PEMA CHÖDRÖN
Trích: Thong Dong Bước Đến, Tự Tại Đi Về; Việt dịch: Sen Xanh; NXB Dân Trí; Công ty Sách Thái Hà, 2023
Có một thực hành phát triển lòng can đảm giúp cảm nhận được những gì ta cảm thấy, Nó được gọi là “phát khởi lòng bí mẫn”. Lấy sự phát khởi lòng bi mẫn làm nền tảng, chúng ta thực hành nhìn nhận sự giống nhau giữa bản thân và những người khác, giống như tôi vừa mô tả.
Ví dụ, nếu dễ ghen tị, chúng ta có xu hướng làm mọi việc để tránh cảm xúc khó chịu đó. Nhưng khi thực hành phát khởi lòng bị mẫn, thay vì cố gắng đẩy cảm xúc ghen tị đó đi, chúng ta mở trái tim mình ra với nó. Làm như vậy, ta không chỉ cho phép bản thân cảm nhận mà còn tiến tới mức chào đón nó: Chúng ta hào phóng hít vào như thể đó là không khí trong sạch ở đồng quê. Và rồi, khi thở ra, ta thư giãn, để những khoảng không gian mở ra. Phát khởi lòng bi mẫn có tiềm năng thay đổi toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với sự ghen tị hoặc với bất kỳ cảm xúc nào khác. Thay vì bị đóng khung chắc chắn trong mục “khó chịu” hoặc “độc hại”, cảm xúc của ta trở nên lợi lạc. Chúng giúp được ta. Ở hơi thở vào, chúng ta mở rộng cảm xúc của mình như thể mở rộng vòng tay với một người ta yêu thương. Ở hơi thở ra, chúng ta cho cảm xúc của mình một không gian vô hạn như thể đang gửi chúng lên bầu trời xanh thẫm, rộng lớn.
Cùng với việc hít vào một cảm xúc khó chịu, chúng ta có thể sử dụng nó để quán xét sự tương đồng giữa mình với người khác. Độ sắc nét của một cảm xúc như ghen tị cho chúng ta biết có bao nhiêu người cũng có khuynh hướng cảm thấy như thế, Tại ngay thời khắc này, có bao nhiêu người – từ mọi quốc gia, mọi thành phố, mọi ngôi làng trên quả địa cầu này — đang cảm thấy ghen tị? Có bao nhiêu người phải chịu đựng lòng ghen ghét trầm trọng hơn ta? Và không được như chúng ta, trong vô số người này, có bao nhiêu người chỉ có một chút ít hoặc không có chút hiểu biết nào để chuyển hóa những cảm xúc khổ đau trong họ? Thật sự, khi tôi quán chiếu về điều này, thi thoảng nó khiến tôi rơi lệ, đồng thời mang lại cho tôi niềm hứng khởi để không lãng phí cuộc đời vào việc chỉ cảm thấy tội nghiệp cho bản thân.
Từ đây, chúng ta có thể thực hành pháp tonglen, một pháp hành của sự cho đi và nhận lại. Trong pháp hành tonglen, chúng ta sẽ thực hành nâng cao hơn bằng việc hít vào không chỉ những sự bất như ý của bản thân mà còn cả sự bất toại nguyện của người khác. Ví dụ, nếu tức giận, ta nghĩ xem có bao nhiêu người cũng đang cảm thấy như vậy. Xét về tính mãnh liệt, cơn giận của chúng ta không khác biệt với cơn giận của ai khác. Vì thế, khi hít vào cơn giận của chính mình, ta có thể tưởng tượng mình cũng đang hít vào cơn giận của tất cả những người khác trên hành tinh này. Trong khi thực hành điều đó, chúng ta có thể nghĩ: “Nguyện cho tất cả mọi người trên thế giới đều không bị vướng mắc vào sân. Nguyện cho mọi chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau và nhân của khổ đau”. Ở mức độ cao nhất: “Nguyện cho mọi chúng sinh đều được tỉnh thức với bản tánh tự nhiên của mình”.
Để bổ sung một cách tự nhiên cho việc hít vào những khổ đau, khi thở ra, chúng ta truyền cho người khác cảm xúc tích cực và những phẩm tánh mang lại cho họ niềm vui và sự an lòng, như tình yêu thương hoặc sự tự tin, sức khỏe hoặc sự thư giãn. Phần “cho” của pháp hành tonglen là một cách chia sẻ hạnh phúc và những điều may mắn của chúng ta với người khác, tất cả những ai có cùng mong ước được hạnh phúc và may mắn như ta. Nó trái ngược với mọi thói quen vô thức giữ lại tất cả những gì tốt đẹp cho bản thân, coi trọng phúc lợi của bản thân hơn của người khác.
Đôi khi, tôi tự hỏi: “Thứ tôi đang thật sự hít vào là gì?”. Mặc dù những cảm xúc đôi khi thật đau đớn và có thể gây ra thảm họa, nhưng liệu tất cả chúng có chắc thật đến vậy không? Nếu cố gắng tìm xem sự ghen tị hoặc giận dữ đang ở đâu, tôi có thể nắm bắt được gì? Chúng ta được dạy rằng cả hai thứ chất liệu mình hít vào và thở ra đều trống rỗng — chỉ là những hình thái rỗng rang vượt thoát mọi định danh, không tốt cũng không xấu. Áp dụng cái thấy tuyệt đối vào pháp hành này thật là điều đáng để suy ngẫm.
Qua thực hành cho và nhận — sử dụng sự thay đổi tự nhiên của hơi thở như một phương tiện — chúng ta có thể chuyển hóa bất kỳ cảm xúc hỗn loạn nào thành hạt mầm thiện hạnh, một hạt giống của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi có thêm kinh nghiệm nhờ áp dụng thực hành này vào những cảm xúc khác nhau và trong nhiều tình huống khác nhau, chúng ta sẽ bớt cảm thấy bị đe dọa bởi những khổ đau do cảm xúc. Ngược lại, phiền não sẽ trở thành nguồn chất liệu quý giá cho ta vì nó giúp phát khởi được tâm bồ đề bi mẫn, một mong mỏi xóa bỏ mọi khổ đau của chúng sinh và làm những điều cần thiết để hoàn thành tâm nguyện đó.
Khi tôi hỏi Trungpa Rinpoche rằng tôi cần phải làm gì khi chết, ngài trả lời: “Ngay bây giờ, hãy thực hành an trụ trong tính biết rộng mở. Nếu tại thời điểm chết, con cảm thấy sợ hãi hoặc có những cảm xúc khác, hãy thực hành tonglen vì tất cả những al đang chết và có cảm xúc tương tự như con. Hãy nghĩ đến việc giải thoát họ khỏi những khổ đau của chính họ và gửi cho họ niềm hạnh phúc”. Tôi đã thực hành như lời ngài dạy trong nhiều năm liền, đặc biệt mỗi khi cảm nhận nỗi sợ hãi. Tôi hít vào, nghĩ về những người khác và những điều họ đang trải qua. Bằng cách này, tôi mở rộng trái tim mình bây giờ và tại thời điểm chết.