, giúp cô có thể “bắc một chiếc cầu” qua hố sâu cách biệt vốn dường như không thể vượt qua.

Ban đầu Samar cho rằng những người cha được giải tội bằng tục lệ này sẽ cảm thấy hạnh phúc khi cho đi con gái mình, nhưng khi lắng nghe họ, cô thấy được rằng họ không hề vui vẻ, trái lại họ mong muốn có một cách khác. Cô cũng nghe được từ các nhà lãnh đạo địa phương rằng họ đã đặt nặng giá trị phong tục truyền thống. Cô nghe từ một số học giả Hồi giáo chính thống rằng swara là một hình thức “chịu trách nhiệm thay” bị cấm trong đạo Hồi. Và cuối cùng, cô nghe được rằng trước đây, các tranh chấp cũng được giải quyết bằng cách gửi một cô gái sang cho gia đình của đối phương nhưng cô gái ấy sẽ không phải ở đó lâu dài; thay vào đó cô sẽ được nhận quà và gửi trả về cho gia đình. Cô ghi lại tất cả những điều này. Sau đó, cô mời các đại diện cộng đồng địa phương tới xem các đoạn video đó và nói với họ về truyền thống và hàm ý của nó. Lần lượt từng nhà lãnh đạo địa phương đã thay đổi quan điểm của họ về công lý chân chính. Họ đã quyết định tục lệ swara có thể được thay thế bằng hình thức bồi thường bằng tiền. Samar đã tạo nên sự thay đổi không phải bằng cách đưa ra ý tưởng của cô, mà bằng cách đưa mọi người đến với một ý tưởng mới.

Những gì Samar làm là đề nghị mọi người chia sẻ quan điểm của họ, chứ không cố thuyết phục họ theo ý của cô. Chuyện này nghe có vẻ giống trong phim ảnh hơn là ngoài đời thực và không phù hợp với các nhà lãnh đạo trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể.

Tôi nhận ra mình đang nghĩ về chuyện của Samar, trong lúc dự một cuộc họp tồi tệ vốn không hề hiếm ở công ty. Một nhà lãnh đạo đã tập hợp 30 người giỏi nhất và sáng giá nhất của ông ta lại để phát biểu ý kiến của họ về những gì ông ta cho là lỗ hổng thị trường. Nhưng cách tổ chức cuộc họp đó đã khiến ông ta nghe được rất ít: Chương trình nghị sự gồm ba giờ thuyết trình và tổng cộng khoảng 15 phút hỏi đáp (nếu không có bài thuyết trình nào kéo dài).

Tôi có cảm giác rằng ông ta không thực sự muốn lắng nghe, những gì ông ta muốn là thuyết phục 30 con người thuyết trình về quan điểm của ông ta để chúng tôi trở thành những người phát ngôn cho ông, đồng thời khắc phục “lỗ hổng thị trường” của ông ta. Cũng do cách thức tổ chức cuộc họp mà tôi không tin rằng mình muốn làm điều đó.

Mặc dù cách tiếp cận này không hiệu quả lắm, nhưng tất nhiên nó lại phổ biến trong bối cảnh khi một bên đang cố gắng thuyết phục bên kia thay đổi, cho dù đó là tranh luận chính trị trong một tổ chức hay chỉ đơn giản là tranh luận trong bữa tối gia đình. Xác định được những ý tưởng mấu chốt có thể thuyết phục họ, tìm những bằng chứng thuyết phục, chia sẻ một cách nhiệt tình và phản biện lại bằng bằng chứng của mình.

Đó không phải là cách tạo nên sự thay đổi lâu dài. Cách tốt nhất để lay chuyển người khác là không nói cho họ biết câu trả lời của bạn, mà cùng với họ tìm một câu trả lời chung. Lắng nghe chính là con đường đi từ ý tưởng của bạn đến ý tưởng của chúng ta. Định hình lại ý tưởng khi cần thiết và cuối cùng là tạo ra được ý kiến chung để biến bất kỳ ý tưởng nào thành hiện thực.

Lần sau, nếu bạn tham dự một cuộc họp có những quyết định lớn hay những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận, hãy thử phương pháp mà tôi đã áp dụng để chuẩn bị cho các cuộc hội thảo về đổi mới và lãnh đạo dưới đây:

Tìm một chiếc thẻ chỉ mục hay một tờ giấy (thậm chí một tờ giấy ăn cũng được). Trên một mặt giấy, viết những ý tưởng quan trọng có thể hữu ích khi chia sẻ. Tôi nói “có thể” bởi vì bạn sẽ phải đánh giá lại tất cả các ý tưởng đó sau khi bạn đã hiểu thêm. Trên mặt kia của tờ giấy, hãy ghi những câu hỏi bạn muốn đặt ra hay một số điều bạn muốn học hỏi.

Ví dụ, tại diễn đàn toàn cầu Drucker Forum tổ chức ở Vienna, tôi tham gia hội thảo bàn tròn với John Hagel, Julia Kirby và Hal Gregersen về “Sức mạnh để đổi mới sáng tạo”. Trước khi phiên họp bắt đầu, tôi đã ghi nhanh một số câu hỏi vào mặt sau của thẻ chỉ mục như sau:

  • Tại sao những nhà quản lý này lại tham dự phiên họp của chúng ta? Động lực của họ ở đây là gì?
  • Vấn đề cốt lõi về “Sức mạnh để đổi mới sáng tạo” của các công ty họ dẫn dắt là gì? Cụ thể như thế nào?
  • Họ có nghĩ là họ có đủ ý tưởng, quá nhiều ý tưởng, hay các ý tưởng có chất lượng thấp?
  • Đổi mới sáng tạo, với họ, có phải là một khó khăn trong lựa chọn ý tưởng, kết nối thị trường, vận hành hay một điều gì khác?
  • “Đổi mới” có thể được thảo luận bằng các thuật ngữ chung – không có bối cảnh cụ thể – hay không, và nó có hữu ích không?
  • Họ đang nghe theo ai hay nhóm ý tưởng nào về đổi mới sáng tạo? Điều gì còn thiếu, hoặc tại sao bộ ý tưởng đó không hoạt động?

Tôi không hỏi hết tất cả các câu hỏi trên, nhưng việc ghi chúng ra giấy có nghĩa là tôi đã sẵn sàng để hỏi và để lắng nghe các động lực, nhu cầu và cảm xúc. Việc chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn luôn sẵn sàng lắng nghe những gì đang thực sự diễn ra.

Hầu hết chúng ta không làm điều đó, chúng ta chỉ lắng nghe tới mức độ hiểu được những quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý, hay chuẩn bị để phát biểu hơn là để học hỏi. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta sẽ không nghe được nhiều vì chúng ta chỉ đang chờ đợi đến lượt mình phát biểu mà thôi.

Lắng nghe là phải tập trung chú ý. Lắng nghe là phải gác lại những mối quan tâm riêng để thực sự muốn biết nhiều hơn, và để quan tâm đến những vấn đề của người khác. Không chỉ lắng nghe những từ ngữ được nói ra mà phải chú ý tới những nhu cầu và hệ quy chiếu ẩn sau những câu nói đó.

Đó là lý do tại sao chúng ta chưa phải là những người biết lắng nghe giỏi. Chúng ta sợ rằng khi lắng nghe, chúng ta sẽ không bảo vệ được các ý kiến riêng. Chúng ta sợ sẽ phải từ bỏ niềm tin của chính mình.

Nhưng thực tế, khi lắng nghe, tất cả chúng ta đều có niềm tin hơn vào chính bản thân chúng ta, và vào người khác.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH LẮNG NGHE
  2. NGƯỜI GIỎI LẮNG NGHE THƯỜNG LÀM GÌ?
  3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LẮNG NGHE THẬT SỰ

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG