ĐÔI NÉT VỀ SOGYAL RINPOCHE

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng Thư Sống Chết; Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB Hồng Đức.

 

 

 

Sinh ra ở Kham, miền Đông Tây Tạng. Từ nhỏ, Sogyal Rinpoche đã được nhận diện là vị tái sinh của bậc thầy vĩ đại, bậc thánh , tầm nhìn xa rộng của thế kỷ 19, Terton Sogyal Lerab Lingpa (1856-1926). Ngài thụ hưởng nền giáo dục truyền thống của một Lama Tây Tạng dưới sự dạy dỗ của Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, một trong những bậc thầy tâm linh xuất chúng của thế kỷ 20, người đã nuôi dưỡng Rinpoche như là con đẻ của mình.

Năm 1971, Rinpoche sang Anh học ngành Tôn giáo So sánh ở Đại học Cambridge. Ngài tiếp tục thọ nhận sự dạy bảo từ nhiều bậc thầy vĩ đại khác của tất cả các trường phái Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là Kyabje Dudjom Rinpoche và Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche. Đầu tiên với tư cách là một người thông dịch và tùy tùng của các tôn sư, rồi sau đó tự giảng dạy, Rinpoche đã đến thăm nhiều nước, quan sát thực tế đời sống của các cá nhân và tìm cách làm cho giáo lý Phật giáo Tây Tạng thích ứng và có ý nghĩa với con người hiện đại, bằng cách chỉ ra thông điệp phổ quát trong khi vẫn lưu giữ tính xác thực, sự trong sáng của giáo lý và sức mạnh của sự chuyển hoá.

Rinpoche là nhà sáng lập và nhà lãnh đạo tinh thần của Rigpa, một mạng lưới quốc tế với các trung tâm và nhóm Phật giáo. Ngài đã giảng dạy trong 40 năm; trở thành một bậc thầy Phật giáo lừng danh thế giới với phong cách độc đáo, nhuần nhị mang đến sự tương hợp giữa giáo lý với đời sống hiện đại, có khả năng tạo dựng không khí lôi cuốn, nhiệt tình, cả hai điều này đều được minh chứng sinh động trong Tạng thư sống chết. Cuốn sách có tính đột phá này đã được in ra hơn 3 triệu bản, bằng 36 thứ tiếng 80 quốc gia.

Rinpoche vẫn tiếp tục đi khắp châu Âu, Hoa Kỳ, Úc và châu Á, nói chuyện với hàng ngàn người trong những khoá tu và các chuyến hoằng pháp của mình.

RIGPA

Rigpa đặt mục tiêu giới thiệu truyền thống Phật giáo Tây Tạng theo phương thức vừa hoàn toàn chân xác, vừa thích ứng nhất có thể với đời sống và nhu cầu của con người hiện đại.

Kết nối với mọi trường phái và truyền thống của trí tuệ Phật giáo, với sự hướng dẫn và bảo trợ nhiệt tình của đức Dalai Lama, Ripa mang đến cho những ai thực hành theo giáo lý Phật giáo một con đường hoàn hảo để học tập và hành trì, cùng với một môi trường mà họ cần để trải nghiệm trọn vẹn những bài học. Đồng thời, Rigpa còn nỗ lực tìm cách đưa trí tuệ và từ bi của giáo lý Phật giáo đến với nhiều lĩnh vực trong đời sống hiện đại.

“Rigpa là một từ trong tiếng Tạng có nghĩa là “trí thông minh” hay “sự nhận thức”. Tuy nhiên, trong Dzogchen, nền giáo lý sâu sắc nhất của truyền thống Phật giáo Tây Tạng thì Rigpa có ý nghĩa sâu sắc hơn: “bản chất sâu xa của tâm”. Toàn bộ giáo lý của đức Phật là nhằm hướng thẳng đến việc nhận diện nó, bản chất rốt ráo của chúng ta, trạng thái thấu suốt hay giác ngộ – một sự thật quá phổ quát, căn bản vượt lên trên mọi giới hạn, thậm chí trên cả tôn giáo.”

Sogyal Rinpoche

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI GIỚI THIỆU VỀ TẠNG THƯ SỐNG CHẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI