ĐỒNG CẢM: MỘT VÀI CÂU HỎI VÀ CHỈ DẪN

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc; Vương Khánh Ly, Phan Khánh Giang dịch; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, First News.

Bạn cần quan tâm đến những câu trả lời cho một số câu hỏi, mà mọi người thường đặt ra từ trước đến nay.

Sự đồng cảm có phải lúc nào cũng hiệu quả?

Câu trả lời là “đúng vậy!”. Sự đồng cảm luôn hiệu quả. Nhưng việc nhắc lại, tổng kết, phản ánh một cách “máy móc” lắm khi tỏ ra không phù hợp và mang tính nhạo báng. Chúng có thể bị hiểu là giả tạo. Vì thế, hãy nhớ trọng tâm của vấn đề là mong ước chân thành để thấu hiểu.

Bạn có thể làm gì nếu người khác không mở lòng?

Hãy nhớ rằng 70 đến 80% những cuộc giao tiếp là phi ngôn từ. Nếu bạn thực sự có một trái tim đồng cảm, một trái tim mong muốn thấu hiểu, bạn sẽ luôn đọc được những tín hiệu phi ngôn ngữ. Bạn sẽ để ý đến ngôn ngữ của cơ thể, gương mặt, giọng nói, và bối cảnh. Âm điệu của giọng nói là chìa khóa để cảm nhận tâm hồn, khi nói chuyện điện thoại. Bạn có thể phân biệt tâm trạng và tâm hồn của người khác, nhưng đừng vội vã. Hãy kiên nhẫn. Hành động dựa trên sự thấu hiểu và hãy làm điều đó. Nói cách khác, nếu bạn nhận thấy Tài khoản Ngân hàng Tình cảm đã bị rút ra quá nhiều, hãy hành động dựa trên sự thấu hiểu ấy và tạo những khoản gửi vào thích hợp.

Những kỹ năng thể hiện sự đồng cảm?

Một lần nữa, câu trả lời là hãy làm những gì mà phần chìm của tảng băng nói với bạn – những hiểu biết của bạn về một người, nhu cầu và hoàn cảnh sẽ chỉ dẫn cho bạn. Đôi khi hoàn toàn im lặng cũng là sự đồng cảm. Đôi khi đặt những câu hỏi hay sử dụng những kiến thức hiểu biết để thể hiện những điều bạn nhận ra, cũng là đồng cảm. Đôi khi cái gật đầu hay chi một câu nói cũng là đồng cảm. Sự đồng cảm là một quá trình bình thường, phong phú và không hề giả tạo.

Bạn có thể nhận thấy những chỉ dẫn sau đây có ích:

  • Mức độ tin tưởng càng cao, bạn càng dễ dàng di chuyển giữa sự đồng cảm và phản ứng theo cái tôi cá nhân – đặc biệt là giữa phản ánh và dò xét.
  • Nếu sự tin tưởng ở mức độ cao, bạn có thể trò chuyện thẳng thắn và hiệu quả với nhau. Nhưng nếu bạn đang nỗ lực xây dựng lại lòng tin hoặc nếu còn sự dao động và người kia không muốn bị tổn thương, hãy dành thời gian lâu hơn và kiên trì để đồng cảm.
  • Nếu bạn không chắc rằng bạn đã hiểu hoặc nếu bạn không chắc người khác cảm thấy bạn đã hiểu họ, hãy nói ra điều đó và thử lại.
  • Chính vì xuất phát từ phần chìm của tảng băng, hãy học cách lắng nghe phần chìm bên trong mỗi người. Nói cách khác, hãy tập trung chủ yếu vào ý nghĩa sâu kín, thường ẩn chứa trong cảm nhận và tình cảm, chứ không phải thể hiện ở nội dung hay câu chữ mà người đó nói. Hãy lắng nghe bằng mắt và bàng “đôi tai thứ ba” – chính là trái tìm.
  • Chất lượng của mối quan hệ có lẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định điều gì là phù hợp. Hãy nhớ, các mối quan hệ trong gia đình đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên. Đây chính là vấn đề thường gặp – mọi người thường không chú ý đến những người khác, nhất là những người mà họ yêu thương, và thường cư xử với người ngoài chu đáo hơn với những người gần gũi trong cuộc sống của họ. Trong gia đình cần có sự nỗ lực không ngừng để xin lỗi, để tha thứ, để thể hiện tình yêu và đề cao người khác.
  • Phải xem xét hoàn cảnh, môi trường, văn hóa để kỹ năng bạn sử dụng không bị hiểu khác đi so với ý định của bạn. Đôi khi bạn phải dứt khoát bằng cách nói rằng, “Tôi sẽ cố hiểu hàm ý của anh. Tôi sẽ hoàn toàn không đánh giá, đồng tình hay ủng hộ gì cả. Tôi chỉ muốn hiểu những gì anh muốn tôi hiểu”.

Khi thực sự đồng cảm, bạn sẽ hiểu chuyện gì đang diễn ra trong mối quan hệ và trong bản chất của cuộc trò chuyện. Bạn sẽ đồng cảm về toàn bộ nội dung cũng như ý nghĩa được truyền tải tới. Và sau đó bạn hành động dựa trên sự thấu hiểu đồng cảm sâu sắc.

Ví dụ, nếu trước đây trong mối quan hệ chỉ có phán xét và đánh giá, trong hoàn cảnh đó cần phải nỗ lực rất nhiều để đồng cảm. Để làm biến chuyển mối quan hệ, có thể phải xin lỗi và sau đó mở lòng, nắm bắt cơ hội để thể hiện sự thấu hiểu.

Tôi nhớ có một lần Sandra và tôi đã phải đối mặt với vấn đề của cậu con trai chúng tôi, liên quan đến việc học ở trường. Một buổi tối, chúng tôi hỏi nó xem có muốn dùng một bữa tối như là một cuộc hẹn đặc biệt với chúng tôi không. Nó gật đầu và hỏi còn có ai đi cùng không. Chúng tôi trả lời, “Không có ai cả. Đây là một thời gian đặc biệt dành riêng cho con”.

Sau đó nó lại nói không muốn đi. Chúng tôi đã dỗ dành, nhưng nó chẳng thổ lộ nhiều mặc dù chúng tôi đã cố hết sức bày tỏ sự thấu hiểu của mình. Gần cuối bữa ăn, chúng tôi bắt đầu trò chuyện về vấn đề khác không liên quan trực tiếp đến việc học ở trường, nhưng sau đó chúng tôi trở lại đề tài nhạy cảm này và khiến nó khó chịu. Sau đó, khi chúng tôi xin lỗi, thằng bé nói, “Đây chính là lý do con không muốn đi ăn tối”. Chúng tôi đã mất một thời gian để tạo một khoản gửi vào, đủ để thằng bé tin tưởng vào mối quan hệ và cởi mở trở lại.

Một trong những điều quan trọng mà chúng tôi học được từ tình huống trên là trong các bữa ăn nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái, trò chuyện và học hỏi – thậm chí đôi khi là những cuộc bàn luận nghiêm túc về những đề tài trí tuệ hoặc tinh thần, nhưng đừng bao giờ biến nó thành nơi kỷ luật, chỉnh sửa, hay soi xét ai đó. Khi mọi người quá bận rộn, họ có thể chi ở bên gia đình vào bữa ăn, và do đó họ cố gắng quan tâm đến mọi vấn đề quan trọng trong gia đình. Tuy nhiên vẫn có những dịp khác thích hợp hơn để giải quyết những việc đó. Khi bữa ăn được thoải mái và không có sự soi xét hay chỉ báo, mọi người sẽ mong chờ đến bữa ăn, mong chờ được ở bên nhau. Để tạo sự vui vẻ và thoải mái trong bữa ăn, biến nó thành thời gian các thành viên gia đình vui vẻ bên nhau, cảm thấy thảnh thơi và an tâm, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một quá trình rèn luyện.

Khi các mối quan hệ tốt đẹp – cả hai bên đều thực sự hiểu nhau – mọi người có thể nhanh chóng trò chuyện một cách thẳng thắn. Đôi khi chỉ một vài cái gật đầu là đủ. Người ngoài cuộc, khi quan sát việc này mà không biết về chất lượng của mối quan hệ và nền tảng của nó, có thể nghĩ rằng chẳng có sự lắng nghe, thấu hiểu hay đồng cảm gì cả, trong khi thực tế lại có sự đồng cảm sâu sắc và cực kỳ hiệu quả.

Sandra và tôi đã có thể đạt đến mức độ giao tiếp này trong chính cuộc hôn nhân của mình trong kỳ nghỉ ở Hawaii. Khả năng mẫn cảm tùy thuộc vào mức độ tình cảm bộc lộ, thời gian trong ngày, mức độ phấn khích của cá nhân, và bản chất của những vấn đề chúng tôi chú tâm.

Nhiều người phải đấu tranh để có được cách tiếp cận “tảng băng”, vì nó không dễ dàng như việc phát triển các kỹ năng. Mấu chốt ở đây thuộc về khả năng nắm bắt tâm lý, và cách tiếp cận từ bên trong nhiều hơn. Còn đối với việc phát triển kỹ năng, bạn chỉ cần rèn luyện.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ