SHUNMYO MASUNO
Trích: Sống Đơn Giản Cho Mình Thanh Thản Việt dịch: Như Nữ; NXB. Lao động; Công ty CP sách Thái Hà; 2018
Tâm vô niệm
Sinh hoạt một ngày của các thiền sư đều bắt đầu từ việc tụng kinh buổi sáng, và chúng tôi giữ nguyên nếp sinh hoạt ấy suốt 365 ngày trong năm. Bản thân tôi, ngoại trừ những lúc ra nước ngoài công tác, tôi cũng giữ nguyên nếp sinh hoạt cố định ấy trong mấy chục năm qua.
Những người bên cạnh tôi hay nói rằng: “sáng nào cũng dọn vệ sinh thật mệt quá”, hay “mùa đông mà tụng kinh sáng sớm thật vất vả quá”. Nếu đứng từ góc nhìn của một người ngoài cuộc thì lối sinh hoạt của các nhà sư, tăng lữ quả thật rất khắc nghiệt. Thế nhưng, với chính bản thân họ, những người đang thực hiện nếp sống ấy, thì những chuyện này đã ăn sâu vào trong con người họ nên họ cũng không cảm thấy có gì khắc nghiệt cả.
Ngay cả những khi ra ngoài tu hành, các bữa cơm ban đầu có thể thiếu thốn, hay họ có thể gặp phải nhiều khó khăn khác, nhưng theo thời gian, cơ thể họ cũng sẽ quen với lối sống tu hành ấy. Và khi đó, họ cũng không còn nghĩ đến chuyện khắc khổ gì nữa. Nói cách khác, khi đó, họ đã đạt đến trạng thái tâm vô niệm.
Chắc hẳn cũng có người ngày nào cũng nấu ăn và dọn dẹp ngay sau đó. Nếu họ cảm nhận được niềm vui khi nấu nướng thì cũng sẽ biết sự phiền toái của việc dọn dẹp. Vậy tại sao họ lại có thể chịu được sự phiền toái ấy mỗi ngày? Theo tôi, đó là vì khi dọn dẹp sau khi nấu nướng, thâm tâm của họ cũng đã đi đến trạng thái vô niệm rồi.
Dù họ không nghĩ đến chuyện này thì cơ thể họ cũng đã tự hành động theo thói quen. Và thực ra, chính trạng thái như vậy mới giúp tinh thần của chúng ta thoải mái hơn.
Trạng thái này cũng giống với khi chúng ta tọa thiền. Khi tọa thiền, người tập sẽ chú ý để trong lòng không còn nghĩ ngợi điều gì nữa. Dù là vui vẻ hạnh phúc hay khó khăn đau khổ cũng đều không nghĩ đến, chỉ chuyên tâm hướng đến sự vô niệm mà thôi.
Tất nhiên, ngay cả lúc tọa thiền cũng có nhiều chuyện hiện lên trong đầu chúng ta. Ví dụ như bữa cơm hôm qua thật ngon, hay mình còn việc chưa làm… Chuyện này cũng không có gì là xấu. Bởi con người thực sự không thể hoàn toàn không nghĩ ngợi gì cả.
Thế nhưng, điều quan trọng là không tiếp tục cuốn theo những suy nghĩ chợt nảy ra đó mà để nó sang một bên, khi đó, ta mới có thể tiến vào trạng thái vô niệm.
Trong một ngày, ta nên tạo cho mình một khoảng thời gian vô niệm như vậy. Chính khoảng thời gian này sẽ giúp tinh thần bạn thoải mái hơn.
Cơ thể tự hành động mà không cần nghĩ ngợi gì cả.
Tạo ra được khoảng thời gian như vậy sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn.
Không cầu toàn
Trong thế giới của thiền, người ta rất không thích những thứ hoàn thiện.
Bởi hoàn thiện cũng có nghĩa là “kết thúc”. Và ở đó, ta không còn tìm thấy cái đẹp thực sự nữa. Ngược lại, những thứ không toàn diện có nghĩa là nó chưa kết thúc, và vẫn còn tiếp diễn nữa. Chính những điều dở dang đó lại đang chứa đựng những vẻ đẹp thực sự ta muốn tìm.
Quá trình tu thiền cũng không có điểm kết thúc. Theo cách nghĩ đó thì cũng không có điểm kết thúc nào cho việc tu hành này cả. Dù cho sinh mệnh của người tu thiền có kết thúc thì bản thân quá trình tu hành đó vẫn chưa ngừng lại. Họ chỉ chuyển đến một thế giới khác và tiếp thục tu hành mà thôi.
Và cuộc đời con người phải chăng cũng giống như vậy. Nếu hỏi liệu có người nào hoàn hảo không, có người nào toàn diện không thì chắc hẳn câu trả lời là không rồi.
Con người vẫn luôn tìm cầu sự hoàn hảo. Trong công việc thì nỗ lực đạt đến mức độ hoàn hảo là lẽ tất nhiên. Các doanh nhân phải có sự tính toán toàn diện thì nhân viên trong công ty mới có thể yên tâm làm việc được.
Thế nhưng, vẫn có những thứ chẳng bao giờ hoàn mỹ.
Ví dụ như những con người hoàn mỹ, những gia tộc hoàn hảo… Càng đuổi theo sự hoàn mỹ không bao giờ tồn tại thì cuối cùng ta càng chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà thôi.
“Nếu chồng mình có thu nhập cao hơn thì vợ chồng mình đã mỹ mãn hơn rồi”, “Giá mà con nó không trượt trong kỳ thi vừa rồi thì mọi chuyện đã hoàn hảo”… Những nguyện vọng như vậy hầu hết đều có ở những gia đình đầy đủ, cuộc sống vẹn toàn. Thế nhưng, càng để tâm đến những điều đó thì họ càng nhận lại những kết quả dở dang mà thôi.
Cuộc đời con người chính vì chưa toàn vẹn nên những bước tiến của chúng ta mới có giá trị, chúng ta mới có thể nỗ lực tiến về phía trước để đến gần hơn với mục tiêu của mình. Thế nhưng, chúng ta mới chỉ đến gần hơn mà thôi, và rồi chúng ta lại tiếp tục bước tiếp trên chặng đường của chính mình. Những ngày tháng thực hiện hành trình ấy chính là đời người, là niềm vui sống của mỗi chúng ta.
Người ta hay ví đời người với một cuộc thi chạy marathon. Và quả đúng là như vậy, đó là một cuộc thi marathon không có đích đến.
Không có khung thành nào cho đời người cả. Đó là quá trình tiếp nối những ngày tháng còn dang dở.
Đừng chìm đắm trong hối hận
Trong quan niệm của Phật giáo có một câu nói là: “Sống trong tam thế.”
Tam thế này là “quá khứ – hiện tại – tương lai”. Và Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, ba vị Phật mà chúng ta thường nghe tên chính là hiện thân cho tam thế này.
Con người chúng ta sống trong tam thế, nhưng thế quý nhất lại chính là hiện tại. Những điều căn bản trong thiền cũng chỉ ra rằng một khắc “hiện tại” là điều quan trọng nhất.
Ví dụ như việc chúng ta hít thở hằng ngày. Hít vào rồi thở ra, nhịp hô hấp này mặc dù là ở hiện tại, nhưng hơi thở bạn vừa thở ra đã trở thành quá khứ rồi. Lại ví dụ như khi bạn đang đọc sách, một dòng bạn vừa đọc qua chính là trong quá khứ. Nói cách khác, chúng ta vẫn luôn sống trong một tích tắc gọi là hiện tại. Chính vì thế mà dù chúng ta có nhìn lại quá khứ của mình cũng chẳng thay đổi được gì, và dù chúng ta có trăn trở cho những điều chưa xảy đến trong tương lai cũng vậy. Điều chúng ta nên hướng đến chỉ có một tích tắc “hiện tại” này mà thôi. Đó chính là cách nghĩ của thiền.
Sự hối hận đến trong suốt cuộc đời của con người. Từ những nỗi hận lớn cho đến những áy náy nho nhỏ, chẳng có ai sống mà không có một chút hối hận về một điều gì. Chúng giống như những chiếc gai, đâm thẳng vào trái tim ta mà chẳng thể nào gỡ ra được.
“Giá như khi đó mình không làm như vậy”, “Giá mà mình làm thế thì”,… Ai trong số chúng ta cũng từng có những suy nghĩ như vậy trong ngày này tháng khác. Chúng ta không thể nào hoàn toàn xóa bỏ những áy náy đó, thế nhưng chúng ta cũng không thể cứ ôm mãi nỗi ân hận trong lòng được.
Bạn hãy để những nỗi ân hận, sự áy náy ấy vào một góc tâm hồn mình và tập trung cho hiện tại bạn đang sống.
Có hai cách để bạn nhổ cái gai đó ra khỏi lòng mình.
Thứ nhất, bạn hãy thẳng thắn nhìn lại sai lầm trong quá khứ và đừng để bản thân phải ân hận vì một chuyện như thế lần thứ hai. Và nếu bạn có lỡ làm ai đó tổn thương, đừng để họ phải tổn thương nhiều hơn nữa. Nếu bạn có cơ hội làm lại, hãy cố gắng để không lặp lại lỗi lầm trong quá khứ.
Và cách thứ hai là hãy chờ cho chiếc gai đó tan biến một cách tự nhiên. Trong cuộc đời của chúng ta, có những nỗi ân hận mà thời gian có thể xóa nhòa.
Đừng để những chuyện đã qua vây lấy bản thân. Hãy nghĩ đến chuyện mình sống trong hiện tại theo cách nào.
“Sống hết mình” mỗi ngày
Những nhà sư chúng tôi vẫn luôn sống những ngày bình lặng, 365 ngày như một, không có gì thay đổi.
Đặc biệt, trong cuộc sống của chúng tôi không có những tiêu chuẩn, chỉ tiêu hay cạnh tranh với người khác. Chắc hẳn có nhiều người sẽ nghĩ rằng cuộc sống như vậy mà cũng có thể thỏa mãn được hay sao…
Tất nhiên, chúng tôi rất mãn nguyện với cuộc sống như vậy. Đó là vì chúng tôi luôn “sống hết mình” cho mỗi ngày.
Dù ngày nào chúng tôi cũng dọn vệ sinh chùa, nhưng không phải ngày nào cũng giống ngày nào. Quét dọn trong chùa suốt một năm, tự nhiên chúng tôi biết được nơi nào có nhiều lá rụng, biết nơi nào hay bị bẩn sau những ngày mưa… Thế nên, sau một năm, chúng tôi có thể giữ cho sân chùa còn sạch đẹp hơn cả năm trước. Nếu chỉ là người ngoài, có lẽ các bạn sẽ không hiểu được sự khác biệt trong đó. Thế nhưng với những người trực tiếp làm công việc này, chúng tôi có thể nhận ra quá trình ấy rõ ràng. Và chính cảm giác “mình đã trưởng thành hơn rồi” ấy khiến chúng tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống này.
Điều quan trọng là bạn có thể nỗ lực hết mình, đừng bận tâm đến kết quả mà hãy tập trung cho những việc mình phải làm mỗi ngày. Chỉ có điều đó mới giúp bạn thấy hài lòng với cuộc sống của bản thân.
Cảm giác hài lòng ấy chỉ sinh ra trong quá trình chứ không nằm ở kết quả.
Không phải cứ lúc nào nỗ lực hết sức cũng nhất định phải đi đến kết quả như mong muốn. Trên đời này đã có không biết bao nhiêu trường hợp điển hình về việc nỗ lực nhưng vẫn thất bại.
Thế nhưng, chính sự nỗ lực ấy lại để lại trong bạn sự thoải mái mỗi khi nhớ lại. Giả sử bạn không nỗ lực gì thì dù bạn có đạt được kết quả đi nữa, đó cũng chưa hẳn đã trở thành một kỷ niệm đẹp đối với bạn. Huống chi nếu bạn đã không cố gắng, nỗ lực, thì chuyện ấy có khi còn trở thành một cái gai không thể xóa bỏ trong thâm tâm bạn.
Nếu hiện tại bạn không cảm thấy hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống của chính mình, thì bạn hãy tự hỏi lại chính bản thân mình, và hãy tập trung làm những việc mà bạn phải thực hiện mỗi ngày.
Mãn nguyện chỉ đến từ những nỗ lực trong mỗi ngày.