JIGME RINPOCHE
Trích: Sống Hài Hòa Với Cảm Xúc; Hoàng Lan dịch; NXB Thế Giới.
HỎI: Có một thực tế rằng thanh thiếu niên là những người có cảm xúc mạnh mẽ. Chúng ta có thể làm gì để giúp các bạn trẻ sống hài hòa với cảm xúc của họ? Chúng ta nên cho họ bao nhiêu tự do để họ tự trải nghiệm cảm xúc mà không tạo ra hệ quả thảm khốc? Chúng ta nên để các bạn chịu đau khổ tới mức nào thì mới giúp đỡ hay can thiệp? .
ĐÁP: Các bạn trẻ không thích người khác can thiệp vào đời sống và trải nghiệm của mình. Khi chúng ta đề ra quy định, các bạn ấy sẽ tìm cách phá bỏ hoặc tránh né nó. Nếu có một chút nhận biết, các bạn ấy sẽ từ từ học cách áp dụng chúng vào trong những trải nghiệm hàng ngày của đời sống. Chỉ có các bạn ấy mới có thể tạo nên những trải nghiệm của chính mình. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là hướng dẫn họ cách nhìn nhận và hành xử với cảm xúc của họ.
Nói về cách hành xử với những nguyên nhân của cảm xúc thì điều cần áp dụng cho người trưởng thành cũng áp dụng tương tự với các bạn trẻ. Không có bất kỳ quy định nào bởi vì những quy định và giới hạn chính là điều đi ngược lại với sự cởi mở. Thay vào đó, mỗi cá nhân phải phát triển trong chính nhận biết của mình về một chuẩn mực chung của điều gì là chấp nhận được và điều gì là không thể chấp nhận. Chuẩn mực này rất gần gũi với những gì chúng ta gọi là chuẩn mực đạo đức. Chúng ta phải thật sự quan sát và lắng nghe một cách cụ thể để hiểu rõ cái gì đang diễn ra và ý nghĩa của nó. Chúng ta xa rời đời sống của chính mình, sống một cách máy móc mà không có sự nhận biết rõ ràng. Chúng ta phải lấy lại quyền làm chủ và thật sự kết nối với những gì đang xảy ra và dành thời gian để hiểu chúng một cách cụ thể. Tâm chúng ta có thể bị che chắn theo một cách nào đó. Nhưng nếu tiếp tục thực hành việc duy trì nhận biết, từ từ, chúng ta sẽ sáng suốt hơn. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta không phải vẫy vùng khó khăn như hiện tại, theo một cách nào đó. Chúng ta sẽ thoải mái hơn với chính mình. Sau đó, sẽ tới lúc các nguyên nhân của cảm xúc không làm phiền chúng ta nữa.
Một du khách dành thời gian để tương tác với người địa phương thì sẽ hiểu họ. Một người chỉ đi xe ngang qua, nhìn ngắm cảnh vật và không dừng lại ở bất kỳ đâu sẽ chẳng hiểu gì về con người nơi đó. Tương tự vậy, chúng ta phải dành thời gian để dừng lại và ghi nhận những cảm xúc của mình. Chúng ta không nên chỉ đi qua những cảm xúc mà không bao giờ biết cụ thể về chúng, chúng đến từ đâu và đi về đâu.
Tính không phân biệt là tâm trạng khép kín của tâm khi không có cảm xúc tác động – giống như chết rồi. Tính bình đẳng, mặt khác, là trạng thái cởi mở và cân bằng để giải quyết bất kỳ tình huống hay cảm xúc nào đang nổi lên. Nó rất sống động. Chúng ta phản ứng lại các hoàn cảnh với Tâm Bồ Đề. Dù chúng tốt hay xấu, chúng ta chỉ phản ứng mà không cần đưa ra phán xét.
Chúng ta thường hỏi: đau khổ có tác dụng gì? Những cơn đau thể chất là cần thiết và quan trọng vì chúng là những dấu hiệu báo cho chúng ta biết có cái gì đó đang sai. Một cơn đau răng cho chúng ta biết rằng đang bị sâu. Khổ đau cũng vậy. Khi chúng ta trải nghiệm khổ đau, khổ đau đó cho chúng ta biết rằng ta đang bị lạc đâu đó trên con đường. Phần lớn thời gian, chúng ta hành động mù quáng, không biết tới những sai lầm của mình. Khi gặp một trở ngại bất ngờ, chúng ta mới tự hỏi: “Ô! Tôi đã làm gì sai?” Chúng ta phải học để ngăn chặn đau khổ. Nó cũng đơn giản như đánh răng để ngăn các mảng bám. Cơn đau răng là dấu hiệu hữu ích, nhưng tôi không nói rằng chúng ta phải đi tìm cơn đau này làm gì. Chúng ta chỉ cần học phương pháp ngăn chặn đau khổ và thực hành chúng.