SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích “Từ bi và nhân cách” Tác giả: Đạt Lai Lạt Ma Người dịch: Thích Nguyên Tạng NXB Đồng Nai, 2010 Ảnh: nguồn inernet

ĐẠT LAI LẠT MA – TỪ BI VÀ NHÂN CÁCH

🙏🙏🙏

Bài do Michael Toms phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, một dòng các vị lãnh đạo Phật Giáo hóa thân của Tây Tạng, có từ thế kỷ thứ XIV, là một nhà lãnh đạo tinh thần hiện đại, người đã biểu lộ ý thức và sự quan tâm sâu xa đến những vấn đề xã hội ngày nay. Sinh ra trong một gia đình nông dân, vào năm lên hai tuổi, Ngài được công nhận là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, vốn là vị tiền nhiệm của Ngài, theo truyền thống Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma được xem là nhà lãnh đạo tôn giáo và tâm linh của nhân dân Tây Tạng.

Không giống các vị tiền nhiệm của mình, Ngài đã đi nhiều nơi ở thế giới Tây Phương, gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như thế tục ở Tây Úc, Bắc Mỹ, Liên Xô và Á châu. Trong những chuyến du hành ở các nước, Ngài đã mạnh mẽ vận động sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo. Ngài đã tham dự vô số lần những buổi hội nghị liên tôn, chia sẻ thông điệp về bổn phận toàn cầu, tình yêu và lòng từ bi. Từ chuyến viếng thăm Tây phương lần đầu tiên, tiếng tăm của Ngài như một học giả và một sứ giả của hòa bình đã gia tăng đều đặn. Các đại học và học viện Tây phương đã trao tặng Ngài nhiều giải thưởng hòa bình và bằng tiến sĩ danh dự khi công nhận những cuốn sách xuất sắc và triết lý Phật giáo của Ngài, cũng như sự lãnh đạo của Ngài trong việc phụng sự cho lý tưởng tự do và hòa bình.

Vào ngày 5 tháng mười năm 1989, Ngài được trao giải Nobel về hòa bình. Ủy ban Nobel tuyên bố “Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kiên định chống lại việc dùng võ lực. Ngài ủng hộ giải pháp không bạo động trên sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau”. Đối với người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân tín ngưỡng của họ, là biểu tượng có tính cách quốc gia của họ, và là niềm hy vọng dành lại nền độc lập tự do của họ. Đối với thế giới, Ngài là người được ủng hộ và kính trọng một cách thành tâm vì lòng từ bi, công lý và hòa bình thế giới của Ngài.

Trước khi nhận giải Nobel hòa bình ít lâu, Ngài đến thăm Trung Mỹ và Costa Rica lần đầu tiên và tham dự cuộc hội nghị liên tôn quan trọng lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Mỹ. Tại hội nghị “Tìm ý nghĩa đích thực của hòa bình”, Ngài là một diễn giả chính cùng với Tổng Thống Oscar Aricas của Costa Rica, người cũng được tặng giải thưởng Nobel hòa bình. Trong hội nghị này Michael Toms (Sáng lập viên và giám đốc New Dimension Radio ở California, USA) đã phỏng vấn Ngài tại một nữ tu viện Ky Tô giáo, nơi Ngài lưu trú, ngoại ô thủ đô San Jose, Costa Rica.

🍁Michael Toms: Ngài có cảm tưởng gì về Costa Rica?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi thấy đất nước này rất đẹp. Người dân ở đây có vẻ không vội vã như ở New York và những nơi khác. Quốc gia này không có lực lượng quân sự, không sản xuất vũ khí. Tôi nghĩ rằng những điều này rất quan trọng, vì mọi người ở đây có đủ tư cách để nói về hòa bình, giải trừ quân bị, cố gắng giảm sản xuất vũ khí và ngừng thi đua võ trang. Tôi thực sự cảm phục vì họ đã có đường lối này từ thập niên bốn mươi. Lúc đó tôi không thấy ai thực hiện loại ý tưởng này. Như ông cũng biết, sự việc rất phức tạp vào lúc đó trong thập niên bốn mươi và thập niên năm mươi, trong thế chiến thứ hai. Vì vậy điều này gây nhiều ấn tượng cho tôi. Tôi cảm thấy chúng ta có thể học nhiều điều từ kinh nghiệm của quốc gia này.

🍁Michael Toms: Ngài nghĩ gì về việc Phật giáo cống hiến cho đời sống con người trong thời đại này? Phật giáo mang lại những gì cho chúng ta ngày nay?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ rằng Phật giáo cũng như bất cứ tôn giáo nào khác, có những tiềm năng để đóng góp, chính yếu là qua an lạc nội tâm và bằng việc thay đổi quan niệm sống của chúng ta đối với người khác và đối với môi trường. Tôi nghĩ đó là những gì mà Phật giáo có thể đóng góp. Một điều đặc biệt quan trọng của Phật giáo là lý thuyết giải thích về sự sống. Mọi sự vật có tính cách tương đối. Mọi sự vật đều tùy thuộc lẫn nhau. Đó là cách nhìn thế giới rất lợi ích cho chúng ta. Nền kinh tế hiện đại là một thí dụ rất điển hình về sự tùy thuộc vào nhau. Hôm nọ tôi ăn trưa với Đức Tổng Giám mục của quốc gia này. Ngài nói rằng ở đây người ta trồng chuối để bán sang Hoa Kỳ, còn Hoa Kỳ thì xuất cảng lúa mì sang quốc gia này. Đó là một sự trao đổi với nhau và mọi thứ khác trên đời này cũng luôn tùy thuộc vào nhau như vậy đó.

Một phương diện khác của triết lý Phật giáo mà tôi nghĩ có sự quan trọng đặc biệt là ý tưởng sự vật có tính chất tương đối. Thượng Đế luôn luôn được tìm thấy ở khoảng giữa trắng và đen hay ở giữa tốt và xấu. Người ta không thể nói: “Đây là kẻ thù của mình” và thấy kẻ thù đó xấu một trăm phần trăm. Không thể có như vậy được. Về căn bản thì hai trường hợp này chỉ là một. Cách quán xét sự việc như vậy giúp rất nhiều cho người ta giảm bớt sân hận. Tôi luôn luôn nói: “Hãy nói chuyện với mọi người”. Các nhà tôn giáo không nên chỉ nghĩ đến việc truyền bá tôn giáo của mình mà nên nghĩ đến việc họ có thể đóng góp bao nhiêu cho loài người.

🍁Michael Toms: Ngài thấy thế nào về việc giao tiếp và mối liên hệ giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở xứ này và thế giới Tây phương nói chung?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có thể nói mối liên hệ giữa các tôn giáo trong mấy năm qua đã được cải thiện nhiều, đặc biệt là giữa Phật giáo Tây Tạng và Thiên Chúa giáo. Hai bên có mối liên hệ thân mật hơn nhiều. Hai bên đã có sự hiểu biết sâu xa hơn nhiều. Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị và tôi đã có dịp thảo luận với nhau về điều này. Tôi cũng đã thảo luận vấn đề này với nhiều nhân vật quan trọng khác trong cộng đồng Thiên Chúa và Tin Lành giáo. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã gây dựng những mối liên hệ rất tốt và thân mật. Và như vậy rất hữu ích cho việc học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ truyền thống Thiên Chúa giáo, vốn rất có lợi ích và thực tế. Đồng thời, các huynh đệ bên Thiên Chúa giáo cũng học được một vài pháp tu của Phật giáo để sử dụng trong đời sống, như pháp từ bi và tha thứ, liên quan đến sự chú tâm và luyện tâm. Đó là Samatha hay thiền định, pháp trụ tâm. Pháp tu này trong Phật giáo, trong triết lý Đông phương, vẫn còn là một truyền thống sống động và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng điều này có ích lợi cho một số hành giả Thiên Chúa giáo của chúng ta.

🍁Michael Toms: Vào năm 1968, Thomas Merton đến thăm Á châu, đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của ông ở ngoài Hoa Kỳ. Ông ấy là một tu sĩ Thiên Chúa giáo rất chú ý đến Phật giáo Tây Tạng. Ngài nhớ điều gì về cuộc gặp gỡ với Thomas Merton?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đó là một cuộc gặp gỡ rất thú vị. Và cũng do gặp được ông ấy mà sự hiểu biết của tôi về Thiên Chúa giáo đã mở rộng, tôi thực tâm kính trọng hơn nữa đối với các hành giả Thiên Chúa giáo và sự đóng góp của họ cho nhân loại. Tôi xem Thomas Merton là chiếc cầu vững chắc nối liền Đông và Tây. Từ khi ông qua đời đột ngột, tôi cảm thấy mình phải chịu một sự mất mát lớn lao. Tôi nghĩ ông ta đã đóng góp nhiều cho sự hiểu biết và liên hệ thân mật giữa Phật giáo Tây Tạng và Thiên Chúa giáo.

🍁Michael Toms: Ngài đã nói về lòng từ bi sản sinh ra sự can đảm nội tâm và an lạc nội tâm. Ngài có thể giải thích thêm về điều này không?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Từ bi là quan tâm đến người khác, đến toàn thể chúng sanh. Và từ bi không phải chỉ là đồng cảm hay thương hại, mà là ý muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ. Từ bi mở rộng tâm trí của chính bản thân và của người khác. Từ bi tự động phát sinh cảm giác thấy rằng người khác là một phần của chính mình. Tôi nghĩa rằng những điều này rất ích lợi cho chúng ta. Với lòng từ bi thì không có rào cản; sự lo sợ và nghi ngờ được giảm thiểu, chính vì thế mà bạn có thêm can đảm và ý chí.

🍁Michael Toms: Nhiều người cảm thấy hoang mang và như bị dồn ép khi họ nhìn ra thế giới bên ngoài với bao nhiêu vấn đề rắc rối. Họ cảm thấy rằng mình không thể làm gì được. Làm sao một cá nhân nhỏ bé có thể tạo một sự thay đổi trong một thế giới với quá nhiều rắc rối? Ngài có gì để nói về điều này chăng?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Những vấn đề của thế giới ngày nay không phải đột ngột phát sinh. Chúng có thể đã xuất hiện từ hai năm trước cho đến hai thế kỷ trước, và rồi ngày hôm nay nó đưa đến chỗ chúng ta. Vậy điều cần phải làm bây giờ là giảm thiểu hay giải trừ những vấn đề của chúng ta, và việc này có thể cũng mất khoảng một trăm năm. Cần phải có thời gian, vì tính chất của sự thay đổi là trải qua thời gian. Về căn bản thì nhiều chuyện xấu này chính yếu là do con người tạo ra. Nếu không muốn những vấn đề này tồn đọng, chúng ta phải cố gắng thay đổi chúng. Không có người nào khác ở đây để lo cho chúng, mà chính mỗi người chúng ta phải đối diện với vấn nạn ấy. Không có cách nào khác. Mỗi cá nhân phải khởi sự. Trước hết là một người, rồi những người khác tham dự, cho đến khi có hàng trăm, hàng ngàn người. Sau cùng là xã hội loài người, cộng đồng nhân loại. Một sự thay đổi lớn sẽ không diễn ra vì nỗ lực của một cá nhân, mà chỉ có thể có được bằng nỗ lực phối hợp của nhiều cá nhân.

🍁Michael Toms: Trên đây là cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma được thực hiện ở Costa Rica vào tháng sáu năm 1989. Rồi đến tháng mười năm 1989 Ngài đã dẫn đầu đoàn tụng niệm trong lễ Lhasang truyền thống của Tây Tạng có mục đích cầu phước cho địa phương. Lễ được cử hành trên núi Tamalpais, thị trấn Marin, thuộc miền Bắc San Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Có nhiều người nói rằng thiệt hại do động đất gây ra ở vùng vịnh San Francisco ít hơn đáng kể so với khả năng tàn phá của nó là vì có cuộc viếng thăm của Ngài ngay trước khi vụ động đất xảy ra.

Tôi đã có cơ hội hỏi Ngài một câu hỏi trong một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau buổi lễ Lhasang. Tôi hỏi Ngài về sự đến với nhau giữ Đông và Tây, và điều này thực sự có ý nghĩa là gì?

🌻Đức Đạt Lai Lạt Ma: Như tôi đã nói trước đây, những việc này là một sự thay đổi rất tốt, một sự phát triển tích cực. Ở một giai đoạn nào đó trong sự phát triển của một xã hội cứng rắn, có thể hoạt động tốt. Trên thế giới này đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng. Ở mỗi thời điểm khác nhau chúng ta có thể đánh giá theo quan điểm khác nhau nhưng nhìn chúng bất cứ ai cũng mong nhìn thấy một thế giới hòa bình và ngập tràn yêu thương.

Cố nhiên, loài người ngày nay có những tiến bộ về tình thương đồng loại và quan tâm lẫn nhau. Đối với những người lao động và những người ít quyền lợi, những tiến bộ này rất tốt. Nhưng hãy so sánh sự thù ghét và quyền lực với tình thương yêu, so sánh lực thù ghét với sức mạnh của lòng từ bi. Tôi nghĩ rằng sự yêu thương, lòng từ bi có thể là sáu mươi, bảy mươi hay tám mươi phần trăm, còn sự thù ghét chỉ là hai mươi hoặc ba mươi phần trăm. Vì vậy sự việc đã hoạt động bình thường được. Và bây giờ chúng ta thấy có những người đang nhận thức được tình trạng này. Người ta bắt buộc phải thay đổi hoặc bắt buộc phải chấp nhận thực tại theo tính chất như thật của nó. Đó là lịch sử loài người.

Tôi xem thế kỷ XX là một trong những thế kỷ quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Trong thế kỷ này chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm, tốt cũng như xấu. Rốt cuộc, tôi nghĩ rằng loài người đã có nhiều đầu óc phân biệt hơn, biết nhận xét sự việc đúng hơn. Khi sự việc trở nên quá nguy hiểm, rắc rối và đáng sợ, điều này làm cho con người phát triển ý thức của mình, Vụ thả bom nguyên tử đã đánh thức ước vọng hòa bình thế giới của loài người. Sau thế chiến thứ hai nhiều người nghĩ rằng một thế chiến thứ ba sẽ xảy ra, không thể tránh được. Nhưng vì mối đe dọa của vũ khí hạt nhân nên người ta có ý thức nhiều hơn. Và đó là hy vọng của chúng ta.

🙏🙏🙏

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THAY ĐỔI GÓC NHÌN
  2. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ

Bài viết mới

  1. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH
  2. MUHAMMAD ALI
  3. Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN