GIA ĐÌNH HÀI HÒA: KHI HIỂU RA, BẠN SẼ KHÔNG PHÁN XÉT NỮA.

STEPHEN R. COVEY

Trích: "7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc"; Việt dịch:  Vương Khánh Ly - Phan Khánh Giang; NXB Tổng Hợp;

Hài lòng & phán xét theo thành kiến cá nhân

Về cơ bản, sự hài lòng của mỗi người xuất phát từ những mong đợi cá nhân. Bởi vậy, nếu chúng ta nhận thức được mong đợi của mình để điều chỉnh cho phù hợp thì trên thực tế, ta sẽ thay đổi cả sự hài lòng của bản thân. Tôi sẽ minh họa điều này: tôi biết một cặp vợ chồng kết hôn với những mong đợi khác nhau. Người vợ mong mọi thứ sẽ ngập tràn ánh nắng, hoa tươi, và “hạnh phúc mãi mãi”. Khi thực tế hôn nhân và cuộc sống gia đình không như ý, cô ấy lúc nào cũng cảm thấy thất vọng, vỡ mộng, không hài lòng. Trong khi đó, đối với người chồng, mỗi giây phút vui vẻ là một bất ngờ hạnh phúc, tuyệt vời và anh ấy vô cùng biết ơn điều đó.

Gordon B. Hinckley nhận xét:

Hôn nhân không chỉ có hạnh phúc. Những cơn bão tố được dịp sẽ tấn công mọi gia đình. Và những cơn bão đó kéo theo rất nhiều nỗi đau – về thể chất, tinh thần, tình cảm. Có quá nhiều sức ép và sự giằng xé, nỗi sợ hãi và sự lo lắng. Những khó khăn về kinh tế thường xảy ra trong hầu hết các trường hợp. Dường như tiền không bao giờ là đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình. Ốm đau như cơm bữa. Những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra. Bàn tay của tử thần rình rập, đe dọa lấy đi những người yêu dấu. Nhưng tất cả những điều này dường như là một phần của cuộc sống gia đình. Rất ít người sống mà chưa trải qua một vài điều này. Để hiểu được thực tế đó, và để điều chỉnh những mong đợi cho phù hợp, ở một mức độ nào đó, ta phải kiểm soát sự hài lòng của chính mình.

Khi hiểu ra, bạn sẽ không phán xét nữa.

Sự mong đợi của chúng ta cũng là nền tảng cho sự phán xét. Ví dụ, nếu bạn biết rằng trẻ con trong khoảng 6 hay 7 tuổi có xu hướng phóng đại mọi chuyện, bạn sẽ không phản ứng thái quá trước lối cư xử đó. Đó là lý do cần phải tìm hiểu các giai đoạn phát triển cùng nhu cầu tình cảm, tìm hiểu những thay đổi trong môi trường khiến cho nhu cầu tình cảm bị khuấy động, dẫn đến sự thay đổi trong cách cư xử. Hầu hết các chuyên gia về trẻ em đều đồng ý rằng, đa số “những biểu hiện ra bên ngoài” có thể được giải thích theo các giai đoạn phát triển, nhu cầu tình cảm, sự thay đổi môi trường.

Điều đó không thú vị hay sao? Khi hiểu ra, bạn sẽ không suy xét nữa. Thậm chí chúng ta còn nói với nhau: “Ôi, chỉ cần hiểu được ít thôi, bạn sẽ thôi suy xét”. Bạn có thể hiểu tại sao vị vua thông thái thời cổ đại Solomon lại cầu nguyện để xin có được trái tim thấu hiểu, tại sao ông ta lại viết: “Trong tất cả những điều bạn được nhận, trước hết, hãy nhận lấy sự thấu hiểu”. Sự thông thái xuất phát từ chính sự thấu hiểu.

Lý do chúng ta ưa thích phán xét, vì nó sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta chỉ biết cư xử với mọi người bằng những nhãn mác chúng ta đặt vào họ; bạn suy diễn tất cả dữ liệu theo cách khẳng định dựa vào những phán xét của mình. Điều này được gọi là “thành kiến” hay “suy đoán vô căn cứ”. Ví dụ, nếu bạn nghĩ một đứa trẻ là vô ơn thì bạn sẽ dò xét hành vi của nó để chứng minh cho nhận định của mình. Nhưng cũng hành vi ấy, một người khác lại nhìn nhận như là bằng chứng của sự biết ơn và cảm kích. Vấn đề càng phức tạp hơn khi bạn hành động dựa trên những phán xét được lặp đi lặp lại, nhằm thỏa mãn bản thân.

Ví dụ, nếu bạn “dán nhãn” con mình là lười biếng và bạn hành động dựa trên nhãn mác đó, con bạn có thể sẽ thấy bạn thật hách dịch, độc đoán và nghiêm khắc. Chính ứng xử của bạn đã kích thích sự kháng cự của con bạn, và rồi bạn lại suy diễn những hành vi phản kháng là minh chứng cho sự lười biếng – bằng cách này, bạn biện minh cho sự độc đoán và khắt khe hơn nữa. Nó tạo ra một vòng xoắn ốc đi xuống, và cả hai bên đều tin rằng mình đúng.

Đó là lý do giải thích khuynh hướng phán xét mọi việc trở thành cản trở chính trong các mối quan hệ. Nó khiến bạn suy diễn mọi dữ liệu để bảo vệ cho nhận định của mình. Và bất cứ hiểu lầm nào trước đây sẽ càng làm cho tình hình thêm phức tạp, bởi những tác động về cảm xúc xung quanh mối quan hệ.

Hai vấn đề chính trong mọi giao tiếp là sự nhận biết (trước một dữ liệu thực tế, mỗi người hiểu như thế nào) và ý nghĩa (trước mỗi khái niệm, mỗi người định nghĩa như thế nào). Thông qua việc tìm hiểu để đồng cảm, cả hai vấn đề này có thể được giải quyết.

Tìm cách để hiểu người: Khoản gửi vào cơ bản

Hãy xem hành trình tìm hiểu con gái mình của người cha sau đây và việc đó đã có tác động sâu sắc thế nào đến cả hai người:
Vào khoảng thời gian con gái tôi – Karen – lên 16, con bé bắt đầu cư xử vô phép với chúng tôi. Con bé có những nhận xét mỉa mai và làm bẽ mặt chúng tôi. Rồi việc này bắt đầu chuyển sang cả anh chị em của con bé.

Tôi đã không làm gì nhiều để giải quyết tình trạng đó, cho đến một tối, khi chuyện này lên đến đỉnh điểm. Vợ chồng tôi và Karen đang ở trong phòng ngủ, con bé đã thốt ra những lời thiếu tôn trọng. Tôi nghĩ đã đến lúc phải lên tiếng, tôi nói: “Karen, nghe này, bố sẽ nói cho con biết trong nhà này, mọi người cần phải cư xử thế nào”. Và tôi đưa ra rất nhiều lý lẽ dông dài mà tôi chắc mẩm sẽ khiến con bé biết được cách tôn trọng cha mẹ. Tôi đề cập đến những gì mà chúng tôi đã làm cho con bé trong lần sinh nhật gần đây. Tôi nhắc đến cái váy mà chúng tôi đã mua cho con bé. Tôi còn nói về việc chúng tôi đã giúp Karen lấy được bằng lái xe như thế nào. Sau khi nói xong, tôi hy vọng Karen sẽ rất biết ơn cha mẹ. Nhưng thay vào đó, con bé nói đầy khiêu khích: “Thì sao?”.

Tôi hết sức tức giận: “Karen, con về phòng con đi! Cha mẹ sẽ có cách xử lý, và cho con biết sau”. Con bé tức giận, đóng sầm cửa phòng ngủ. Tôi bực mình, sôi người vì cơn giận. Chợt tôi nhận ra. Tôi đã không hề cố gắng để tìm hiểu Karen. Chắc chắn tôi đã không suy nghĩ theo hướng hai bên đều có lý. Tôi hoàn toàn làm theo ý mình. Phát hiện này đã thay đổi sâu sắc suy nghĩ của tôi cũng như cách tôi cảm nhận về Karen.

Khi đi tới phòng con bé vài phút sau đó, việc đầu tiên tôi làm là xin lỗi về cách cư xử của mình. Tôi không tán thành thái độ của con bé, nhưng tôi vẫn xin lỗi về hành vi của bản thân. Tôi đã hơi thô lỗ. Tôi nói: “Xem này, cha nghĩ là có điều gì đó đang diễn ra nhưng cha không biết đó là gì”. Tôi cho Karen biết tôi thực sự muốn hiểu con bé, và cuối cùng tôi đã tạo được không khí thoải mái để con bé sẵn sàng trò chuyện.

Với một chút do dự, Karen bắt đầu chia sẻ những cảm xúc của mình về sự xa lạ đối với trường phổ thông, những nỗ lực để giành thứ hạng cao trong lớp và kết bạn mới. Con bé bảo, nó đang lo lắng về việc lái xe. Đó là một trải nghiệm mới mẻ với nó, con bé lo cho sự an toàn của bản thân. Karen cũng vừa học vừa đi làm thêm, nó băn khoăn không biết ông chủ thấy nó làm việc thế nào. Thời gian biểu của nó cực kỳ bận rộn.

Cuối cùng, tôi nói: “Karen, con đang quá tải”. Đúng là như vậy. Đột nhiên, con bé hiểu ra. Những lời nhận xét mỉa mai, thiếu tôn trọng đối với gia đình chẳng qua là sự lên tiếng cho một nhu cầu được mọi người quan tâm, chia sẻ áp lực quá tải. Con bé mong muốn: “Làm ơn, ai đó hãy lắng nghe con!”. Vì thế, tôi nói với Karen: “Khi cha yêu cầu con cư xử lễ phép với cha mẹ hơn một chút, điều đó giống như tạo thêm cho con một việc phải làm”.

“Đúng vậy!” – Con bé nói. – “Thêm một việc nữa con phải thực hiện, và bây giờ con không thể điều khiển được cuộc sống của con nữa”.

Tôi gọi vợ tôi vào, cả ba ngồi xuống và nghĩ cách đơn giản hóa cuộc sống của Karen. Cuối cùng, con bé quyết định không dạy thêm piano nữa. Trong những tuần tiếp theo, con bé hoàn toàn biến thành một người khác.

Từ trải nghiệm này, Karen có thêm tự tin vào khả năng thực hiện những lựa chọn trong cuộc sống của nó. Con bé biết rằng cha mẹ hiểu và ủng hộ mình.

Khi nhìn lại, tôi thấy rằng sự tự tin nơi Karen là do chúng tôi đã không mắng vào mặt: “Thôi đi, không gì có thể biện minh cho cách cư xử như vậy cả. Con thật hư đốn”, mà thay bằng thái độ quan tâm khi chúng tôi sẵn sàng dành thời gian để ngồi xuống và tìm hiểu con cái. Hãy chú ý làm thế nào mà cha Karen có thể vượt qua sự lo lắng trước cách cư xử của cô bé, thay vì thế, ông tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong tâm trí Karen. Nhờ vậy, ông “giải mã” được vấn đề.

Cuộc tranh luận giữa Karen và cha mẹ chỉ mới dừng lại bên ngoài. Hành vi của Karen đã che giấu những lo lắng thực sự. Và đến chừng nào cha mẹ vẫn chỉ tập trung vào thái độ của cô, họ sẽ không bao giờ hiểu được nỗi lo lắng đó. Nhưng khi cha Karen bước ra khỏi vai trò phán xét và thực sự muốn tìm hiểu, cô bé bắt đầu cảm thấy an toàn để mở lòng và chia sẻ những điều thầm kín. Bản thân cô cũng chưa nhận ra nỗi lo thực sự của mình là gì, cho đến khi có người sẵn sàng lắng nghe và cho cô cơ hội để bộc bạch. Một khi vấn đề đã sáng tỏ và cô thực sự cảm thấy mình được thấu hiểu, Karen sẽ muốn có được sự chỉ bảo và định hướng của cha mẹ.

Một khi chúng ta còn phán xét và đánh giá thì sẽ không thể nào có được tác động như mong muốn. Một khi chúng ta còn phán xét và đánh giá thì sẽ không thể nào có được tác động như mong muốn. Có thể bạn vẫn nhớ câu chuyện ở chương đầu tiên của cuốn sách này, kể về người đàn ông “đã tìm lại được đứa con trai của mình”. Liệu bạn còn nhớ mối quan hệ đã bị “thâm hụt tài khoản” và căng thẳng tới mức nào, hoàn toàn không có sự giao tiếp thực sự? Đó cũng là một tình huống đau khổ, khó khăn giữa cha mẹ và con cái. Chỉ khi người cha thôi phán xét và cố gắng hiểu con trai mình, anh ta mới bắt đầu làm nên sự thay đổi.

Trong cả hai trường hợp, các bậc cha mẹ đều có thể thay đổi tình huống, khi họ gửi vào Tài khoản Ngân hàng Tình cảm bằng hành động: họ đã tìm cách để hiểu người khác.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP