HIỂU TÂM

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Trong Vòng Sinh Diệt- Những Bài Thuyết Giảng Về Vô Thường Và Chấm Dứt Nỗi Khổ; Người dịch: Tuyết Hồng & Khôi Nguyên; NXB. Hồng Đức.

Trong khi tu thiền, chúng ta rèn luyện để phát triển niệm thức, nhờ vậy chúng ta luôn luôn giác ngộ. Dùng năng lượng và lòng kiên trì, tâm có thể trở nên kiên định. Sau đó, dù có trải nghiệm bất cứ điều gì, có thể hay không thể tán đồng, và dù là hiện tượng thần kinh nào như phản ứng trước vui mừng, hay từ chối, thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy chúng rõ ràng. Hiện tượng là một chuyện, và tâm là một chuyện khác. Chúng là những vấn đề khác nhau.

Khi có điều gì liên hệ đến tâm và thấy vui, chúng ta sẽ theo đuổi nó. Khi có chuyện không vui, chúng ta muốn trốn khỏi nó. Đó là không thấy được tâm, mà chỉ chạy theo hiện tượng. Hiện tượng là hiện tượng, tâm là tâm. Chúng ta phải phân biệt chúng và nhận diện tâm là gì, hiện tượng là gì. Sau đó, chúng ta sẽ thấy thanh thản. 

Khi có người nói chuyện gay gắt khiến chúng ta nổi giận, đó có nghĩa là chúng ta đang bị ảo tưởng bởi hiện tượng, và đi theo chúng, tâm bị kẹt trong những khách thể của nó và theo sau những trạng thái của nó. Xin hãy hiểu rằng, tất cả những gì chúng ta trải nghiệm bên trong hay bên ngoài bản thân không có gì ngoài những thứ giả tạo. Chúng không chắc chắn, không thật, và nếu theo đuổi chúng, chúng ta sẽ lạc lối. Phật muốn chúng ta thiền và thấy được chân lý của chúng, chân lý của thế giới. Thế giới là một hiện tượng của sáu giác quan; hiện tượng là thế giới.

Nếu chúng ta không hiểu Dharma, không hiểu tâm và không hiểu hiện tượng, thì tâm và những khách thể của nó hoà lẫn vào với nhau. Do đó, chúng ta sẽ trải nghiệm nỗi đau và cảm thấy tâm đang bị giày vò. Chúng ta cảm thấy tâm mình đang lang thang, không kiểm soát được việc phải trải nghiệm những điều kiện không vui khác nhau, thay đổi thành những trạng thái khác nhau. Không hẳn là như vậy, không có nhiều tâm, nhưng có rất nhiều hiện tượng. Nếu chúng ta không nhận thức được bản thân, thì chúng ta không hiểu được tâm mình và do đó chúng ta đi theo những thứ đó. Người ta nói, “Tâm tôi đang buồn bực”, “Tâm của tôi không vui”, “Tâm của tôi đang bị phân tán”. Nhưng không hẳn như vậy. Tâm không là gì cả; nhưng những nỗi phiền muộn là có thật. Mọi người nghĩ tâm của họ không được thoải mái hoặc không vui, nhưng thực sự thì tâm là thứ thoải mái và vui vẻ nhất. Khi chúng ta trải nghiệm những trạng thái đau khổ khác nhau, đó không phải là tâm. Hãy chú ý điều này: Khi bạn trải nghiệm những điều này trong tương lai, hãy nhớ, Ajahn Chah nói: “Đó không phải là tâm”.

Chúng ta tu hành để đạt được tâm – tâm “xưa cũ”. Tâm nguyên thủy là không điều kiện. Trong đó không có tốt hay xấu, dài hay ngắn, đen hay trắng. Nhưng chúng ta không thấy thoả mãn khi chỉ gợi nhớ về tâm này, bởi vì chúng ta không xem xét đến và tìm hiểu mọi thứ rõ ràng.

Dharma nằm bên ngoài những thói quen của tâm bình phàm. Trước khi được rèn luyện kỹ lưỡng, chúng ta có thể nhầm lẫn sai thành đúng và đúng thành sai. Vì vậy cần phải lắng nghe những bài giảng kinh để tăng cường hiểu biết về Dharma, và có thể nhận diện Dharma trong tâm chúng ta. Sự ngu xuẩn nằm bên trong tâm. Sự thông tuệ nằm trong tâm. Bóng tối và ảo tưởng tồn tại trong tâm. Kiến thức và ánh sáng tồn tại trong tâm.

Nó giống như một chiếc đĩa nhớp nhúa những bụi và dầu mỡ trong nhà bạn, hoặc là một sàn nhà bẩn thỉu. Dùng xà bông và nước để rửa, bạn có thể tẩy sạch nó. Khi bụi biến mất, bạn sẽ có một chiếc đĩa hay một sàn nhà sạch sẽ. Ở đây, thứ bị vấy bẩn là tâm. Nếu chúng ta tu hành đúng cách, mọi thứ sẽ trở nên sạch sẽ. Khi những hạt bụi bị quét đi, điều kiện của sạch sẽ xuất hiện. Chỉ có bụi bặm là đang che phủ chúng.

Tâm là một trạng thái tự nhiên, chân tâm là điều ổn định và thanh khiết. Tâm sáng rõ và sạch sẽ. Nó bị che khuất và vấy bẩn vì đã gặp những khách thể giác quan và chịu ảnh hưởng từ chúng thông qua điều thích và không thích. Không phải tâm lúc nào cũng bị vấy bẩn, nhưng vì chưa được thiết lập trong Dharma, nên hiện tượng có thể vậy bẩn lên nó.

Bản chất của tâm xưa cũ là kiên định. Nó rất yên bình. Chúng ta không yên bình vì chúng ta bị kích động trước những khách thể giác quan, và kết quả cuối cùng là chúng ta trở thành nô lệ của những trạng thái hay thay đổi. Nên, việc tu hành thực sự mang ý nghĩa tìm kiếm con đường để chúng ta quay trở về với trạng thái nguyên thủy, thứ “cũ xưa”. Đó là tìm kiếm căn nhà cũ của chúng ta, tâm xưa cũ không dao động và thay đổi vì những hiện tượng. Đó là vì, bản chất yên bình hoàn hảo là điều đã có sẵn bên trong chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT TÂM HỒN MẠNH MẼ
  2. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  3. SỰ KHÍCH LỆ CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH