JOSEPH GOLDSTEIN
Từ viriya trong tiếng Pali thường được dịch là “nỗ lực” và được coi là gốc rễ của mọi thành tựu. Nhưng trong nền văn hóa phương Tây, đôi khi chúng ta có thể mất cân bằng khi nỗ lực quá nhiều. Chúng ta có thể nhầm lẫn viriya với tham vọng phấn đấu hoặc kỳ vọng; nỗ lực đúng đắn sau đó trở thành nỗ lực quá mức, một sự căng thẳng của tâm. Đức Phật đã chỉ ra sự mất cân bằng này khi Ngài sử dụng ví dụ về việc điều chỉnh dây của một cây đàn luýt. Một tăng sĩ đã thiền hành với rất nhiều nỗ lực đến nỗi tâm ông trở nên bất ổn và kích động. Đức Phật biết tăng sĩ này trước đây từng là một nhạc công điêu luyện, Ngài hỏi ông điều gì xảy ra khi dây đàn của ông quá căng. Ông trả lời rằng cây đàn sẽ lạc điệu. Sau đó, Đức Phật hỏi về việc dây đàn quá lỏng và ông cũng trả lời như vậy. Theo cùng một cách, Đức Phật nói, nỗ lực của bạn “khi quá căng thẳng sẽ kết thúc bằng sự kích động, khi quá buông lỏng sẽ kết thúc bằng sự lười biếng”. Khi năng lượng không quá căng mà cũng không quá lỏng; nó có thể trở thành gốc rễ của mọi thành tựu.
Một cách dịch ít phổ biến hơn của viriya, nhưng là một cách dịch làm nổi bật cốt lõi của nó cho chúng ta theo một cách khác, là “dũng cảm”. “Dũng cảm” có nguồn gốc từ “trái tim” như là nơi chứa các cảm giác và ý nghĩ. Nó bao hàm tinh thần, sinh lực và năng lượng. Đó là sự táo bạo và can đảm của tâm khi đối mặt với những trở ngại mà không bị chúng làm co hẹp lại. Trong các bản văn tiếng Pali, viriya thường được dùng đối lập với lười biếng và uể oải, trạng thái tâm thường được coi như buồn ngủ, nhưng đó là sự biểu thị sâu sắc hơn của việc thoái lui hoặc rút khỏi khó khăn. Trong ngữ cảnh này, “dũng cảm” là một cách dịch phù hợp.
Vài năm trước, tôi phải đối mặt với một tình huống vô cùng khó khăn trong việc thực hành của mình. Trong nhiều tuần, nỗi đau lớn và thống khổ tràn ngập trải nghiệm của tôi. Vào thời điểm tâm trạng chùng xuống nhất, trong một khoảnh khắc vô vọng, khi mọi nỗ lực dường như là không thể, từ “dũng cảm” đột nhiên xuất hiện trong tâm tôi. Nó cứ lặp đi lặp lại, gần giống như một thần chú và mỗi lần từ đó vang lên trong tâm, tôi có thể cảm thấy trái tim mình mạnh mẽ hơn theo đúng nghĩa đen. Với sự nhiệm mầu của riêng mình, nó đã tháo mở nơi sâu thẳm cuối cùng của sự chán ghét và sợ hãi về những gì xảy ra đang khiến tôi tách biệt khỏi trải nghiệm. Nó mang lại sự can đảm của việc đơn giản là hiện diện. Những gì không thể chấp nhận được một giây trước đó đã trở nên hoàn toàn có thể chấp nhận được. Dũng cảm không phải là thay đổi bất cứ điều gì hay nắm bắt lấy những trạng thái tốt hơn. Đó là sự can đảm hiện diện thực sự.
Dũng cảm được nuôi dưỡng từ kiên nhẫn, một trong những điều hoàn hảo của Đức Phật. Denis Saleh, một nhà thơ và tác giả đương đại viết: “Cho đến bây giờ tôi đã làm việc chăm chỉ lâu hơn là mình muốn nhớ đến về một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Ai Cập cổ đại. Tôi đã tìm ra cách các Kim Tự Tháp được xây dựng: Từ từ. Có vẻ như hầu hết mọi thứ đều có thể làm được nếu người ta tiến hành đủ chậm, nhưng chúng ta, những con người hiện đại, không thể hiểu thấu được điều này” Có một sự minh triết vĩ đại trong lời khẳng định này: Hầu hết mọi thứ đều có thể làm được nếu người ta tiến hành đủ chậm. Thông thường, chúng ta chán nản trước sự lớn lao của một nhiệm vụ hoặc độ dài của một cuộc hành trình và trở nên thiếu kiên nhẫn với những khó khăn mà mình phải đối mặt. Chúng ta mất niềm tin vào chính mình. Sự kiên nhẫn nhắc nhở chúng ta rằng những gì trước mắt chỉ là khoảnh khắc này, chỉ là bước này, chỉ là hơi thở này. Đức Phật nói: Kiên nhẫn dẫn đến Niết Bàn.
Khi đi sâu vào kinh nghiệm thiền qua chú niệm, dũng cảm và kiên nhẫn, chúng ta bắt đầu nhận ra thành quả của tất cả những nỗ lực của mình. Chúng ta tỉnh thức hơn, sống động hơn, vui tươi hơn. Mối quan tâm gắn bó bắt đầu tràn ngập trong cuộc sống khi chúng ta khám phá các khía cạnh của bản thân mình, những điều đã không được quan sát trong một thời gian dài. Một ý nghĩ, một hiện tượng đến đi kỳ lạ có thể chi phối trải nghiệm của chúng ta là gì? Cảm xúc là gì mà lại có sức mạnh càn quét tâm và thân chúng ta? Ai là người biết tất cả những điều này? Bản thân tâm, sự rõ biết này, sức mạnh của thức này là gì? Khi tìm kiếm nó, chúng ta không thấy bất cứ điều gì, nhưng nó lại rõ biết một cách liên tục và dễ dàng. Đây là một bí ẩn lớn mà chúng ta có thể tiếp xúc sâu sắc với sự thấu suốt của mình. Chú niệm là chìa khóa mở ra cánh cổng giáo pháp vĩ đại của tất cả các truyền thống Phật giáo.