ĐỘNG LỰC ĐÍCH THỰC PHÍA SAU ƯỚC MUỐN CỦA CHÚNG TA LÀ GÌ ?

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Nhờ thực tập Chánh Niệm và Năm Giới Quý Báu mà động lực đằng sau khát vọng quyền lực trở nên rõ ràng. Khi động cơ đã rõ ràng, hành động sẽ dũng mãnh, bởi khi đó ta hành động với một quyết tâm vững chắc.

Ước muốn là động lực thúc đẩy đằng sau ý nghĩ (ý), lời nói (khẩu), và hành động (thân). Ước muốn quyết định tất cả. Ai ai cũng có một mục đích quan trọng đời mình. Ta muốn thành tựu một việc gì đó. Ta cảm thấy trong ta có một nguồn năng lượng mãnh liệt. Ta muốn thực sự sống trọn vẹn.

Ta thực hiện những điều ấy bằng nhiều cách. Có nhiều người sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng. Họ muốn nước nhà được độc lập. Họ muốn xã hội được công bằng. Họ muốn lật đổ chế độ độc tài. Họ sẵn sàng hy sinh. Ước muốn của họ cung cấp năng lượng và sức mạnh cho hành động. Có người muốn bảo vệ môi sinh, chấp nhận mọi cực nhọc để bảo vệ trái đất. Có người muốn chấm dứt leo thang tiêu thụ, muốn sống đời đơn giản để có thì giờ và năng lực giúp ích cho nhân loại.

Cũng có người mà động lực thúc đẩy không mấy tốt lành. Họ sống chỉ để tạo tiền của, danh vọng, ảnh hưởng, và để được thừa nhận. Họ muốn được mọi người chiêm ngưỡng và thèm thuồng. Họ lái những chiếc xe sang trọng, họ có người tình đẹp và nổi tiếng, họ sống trong những biệt thự lộng lẫy.

Cũng có người chỉ mong muốn trả thù những người mà họ tin là đã làm họ khổ. Họ sống chỉ để trả thù. Suốt đời họ chỉ có một mục đích là tấn công, tàn phá, trừng phạt, và làm cho những người mà họ tin là đã làm cho họ khổ phải điêu đứng. Họ sẵn sàng làm nổ máy bay, sẵn sàng mang bom tự sát. Họ muốn trả thù. Họ cho rằng họ là nạn nhân của bất công. Họ muốn những quốc gia kia, những nhóm người kia phải khổ đau, tủi nhục. Ước muốn ấy là nền tảng của cuộc sống, là căn bản hành động của họ. Những người ấy khước từ hạnh phúc, bởi nếu động lực là trả thù, là chạy theo danh tiếng, vinh quang và quyền năng, thì ta sẽ vô cùng đau khổ.

Bụt đã dùng một hình ảnh bi thảm để mô tả mãnh lực của ước muốn. Một thanh niên bị hai người lực lưỡng lôi đến một hầm lửa. Hai người kia mạnh hơn chàng nhiều và muốn liệng chàng vào hầm lửa. Chàng thanh niên không muốn chết nhưng anh ta không cưỡng lại được. Bụt đặt câu hỏi: “Hai người lực lưỡng đó – hai người muốn liệng chàng thanh niên vào hầm lửa – là ai? Đó là ham muốn chạy theo những gì mà ta tin là hạnh phúc, chạy theo đối tượng của tham dục: quyền hành, dục lạc, tiền tài.”

Trước khi thành đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã tu tập trong sáu năm trời để thành một người tự do, giác ngộ và giải thoát. Thái tử đã chứng kiến bao nhiêu đau khổ trong gia đình, xã hội, và xứ sở của Ngài. Ngài lìa bỏ gia đình và khước từ địa vị đông cung thái tử. Động lực quyết định của Ngài là Tâm Từ Bi chứ không phải ý muốn trốn tránh trách nhiệm. Thái tử Tất Đạt Đa muốn diệt trừ khổ đau của mình để rồi có thể cống hiến cho nhân loại con đường thoát khỏi khổ đau. Đây là mong ước sâu xa nhất của thái tử Tất Đạt Đa và điều ấy đem lại cho Ngài hạnh phúc vô biên, cũng như giúp Ngài có đủ can đảm và sức mạnh để vượt thắng bao gian lao.

Chúng ta gọi ước muốn hay tác ý này là Bồ Đề Tâm (bodhicitta). Bồ Đề Tâm là tâm thương yêu, tâm giác ngộ. Bồ Đề Tâm cũng có thể được dịch là “Tâm hiểu biết”, bởi vì hiểu biết là căn bản của thương yêu. Nếu không hiểu biết thì không thể chấp nhận và thương yêu. Nếu không hiểu được ba của bạn thì bạn không thể thực sự thương yêu ba. Nếu không hiểu được con gái của bạn thì bạn không thể thực sự thương yêu con gái. Hiểu biết tức là thương yêu, thương yêu tức là hiểu biết. Và nếu bạn có ước muốn đạt được hiểu biết đó thì bạn đã có Sơ Tâm, một năng lượng mạnh mẽ bậc nhất. Với năng lượng của sơ tâm này, bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc, vì bạn đang mưu cầu hạnh phúc cho chính bạn và cho những người khác.

Cho nên tất cả chúng ta phải nhìn sâu vào những ước muốn của mình để xem động lực đích thực của ước muốn ấy là gì? Ta biết rằng kinh doanh là để làm ra tiền, nhưng ta phải tìm hiểu hậu quả của đồng tiền làm ra. Trong khi làm ra tiền ta có gây đau khổ, tuyệt vọng, bất công hay không? Làm ra tiền chỉ là một khía cạnh. Sử dụng đồng tiền làm ra là một khía cạnh khác quan trọng không kém. Đồng tiền có thể dùng để đem lại an vui trong đời sống ta dùng tiền mua thuốc men chữa bệnh, mua thực phẩm để cứu đói. Nhưng với đồng tiền, ta cũng có thể hủy diệt sự sống. Phải nhìn sâu để thấy rõ phải chăng đồng tiền là yếu tố duy nhất có thể đem lại hạnh phúc?

Động lực nào thúc đẩy những nhà doanh nghiệp, chính trị, nghệ sĩ, thể thao, khoa học? Phải chăng là quyền hành, danh vọng, và giàu sang? Quyền hành, danh vọng, và giàu sang có thể là những phương tiện giúp ta làm việc hiệu quả hơn. Nhưng phải nhớ rằng tự chúng không thể đem lại cho ta hạnh phúc hay giúp ích người khác. Ta có thể bị tự ái, ý thức trách nhiệm đánh lạc hướng. Ta có thể tự đánh lừa mình. Cần phải quán chiếu sâu sắc ước vọng sâu kín của mình để thấy rõ bản chất của nó. Nếu vì ước vọng mà ta đau khổ hay người thương của ta đau khổ thì không có gì có thể bào chữa cho ước vọng ấy cả.

Có thể ta chưa bao giờ có cơ hội nhìn sâu vào ước muốn của ta, nếu có, ta sẽ khám phá được những động lực sâu xa của mình. Ta phải nhận diện nguồn gốc của những gì thúc đẩy ta trong những hoạt động hằng ngày. Một tư tưởng thiện sẽ đem đến an vui và hạnh phúc cho ta và những người khác. Một suy nghĩ bất thiện sẽ gây đau khổ cho ta, gia đình ta và mọi người trong xã hội.

Cần phân biệt lý tưởng từ bi với những ham muốn bất thiện, thèm khát. Hai điều này rất khác nhau nhưng nhiều khi ta tưởng lầm ham muốn và thèm khát là lý tưởng cao đẹp. Nhiều khi ta tự dối mình để được yên lòng. Tham dục là do vô minh, do vọng tưởng. Ta nghĩ rằng ta sẽ hạnh phúc nếu có được những gì mong muốn. Nhưng khi đã có được thì lại càng thèm khát và đau khổ.

Để làm sáng tỏ điều này, Bụt đã dùng hình ảnh mồi câu và lưỡi câu. Con cá thấy mồi câu tưởng sẽ được miếng ăn ngon, nhưng không ngờ khi đớp mồi liền bị mắc câu. Hiện nay người ta dùng cả những con mồi bằng nhựa rất hấp dẫn.

Chúng ta chẳng khác gì con cá mắc câu. Ta bị quyến rũ, bị cám dỗ bởi ham muốn và sẽ “đớp” lấy dù biết rồi sẽ bị “mắc câu.” Danh vọng, sắc dục, quyền hành, tiền tài là bốn miếng mồi móc kín lưỡi câu. Nếu động lực là danh vọng , sắc dục, quyền hành, hay tiền tài thì đau khổ không thể nào tránh được. Khi giàu có, ta cảm thấy mình có quyền hành và quan trọng. Có biết bao điều kiện thuận lợi khuyến khích ta tiêu thụ để thỏa mãn những ý tưởng ấy. Nhưng rồi ta có thể tàn phá thân tâm, gây hại cho gia đình, cho cả công việc. Sự tàn hại này nhiều khi ảnh hưởng đến cả xã hội và môi trường sinh sống.

Ước muốn mãnh liệt của ta là gì, là tự chăm sóc bản thân và những người ta thương, cũng như chăm sóc quả đất ta đang sống hay là ước muốn chạy theo những cám dỗ nguy hiểm? Ta có thể tự dối mình khi cho rằng tiền tài, danh vọng và quyền lực chỉ là những phương tiện giúp tạo hạnh phúc, công ăn việc làm và bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Lòng tự ái và ý thức trách nhiệm đánh lạc hướng chúng ta. Không nên tự đánh lừa. Ta phải rất thành thực và thực tập sâu sắc để khám phá bản chất của những ước muốn và động lực trong ta. Cần phân biệt giữa thỏa mãn ham thích và hạnh phúc chân thực. Điều quan trọng. Hạnh phúc có nhiều hình tướng, nhưng hạnh phúc chân thực không đến từ những tham dục là danh vọng, sắc dục, quyền hành và tiền tài.

Bụt lấy hình ảnh một con chó chạy theo một khúc xương khô. Nó cạp lấy khúc xương mà nhai, mà gặm, mặc dù trên khúc xương chẳng dính một chút thịt nào. Con chó không được chút gì bổ béo, nhưng nó cứ ôm lấy khúc xương và không chịu nhả. Chúng ta cũng hành xử y như vậy. Tham dục không bao giờ đem lại hạnh phúc nhưng mà ta vẫn cứ theo đuổi.

Bụt cũng lấy ví dụ của người cầm cây đuốc mà đi ngược gió. Cầm đuốc ngược gió thì bị cháy tay. Tham dục cũng thế, nó sẽ đốt cháy ta. Tham dục không cho ta hạnh phúc. Tham dục thiêu đốt ta và hơn thế nữa, có thể hủy diệt ta.

Bụt lại cho một ví dụ khác. Một người khát nước tìm vào căn nhà trống. Người ấy thấy một chai nước bèn cầm lên định uống. Nhưng khi sắp uống thì có người đến và la lên: “Đừng uống! Trong chai có thuốc độc!” Nhưng vì khát nước quá, người ấy vẫn cứ uống nước trong chai. Bốn loại tham dục nói trên: danh vọng, sắc dục, quyền hành và tiền tài, cũng giống y như vậy.

Đôi khi trí thông minh cho ta biết rằng muốn cái này, muốn cái nọ là nguy hiểm, là sẽ đau khổ, nhưng ta không cưỡng được. Nếu không có một bậc thiện tri thức hay một tăng thân khuyên nhủ hay ngăn cản thì ta sẽ làm những việc mà ta đủ thông minh và sáng suốt để biết rằng những việc đó là không nên, không đúng.

Ta thèm khát vì không biết rõ chân tướng đối tượng của sự thèm khát. Đừng khinh bỉ tiền tài, sắc dục, quyền hành và danh vọng. Chỉ cần nhìn cho sâu để thấy cho rõ rằng chạy theo những thứ đó thì sẽ không bao giờ thỏa mãn mà chỉ hứng chịu vô vàn đau khổ. Thèm khát cũng giống như nước mặn: càng uống càng khát. Ta chạy theo tiền tài, tin rằng khi có tiền, chỉ khi nào có tiền, ta mới hạnh phúc. Nhưng khi đã có đồng tiền trong tay, ta lại cho là chưa đủ, vì ta luôn muốn có thêm nhiều nữa.

Thèm khát có thể nhận chìm chúng ta. Bụt lấy ví dụ một chú chim nhỏ đánh cắp một miếng thịt và bay đi. Khi bay lên cao, nó bị một con chim lớn bay theo muốn giành lấy miếng thịt. Mặc dù biết rằng nếu không chịu nhả miếng thịt ra thì con chim lớn sẽ giết chết nó để đoạt miếng thịt, nhưng nó vẫn không chịu nhả.

Những gì ta theo đuổi thực ra chỉ là ảo tưởng. Với chánh niệm, ta có thể thấy ngay là chúng không đáng chi cả. Thử nhìn sâu vào bản chất của tiền tài, đối tượng của thèm khát, ta sẽ thấy rằng tiền tài không đáng để thèm khát cho lắm. Ta cần tiền cho những nhu cầu sinh sống căn bản, nhưng đâu cần quá nhiều. Khi quán chiếu sâu sắc bản chất của đối tượng thèm khát, ta sẽ không chạy theo thèm khát nữa và sẽ được tự do.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
  2. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH
  3. Chăm Sóc Những Yếu Tố Phi-Doanh-Thương

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ