GIỚI THIỆU VỚI CON CÁI VỀ CHÁNH NIỆM

AMBER HATCH

Trích: Dạy Con Trong Chánh Niệm; Linh Hiếu dịch; NXB. Hà Nội; Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà, 2019

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tập trung sự chú ý của mình vào thời điểm hiện tại. Khi tham gia vào hoạt động, các bé bị cuốn hút vào nó, không bị sao lãng bởi những suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, hoặc bởi một đoạn bình luận đang chạy dở. Các bé thường tương tác với một sự tươi mới thú vị, xem xét các đồ vật xung quanh các bé – một chiếc thìa, một côn trùng, một vết nứt trên vỉa hè – với một sự tò mò và kinh ngạc.

TRẺ EM CÓ CHÁNH NIỆM KHÔNG ?

Các biểu hiện này có vẻ rất giống chánh niệm. Chánh niệm giúp ngăn người lớn chúng ta bị vướng vào các suy nghĩ, và cho phép chúng ta nhìn vạn vật xung quanh theo một cách mới mà không có sự phán xét. Rất dễ để nói với trẻ em có chánh niệm một cách tự nhiên – cá nhân tôi cũng đã từng làm điều này. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ lưỡng hơn, tôi cho rằng không thật là đúng khi nói trẻ nhỏ có rất nhiều chánh niệm. Chánh niệm bao gồm một hồi ức có chất lượng – có thể biết được chúng ta đang ở đây, bây giờ, đang sống và trải nghiệm thế giới theo cách này. Đó là sự hiện diện của tâm trí. Tất nhiên, rất khó để nói chắc chắn rằng điều gì đang diễn ra trong tâm trí của con chúng ta, nhưng tôi sẽ mạo muội đoán rằng các bé thường không có sự nhận biết rộng hơn và phát triển hơn này.

Chánh niệm giúp chúng ta duy trì sự tập trung bằng cách theo dõi tâm trí của chúng ta, và cảnh báo chúng ta khi chúng ta đánh mất sự tập trung. Khi chúng ta có ý thức và tập trung, chúng ta có thể đặt sự chú ý của mình vào những chi tiết nhỏ của cuộc sống, và cũng giống như trẻ em, gợi nên một sự tò mò tự nhiên về các chi tiết này. Vì vậy, trong tâm trí của người lớn, hai phẩm chất song hành cùng nhau để hổ trợ sự tập trung. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, các em đã có sẵn một khả năng tập trung mạnh mẽ, đơn giản bởi vì phạm vi chú ý của các em còn nhỏ hơn rất nhiều. Với một vốn ngôn ngữ có giới hạn, các em không thể định hình các ý tưởng trừu tượng, hoặc thậm chí ở một mức độ cao hơn, đánh giá về những gì các em trải nghiệm. Và sự hiểu biết về thế giới có giới hạn của các em có nghĩa rằng các em đơn giản không để ý phần lớn những thứ diễn ra xung quanh mình. Nên các em không cần phải giải quyết với rất nhiều suy nghĩ phân tâm. Chánh niệm cho phép người lớn chúng ta có được sự trong sáng của trẻ em, đồng thời còn có toàn bộ nhận thức về những việc mà chúng ta đang làm.

CÁCH TRẺ EM RỜI KHỎI HIỆN TẠI

Khi trẻ em lớn lên, vốn từ của các bé tăng lên và các bé bắt đầu nhận thức được nhiều hơn. Thay vì coi thế giới như những sự việc không liên quan đến nhau, các bé bắt đầu tạo các mối liên quan, vẽ nên một thế giới rộng lớn hơn, và bức tranh này trở nên phức tạp hơn mỗi ngày. Tính cách bắt mắt mới lạ này bắt đầu được thay thế bởi những khái niệm của sự quen thuộc và chia tách. Các bé bắt đầu bị lôi cuốn hơn bởi thế giới nội tâm của mình với những phép màu và trí tưởng tượng. Những suy nghĩ song hành cùng ngôn ngữ, và tâm trí của các bé – không còn cần thiết phải giải mã ngay những thứ xung quanh nữa – ngày càng bị chiếm hữu bởi quá khứ và tương lai.

Khi trí não của các bé phát triển và đạt đến gần hơn với trí não của một người lớn, khả năng tăng chánh niệm của các bé lớn lên, và các bé cũng cần chánh niệm nhiều hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM
  2. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM TRONG LỚP HỌC

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG