THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Năm Giới Quý Báu là giới tướng cụ thể của thực tập chánh niệm mà ta có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày, tại nơi làm việc hay trong gia đình. Tinh thần chánh niệm này cũng được tìm thấy trong tất cả các truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng khác như Ki-Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo. Dù truyền thống tôn giáo của bạn không phải Phật giáo, bạn vẫn có thể tìm thấy những yếu tố của Năm Giới Quý Báu này trong kinh điển hay gốc rễ tín ngưỡng của bạn. Như thế bạn sẽ hiểu rõ truyền thống của bạn hơn. Bạn không thể hạnh phúc nếu bị mất gốc rễ.

Những thực tập này không phải do một ai áp đặt mà là kết quả của công phu tu tập. Ta chấp nhận Năm Giới Quý Báu, bởi vì dưới ánh sáng của chánh niệm, ta thấy rõ rằng khổ đau sẽ tràn ngập nếu không hành trì Năm Giới Quý Báu.

Năm Giới Quý Báu không phải là năm điều cấm đoán mà là năm lời phát nguyện sau khi ta quán chiếu về khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Đây là một thực tập và là một quyết định phát xuất từ tuệ giác của chính ta. Theo tôi, Năm Giới Quý Báu là năm thực tập đích thực về tình thương, về tâm từ bi.

Giới Thứ Nhất là thực tập bảo vệ sự sống. Bởi vì tôi yêu sự sống, bởi vì tôi thương mọi loài sinh vật, cho nên tôi quyết tâm thực tập chánh niệm, nguyện không tán thành sự giết hại. Vì sự sống là vô cùng quý báu, tôi nguyện bảo vệ sự sống, không phải chỉ bảo vệ sự sống của con người, mà cả sự sống của mọi loài khác, nghĩa là sự sống của loài vật, cỏ cây và đất đá, bởi vì sự sống của con người được làm bằng sự sống của những loài không phải là con người, muốn bảo vệ con người, ta phải bảo vệ những loài không phải là con người. Đây là giáo lý của “Kinh Kim Cương,” một tác phẩm vi diệu và xưa nhất về sinh môi. Muốn bảo vệ con người, ta phải bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, không khí, động vật, cỏ cây và đất đá. Đây là cốt tủy của Phép Thực tập Chánh niệm Thứ nhất. Nếu muốn bảo vệ môi trường, xin mời bạn đọc “Kinh Kim Cương,” bạn sẽ thấy rằng bảo vệ loài vật, cỏ cây và đất đá tức là bảo vệ tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ em. Đây là thực tập thương yêu.

Giới Thứ Hai là thực tập hạnh bố thí. Nơi đâu cũng có nghèo khổ. Sự chênh lệch giàu nghèo gây nên rất nhiều đau khổ. Vì thế, chúng ta phải sống thế nào để giảm thiểu đau khổ. Chúng ta nguyện chia sẻ thì giờ và tài lực với những người thật sự thiếu thốn. Đây là hạnh bố thí đích thực. Chúng ta sống đơn giản hơn để có nhiều thì giờ giúp những người khác. Chúng ta nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Giới Thứ Hai cũng là giới thực tập thương yêu.

Giới Thứ Ba là thực tập bảo vệ cá nhân và gia đình. Chúng ta nguyện không tà dâm và cưỡng bức tình dục. Giới Thứ Ba này cũng là thực tập thương yêu chân thật. Chúng ta nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của ta. Nhìn sâu, chúng ta thấy thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt, ta không thể tách rời thân và tâm. Kính trọng thân tức là kính trọng tâm. Nếu thân không được kính trọng tức là tâm không được kính trọng. Muốn có thương yêu phải có kính trọng. Không có kính trọng thì không thể có thương yêu chân thực.

Trong xã hội hiện nay, tình dục bừa bãi đang là một hiện tượng phổ biến; tình dục chỉ với mục đích thỏa mãn xác thịt. Chúng ta lẫn lộn tình yêu với tình dục. Tình dục không hẳn là tình yêu. Khi yêu, ta trao tặng cho người yêu những gì quý giá nhất, đó là tấm lòng của ta.

Chúng ta đã biết rằng thân tâm là một. Trong nội tâm ta có những vùng bí ẩn, linh thiêng, có những niềm đau nỗi khổ, có những ước vọng khát khao – những cấm thành – mà ta muốn giữ kín. Và chúng ta chỉ có thể chia sẻ những tâm tình sâu kín, chỉ mở cửa cấm thành cho người ta thương mà thôi.

Đối với thân cũng vậy. Thân thể ta cũng có những tử cấm thành mà không ai được vào nếu không được phép. Tuệ giác đó đã có sẵn trong truyền thống văn hóa của ta, nhưng ta đã đánh mất một phần nào sự kính trọng đối với những vùng linh thiêng của cơ thể ta. Giới Thứ Ba bảo vệ ta cũng như những người khác, giúp tránh khỏi đau khổ.

Giới Thứ Tư là thực tập truyền thông, thực tập hạnh ái ngữ. Lời nói có thể có tác dụng rất mạnh nhưng cũng có thể chỉ là “tiếng gào thét trong hư không”. Chưa bao giờ loài người có nhiều phương tiện truyền thông như ngày nay: thư điện tử, điện thoại cầm tay, fax, vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, báo chí. Tuy thế chúng ta vẫn là những ốc đảo cô đơn. Truyền thông trong gia đình, trong xã hội, giữa các quốc gia vẫn rất ít ỏi. Bởi vì chúng ta không biết cách lắng nghe nhau, chúng ta không có khả năng nói chuyện sao cho có ý nghĩa. Cần phải khai mở lại cánh cửa truyền thông chân thực. Khi không thể truyền thông thì ta sẽ bị bế tắc, ta sẽ bệnh. Càng bệnh ta càng khổ và làm cho những người khác khổ theo.

Lời nói có thể có tác dụng xây dựng hay tàn phá. Lời nói có chánh niệm có thể đem lại hạnh phúc. Lời nói thiếu chánh niệm có thể hủy diệt sự sống. Một lời nói nếu đem lại bình an, hạnh phúc là một món quà quý giá nhất mà ta có thể trao tặng.

Giới Thứ Tư cũng nhắc nhở ta rằng lời nói chánh niệm đi đôi với hạnh lắng nghe sâu. Chúng ta lắng nghe với tất cả sự chú tâm và lòng từ bi, thực sự có mặt để lắng nghe. Mục đích duy nhất là giúp người kia cảm thấy yên tâm mà bộc lộ tất cả nỗi lòng và giải tỏa được khổ đau.

Giới Thứ Tư có liên hệ với Giới Thứ Năm bởi vì Giới Thứ Năm là thực tập chánh niệm khi tiêu thụ. Tiêu thụ không chỉ là khi ăn mà còn là khi xem, khi đọc và khi nghe. Nhìn vào cách ta tiêu thụ, người khác có thể đánh giá được con người của ta. Nếu nhìn sâu vào các thứ ta tiêu thụ hằng ngày, ta sẽ thấy rõ con người thật của chính ta. Chúng ta cần ăn, cần uống, cần tiêu thụ, nhưng nếu thiếu chánh niệm khi ăn, uống và tiêu thụ thì ta có thể hủy hoại thân tâm ta, và phản bội tổ tiên, cha mẹ cùng các thế hệ mai sau.

Phải chánh niệm về những gì ta đưa vào cơ thể và tâm thức. Hãy tự hỏi, “Hôm nay tôi đã đưa vào thân tâm những độc tố nào? Tôi đã xem phim gì? Đọc sách gì? Đọc báo gì? Nói chuyện gì?” Chánh niệm là nhận diện những độc tố của phim ảnh, sách báo, chuyện trò, rồi quyết định kiêng cữ những độc tố ấy. Hãy tự nhủ: “Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, cho thân tâm gia đình và xã hội con.”

Giới Thứ Năm có thể được xem như là một sự cam kết to lớn, khó thực hiện, và không thuận theo ý muốn của ta. Nhưng cứ bắt đầu thực tập, ta sẽ thấy cuộc sống thư thái hơn, thấy hạnh phúc hơn. Vậy thì phải hành động ngay đi. Hãy tu tập theo Chánh Đạo, làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ và đem an lạc đến cho tất cả mọi người, mọi loài. Rồi ta sẽ không còn sợ hãi. Cho dù phải trải qua những lúc khó khăn như bệnh tật, hiểm nguy hay đối mặt với cái chết thì tâm ta vẫn được bình an. Đó là kinh nghiệm của chính bản thân tôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
  2. Chăm Sóc Những Yếu Tố Phi-Doanh-Thương
  3. ÔNG GIÀ NOEL QUA CÁI NHÌN CỦA THIỀN SƯ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU