HIỆN DIỆN BÊN CON TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT

SUSAN STIFFELMAN

Trích: Hiện Diện Bên Con; Trần Đức dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Làm thế nào để tôi chấp nhận cuộc sống của mình đúng như nó đang diễn ra?

HỎI: Cuộc hôn nhân của tôi sắp kết thúc, và tôi đang gặp khó khăn thậm chí là với những tình huống bình thường của con cái, chẳng hạn như khi con phàn nàn về việc làm bài tập về nhà hay phải đi đánh răng vào buổi tối. Tôi gần như không thể chấp nhận cuộc sống của mình lúc này. Tôi cố gắng gạt những nhu cầu của mình sang một bên để có thể ở bên cạnh các con (chúng cũng đang bị tổn thương), nhưng tôi cảm thấy lạc lõng khi không có gì nơi cuộc sống này cho tôi sự yên ổn. Tôi thấy mình thường uống thêm một ly rượu vào buổi tối chỉ để xua đi nỗi chán nản mỗi ngày.

GỢI Ý: Thật là rất đáng buồn khi không thể sống cuộc sống mà bạn mong muốn, và bạn vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự mông lung về những gì sắp xảy tới. Tôi xin được khuyến khích hết mức rằng bạn nên dành thời gian cho những thứ đã từng nâng đỡ tinh thần hay nuôi dưỡng tâm hồn của bạn. Hơn nữa, cách bạn tự chăm sóc tốt bản thân cũng là bài học hữu ích cho con cái, khi đó bạn sẽ dạy chúng về tầm quan trọng của việc đối mặt với những thách thức trong cuộc sống thay vì làm tê liệt bản thân trước nghịch cảnh.

Ngoài ra, có một liệu pháp tốt và cũng có thể là cực kỳ quan trọng khi mọi thứ trở nên khó khăn, đó là sự an ủi yêu thương của một nhóm bạn bè thân thiết lâu năm. Hoặc, kết nối với cảm giác bình yên bên trong cũng có thể là một sự trợ giúp lớn; và biết đâu yoga, thiền hoặc thực hành chánh niệm sẽ hấp dẫn với bạn. Cuối cùng khi bạn đang tập tễnh vượt qua những ngày gian khó này, thì chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục,… sẽ là rất quan trọng.

Dù chúng ta cố gắng làm mọi thứ có thể để bảo vệ cuộc sống trước sự đổi thay, nhưng đôi khi chúng ta buộc phải chấp nhận một trạng thái bình thường mới đang được thiết lập. Tôi tin chắc rằng chúng ta được trang bị đầy đủ các nguồn lực để đối phó với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống theo cách của riêng mình, nhưng chúng ta phải tìm ra nó và sử dụng nó. Bằng cách thành thật về nỗi đau bạn đang trải qua, bạn có thể giải quyết nó; ngược lại nếu bạn chôn vùi hay lẩn trốn, bạn đã vô tình thúc đẩy nó nổi lên và bộc lộ qua những hành xử thiếu tích cực. Làm cha mẹ không có nghĩa là trở thành một kẻ cam chịu đọa đày, từ chối nhu cầu của bản thân hoặc kìm nén cảm xúc của mình. Hãy đón nhận những sự hỗ trợ cần thiết để vượt qua nỗi đau của mình, và bất kể ngày hôm nay bạn có suy nghĩ ra sao, bạn và các con cũng sẽ vượt qua sự mất mát này một cách vẹn toàn.

Có một cách có thể hữu ích, đó là xác định xem những ý nghĩ nào đang tác động, khiến bạn coi tình cảnh hiện thời là nghiệt ngã. Nỗi đau thường được tạo ra bởi suy nghĩ, niềm tin và ý tưởng của chúng ta về một hoàn cảnh, chứ không phải bởi bản thân tình huống đó. Khi tâm trí đẩy bạn vào tương lai với sự cô đơn, sợ hãi trong tưởng tượng hoặc đẩy bạn về quá khứ nơi có sự khao khát hay giận dữ, bạn sẽ chìm trong đau khổ.

Nhưng nếu bạn đưa mình về có mặt hoàn toàn trong khoảnh khắc hiện tại — để ý đến hơi thở ra, vào, chú ý đến cảm nhận về lớp không khí trên bề mặt da − bạn có thể phát hiện ra rằng trong khoảnh khắc này, mình vẫn ổn. Hãy nhận rõ những suy tư khiến bạn đau đớn và biết rằng bạn không bắt buộc phải tin và những suy tư ở trong đầu.

Nếu bạn đang phải đối mặt với một vấn đề thực tế ngay bây giờ, hãy giải quyết nó với sự chú tâm. Hãy cảnh giác để không bị rơi vào trạng thái buông thả và bị kéo vào quá khứ hoặc tương lai với những suy nghĩ gây căng thẳng. Mục đích của việc này không phải là để giảm bớt sự mất mát bạn đang phải đối mặt, mà chỉ để giúp cắt bỏ đi gánh nặng bất hạnh do tâm trí bạn vẽ vời ra.

Làm cách nào để những cuộc đôi co với đứa cháu của tôi có thể dừng lại?

HỎI: Tôi và chồng đã nuôi đứa cháu trai được một năm rưỡi. Tôi đã cố gắng chấp nhận bản chất ngang bướng của cháu, nhưng tôi thực sự đã quá mệt mỏi. Với đứa cháu trai này, cái gì cũng phải kì kèo: đòi thêm thời gian chơi điện tử, khăng khăng rằng nó sẽ làm việc nhà “sau” hoặc từ chối đi tắm vì nó đột nhiên thấy quá mệt. Tôi hiểu rằng tôi sẽ làm tốt hơn khi không còn mong ước cháu trở thành một đứa trẻ dễ bảo. Nhưng tôi muốn dừng ngay những cuộc vật lộn kiểu này!

GỢI Ý: Cuốn sách trước của tôi đã nói về những sự vật lộn trong nuôi dạy con cái, vì vậy tôi sẽ chỉ đề cập đến một số điểm ở đây. Đầu tiên, khi chúng ta cần điều gì đó từ con trẻ, chúng ta có xu hướng tiến đến (hay tấn công) trẻ hơn là ở bên cạnh chúng, điều này kích hoạt sự nổi loạn của trẻ. Chúng “đánh hơi” được sự cùng quẫn của chúng ta nên một cách khôn ngoan, trẻ hiểu rằng, trẻ không phải chịu trách nhiệm cho vấn đề đó của ta. Sự gắn bó thân thiết và yêu thương là cơ sở của uy quyền thực sự trong mắt trẻ, rời ra khỏi nền tảng ấy, trẻ có xu hướng phản kháng khi những tương tác của chúng ta mang hương vị của sự thiếu thốn. Đó cũng là bản chất nói chung của con người. Tôi đã từng nghe một câu nói rất trí tuệ: “Ai càng gắn chặt với một mục đích cụ thể thì người đó càng có ít quyền lực.

Ghi nhận mong muốn của đứa cháu mình với sự đồng cảm về việc cháu trì hoãn việc nhà hay bỏ qua việc tắm rửa là cách để bà có thể dễ dàng để đạt được kết quả: “Bà biết chơi trò chơi đó vui hơn gấp ngàn lần so với việc đi tắm. Và càng tệ hơn khi bà lại yêu cầu cháu tắt game đúng lúc cháu sắp được nâng hạng.” Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng việc xác nhận cảm xúc của trẻ sẽ thực sự có ích.

Đôi khi tôi nói về các mối quan hệ như một thứ có chứa chỉ số pH. Trong khoa học, nếu một dung dịch có tính axit cao, ta không thể đưa nó trở lại trung tính bằng cách loại bỏ axit; ta sẽ thêm kiềm, hoặc bazơ, để khôi phục sự cân bằng pH. Tương tự như vậy, khi các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, như với vợ, chồng, con, cháu,… có “quá nhiều tính axit”, chúng ta sẽ đưa những mối quan hệ đó trở lại trạng thái cân bằng bằng cách thêm kiềm, điều này trong mô hình của tôi có nghĩa là tăng thêm nhiều tương tác hơn để củng cố sự gắn kết.

Việc cháu trai của bà không được cha mẹ nuôi dưỡng cũng cho thấy rằng cháu có thể có những vấn đề trong sâu thẳm như sự tức giận, đau buồn,… và điều đó đã ảnh hưởng đến tính phản kháng, sự bất hợp tác dai dẳng của cậu bé. Một đứa trẻ từng trải qua những biến động lớn đã quen với cảm giác bất lực, khiến cậu phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện sự kiểm soát trong những tình huống có thể. Cho dù sự chăm sóc và yêu thương của ông bà lớn bao nhiêu đi nữa thì khoảng trống trong cậu bé là không nhỏ và tôi tin rằng cháu trai của bà – và cả ông bà nữa – đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ để giúp cháu thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh sống.

Hãy đảm bảo rằng cháu trai của bà đang được giúp đỡ để giảm bớt cảm giác thất vọng và mất mát bị dồn nén bên trong. Và việc củng cố sự gắn kết góp phần thay đổi “nồng độ pH” của quan hệ để cậu ấy ít có xu hướng bướng bỉnh mỗi khi ông bà đưa ra yêu cầu. Để biết thêm về sự gắn kết, chúng ta sẽ cùng xem thêm tại chương 9, hoặc bạn cũng có thể xem thêm trong cuốn Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức.

Binh pháp Tôn Tử có câu “Bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã” đại ý là không đánh mà khuất phục được kẻ địch mới là thượng sách.

Tránh tham gia vào các cuộc tranh giành phần đúng và tranh cãi với trẻ. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc xây dựng sự kết nối giúp trẻ nhận thức sâu sắc rằng mặc dù chúng ta có thể thích trẻ ngoan ngoãn hơn, nhưng chúng ta cũng yêu quý chúng như chính con người của chúng.

Tôi không phải lúc nào cũng hài lòng về con của mình, điều đó có ổn không?

HỎI: Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi nói ra điều này vì nó là một bí mật trong góc khuất cá nhân. Đó là đôi khi tôi cảm thấy không thích những đứa con của mình. Tôi yêu chúng, nhưng có nhiều lúc tôi chỉ muốn được ở yên một mình. Theo cách nào đó, tôi đã “phải” làm cha mẹ, và tôi cảm thấy bực bội vì luôn phải ở chế độ “trực chiến” vì hai đứa con, dù tôi vẫn yêu chúng rất nhiều. Trước khi có con, tôi thiền rất nhiều, và giờ đây thật khó để được ở một mình dù là chỉ mười phút. Có những lúc con đập cửa phòng ngủ của tôi trong khi tôi đang cố gắng ngồi thiền. Có vẻ không được ổn cho lắm – con thì chỉ muốn ở bên tôi còn tôi đang cố gắng đẩy chúng ra ngoài!

GỢI Ý: Chỉ khi và cho đến khi chúng ta chịu nhìn thẳng vào sự thật trước mắt, bằng không chúng ta không thể thay đổi những thứ mà cuộc sống trước sau gì cũng đưa tới với ta. Bất cứ điều gì chúng ta đang trải qua như cảm giác tội lỗi, xấu hổ, kiệt sức, sợ hãi, biết ơn, vui sướng – đều cần được thừa nhận để chúng ta có thể sống trọn vẹn trong con người phức tạp của bản thân. Nếu bạn trốn tránh những khoảnh khắc mà bạn không cảm thấy vui mừng khi được làm cha mẹ, bạn sẽ chỉ vùi sự oán giận của mình xuống lòng đất, và từ nơi đó, nó sẽ trồi lên dưới dạng thiếu kiên nhẫn, mỉa mai hay thu mình lại.

Cứ cảm nhận những gì bạn cảm thấy. Hoàn toàn hợp lý khi bạn khao khát thời kỳ trước khi có con, nơi cuộc sống không bị cản trở. Tôi cũng trải qua những lúc khao khát được ở một mình và ngồi thiền một chút trong khi phải nghe tiếng gõ cửa, kèm theo tiếng gọi “Mẹ ơi, mẹ giúp con!” Tôi nhớ có lần mình đã trốn trong phòng tắm với một cuốn tiểu thuyết ly kỳ hấp dẫn, hy vọng rằng tôi có thể thả mình vào trong truyện một cách thích thú như thời con gái. Chỉ bằng cách cho phép bản thân hiện diện với bất cứ điều gì đang diễn ra, chúng ta mới có thể để cảm xúc đó đi xuyên qua với những ân sủng lớn lao.

Trên thực tế, đơn giản chúng ta là những con người. Mỗi chúng ta đều nuôi dạy con cái dựa trên những thử thách và trải nghiệm từ thời thơ ấu, kết hợp với bản chất và tính khí của bản thân. Một số bậc cha mẹ bị lạc trong niềm vui và sự kỳ diệu của việc nuôi dạy con cái, chưa từng một lần ngoái đầu nhìn lại cuộc sống mà họ đã sống trước khi có con. Những người khác đặt ra những yêu cầu cần thiết của việc nuôi dạy con cái, và cố gắng hết sức để nắm lấy vai trò mới nhưng vẫn bị ám ảnh bởi sự mông lung về việc liệu họ có hoàn thành vai trò này hay không.

Cuộc sống của đứa trẻ là chỉ muốn nhận được tình yêu thương, lòng tốt và sự hỗ trợ. Khi chúng ta dành cho trẻ sự chăm sóc và hiện diện, chúng ta còn có thể tạo ra sự chữa lành sâu sắc cho những phần bị thương tổn trong bản thân mình. Lời khuyên của tôi là hãy hết sức kiên nhẫn với bản thân, cho phép bất cứ điều gì bạn cảm thấy nổi lên và được nhận biết.

Bạn cũng có thể thấy rất hữu ích khi làm việc với chuyên gia trị liệu để vượt qua một số cảm giác oán giận xưa cũ đang đè nặng lên mình. Và khi cuộc sống gia đình trở nên quá hỗn loạn, hãy nghỉ ngơi! Tốt hơn hết là nhờ bạn bè hoặc người thân trong gia đình giúp đỡ để bạn có thời gian ở một mình thay vì trút bỏ nỗi thất vọng của bản thân theo những cách gây tổn thương cho chính mình hoặc con cái. Một số bà mẹ hình thành các mạng lưới tương hỗ, và họ có thể gửi con qua đêm một lần trong hai tháng, để họ có 24 giờ nạp năng lượng và làm bất cứ điều gì họ cảm thấy thích thú. Chỉ cần trải qua một ngày như vậy khi họ không cần lo lắng cho ai khác cũng có thể giúp họ hồi phục năng lượng rất nhiều.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. CỨ ĐỂ CON BUỒN

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ