HÀNH ĐỘNG VÌ ĐỜI, VÌ NGƯỜI – INAMORI KAZUO

INAMORI KAZUO

Trích: Nghĩ Thiện - để cuộc đời và công việc viên mãn; Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch; NXB Trẻ 2022

Lợi tha (1)
Như câu “nasake wa hito no tame ni narazu” (2), trái tim và hành động với tình cảm tử tế, biết nghĩ đến người khác thật ra không chỉ đem lại điều tốt cho người khác mà chắc chắn những điều tốt đẹp ấy sẽ quay trở lại với ta.

“Trái tim vì người” sẽ dẫn đường cho xã hội con người theo hướng tốt đẹp hơn.

Cuộc đời không do ai khác ngoài bản thân ta quyết định. Tất cả những suy nghĩ, hành động của ta trong đời sống thường ngày sẽ quyết định tất cả. Tôi rất mong mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu được điều này.

Không nói những lời bất mãn, bất bình, luôn khiêm nhường, không kiêu căng ngạo mạn, và biết ơn chính việc được sống ở đời. Chuyên tâm nỗ lực không thua bất kỳ ai, hy sinh bản thân vì người đời. Một “trái tim vì người” tuyệt mỹ, đầy ắp tình cảm nhân hậu biết nghĩ đến người khác, làm điều tốt cho người khác như vậy thật ra sẽ làm chính cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn.

Thoạt nhìn, có thể thấy việc tích lũy những hành động, ứng xử vì người khác như vậy như đi đường vòng. Nhưng như câu “nasake wa hito no tame ni narazu”, trái tim và hành động với tình cảm tử tế, biết nghĩ đến người khác thật ra không chỉ đem lại điều tốt cho người khác mà chắc chắn những điều tốt đẹp ấy sẽ quay trở lại với ta.

Các bạn có thể nghĩ như nước chảy. Ví dụ giữa bạn và người khác có một chậu nước đầy. Nếu bạn đẩy nước trong chậu về phía người khác, nước sẽ đánh sóng sánh trong chậu và rốt cuộc quay về phía bạn. Cũng tương tự phải hành động vì đời, vì người như vậy, khi bạn trân trọng người khác, làm cho người khác vui vẻ, tự nhiên những trân quý, vui sướng đó cũng quay về bạn. Chẳng phải trong đời, mọi việc đều như thế sao?

Đây không phải là chuyện nói về “vì mình làm điều gì cho người ta rồi thì muốn người ta làm lại cho mình điều gì đó”. Mà là làm điều gì đó cho người khác, khiến họ vui sướng. Từ đó, chính tâm trạng, tình cảm của mình cũng trở nên vui sướng, lại trở thành niềm tự hào của chính mình.

“Họ vui mừng”, “mình đã làm điều có ích cho họ” – niềm vui này khiến bạn đạt được niềm hạnh phúc tối cao. Khi đạt được mức độ tinh thần như thế rồi chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công của chính mình. Đó chính là tinh thần “tự lợi lợi tha” trong Phật giáo.

Có một câu chuyện ví von giải thích điều này rất dễ hiểu.

Chú tiểu Unsui (Văn Thủy) ở một ngôi chùa nó hỏi “địa ngục và cực lạc khác nhau như thế nào?”, vị sư già trả lời “địa ngục và cực lạc có bề ngoài hoàn toàn như nhau”. Nơi nào cũng có một cái nồi to, bên trong nổi là mì udon đang được nấu sôi ngon lành. Nhưng muốn ăn udon trong đó phải dùng đôi đũa dài như cái sào phơi đồ.

Những người rơi xuống địa ngục đều là người có trái tim ích kỷ, chỉ biết nghĩ “mình của mình, mình phải ăn trước” nên ai nấy nhất loạt thọc đôi đũa dài như cái sào ấy vào nồi hòng ăn trước người khác. Nhưng vì đũa dài quá nên chẳng thể nào gặp được. Họ quay sang giành giật lẫn nhau, cứ thế udon vương vãi khắp nơi mà chẳng ai gấp được cọng nào. Người nào may mắn gấp được cũng chẳng thể nào đưa lên miệng bằng đôi đũa dài ấy. Rốt cuộc chẳng ai ăn được gì. Đó là quang cảnh ở địa ngục.

Điều này cũng tương tự ở thế giới hiện thực. Nếu bạn chỉ biết có mình, bộc lộ trái tim ích kỷ để sống ở đời thì chắc chắn sẽ xảy ra những bất hòa và dồn mình vào hướng xấu. Vì vậy trước tiên, cần phải từ bỏ trái tim ích kỷ đó, tiếp xúc với người khác bằng sự tử tế, biết quan tâm đến người xung quanh. Bằng việc từng người, từng người chúng ta có được “trái tim vì người”, chắc chắn một xã hội hạnh phúc, yên bình sẽ được dựng nên. Điều này sẽ khiến cả số phận của từng người cũng thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.

Cống hiến:
Hành vi đáng kính trọng nhất trong những hành vi của con người là làm điều gì đó vì người khác. Bình thường, con người thường có khuynh hướng nghĩ về mình trước tiên nhưng thật ra, bất kỳ ai cũng có trái tim cảm nhận hạnh phúc tột bậc khi có ích cho người khác, khi làm cho người khác vui sướng. Bản tính con người tuyệt đẹp như vậy đấy.


Ghi chú:
1. Lợi là ích lợi; tha là người khác. Lợi tha là làm tất cả những gì có lợi cho người khác và vật khác. Trong đạo Phật, lợi tha là một vấn để tối quan trọng. Người Phật tử không bao giờ chỉ thấy có mình mà không thấy có người, có vật khác, chỉ làm lợi cho mình mà không làm lợi cho người hay vật khác.

2 Nguyên gốc tiếng Nhật: 情けは人の為ならず có nghĩa đối xử tử tế với người khác thật ra sẽ có lợi cho chính ta.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  3. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG