HẠ QUYẾT TÂM

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Có lẽ bạn còn nhớ đoạn phim về chuyến thám hiểm mặt trăng của phi thuyền Apollo 11. Những người đã chứng kiến đều hoàn toàn kinh ngạc. Chúng ta khó mà tin vào mắt mình khi thấy con người đi lại trên mặt trăng. Những từ như “kỳ diệu”, “không thể tin được” cũng không thể diễn tả hết sự kiện đó.

Năng lượng được sử dụng chủ yếu vào việc gì trong chuyến hành trình kỳ diệu này? Bay 400.000 km quanh mặt trăng? Quay trở lại trái đất? Tách và gắn lại phần tàu thám hiểm mặt trăng với tên lửa hành trình? Bay lên từ mặt trăng?

Không, không phải tất cả những việc đó, mà  nguồn  năng lượng chủ yếu dùng để phóng khỏi trái đất. Năng lượng được sử dụng trong vài phút đầu tiên khi phóng khỏi trái đất nhiều hơn rất nhiều so với năng lượng sử dụng trong 800.000 km suốt vài ngày.

Lực hút của trái đất đối với độ cao vài km đầu tiên là rất lớn. Sức ép của khí quyển cũng rất lớn. Lực đẩy từ bên trong phải lớn hơn lực hút của trái đất và sức ép của khí quyển để xuyên qua chúng và bay vào quỹ đạo. Nhưng một khi đã đi qua được rồi, gần như không tốn nhiều năng lượng nữa. Trên thực tế, một trong các phi hành gia khi được hỏi bao nhiêu năng lượng được sử dụng để tách phần tàu thám hiểm mặt trăng ra khỏi tên lửa hành trình lúc đáp xuống mặt trăng, ông ta trả lời: “Ít hơn cả hơi thở của một em bé”.

Chuyến thám hiểm mặt trăng này là một hình ảnh ẩn dụ cho việc phải tốn bao nhiêu công sức để phá vỡ những thói quen cũ và xây dựng thói quen mới, như thói quen hàng tuần dành thời gian bên gia đình. Lực hút của trái đất có thể được ví với những thói quen đã hằn sâu, với những khuynh hướng của thế hệ đi trước. Trọng lượng của khí quyển có thể ví với môi trường kém thân thiện với gia đình trong nền văn hóa đại chúng, trong thời đại xã hội tiêu thụ. Đây là hai tác nhân rất mạnh mẽ, và bạn phải có ý chí xã hội mạnh hơn cả hai tác nhân đó thì mới phóng lên được.

Nhưng một khi đã làm được rồi, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với sự tự do mà nó đem lại cho bạn và gia đình. Trong khi phóng lên, các phi hành gia không có tự do, không có sức mạnh; họ chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch. Nhưng ngay khi họ thoát khỏi lực hút trái đất và bầu khí quyển bao quanh, họ sẽ có được tự do không thể tin được. Trong tay họ có rất nhiều lựa chọn và phương án.

Nhà triết gia và tâm lý học người Mỹ, William James, cho biết: khi nỗ lực để thay đổi, bạn cần có quyết tâm cao độ, ngay từ đầu phải hành động theo quyết tâm đó, không được từ bỏ. Điều quan trọng nhất là phải cam kết thực hiện: “Mỗi tuần một lần, bất kể hoàn cảnh nào, chúng ta đều dành thời gian để cả gia đình ở bên nhau”. Nếu có thể, hãy dành ra một buổi tối nhất định để làm việc đó. Lên kế hoạch và ghi lại vào tờ lịch của gia đình. Bạn có thể thay đổi buổi tối đó nếu có việc thực sự cấp bách, nhưng nếu chuyện này xảy ra, ngay lập tức hãy lên kế hoạch lại cho nó vào lúc khác trong tuần. Hơn nữa, bạn cần trò chuyện với con cái về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho gia đình ngay khi chúng còn nhỏ, trước khi chúng bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ xã hội ở độ tuổi vị thành niên.

Và cho dù có chuyện gì xảy ra trong buổi họp gia đình, đừng nản lòng. Chúng tôi từng có những buổi họp mà hai đứa con 9 tuổi (giống như những cậu bé đang ở tuổi thiếu niên khác) nằm ườn ra giường và ngủ thiếp đi, còn những đứa khác thì leo trèo nghịch phá. Chúng tôi từng có những buổi họp mà mở màn là vụ cãi nhau ầm ĩ và kết thúc là giờ cầu nguyện. Thậm chí có những buổi họp mọi người đều rất ồn ào, thiếu tôn trọng tới mức chúng tôi phải buột miệng: “Thôi được, thế là đủ rồi! Các con hãy nói xem, khi nào thì các con mới sẵn sàng cho buổi họp?”, và chúng tôi bỏ ra ngoài. Thường thì  chúng sẽ nài nỉ chúng tôi ở lại. Còn nếu đã rời đi trước đó, chúng tôi sẽ quay lại và xin lỗi.

Điều tôi muốn nhấn mạnh: thời gian định kỳ dành cho gia đình không phải lúc nào cũng thực hiện dễ dàng. Đôi khi bạn còn phàn nàn, liệu con của bạn tiếp nhận được gì từ những buổi họp mặt gia đình. Bạn sẽ không thấy ngay kết quả, mà phải mất nhiều năm sau đó.

Nhưng, cũng giống như câu chuyện về một người đàn ông ở ga tàu St. Louis đã vô tình dịch chuyển một thanh trên đường ray chưa tới 8 cm. Kết quả là đáng lẽ đoàn tàu đó phải tới Newark, New Jersey, thì nó lại dừng ga ở New Orleans, Louisiana, cách đó khoảng 2.000 km. Bất cứ sự thay đổi nào – ngay cả những thay đổi nhỏ nhất – trong hướng đi của bạn ngày hôm nay sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể hàng trăm ki-lô- mét vào ngày hôm sau.

Cho đến nay, đã hơn 40 năm chúng tôi tổ chức các buổi họp gia đình hàng tuần. Khi nhìn lại và trò chuyện với con cái đã trưởng thành về những kỷ niệm này, tôi hoàn toàn tin chắc đó là động lực mạnh mẽ nhất, có ý nghĩa nhất để giúp gia đình luôn đi đúng hướng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI
  2. NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH