SUY TƯ

MARCUS AURELIUS

N.Đ.Đ. trích dịch từ Marcus Aurelius, Meditations, English translation by Gregory Hays (The Modern Library, New York, 2002)

Marcus Aurelius (121 – 180) là một hoàng đế La Mã kiêm triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ. Tác phẩm Meditations (Suy tư) của ông, viết năm 170 – 180, được nhiều người coi là một trong những kiệt tác triết học vĩ đại nhất mọi thời đại. Dưới đây là những đoạn dịch giả tâm đắc nhất trong tác phẩm nói trên.

– Khi bạn thức dậy buổi sáng, hãy tự nhủ: Những người ta đụng chạm hôm nay có thể sẽ có kẻ thọc mạch, vô ơn, ngạo mạn, bất lương, ghen tị, và cau có. Họ như thế bởi họ không phân biệt được thiện và ác. Nhưng ta đã thấy cái đẹp của thiện, cái xấu xa của ác, và đã công nhận rằng kẻ tội lỗi có một bản chất liên quan tới bản chất của chính ta – không phải từ một dòng máu hay sự sinh ra, mà cùng một tâm trí, và sở hữu một phần của sự siêu phàm. Và vì thế chẳng ai trong họ có thể làm ta tổn thương. Chẳng ai có thể lôi kéo ta vào sự xấu xa. Ta cũng không thể cảm thấy tức giận trước người bà con của ta, hay ghét y. Chúng ta sinh ra để làm việc cùng nhau như chân, tay, mắt, như hai hàm răng, trên và dưới. Cản trở nhau là phản tự nhiên. Cảm thấy tức giận vì ai đó, quay lưng lại với y: Đó là những cản trở.

– Hãy tập trung từng phút như một người La Mã – như một con người – làm cái trước mặt bạn với sự nghiêm túc đích thực và chính xác, một cách trìu mến, sẵn sàng, công bằng. Và giải phóng bản thân khỏi mọi sự sao nhãng khác. Phải, bạn có thể – nếu bạn làm mọi thứ như thể đó là thứ cuối cùng bạn làm trong đời, và hãy thôi sống lông bông không mục đích, hãy thôi để các cảm xúc của bạn giày xéo lên điều trí tuệ bạn mách bảo bạn, hãy thôi giả nhân giả nghĩa, thôi chỉ biết nghĩ đến mình, bực tức cáu kỉnh đi. Bạn có thấy rằng chỉ có vài thứ bạn cần làm để sống một cuộc đời mãn nguyện và khả kính không? Nếu bạn có thể thu xếp được như vậy, đó là tất cả những thứ thậm chí Thần thánh có thể đòi hỏi ở bạn.

Bạn có thể từ giã cõi đời ngay bây giờ. Hãy để điều đó xác định cái bạn làm, nói, và nghĩ. Nếu Thần thánh tồn tại, thì chẳng có gì đáng sợ để từ bỏ kiếp người cả; Thần thánh sẽ không bao giờ làm hại bạn. Còn nếu Thần thánh không tồn tại, hoặc không quan tâm tới những gì xảy ra với chúng ta, thì sống trong một thế giới không có Thần thánh hay Thượng Đế hỏi có ý nghĩa gì?

-Đời người 

Độ dài: chốc lát. Bản chất: đổi thay. Cảm nhận: mơ hồ. Điều kiện của thể xác: phân hủy. Tâm hồn: quay cuồng. Vận mệnh: không thể đoán trước được. Danh tiếng trường tồn: không chắc chắn. Tóm lại: Thể xác và các phần của nó là một dòng sông, tâm hồn là giấc mơ và màn sương, cuộc đời là một trận binh đao và một hành trình xa nhà, thanh danh trường tồn là sự quên lãng.

Vậy cái gì có thể dẫn dắt chúng ta?

Chỉ có triết học.

Tức là đảm bảo rằng nội lực được an toàn và không bị công phá, vượt trên khoái lạc và đau đớn, không làm gì ngẫu nhiên hoặc không trung thực và lừa gạt, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác đang làm gì đó hoặc không làm. Và đảm bảo chấp nhận điều xảy ra và có liên quan như thể chúng có cùng một nguồn gốc. Và trên hết, chấp nhận cái chết với một tinh thần vui vẻ, như không là cái gì cả ngoài sự phân hủy của các phần tử cấu thành mỗi vật sống. Nếu nó không làm hại mỗi phần tử riêng biệt biến đổi liên tục từ cái này sang cái kia, hà cớ gì người ta lại phải sợ tất cả chúng biến đổi và tan rã? Đó là một thứ tự nhiên. Mà chẳng có gì tự nhiên lại xấu xa cả.

– Hãy quên hết mọi thứ khác đi. Hãy giữ lại chỉ một điều này thôi và hãy nhớ lấy nó: Mỗi chúng ta sống chỉ bây giờ, khoảnh khắc ngắn ngủi này thôi. Phần còn lại đã được sống qua rồi hoặc không thể nào nhìn thấy được. Thời gian chúng ta sống nhỏ như cái xó xỉnh trên mặt đất nơi chúng ta sống. Ngay cả người nổi tiếng vĩ đại nhất cũng nhỏ, được truyền tụng bằng miệng của các hình nhân nhỏ như cái que, không biết gì về chính bản thân mình cũng như về những người đã chết rất lâu từ trước.

– Không nơi nào bạn có thể tới mà lại yên bình và không bị gián đoạn hơn chính tâm hồn bạn. Đặc biệt nếu bạn có những thứ khác để trông cậy vào. Chỉ một khoảnh khắc nhớ lại và thế là có nó: sự yên tĩnh hoàn toàn. Và khi nói sự yên tĩnh, tôi hàm ý sự hài hòa.

– Hay uy tín của bạn khiến bạn băn khoăn? Nhưng hãy xem chúng ta sẽ bị quên đi nhanh chóng như thế nào. Vực thẳm của thời gian vô tận nuốt tất cả. Sự trống rỗng của những bàn tay đang hoan hô kia. Những người khen ngợi chúng ta – họ thất thường làm sao, tùy tiện làm sao. Và cái vùng bé xíu nơi tất cả những điều này diễn ra. Toàn bộ thế gian chỉ là một điểm trong vũ trụ – và phần lớn của nó là không có người ở. Có bao nhiêu người ở đó để ngưỡng mộ bạn, và họ là ai?

– Những thứ đẹp thuộc bất cứ loại nào đều đẹp trong chính chúng và đủ cho chính chúng. Lời khen chẳng dính dáng gì tới chúng cả. Đối tượng của lời khen vẫn là nó như trước – chẳng tốt hơn cũng chẳng xấu đi. Tôi nghĩ điều này cũng áp dụng thậm chí cho những vật “đẹp” trong đời thường – những vật thể vật lý, các tác phẩm nghệ thuật.

Liệu các vật thực sự đẹp có cần hỗ trợ không? Không cần hơn công lý, hoặc sự thật, hoặc sự tử tế, hoặc sự nhún nhường. Liệu có thứ nào trong chúng trở nên tốt hơn nếu được khen không? Hoặc bị hư hại vì bị khinh rẻ không? Liệu ngọc bích có bỗng dưng trở thành không hoàn mỹ nếu chẳng có ai chiêm ngưỡng nó không?

– Bởi hầu hết cái chúng ta nói và làm đều không thiết yếu, nếu bạn có thể loại bỏ nó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn, và sự thanh bình hơn. Hãy tự hỏi mình ở mọi thời điểm, “Liệu cái này có cần không?” Nhưng chúng ta cũng cần loại bỏ những giả định không cần thiết, để loại bỏ các hành động do chúng gây ra.

– Mọi thứ diễn ra đơn giản và quen thuộc như đóa hồng ngày xuân, trái cây ngày hè: bệnh tật, cái chết, lời báng bổ, âm mưu … mọi thứ khiến những kẻ ngu sung sướng hoặc tức giận.

– Đời người ngắn ngủi và tầm thường. Hôm qua là một giọt tinh dịch; ngày mai là nước ướp xác, tro cốt. Hãy đi qua cuộc đời ngắn ngủi này như đòi hỏi của tự nhiên. Hãy buông bỏ nó không than vãn, như trái ô-liu chín rồi rụng, cảm ơn mẹ của nó, và cái cây nơi nó đã kết trái.

– Thật không may điều này đã xảy ra. Không, thật may mắn là nó đã xảy ra và tôi không bị tổn hại vì nó, không đổ vỡ vì hiện tại hoặc hoảng sợ vì tương lai. Nó đã có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhưng không phải ai cũng vô sự vì nó. Vì sao lại cho cái này là rủi còn cái khác là may? Liệu bạn có thể thực sự bảo một cái gì đó là không may mà lại không vi phạm bản chất con người không? Hoặc bạn có cho rằng có cái gì không phản lại ý chí của tự nhiên lại có thể vi phạm nó không? Mà bạn biết ý chí của tự nhiên là gì. Liệu cái vừa xảy ra có ngăn bạn khỏi hành xử với sự công bằng, rộng lượng, tự chủ, lành mạnh, khôn ngoan, trung thực, nhún nhường, thẳng thắn, và với mọi phẩm chất khác cho phép tính cách một con người tự hoàn thiện không?

Cho nên hãy nhớ nguyên tắc này khi có điều gì đó đe doạ khiến bạn đau đớn: sự vật tự nó hoàn toàn không phải vận rủi; chịu đựng nó và thắng thế – đó là may mắn lớn.

– Hãy đi con đường ngắn nhất, con đường mà tự nhiên đã hoạch định – nói và hành động theo cách lành mạnh nhất. Hãy làm điều đó và giải phóng mình khỏi đau đớn và căng thẳng, khỏi mọi toan tính và kỳ vọng.

– Đừng bị trì hoãn bởi các ý kiến và lời phê bình của những người khác. Nếu làm hoặc nói điều đó là đúng đắn, thì đó là điều đúng đắn khi bạn làm hay nói. Những người khác tuân theo sự hướng dẫn, sự thôi thúc của bản thân họ. Đừng bị phân tâm. Hãy tiếp tục bước đi. Hãy theo bản thể của riêng mình, và hãy theo Tự nhiên, theo con đường của bản thể và Tự nhiên.

– Một số người, khi làm cho người khác một ân huệ nào đó, luôn chờ dịp được trả ơn. Và một số người thì không thế, nhưng vẫn ý thức được điều đó – vẫn coi đó là một món nợ. Nhưng những người khác thậm chí còn không làm thế. Họ giống như cây nho cho những chùm nho mà không mong chờ bất cứ báo đáp gì. Con ngựa ở chặng đua cuối … Con chó khi kết thúc cuộc săn … Con ong sau khi đã cất giữ mật vào tổ … Và con người sau khi đã giúp đỡ những người khác. Chúng không nhắng nhít về điều đó. Chúng đơn thuần chuyển sang một thứ gì khác, như cây nho chờ tới mùa lại kết trái. Chúng ta phải nên như thế. Hành động một cách vô tư và không cần tới sự tham  gia của ý thức.

– Hãy nhớ: Vật chất: Phần của bạn cỏn con như thế nào. Thời gian: Phần của bạn ngắn ngủi và phù du đến thế nào. Số phận: Vai trò của bạn trong đó bé nhỏ như thế nào.

– Tôi đã từng là một người may mắn nhưng tới một lúc nào đó vận may đã bỏ tôi. Song vận may đích thực là cái mà bạn làm cho chính mình. Sự may mắn đó là tính tình tốt, có các ý định tốt, và các hành động tốt.

– Tôi theo đuổi chân lý, và chân lý chẳng bao giờ làm hại ai. Cái làm hại chúng ta là cứ khăng khăng bám lấy sự tự lừa dối và ngu dốt.

Điều duy nhất không vô giá trị đó là sống cuộc đời này một cách trung thực và đúng đắn. Và kiên nhẫn với những người không làm như thế.

– Mặc cho ai nói hay làm gì, phận sự của tôi là làm người tử tế. Cũng như vàng hay ngọc bích tự bảo “Mặc cho ai nói hay làm gì, phận sự của ta là làm ngọc bích, màu của ta không thuyên giảm.”

 

– Khi người ta làm bạn tổn thương, hãy tự hỏi cái gì tốt hoặc xấu mà họ nghĩ sẽ xảy ra từ chuyện đó. Nếu bạn hiểu điều đó, bạn sẽ thấy cảm thông hơn là oán hận hay tức giận. Cảm giác về thiện và ác của bạn có thể cũng y như của họ, hoặc gần như thế, trong trường hợp đó bạn cần tha thứ cho họ. Hoặc cảm giác về thiện và ác của bạn có thể khác họ. Trong trường hợp đó, họ bị lạc đường và đáng được hưởng lòng thương của bạn. Liệu cái đó có quá khó không?

– Hãy coi mình đã chết rồi. Bạn đã sống xong cuộc đời của bạn. Bây giờ hãy nhận lấy phần còn lại và sống một cách đúng đắn.

___________

© Nguyễn Đình Đăng, 2020 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bản dịch được công bố trên internet với mục đích phổ biến kiến thức. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỌC CÁCH HÀI HƯỚC
  2. NHÂN ÁI LÀ BẢN TÍNH
  3. ĐỪNG LẠC LỐI BỞI VẺ NGOÀI CỦA KHỔ ĐAU

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ