GIÁO DỤC NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC TỪ NHỎ LÀ MẤU CHỐT

Giáo Sư JOHN VU

Trích: Lời Khuyên Dành Cho Các Bậc Cha Mẹ; Ngô Trung Việt dịch; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng mọi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng học tập thông qua các tế bào não nhưng điều cốt yếu là phải có “mạch” kết nối giữa chúng. Chính khả năng liên kết các tế bào của não giúp định hình những kỹ năng, phẩm chất mà mỗi cá nhân dùng để ứng phó với các yếu tố môi trường như giáo dục, các mối tương tác xã hội và cả những nghịch cảnh như sự uy hiếp, xa lánh hay bạo hành. Nếu việc giáo dục, phát triển các kỹ năng và phẩm chất được đầu tư xuyên suốt thì có thể tạo ra những công dân tương lai được giáo dục cao, đầy đủ năng lực. Do đó, sự cải tiến giáo dục phải bắt đầu sớm từ trường mầm non và tiểu học để đạt hiệu quả.

Vào đầu những năm 1970, Dorothy Nolte, một nhà giáo dục, đã quan sát rằng giáo dục sớm từ tuổi ấu thơ là mấu chốt cho sự phát triển của một cá nhân. Bà ấy viết: “Nếu trẻ em sống trong sự phê phán, chúng sẽ học chỉ trích. Nếu trẻ em sống trong sự thù nghịch, chúng sẽ học hơn thua. Nếu trẻ em sống trong sợ hãi, chúng sẽ học lo sợ. Nếu trẻ em sống trong sự thương hại, chúng sẽ cảm thương bản thân. Nếu trẻ em sống trong sự nhạo báng, chúng sẽ học nhút nhát. Nếu trẻ em sống trong sự ganh đua, chúng sẽ học tính đố kỵ. Nếu trẻ em sống trong nỗi xấu hổ, chúng sẽ biết mặc cảm”. Do đó, điều mấu chốt đối với bố mẹ và các nhà giáo dục là tạo ra một môi trường mà trẻ em được nuôi dưỡng tích cực. Dorothy Nolte đưa ra môi trường giáo dục đầy sức thuyết phục: “Nếu trẻ em sống trong niềm khích lệ, chúng sẽ học tin tưởng. Nếu trẻ em sống trong độ lượng, chúng sẽ học tính kham nhẫn. Nếu trẻ em sống với lời khen ngợi, chúng sẽ học lòng cảm kích. Nếu trẻ em sống trong sự chấp nhận, chúng sẽ học yêu thương. Nếu trẻ em sống với sự chấp thuận, chúng sẽ học yêu thích bản thân. Nếu trẻ em sống trong sự công nhận, chúng sẽ học được rằng đặt mục tiêu là điều nên làm. Nếu trẻ em sống trong sự chia sẻ, chúng sẽ học được tính hào phóng. Nếu trẻ em sống trong sự chân thực, chúng sẽ học tin cậy. Nếu trẻ em sống trong công bằng, chúng sẽ học công bằng. Nếu trẻ em sống với lòng tốt và sự quan tâm, chúng sẽ học tôn trọng. Nếu trẻ em sống trong an toàn, chúng sẽ có niềm tin vào bản thân và tin vào những người xung quanh. Nếu trẻ em sống trong sự thân thiện, chúng sẽ thấy thế giới này là nơi đáng sống”.

Câu hỏi được nêu ra là liệu hệ thống giáo dục hiện thời có đạt được sứ mệnh của nó về việc phát triển những công dân tương lai có giáo dục và phẩm cách đạo đức? Liệu các trường hiện thời có xem trọng việc rèn luyện nhân cách đạo đức cũng không kém việc cung cấp kiến thức và kỹ năng không?

Theo quan điểm của tôi, học sinh tiểu học nên được rèn luyện về đạo làm con cũng như lòng biết ơn thầy cô giáo. Chúng cần học làm người lễ phép, thấu cảm và đáng tin cậy. Đây là những nền tảng của mọi hệ thống giáo dục ở châu Á trong hàng nghìn năm qua. Nền văn hóa của chúng ta xem gia đình là nền tảng của xã hội, do đó giáo dục nhân cách đạo đức phải bắt đầu từ gia đình.

Đến lúc học trung học, các em nên được dạy về cách ứng xử, sự chính trực, tinh thần trách nhiệm, công bằng và khiêm tốn. Ở bậc trung học phổ thông, các em đang hình thành tính cách, khám phá bản thân trong mối quan hệ với những người xung quanh, trong tình bạn thông qua các hoạt động độc lập. Đây là lúc các em cần hiểu biết về lịch sử và văn hóa dân tộc, đã bắt đầu phát triển nhận thức về giá trị bản thân, các giá trị nhân văn và quan hệ xã hội. Học sinh nên được khuyến khích phát triển sự tự tin để giao tiếp thân thiện với người khác và chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình.

Giai đoạn đại học là lúc các em đã phát triển nhân cách đạo đức, ý thức trách nhiệm cao về bản thân, gia đình và đất nước. Đây là lúc các em nên được trao cho cơ hội theo đuổi lĩnh vực học tập mà các em yêu thích và khám phá tiềm năng của bản thân trong khoa học, công nghệ, nghệ thuật, nhân văn hay kinh doanh. Nếu được đào tạo đúng đắn, các em có thể phát triển kỹ năng tư duy có lập trường cũng như các kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Các em nên được khuyến khích theo đuổi tri thức theo nguyện vọng và cần được chuẩn bị cho một nghề nghiệp thành công trong tương lai.

Thật đáng tiếc là ngày nay, nhiều quốc gia bắt đầu xa rời truyền thống văn hóa của mình để theo đuổi một hệ thống giáo dục mới chủ yếu dựa trên công nghệ. Một số nhà giáo dục chủ trương dạy công nghệ thông tin trong trường tiểu học để học sinh được chuẩn bị tốt hơn khi lớn lên. Khi làm như vậy, họ đã hạ thấp mục tiêu của giáo dục từ chỗ phát triển những “công dân toàn diện và có trách nhiệm” thành đào tạo ra những “công nhân kỹ thuật cho ngành nghề”. Quan niệm phải cung cấp ngày càng nhiều nhân công cho nền kinh tế đang được khuyến nghị ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước áp dụng theo các chương trình tương tự từ các nước phương Tây. Những gì có hiệu quả ở Mỹ hay châu Âu không chắc sẽ đem lại lợi ích cho xã hội châu Á. Công nghệ chỉ là công cụ để sử dụng, chứ không phải là tri thức có thể đưa mọi người tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, một xã hội tốt hơn với những công dân có phẩm chất tốt đẹp.

Một nền giáo dục xem nhẹ đạo đức, luân lý và ý thức trách nhiệm có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề, gây ra sự hỗn loạn cho xã hội. Nền giáo dục chú trọng giá trị của hiệu suất lao động, trong khi người lớn tuổi bị con cái đối xử tệ bạc và không được xã hội kính trọng thì không phải là nền giáo dục theo truyền thống châu Á; một nền giáo dục mà những hành vi sai trái của cá nhân và tính kiêu căng tự phụ được chấp nhận, trong khi sự khiêm tốn và luân lý không được đánh giá cao thì không bao giờ nên khuyến khích phát triển.

Một người có nhân cách tốt có thể học về công nghệ bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, rất khó để thay đổi một người thiếu đạo đức, không biết đối nhân xử thế, cho dù người đó có bằng cấp chuyên môn cao đến đâu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?
  2. KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG ĐỐI THOẠI

Bài viết mới

  1. THẲNG THẮN NÓI RA SUY NGHĨ
  2. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  3. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP