HÌNH THÀNH CÁC THÓI QUEN HỌC TẬP TỐT

Giáo Sư JOHN VU

Trích: KIẾN TẠO THẾ HỆ VIỆT NAM ƯU VIỆT; Ngô Trung Việt dịch; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Nhiều sinh viên xem nhẹ việc học tại trường đại học. Họ chỉ nghĩ “học nghĩa là mở sách/tài liệu ra rồi đọc, sau đó cố gắng ghi nhớ nội dung để vượt qua các bài kiểm tra” nhưng thực tế chương trình đại học đòi hỏi nhiều hơn thế. Một số sinh viên đọc sách nhưng tâm trí của họ vẫn đang lởn vởn ở đâu đó chứ không tập trung vào nội dung mà tài liệu cung cấp. Số khác chịu ảnh hưởng của các vật dụng công nghệ cao, có thói quen xấu là chỉ đọc một chút rồi nhảy sang làm những chuyện khác như nhắn tin hoặc chát chít; đương nhiên là khi họ phân tâm thì ngay lập tức họ sẽ quên mất những điều vừa đọc. Nhiều sinh viên chỉ đọc vài phút liền rơi vào giấc ngủ. Để có thể cải thiện kỹ năng đọc và hiệu quả học, bạn cần loại bỏ mọi thứ có thể khiến bạn xao nhãng và ngắt quãng quá trình học của mình. Đây là vài lời khuyên nhằm giúp bạn học tốt hơn:

1. Sinh viên cần có khu vực dành riêng cho học tập. Quan trọng là bạn cần phải thiết lập một chỗ đặc biệt nơi bạn có thể học mà không bị bất cứ thứ gì ảnh hưởng. Nếu ở nhà không có chỗ nào đáp ứng được yêu cầu này thì bạn có thể đến thư viện trường/thành phố để có không khí học tập. Khi tôi còn là sinh viên, tôi rất thích đến thư viện và thường tìm một góc yên tĩnh tránh xa các sinh viên khác để có thể tập trung học.

Khi bạn đang học, đừng cho phép bản thân mình chú ý tới bất kỳ cái gì khác ngoài việc học. Bạn phải tắt điện thoại và máy tính. Ngày nay nhiều sinh viên có laptop và dễ dàng “nhân nhượng” trước cám dỗ của việc kiểm tra email, vào phòng chat, hay nghe nhạc. Một số sinh viên bảo tôi rằng nghe nhạc giúp cho họ học tốt hơn và họ thích đeo tai nghe để giúp bản thân tập trung hơn. Điều đó có thể có tác dụng và cũng có thể không. Bạn cần để ý đến hiệu quả học tập và cần chủ động điều chỉnh những thói quen khiến bạn mất tập trung khi học.

Để duy trì khả năng tập trung tốt, khu vực học tập của bạn cần có ánh sáng vừa phải, thông gió và dễ dàng thu thập được tài liệu cần thiết.

2. Bạn phải lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho từng lần học. Khi tôi còn là sinh viên, mỗi ngày tôi đều tự đặt ra cho mình một danh sách “những thứ cần học” và “mục tiêu cần đạt tới cho từng môn học”. Sau khi hoàn thành một mục nào đó trong danh sách, tôi sẽ xóa mục đó ra khỏi danh sách và tự giác đánh giá lại hiệu quả học tập của bản thân vào cuối ngày. Việc đề ra các mục tiêu và gạch bỏ chúng sau khi hoàn thành sẽ giúp sinh viên cảm nhận được kết quả của sự nỗ lực. Bạn có thể lên danh sách kiểu như: Đọc toàn bộ chương 5 môn lịch sử trong tuần này và trả lời đúng 10 câu hỏi ở cuối chương. Giải quyết 15 câu hỏi ngắn trong chương 7 của môn toán trước khi lên lớp.

3. Ghi chú những điều quan trọng cần phải nhớ vào một quyển sổ và thường xuyên mang sổ theo bên người. Trong chương trình đại học, mỗi lớp đều yêu cầu sinh viên phải đọc qua rất nhiều tài liệu. Nhiều sinh viên có xu hướng cố gắng ghi nhớ thay vì chép những điều cần nhớ ra giấy. Đó không phải một chọn lựa khôn ngoan. Bạn cần có một cuốn sổ để ghi chú những điều quan trọng như lịch học, lịch kiểm tra, danh sách những tài liệu giảng viên cung cấp, thông tin của các thành viên trong nhóm học tập… Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể tóm tắt nội dung bài giảng hoặc tài liệu vào sổ, ghi chú những thắc mắc trong quá trình đọc và học, lên danh sách những trọng điểm cần phải lưu ý trong quá trình ôn tập…

4. Không ai có thể làm việc như một cái máy không ngừng nghỉ, cho nên sinh viên cần lưu ý nghỉ ngơi đều đặn để giữ cho tâm trí luôn minh mẫn và tỉnh táo. Những khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ là điều cần thiết. Tuy nhiên, sinh viên nên tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi thật sự, chẳng hạn như nhắm mắt lại để thư giãn và điều tiết mắt, chứ không nên tận dụng thời gian nghỉ giải lao để làm những chuyện gây gián đoạn sự tập trung như kiểm tra email, tin nhắn hoặc đọc truyện giải trí… Để khoảng thời gian học tập có chất lượng, bạn cần duy trì sự tập trung của bản thân. Nếu bạn cảm thấy khó tập trung thì hãy tạm ngừng học và thử đi dạo quanh chừng 5 phút, vận động nhẹ nhàng giúp não đỡ căng thẳng, rồi quay trở lại bàn để học tiếp. Đừng quá gượng ép bản thân. Xin hãy nhớ bạn không cần phải học mọi lúc, bạn cần học hiệu quả. Khi nhận thấy sự tập trung của bản thân suy giảm, sinh viên nên chủ động điều chỉnh các khoảng nghỉ giữa chừng sao cho hợp lý. Bên cạnh việc điều tiết quá trình học, sinh viên cần đảm bảo giấc ngủ đêm (trung bình từ 6-7 tiếng) và tận dụng thời gian nghỉ trưa để chợp mắt (khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng). Có như vậy, bạn mới có thể duy trì trạng thái tỉnh táo và tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?
  2. KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG ĐỐI THOẠI
  3. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC TỪ NHỎ LÀ MẤU CHỐT

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH