ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT NHƯ LÀ THIỀN ĐỊNH

JACK KORNFIELD

Khi nới rộng vòng thực tập, có thể ta cảm thấy rằng mình không có đủ thời gian. Đời sống hiện đại đã có nhịp tiến rất mau chóng và ngày càng lấy thêm nhiều thời gian. Việc tiết kiệm thời gian thậm chí còn đang bắt đầu như là một cách thức bán hàng trên truyền hình. Chúng ta có đủ thời gian để mở rộng cuộc thực tập của mình không? Hãy nhớ lại cách ai đó từng phàn nàn với ngài Achaan Chah rằng đã không có đủ thời gian để thực tập trong tu viện của ngài vì có quá nhiều việc vặt – quét tước, lau chùi, đón khách, xây dựng, tụng kinh vv… – và ngài Achaan Chah đã đáp rằng, “Có đủ thời gian để con nhận diện không?”. Mọi điều ta làm trong đời đều là một cơ hội để thức tỉnh.

Ta có thể học cách thấy được những chỗ mà ta e sợ hoặc chấp thủ hoặc lạc bước hoặc bị đánh lừa ở đây và bây giờ. Ta có thể thấy; chính cái khoảnh khắc ấy khả năng của sự thức tỉnh, của tự do, của sự hiện diện toàn vẹn. Ta có thể tiến hành sự thực tập này ở bất cứ đâu – khi làm việc, trong cộng đồng, tại nhà. Đôi lúc người ta phàn nàn về chuyện thực tập trong đời sống tại gia là khó biết mấy. Khi độc thân, họ có thể trải qua những giai đoạn dài trong những khóa tu tĩnh lặng hoặc dành thời gian sống trên núi hay du lịch đến những đền chùa ngoại quốc, rồi sau đó những địa điểm và thế cách kia trở nên lẫn lộn với chính tinh thần của sự thiêng liêng trong tâm trí họ. Nhưng sự thiêng liêng luôn luôn ở đây ngay trước mắt ta. Đời sống gia đình và con cái cũng là một ngôi đền tuyệt diệu. Con cái có thể trở thành những đạo sư dị thường với ta. Chúng dạy ta sự từ bỏ và vô vị kỉ. Chúng duy trì việc mang lại cho ta khoảnh khắc hiện tại. Khi chúng ta ở trong một am cốc hoặc tu viện, nếu minh sư của ta bảo ta dậy sớm vào buổi sáng để thiền, có thể không phải lúc nào ta cũng thích chuyện đó. Một số buổi sáng có thể ta sẽ cuộn mình trong chăn ngủ nướng và nghĩ sẽ làm tốt vào một ngày khác. Nhưng khi con cái đánh thức chúng ta nửa đêm vì chúng bị ốm hay cần đến ta, thì chẳng có lựa chọn hay thắc mắc ta đáp ứng tức thì bằng toàn bộ sự chú tâm yêu thương của mình.

Chúng ta vẫn luôn được yêu cầu phải mang toàn tâm và sự chăm sóc đến cho đời sống gia đình. Đây cũng chính là những chỉ dẫn tương tự mà một thiền sư hoặc minh sư trao cho chúng ta khi chúng ta đối mặt với sự mệt mỏi, bất an, hay chán chường không tránh khỏi trong phòng thiền hoặc đền chùa. Việc đối diện những chuyện này tại gia không hề khác gì với việc đối diện chúng trong các khóa tu thiền. Đời sống tâm linh trở nên chân chính hơn khi mọi việc trở nên khó khăn hơn. Con cái chúng ta có những tai nạn và ốm đau không tránh khỏi. Các bi kịch xảy tới. Những tình huống này đòi hỏi một sự kiên định trong tình yêu và trí huệ của ta. Thông qua chúng, ta chạm đến cốt lõi của cuộc thực tập và tìm thấy sức mạnh tâm linh đích thực của riêng mình.

Trong nhiều nền văn hóa khác, việc nuôi dưỡng những đứa con thông minh và khỏe mạnh được xem là một hành động tâm linh, và việc dạy dỗ con cái được cho là thiêng liêng. Trẻ con được chăm giữ thường xuyên, cả về thể chất lẫn trong trái tim của cộng đồng, và mỗi đứa trẻ khỏe mạnh đều được xem như là một Leonardo, Nureyev, Clara Barton tiềm năng, một người đóng góp vô song cho nhân loại. Con cái chính là cuộc thiền định của chúng ta. Khi con trẻ lớn lên bằng cách thuê bảo mẫu và truyền hình, trong một xã hội mà việc kiếm tiền được quý trọng hơn con cái, chúng ta đang tạo ra những thế hệ mất kết nối, bị tổn thương, những cá thể thiếu thốn. Một chìa khóa để mở rộng cuộc thực tập ở những lĩnh vực được yêu cầu trong việc nuôi dạy con cái và những mối quan hệ thân mật giống hệt như là phát triển lòng kiên nhẫn hoặc bền bỉ khi theo dõi hơi thở của ta, đem tâm ta về lại hàng ngàn lần. Không có giá trị nào đâm chồi chỉ sau một đêm, con cái chúng ta hay khả năng yêu thương người khác của tâm ta cũng thế.

Tôi đã chứng kiến cái sức mạnh đâm chồi từ sự tôn trọng đầy yêu thương ở một gia đình vào kỳ nghỉ lễ ở Thái Lan và Bali. Caroline, con gái tôi đã học điệu múa truyền thống của Bali trong hai tháng với một giáo viên tuyệt vời và khi con bé học xong, anh ấy đã đề nghị một màn trình diễn chia tay dành cho con bé tại lớp dạy, cũng là nhà của anh. Khi chúng tôi đến nơi, họ đã dựng sân khấu, âm nhạc sẵn sàng và bắt đầu phục trang cho Caroline. Họ dành thời gian rất lâu để phục trang cho một cô bé sáu tuổi có một tầm chú tâm trung bình chừng khoảng năm phút. Đầu tiên họ mặc cho con bé một chiếc xà-rông bằng lụa, cùng một xâu chuỗi tuyệt đẹp quanh hông. Sau đó họ quấn tấm lụa thêu mười lăm lần quanh ngực con bé. Họ đeo cho nó những chiếc băng tay và vòng tay bằng vàng. Họ tết và cài một bông hoa vàng trên tóc bé. Họ đã trang điểm nhiều hơn mức mà một cô bé sáu tuổi có thể mơ ước.

Trong khi đó thì tôi, người cha tự hào đang háo hức muốn chụp hình con, đã mất kiên nhẫn khi ngôi đấy. “Khi nào họ mới mặc đồ xong cho con bé và chuẩn bị buổi trình diễn chứ?”. Ba mươi phút, rồi bốn mươi lăm phút. Cuối cùng vợ của người thầy ấy bước ra và tháo chiếc vòng cổ bằng vàng của chính mình rồi đeo nó vào cổ con gái tôi. Caroline đã vô cùng hồi hộp.

Khi buông xả sự thiếu kiên nhẫn của mình, tôi mới nhận ra điều tuyệt diệu đang xảy đến. Ở Bali, trẻ con được tôn trọng nhiều hệt như những thành viên khác của xã hội. Dù là một vũ công sáu tuổi hay hai mươi sáu tuổi đều được tôn vinh và trọng vọng như một nghệ sĩ, một người trình diễn không phải cho khán giả mà cho các vị thần. Mức độ tôn trọng như một nghệ sĩ mà Caroline được trao cho đó đã truyền hứng cho con bé múa một cách tuyệt đẹp. Hãy hình dung cách bạn sẽ cảm nhận nếu bạn được trao sự tôn trọng lớn đến vậy như một đứa trẻ. Hệt như Đức Phật đã vun bồi sự kiên nhẫn, tôn trọng và từ bị để làm chín muồi tâm ngài suốt một trăm ngàn kiếp, ta cũng có thể mang một ít hạnh này vào gia đình và những mối quan hệ yêu thương của mình.

Thực tập tâm linh không nên trở thành một cái cớ để thoái lui khỏi đời sống khi các khó khăn khởi phát. Cuộc thiền tập trong bất cứ dạng nào sẽ không tiến xa được nếu ta ngưng việc thiền định trong thời điểm mà ta giáp mặt với khó khăn. Năng lực cam kết tận tâm chính là cái duy trì việc thực tập của ta. Trong một mối quan hệ yêu thương như hôn nhân, sự cam kết chính là một khoản cọc cần thiết cho thành tựu. Sự cam kết không có nghĩa là hiệp ước đảm bảo mà tình yêu là một món hàng – “Tôi sẽ ở đây với em nếu không thay đổi quá nhiều, nếu em không rời bỏ tôi”. Sự cam kết trong một mối quan hệ có ý thức là ở bên nhau, cam kết giúp nhau tinh tấn trong tình yêu, tôn vinh và cổ vũ cho sự mở rộng tinh thần của người phối ngẫu.

Cả trong việc nuôi dạy con và những mối quan hệ yêu thương, chúng ta đều sẽ không thể tránh việc gặp phải những chướng ngại tương tự như ta đã có khi thiền định. Ta sẽ mong muốn ở nơi nào khác hoặc với ai đó khác. Ta sẽ cảm thấy ác cảm, phán xét hoặc sợ hãi. Ta sẽ có những giai đoạn lười biếng và trì trệ. Ta sẽ thấy bất an về nhau và sẽ có những nghi ngờ. Ta có thể định danh những ma chướng quen thuộc này và gặp chúng trong tinh thần tu tập. Ta có thể công nhận khối sợ hãi nằm bên dưới chúng và cùng với người phối ngẫu của mình nói về chính những khó khăn này như một cách để làm sâu đậm thêm tình yêu của mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGUỒN SÁNG CỦA BẢN THÂN TA
  2. TỰ DO – ĐỨC PHẬT VẪN ĐANG THUYẾT PHÁP
  3. MỘT TRÁI TIM TRỌN VẸN

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG