GIA TÀI VÔ GIÁ ĐỂ LẠI CHO CON

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: "Sống Chung An Lạc"; NXB Văn Hóa Sài Gòn

Những chú bé và những cô bé thường rất dễ vui, nhưng có một điều họ rất sợ, đó là khi cha mẹ giận nhau và cãi nhau. Khi cha mẹ giận nhau, nổi nóng lên, hai bên làm khổ nhau, thì những đứa bé đau khổ vô cùng. Những lúc đó, cả ba lẫn mẹ không biết con mình đang khổ, ba mẹ quên rằng mình đang có một hay hai đứa con ở trong nhà, mình làm khổ nhau tức là đồng thời mình làm khổ con của mình. Đã lớn, mình chịu đựng khổ đau dễ hơn những em bé. Các em còn bé bỏng, trái tim của chúng đang còn non nớt, vì vậy mỗi khi em bé thấy cha mẹ la mắng nhau, làm khổ nhau thì trái tim của em bé bị rạn nứt, em đau khổ vô cùng. Nhiều khi em phải chạy đi tìm một chỗ để trốn.

Ngày xưa ở nhà quê, chung quanh nhà chúng ta có vườn, có cây ổi, cây quít, hoặc có ao, cho nên các em có thể chạy ra, thoát khỏi không khí ngột ngạt, để đuổi bắt con bướm, con chuồn chuồn. Các em cũng có thể lánh sang nhà hàng xóm để chơi với bạn bè. Ngày nay, mình không còn sinh môi đó. Gia đình ở thành phố, trong khu chung cư, cho nên mỗi khi ba mẹ giận nhau, thì em bé không có chỗ để trốn nữa. Nhiều em phải đi vào phòng tắm, vào nhà cầu, khóa cửa lại và khóc một mình! Ấy vậy mà ba mẹ vẫn không để ý, vẫn tiếp tục nói những câu độc địa, vẫn làm khổ nhau mà không biết rằng trong lúc đó mình đang tàn hoại đứa con có thể là duy nhất của mình. Con mình sẽ mang trong tim những vết thương trầm trọng, và vết thương sẽ còn hoài ngay cả lúc em đã lớn khôn. Có nhiều đứa bé quyết định lớn lên sẽ không lập gia đình, không đi lấy chồng, lấy vợ, không có con. Tại vì lập gia đình mà khổ như ba mẹ bây giờ thì lập gia đình làm gì, có con để làm gì! Có nhiều đứa bé mới bảy, tám tuổi mà đã mang tâm trạng đó. Tội nghiệp lắm cho các em! Bậc cha mẹ phải tránh tai nạn đó cho con cái.

Những người trẻ tới làng thường nói rằng: Gia tài quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là hạnh phúc trong đời sống gia đình của chính cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn muốn cho con sau này có hạnh phúc, vì vậy cha mẹ muốn để lại cho con những gia tài như là nhà cửa, ruộng đất, hay là một trương mục tiết kiệm trong ngân hàng, hoặc giúp cho con một số tiền để học, hầu con đậu được mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư. Cố nhiên những điều đó là những ước muốn phát xuất từ lòng thương con của cha mẹ, muốn con có một nền tảng để sống cho thoải mái sau này.

Tuy vậy, thường thường thì con cái không cần nhiều đến những lo lắng và thương yêu theo mô thức đó. Điều con cái cần nhất là một cuộc sống gia đình êm ấm, trong đó cha mẹ hòa thuận và có hạnh phúc ngay ngày hôm nay. Vì vậy mà các người trẻ đã đồng ý rằng món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái là hạnh phúc của cha mẹ trong đời sống gia đình. Tâm tư này của các con phải được các bậc cha mẹ nghe và hiểu. Tại vì nếu cha mẹ có hạnh phúc với nhau thì con cái cũng có hạnh phúc ngay trong thời thơ ấu. Quan trọng hơn nữa là khi lớn lên, lập gia đình, các con cũng sẽ làm được như vậy, tại vì trong suốt thời gian sống với gia đình, các con thấy cha săn sóc mẹ, mẹ săn sóc cha, nghe cha nói những câu dịu ngọt với mẹ, nghe mẹ nói những câu dịu dàng với cha. Hai người tạo hạnh phúc cho nhau bằng những lời nói, những cử chỉ, những tư tưởng dễ thương.

Vì vậy tuy cha mẹ không trực tiếp dạy con bằng lời, nhưng đã dạy con bằng cách hành xử của cha mẹ đối với nhau. Đó là phương thức giáo hóa hữu hiệu nhất mà đạo Bụt gọi là thân giáo. Nhờ vậy mà lớn lên, khi có người bạn hôn phối, con cái cũng sẽ làm được như cha mẹ vậy.

Cho nên gia đình là một trường đại học, trong đó có hai giáo sư quan trọng là cha và mẹ. Nếu cha mẹ có thể hiểu được nhau, có thể thương yêu nhau, có thể tạo được hạnh phúc cho nhau, thì đó là một môi trường rất tốt cho con cái sinh trưởng. Khi tốt nghiệp, khi rời trường đại học đó thì con cái đã có đủ khả năng để tạo hạnh phúc cho người mình thương. Vì vậy bậc cha mẹ nên nhớ rằng trong gia đình, không những mình chỉ đóng vai trò của người cha, người mẹ, mà mình còn đóng vai trò của những vị giáo sư dạy về thương yêu nữa. Mỗi khi mình có một lầm lỡ, làm khổ cho nhau, mình phải biết xin lỗi con.

Sau giờ cơm tối, mình mời cả mẹ lẫn con vào phòng thở, thỉnh ba tiếng chuông rồi mình nói: Ba xin lỗi mẹ, ba xin lỗi con, ba đã hơi nóng; vì mất chánh niệm nên sáng nay ba đã nói một câu không dễ thương với mẹ. Ba hứa rằng từ nay về sau ba sẽ không nói những câu thiếu thương yêu như vậy đối với mẹ nữa. Nói vậy xong, cả gia đình yên lặng theo dõi hơi thở để được thấm nhuần sự thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Sau đó ba thỉnh ba tiếng chuông, cả gia đình đứng dậy, ôm nhau trước khi rời phòng thở. Không ai cần nói thêm lời nào.

Nếu ba làm được như vậy, nói ra được một câu như vậy thì con cái sẽ kính phục ba vô cùng. Nếu mẹ có đủ tha thứ, bao dung để ôm trọn ba con vào lòng thì con cái cũng sẽ kính phục mẹ vô cùng. Nó sẽ thấy ba mẹ là những hình ảnh lý tưởng của cuộc đời. Ngược lại, nếu ba dùng quyền làm cha, nạt nộ và không cho con cái nói, thì con cái sẽ không có được cái kính phục đó. Mình chỉ học được với người mà mình kính phục thôi. Cái uy quyền của mẹ, cái uy quyền của ba là ở chỗ hai người biết kính trọng nhau và biết tạo hạnh phúc cho nhau, chứ không phải ở chỗ có thể trừng phạt mình, có thể cấm đoán mình.

Đạo Bụt có giáo lý gọi là luân hồi. Luân hồi có nghĩa là đi lòng vòng, không bao giờ chấm dứt. Nhiều khi bà ngoại có những tật xấu, bà truyền lại cho mẹ, mẹ truyền lại cho mình, và mình truyền tật xấu đó lại cho con gái mình. Đó gọi là luân hồi, là cái vòng lẩn quẩn. Chỉ có tu tập mới chuyển hóa được những tật xấu đó, và nhờ vậy mà mình sẽ không truyền lại những cái tiêu cực cho con cháu sau này. Cho nên tu học là một phương pháp để cắt đứt luân hồi, cắt đứt cái vòng lẩn quẩn trong gia đình dòng họ. Ví dụ khi còn trẻ, thấy ba mình ép buộc mình quá, mình không có tự do, và mình nghĩ rằng sau này khi có con, mình sẽ để cho con mình có nhiều tự do hơn. Mình dứt khoát sẽ làm như vậy. Nhưng khi lớn lên, khi có gia đình, có con, thì mình cũng đối xử giống hệt như cách mẹ mình, như cách ba mình đã đối xử với mình! Cái vòng luân hồi luẩn quẩn rất là kỳ. Nếu biết tu tập, mình có thể chuyển hóa được những tập khí tiêu cực mà mình đã tiếp nhận từ cha, từ mẹ, và mình sẽ không trao truyền lại cho con cháu đời sau. Đó là phương cách báo hiếu thâm sâu nhất cho tổ tiên dòng họ của mình.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN
  2. ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
  3. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Bài viết mới

  1. MUHAMMAD ALI
  2. Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN
  3. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN