DUY TRÌ SỰ TỈNH THỨC

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý; Sách Ấn Tống.

Khi con cảm thấy mệt mỏi thì đừng tự ép mình thiền định về một đề mục nào cả. Khi thiền định, con nên an trú trong trạng thái như nhiên. Tự tánh là một sự tỉnh thức vốn có thể nhận biết được sự phát khởi của mọi ý niệm [tạo tác]. Tâm tỉnh giác này cũng giống như là nước trong khiết vậy. Còn các niệm khởi thì giống như là đất. Khi sự tỉnh thức của con còn yếu ớt, nước sẽ dính vào đất và tạo ra bùn. Tâm lấm bùn làm cho người ta không thể chịu đựng nổi và do đó, có người đã phải tự tử. Con phải duy trì được sự tỉnh thức đầy minh mẫn, sáng soi và rồi con sẽ không bám chấp vào các ý niệm tạo tác nữa. Nếu con cứ bỏ mặc chúng thì chúng cũng sẽ giống như sỏi trong nước. Nếu con bám chấp vào chúng thì chúng sẽ giống như đất, làm tâm thức con mù mờ. Đừng bám luyến vào các ý niệm, đừng bám víu vào các ý niệm cho là có thật. Cuộc đời này cũng giống như giấc mơ vậy. Đừng tin vào thực tại của cuộc đời [cho cuộc đời là có thật]. Hãy duy trì sự tỉnh giác và buông bỏ các ý niệm rồi chúng sẽ không chi phối được con. Hãy an trú trong trạng thái như nhiên. Thỉnh thoảng, hãy khấn nguyện và tụng chú Tara. Tara sẽ khởi hiện trong tâm con rồi sự bám chấp thế tục sẽ vơi dịu đi. Nếu các ý niệm không đan xen trong tâm con thì chúng sẽ không nguy hại ngay cả khi chúng khởi lên. Nếu con không bám luyến vào các ý niệm thì chúng trở nên yếu ớt. Nếu con bám luyến vào các ý niệm thì chúng sẽ làm con kiệt lực. Tâm chân thật không hề biết mỏi mệt nhưng sự bám luyến vào các ý niệm sẽ làm con rã rời.

Thân xác con không phải là thực. Đấy là một pháp hữu vi, là sản phẩm của tập khí và các chủng tử của riêng bản thân con; do đó, đây là sản phẩm của tâm. Sự bám luyến của chúng ta vào các tiện nghi vật chất và sự ghét bỏ trạng thái thiếu tiện nghi vật chất là một vọng niệm của tâm. Sau khi chúng ta lìa đời, sẽ không còn thân tướng nhưng chúng ta lại chịu nhiều khổ đau hơn trong thân trung ấm. Nếu chúng ta có thể buông bỏ được các ý nghĩ về sự bám luyến và sự ghét bỏ thì chúng ta sẽ không trải nghiệm các vọng niệm đau đớn trong thân trung ấm. Do đó, chúng ta phải quán đi, quán lại là cuộc đời này giống như giấc mơ. Nếu, trong kiếp sống này, chúng ta có thể nhận biết được tính chất rỗng rang của các cảm xúc phiền não thì chúng ta cũng sẽ nhận biết được tính chất rỗng rang của thân trung ấm. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho các cảm xúc phiền não chi phối và tích tập ác nghiệp, vốn sẽ ghi lại chủng tử trong tâm, thì các hình tướng đáng sợ trong thân trung ấm sẽ hóa hiện như là thực. Đây là lý do vì sao chúng ta cần thực hành thiền.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM VIÊN MÃN
  2. BA THUỘC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG KHI ĐÃ TỈNH THỨC

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ