HH. DALAI LAMA XIV
Trích: Trí Huệ Và Đại Bi; NXB Thiện Tri Thức
Sự kiện những tín đồ của mọi tín ngưỡng có thể gặp gỡ nhau đối với tôi là một điềm tốt lành. Mỗi tôn giáo được đặt nền trên một hệ thống tư tưởng riêng và như thế đôi khi có thể bất đồng với những tôn giáo khác ở vài điểm. Những Phật tử không hình dung ý niệm về một Đấng Sáng Tạo, ngược với những người Thiên Chúa giáo. Chắc chắn, quan điểm của chúng ta khác nhau, nhưng tôi kính trọng sâu xa niềm tin Thiên Chúa giáo, chẳng phải bởi vì những lý do chính trị hay lịch sự, mà bởi vì đó là tình cảm chân thành của tôi.
Từ nhiều thế kỷ, giáo hội Thiên Chúa giáo đã làm nhiều điều cho nhân loại; những người tỵ nạn Tây Tạng đã được thọ hưởng rộng rãi sự giúp đỡ của nó nhờ những tổ chức cứu trợ quốc tế, như Hội đồng thế giới các Giáo Hội, và nhiều tổ chức khác với sự cứu giúp quý giá cho những đồng bào của tôi đang ly hương trong những thời kỳ khó khăn của chúng tôi đã trải qua. Những người bạn Thiên Chúa giáo của chúng tôi hiện diện khắp cả thế giới, trao tặng cho chúng tôi không chỉ là thiện cảm, mà còn là một sự giúp đỡ vật chất thiết yếu, và tôi sung sướng có dịp để cám ơn họ.
Mọi cộng đồng tôn giáo đều chấp nhận sự hiện hữu của một sức mạnh vượt khỏi sự hiểu biết thông thường. Khi chúng ta cùng cầu nguyện chung, tôi cảm thấy một cái gì mà tôi không thể định nghĩa xác đáng: sự ban ơn, ân điển, chữ nghĩa không quan trọng, nhưng đấy là một kinh nghiệm chắc chắn. Khi người ta đã quen, nó gợi ra một sức mạnh bên trong: nó tạo ra một tâm thái đặc biệt làm cho chúng ta nhạy cảm với tình anh em trong đó chúng ta cảm thấy càng gần gũi nhau hơn. Thế nên tôi nồng nhiệt tán dương những cuộc gặp gỡ toàn cầu.
Mặc dù những khác biệt về siêu hình học, tất cả tôn giáo có cùng một định hướng. Chúng cùng chú trọng vào sự tiến bộ của nhân loại, vào tình thương, vào sự kính trọng tất cả, vào sự liên đới với những người đau khổ. Trong những đường nét lớn, những quan điểm và cứu cánh của chúng khá giống nhau.
Những tôn giáo chủ yếu hướng về một Thượng Đế toàn năng và đặt niềm tin và sự sùng mộ của chúng vào đó đều nhiệt thành thực hiện ý ngài; thấy nơi chúng ta là những tạo vật, những đứa con của một Thượng Đế duy nhất, chúng khuyến khích chúng ta thương yêu nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Trung thành với Thượng Đế, không phải là trước hết nghiêng mình trước những mong muốn của Ngài sao? Và, một cách căn bản, Ngài chờ đợi gì từ chúng ta, nếu không phải là sự tôn trọng, tình thương, sự giúp đỡ mà chúng ta nên có đối với người bên cạnh?
Thấy những tôn giáo khác khuyến khích những tình cảm và thái độ giống nhau, tôi đã tin tưởng rằng về mặt này những chỉ dạy triết lý của chúng cũng tràn đầy trong cùng một chiều hướng. Những tín đồ của các tôn giáo đó đã chứng minh điều này bởi một hạnh kiểm tốt lành với những đồng loại – những anh em, những chị em của chúng ta. Tấm lòng sống động bởi những ý định trong sạch, họ tiến bộ bằng cách hiến mình cho những người khác. Lịch sử đầy dẫy những gương mẫu các thánh tử đạo Thiên Chúa giáo đã hy sinh đời mình để phụng sự nhân loại. Đấy là hành vi của lòng bi mẫn tuyệt vời.
Khi những người Tây Tạng gặp khó khăn, những cộng đồng Thiên Chúa giáo ở khắp thế giới đã biểu lộ sự liên đới. Họ chia phần với sự đau khổ của chúng tôi, vội vã cứu trợ chúng tôi. Bất kể sự khác biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay triết học, chỉ thấy nơi chúng tôi là người đồng loại, họ đã giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi đã rút ra ở đấy một niềm cảm hứng chân thực. Chúng tôi đã nhận ra tình thương thì vô giá.
Tình thương và lòng tốt là những nòng cốt của xã hội. Nếu chúng thiếu đi, chúng ta sẽ gặp những khó khăn tệ hại, và chính sự sống còn của nhân loại sẽ gặp nguy hiểm. Để chúng ta có thể hưởng thụ hòa bình, ở trong lòng chúng ta cũng như ở trong thế giới, cần thiết sự phát triển tâm linh không thụt lui sau sự phát triển vật chất. Rất khó duy trì hòa bình trong thế giới nếu nó không hiện hữu trong chúng ta. Trong lãnh vực này cũng như đối với mọi thứ liên quan đến đời sống bên trong, tôn giáo có thể là một sự giúp đỡ lớn lao cho chúng ta.
Những truyền thống đề nghị những quan điểm khác nhau và tốt thay khi chúng đồng ý nhau trên điều quan trọng nhất: tình thương, lòng bi mẫn. Nhưng những lý thuyết siêu hình không phải là một cứu cánh. Đó không phải là một lý do chứng minh cho sự trung tín của chúng ta. Mục đích là làm vơi bớt sự thống khổ, cứu giúp những người khác. Về phần siêu hình học, nó chỉ có giá trị trong mức độ nó phụng sự cho mục đích này. Nếu chúng ta mở đầu một cuộc tranh luận về những khác biệt trong quan điểm, chúng ta sẽ đọ sức với nhau, phê phán lẫn nhau, và điều ấy sẽ chẳng đưa chúng ta đến đâu cả. Chúng ta có thể tranh luận mênh mông về chuyện ấy mà không có kết quả nào hơn là cãi lộn nhau và không hoàn thành được cái gì hết. Tốt hơn hết là đi thẳng tới mục đích chung cho mọi hệ thống khác biệt và ở trạng thái nối kết chúng ta: tình thương, lòng bi mẫn, sự tôn kính một sức mạnh cao siêu. Không có tôn giáo nào tin rằng chỉ riêng sự tiến bộ vật chất có thể tự nó tạo được hạnh phúc cho nhân loại. Mọi tôn giáo đều đồng ý trong đức tin của chúng vào những sức mạnh vượt qua mục tiêu này và đều nhấn mạnh vào những cố gắng phải làm trong lãnh vực xã hội.
Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu như một đồng lòng cộng thông bao trùm lên chúng. Ngày xưa, những xung đột đôi khi chia cắt những nhóm tôn giáo. Sự chật hẹp của trí óc và những yếu tố bất hòa khác là những nguyên nhân. Điều đó phải không xảy ra trở lại. Nếu chúng ta thấu hiểu trọn vẹn một tôn giáo có ý nghĩa gì trong bối cảnh thế giới hiện đại, chúng ta sẽ vượt qua không khó khăn những tranh cãi tai hại. Chúng ta không thiếu những điểm chung để đến gần nhau và đồng ý với nhau. Chúng ta hãy cùng nhau trong một trận tuyến, sát cánh bên nhau trong sự tôn trọng, tương thân, hòa hợp và nhân lên những cố gắng của chúng ta để giúp đỡ nhân loại. Mục đích của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được bởi sự nở bừng lòng bi ở nơi tất cả.
Những nhà chính trị, những nguyên thủ quốc gia làm hết sức mình để đi đến một sự kiểm soát vũ khí và cho tất cả những gì thuộc về phần họ. Rất đáng khen ngợi điều này. Nhưng những người như chúng ta đang sống động bởi đức tin cũng một bổn phận, một trách nhiệm: kiểm soát những tư tưởng thù nghịch của chúng ta. Đó là sự giải giới thật sự. Nó xảy ra trong sự kiểm soát những vũ khí riêng của chúng ta. Khi chúng ta nắm giữ sự hòa bình nội tâm và khi người ta khắc phục được những tư tưởng tiêu cực của mình, an ninh trật tự ở bên ngoài mất đi nhiều ý nghĩa của nó. Không có sự kiểm soát này, dầu người ta dùng phương cách nào, cũng sẽ nhọc công vô ích.
Thế nên trong những điều kiện hiện thời, những cộng đồng tôn giáo có một trách nhiệm nặng nề đối với nhân loại – một trách nhiệm vũ trụ. Tình hình thế giới hiện nay tạo ra cho những châu lục tùy thuộc vào nhau một cách kinh khủng: vậy thì một sự liên đới thật sự đang ngự trị. Sự liên đới đó tùy thuộc vào những thiện ý của chúng ta. Đó là trách nhiệm vũ trụ của chúng ta.
Câu hỏi: Là nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài có muốn khuyến khích những người khác quay về với đức tin của ngài hay chỉ làm cho đức tin ấy có thể hiểu được cho những người muốn được học hỏi?
Trả lời: Đó là một câu hỏi quan trọng. Tôi không muốn cải hóa những người khác theo đạo Phật, mà làm cho họ tham dự theo cách mà những người Phật tử chúng tôi có thể đem lại phần đóng góp của mình cho nhân loại, theo quan niệm của mình về thế giới. Và tôi tin rằng chính trong cùng một tinh thần đó mà những đức tin tôn giáo khác chấp thuận tham dự vào mục đích chung.
Ngày xưa, thay vì tập trung vào mục tiêu này, những tôn giáo khác nhau tranh cãi lẫn nhau. Thế nên, trong hai mươi năm trở lại đây ở Ấn Độ, tôi đã nắm lấy mọi cơ hội để tiếp xúc với những tín đồ Thiên Chúa – Công giáo và Tin Lành – Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn giáo. Trong những lần gặp gỡ này, chúng tôi cầu nguyện, thiền định chung, nói về những quan điểm triết học, về sự tiếp cận, về những kỹ thuật của chúng tôi. Tôi lưu tâm nhiều đến những thực hành Thiên Chúa giáo, đấy là một hệ thống tư tưởng phong phú những lời dạy, mà người ta có thể có cảm hứng từ đó. Cũng thế Giáo hội Thiên Chúa giáo đã đưa vào trong sự thực hành của mình một vài yếu tố của giáo lý Phật giáo, như những kỹ thuật thiền định.
Rất giống như đức Phật, biểu lộ gương mẫu của lòng khoan dung và sự hài lòng, hiến mình cho việc phụng sự những người khác một cách hoàn toàn vô tư, đức Kitô cũng làm như vậy. Phần đông những vị thầy vĩ đại đã theo một cuộc sống thánh thiện, thích một cuộc đời công ích hơn là cuộc sống tầm thường. Sức mạnh nội tâm của các ngài thật phi thường, nguồn cảm hứng của các ngài thì vô kể. Bên ngoài, các ngài bằng lòng có ít và sống đơn giản.
Câu hỏi: Người ta có thể thực hiện một tổng hợp Phật giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo và những tôn giáo khác để làm thành một tôn giáo có tính chất vũ trụ hơn?
Trả lời: Điều đó đối với tôi hình như khó khăn và không đặc biệt đáng mong ước. Tuy nhiên, tình thương là tinh túy của mọi tôn giáo, nên người ta có thể nói đến một tôn giáo vũ trụ của tình thương. Nhưng về những phương pháp được dùng để phát triển tình thương, đạt đến cứu độ, giải thoát, thì chúng có những khác biệt đáng ghi nhận. Bởi thế tôi không nghĩ rằng người ta có thể hoạch định chỉ một hệ thống tư tưởng hay một tôn giáo duy nhất. Trái lại, sự khác biệt trong lãnh vực này theo tôi là có lợi, những cách thức đa thù để chỉ đường này tạo ra một sự phong phú và một ích lợi cho nhân loại. Những đặc thù, những bẩm tính và những khuynh hướng riêng biệt của mỗi người như vậy là được tôn trọng. Dầu những dị biệt, chẳng phải những tôn giáo trong sự thực hành của chúng đều được điều động bởi cùng một đà tiến hướng đến tình thương, sự thành thật, ngay thẳng sao? Sự hài lòng khiêm tốn chẳng phải là nghệ thuật họ chẳng khuyên nhủ sự khoan dung, tình thương, bi mẫn sao?
Từ nền tảng, mục đích của chúng là đồng nhất, chúng hoạt động cho sự lợi lạc của loài người, mỗi tôn giáo có hình thức đặc sáng và những phương tiện đặc biệt để cho phép con người đạt đến sự trưởng thành chín muồi của nó. Tỏ ra quá say mê vào triết học của nó, tôn giáo của nó, lý thuyết của nó, thử đem nó bắt buộc cho những người khác với một sự nhấn mạnh đè nặng là nguồn gốc phát sinh những xáo trộn. Tất cả những bậc thầy vĩ đại như Phật Cồ Đàm, Jésus Christ hay Mahomet đã soi sáng cho thế giới bằng những lời dạy trong ý định duy nhất là cứu giúp những đồng loại của các ngài, và không phải để rút ra một phần được nào về cho chính các ngài, càng không phải để gieo rắc sự bất hòa và bất an trong thế giới.
Chúng ta hãy chỉ chú tâm kính trọng lẫn nhau, hãy đặt thành của chung mọi cái tốt đẹp nhất của những kiến thức của chúng ta và mỗi người rút ra từ đó một sự làm giàu thêm cho sự thực hành của mình. Dù cho chúng vẫn được ngăn riêng, chúng ta chỉ có thể được lợi lạc từ sự học hỏi lẫn nhau về các hệ thống, bởi vì chúng cùng tuôn chảy về một hướng.
Câu hỏi: Người ta thường có khuynh hướng, khi so sánh những tôn giáo Đông phương với văn hóa Tây phương, xem cái này như duy vật chất hơn, kém giác ngộ hơn những cái kia. Đó có phải là ý kiến của ngài không?
Trả lời: Có hai loại thức ăn: một làm dịu cơn đói tinh thần, cái kia cho cơn đói thể xác. Từ quan điểm thực tiễn, tốt nhất là để ý kiến mỗi cái của hai nhu cầu này bằng cách hòa hợp tiến bộ vật chất và phát triển tâm linh. Với tôi hình như một số lớn người Tây phương, nhất là trong thế hệ trẻ, đã hiểu rằng những thuận tiện vật chất không đáp ứng hoàn toàn cho những gì mà họ chờ đợi từ đời sống. Hiện nay, mọi nước Đông phương cố gắng bắt chước Tây phương và những kỹ thuật học hiện đại của nó. Mức sống của các bạn hình như rất đáng ao ước, đặc biệt đối với chúng tôi, những người Tây Tạng. Chúng tôi có cảm tưởng rằng nếu chúng tôi đạt đến một mức độ như thế trên bình diện vật chất, người dân chúng tôi sẽ hưởng được một hạnh phúc bền vững. Nhưng từ khi tôi du hành qua Âu-Mỹ, tôi khám phá rằng sau tủ kính bày hàng còn ẩn chứa sự thống khổ, lo âu, sự phiền muộn, không dễ chịu. Phải tin rằng những thuận lợi vật chất riêng chúng không thể lấp đầy cho hy vọng của con người.