HÀNH TRÌNH CÒN TỐT HƠN CẢ ĐÍCH ĐẾN

ROBIN SHARMA

Trích: Đời ngắn đừng ngủ dài; Người dịch: Phạm Anh Tuấn; Nhà xuất bản Trẻ

?Hành trình và đích đến

Tôi vừa đọc một bài trong tạp chí GQ. Bài báo trích dẫn lời của diễn viên Andy Garcia nói rằng: “Điều quan trọng khi bạn theo đuổi một mục tiêu là không bao giờ quên tính toàn vẹn của hành trình ấy.” Tôi rất thích cách diễn tả này. Và Garcia đã đúng. Hành trình đến bất cứ kết quả nào – dù là một kỹ năng tuyệt vời hay một cách sống tốt đẹp – cũng quan trọng ngang bằng với đích đến của nó (nếu không nói là quan trọng hơn). Có một điều tôi mong bạn hãy suy ngẫm: hành trình leo núi ban tặng nhiều giá trị và phần thưởng hơn việc đến được đỉnh núi.

Tại sao? Bởi vì chính cuộc hành trình sẽ hình thành cá tính, tạo cơ hội để bạn nhận ra tiềm năng của mình và kiểm tra xem bạn thực sự muốn chiến thắng tới đâu. Chính hành trình mới dạy bạn, biến đổi bạn, và kêu gọi tài năng ẩn náu trong con người. Bạn phải phát huy những phẩm chất của một người xuất sắc, như sự kiên định, can đảm, dẻo dai, trắc ẩn, hiểu biết. Tất nhiên, đạt tới ước mơ sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời. Tôi luôn đồng ý như vậy. Nhưng nó không mang lại những quà tặng tương tự như những gì bạn nhận được qua cuộc hành trình. Trong thử thách, ta học hỏi được nhiều hơn lúc thành công.

Vậy mỗi khi bạn cảm thấy nôn nóng, tuyệt vọng hay chán nản trên đường tiến tới một cuộc đời mình mong muốn, hãy nhớ rằng chính nơi bạn dừng chân có thể là nơi tốt nhất dành cho bạn. Và có lẽ hành trình còn tốt hơn cả đích đến.

?Một tính cách không rỉ sét

Thép không rỉ – một phát minh to lớn. Thế còn một tính cách không rỉ sét? Một tính cách cao quí, tạo nguồn cảm hứng để theo đuổi mục đích và không bao giờ bỏ cuộc khi đang đến gần lý tưởng. Chất lượng thế giới nội tâm sẽ phản ánh chất lượng thế giới ngoại vi. Cuộc sống ngoài đời không bao giờ phát triển to lớn hơn cuộc sống nội tâm. Cuộc đời như một chiếc gương phản chiếu – phản ánh con người của mình hơn là những gì mình muốn. Người nào mơ những ước mơ tinh khôi, chân thành, tử tế, đạo đức, đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất sẽ hành động theo những giá trị ấy. Và những hành động như vậy chỉ có thể đưa đến những kết quả ngoạn mục. Bên trong luôn tạo nên bên ngoài. Luôn là thế.

Tối qua tôi xem bộ phim Người nhện 3 với các con. Ý tưởng hay nhất của bộ phim cũng là một ý tưởng rõ ràng nhất: “Chúng ta luôn có sự lựa chọn. Chúng ta luôn phải lựa chọn giữa đúng và sai”. Nghệ thuật lãnh đạo ở đây thực sự đơn giản. Đơn giản – nhưng không dễ dàng (và sự xuất sắc đều liên quan đến đấu tranh giữa làm điều đúng so với điều dễ dàng). Những điều tốt nhất trong đời đều đòi hỏi nỗ lực, cam kết, và kỷ luật. Người bạn Nido Qubein của tôi từng nói: “Cái giá của kỷ luật bao giờ cũng rẻ hơn cái giá của nỗi đau hối tiếc”. Hẳn rồi, ý tưởng này rất hiển nhiên. Thế nhưng điều hiển nhiên nhất lại hay bị lãng quên nhất.

?Tận tâm

Khi tôi ở Dubai để trình bày về vai trò lãnh đạo cho tổ chức của các doanh nghiệp trẻ, một phụ nữ tiến đến và nói: “Thưa ông, tôi rất thích sách của ông, nhưng hình như ông khiến nó có vẻ quá dễ dàng. Việc phát triển trong cuộc sống quả là khó đối với tôi”. Câu nói khiến tôi suy nghĩ nhiều. Sau đây là quan điểm của tôi.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ. Ta muốn vẻ bề ngoài khỏe mạnh và cân đối, nhưng lại không muốn phải tập luyện để đạt được nó. Ta muốn thành công trong sự nghiệp nhưng tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không phải làm việc vất vả và tuân theo kỷ luật (mọi nhà điều hành vĩ đại cũng như các công ty lớn đều rất kỷ luật). Ta ước mơ một cuộc đời tràn đầy niềm vui không nỗi sợ, nhưng lại thường xuyên tránh né các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến lý tưởng của mình. Chẳng có gì miễn phí. Chẳng có buổi tiệc nào thực sự là buổi chiêu đãi. Điều tốt đẹp trong đời luôn đòi hỏi hy sinh và tận hiến. Mỗi chúng ta, để đạt tới một con người duy nhất và vượt trội trong nghề nghiệp, đều phải trả giá. Càng trả giá nhiều, càng nhận nhiều.

Mong muốn một cuộc đời tốt đẹp, ở nhà cũng như ở công sở, mà không phải làm việc và giữ kỷ luật trong những việc quan trọng cần làm, thì chẳng khác nào mong muốn có một khu vườn đẹp mà chẳng phải gieo trồng gì cả. Hoặc giống như ước mơ có được thân hình người mẫu mà không chịu từ bỏ những thỏi chocolate hàng ngày. Hoặc giống như cầu xin được thành công trong công việc bằng cách uống một viên thuốc thần kỳ. Tại sao không tận tâm và cống hiến?

Cuộc đời vĩ đại không từ trên trời rơi xuống. Mà phải được đẽo gọt và xây dựng, như đền Taj Mahal, như Vạn Lý Trường Thành, ngày qua ngày, viên gạch này nối tiếp viên gạch khác. Việc kinh doanh thành công đâu phải tự nhiên mà có. Chúng đến từ những nỗ lực và phát triển liên tục không ngừng. Đừng rơi vào ảo tưởng rằng cuộc đời tốt đẹp sẽ đến mà không cần nỗ lực. Hãy nỗ lực hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Chắc chắn thế.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẬN TÂM VỚI NGƯỜI KHÁC
  2. MƯỜI ĐIỀU CẦN KIÊN TRÌ

Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯỜI CHO ĐI NHIỀU NHẤT SẼ THẮNG
  2. KHÁM PHÁ NGƯỜI LÃNH ĐẠO NỘI TÂM
  3. SỐNG ĐỜI TỐT ĐẸP

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ