ĐỪNG TÙY TIỆN YÊU CẦU NGƯỜI KHÁC

MARCUS AURELIUS

Trích: Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai; Nguyễn Lệ Thu dịch; Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Trước khi bạn tự mình học cách tuân theo quy tắc thì đừng mong rằng có thể lập ra quy tắc cho người khác thông qua việc viết lách hay đọc sách. Trong cuộc sống lại càng như vậy.

LỜI VÀNG Ý NGỌC

Trước khi thay đổi người khác, hãy thay đổi chính mình.

Chúng ta thường mong muốn người khác làm theo ý mình, song lại không đạt được kết quả như ý, nguyên nhân nằm ở đâu? Marcus Aurelius đã tìm ra nguyên nhân: Đó là do quy tắc của bạn chưa chắc đã phù hợp với tất cả mọi người. Vì thế, trước khi chúng ta muốn thay đổi người khác, hãy thử thay đổi chính mình.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua, tuy ngày ngày ngồi trên ngai vàng cao quý nhưng ông không hề cảm nhận được niềm vui. Điều ông muốn làm nhất chính là đi du ngoạn khắp đất nước, cùng trò chuyện với thần dân của mình, thực hiện những mong ước của họ. Nhưng những con đường trong vương quốc của ông lại vô cùng gian nan, hiểm trở, chỉ đi lại một lúc thôi là chân đã đau đớn vô cùng. Một hôm, quốc vương triệu tập tất cả quần thần, yêu cầu họ đưa ra cách giải quyết vấn đề đó. Các vị đại thần suy nghĩ nát óc, song vẫn không thống nhất được với nhau, cuối cùng, một vị đại thần đức cao vọng trọng đứng ra nói: “Bệ hạ, Người hãy cho chúng thần thời gian ba ngày, chúng thần nhất định sẽ hoàn thành yêu cầu của Người.

Ba ngày nhanh chóng trôi qua. Quốc vương vội vã thiết triều, chờ đợi cách giải quyết tuyệt diệu mà các đại thần sẽ đưa ra. Lúc này, một vị đại thần nói: “Bệ hạ, cách tốt nhất mà chúng thần nghĩ ra là giết hết tất cả trâu bò, sau đó lột da chúng để trải đường cho Người, như vậy Bệ hạ muốn đi xa đến đâu cũng không lo bị đau chân nữa. Quốc vương hỏi: “Muốn trải xong con đường như thế mất khoảng bao lâu? Trong ba tháng có thể làm xong được không?”. Mọi người im lặng không nói mà chỉ đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng vị đại thần đức cao vọng trọng đứng ra: “Việc này mất khoảng mười năm, thưa Bệ hạ!”. Quốc vương kinh ngạc: “Cái gì? Mười năm? Ta liệu có thể sống đến được mười năm nữa không? Nếu đó chính là cách hay nhất của các ngươi thì chẳng thà lột ngay da của các ngươi để trải đường cho rồi. Lúc này, một gã hề trong cung bỗng thốt lên: “Bệ hạ, tại sao không dùng một tấm da bò bọc lấy chân Người?”. Vậy là đôi giày da đầu tiên trên thế giới đã ra đời như vậy đó!

Trong cuộc sống, chúng ta thường vào vai vị quốc vương nọ, mong đợi đạt được mục đích của mình thông qua sự thay đổi của người khác. Nhưng nhiều khi, chúng ta chỉ cần thay đổi bản thân đôi chút là sẽ khiến cho vấn đề trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đôi khi, thay đổi người khác là việc khó hơn cả lên trời, nhưng thay đổi bản thân thì lại dễ dàng hơn rất nhiều.

ĐIỀU MÌNH KHÔNG MUỐN THÌ ĐỪNG LÀM VỚI NGƯỜI KHÁC

Tử Cống hỏi: “Có chữ gì mà ta có thể làm theo suốt đời không?”. Khổng Tử đáp: “Có lẽ là chữ Thứ. Điều mà mình không muốn thì đừng làm với người khác”.

Trích Luận Ngữ – Vệ Linh Công

Lời Khổng Tử có nghĩa là: Điều mà mình không muốn thì cũng đừng áp đặt cho người khác. Ông muốn nhấn mạnh rằng, trong mối quan hệ giữa người với người, phải luôn đề cao chữ “Thứ”, học cách khoan dung và tha thứ, đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Như thế cũng chính là “muốn thay đổi cách làm của người khác thì trước tiên phải thay đổi chính mình”.

Có nhiều người thường hỏi Gandhi rằng: “Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm hợp tác, phi bạo lực của ông, nhưng ngoài kia lại có rất nhiều người phản đối, tôi nên làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của họ?”. Gandhi trả lời: “Không, không thể nào thay đổi được người khác. Nếu ông muốn người khác thay đổi thì trước tiên ông phải tự mình làm được đã”.

Một vị tướng quân dẫn binh đánh giặc, trước tiên phải lấy mình làm gương, xung phong lên giết giặc, có vậy binh sĩ mới noi theo gương ấy mà anh dũng chiến đấu.

Mahatma Gandhi (2/10/1869 – 30/1/1948), được nhân dân Ấn Độ tôn làm Thánh Gandhi, ông là lãnh tụ Đảng Quốc đại và phong trào độc lập Dân tộc ở Ấn Độ. Ông đã đưa nhân dân Ấn Độ giành lại độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh. Chủ trương “Chống bạo lực” của ông có sức ảnh hưởng to lớn đến những người theo chủ nghĩa Dân tộc trên toàn thế giới.

BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Ý định thay đổi người khác nảy sinh thường là do ta không suy nghĩ trên lập trường của người khác. Đôi khi, hãy tự hỏi bản thân rằng: Nếu mình là anh ta, liệu mình có muốn bị người khác thay đổi hay không?

—–?☀️?—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỌC CÁCH HÀI HƯỚC
  2. SUY TƯ
  3. NHÂN ÁI LÀ BẢN TÍNH

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ