HỌC CÁCH NẮM – BUÔNG

MARCUS AURELIUS

Trích: Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai; Nguyễn Lệ Thu dịch; Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Dưa chuột đắng – vậy thì vứt nó đi. Trên đường có gai nhọn – vậy thì tránh nó ra. Thế là đủ. Đừng thêm nếm, thắc mắc tại sao trên thế giới lại có thứ như vậy. Bởi bạn sẽ bị một người thông thạo vẽ thế giới tự nhiên cười nhạo, cũng giống như bạn sẽ bị cười nhạo nếu ở giữa gian hàng của người thợ mộc và thợ làm giày mà lại có thái độ bới móc khi phát hiện ra mảnh bào và da vụn vậy. Nhưng ít nhất ở những nơi đó, họ vẫn có nơi để riêng những mảnh bào và da vụn ấy, còn vũ trụ thì không có nơi nào trống ngoài nó. Song điều kì diệu nhất là ở chỗ, tuy nó tự hạn chế bản thân nhưng lại tái tạo được những thứ mới giống hệt từ những thứ cũ, không cần đến bất cứ thực thể nào từ bên ngoài, cũng không cần nơi để phế thải. Vũ trụ tự thỏa mãn với không gian, vật chất và nghệ thuật của mình.

LỜI VÀNG Ý NGỌC

Có lúc từ bỏ là để có được nhiều hơn,

Marcus Aurelius dựa vào kinh nghiệm sống của mình mà rút ra kết luận như sau: Con người ta luôn phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn, Nhiều khi chúng ta phải dám từ bỏ thì mới đi được ngày càng xa hơn.

Trong thiên Cáo Tử thượng – sách Mạnh Tử cũng đã tổng kết lại đạo lí nắm buông của cuộc đời. “Cá, ta cũng muốn; tay gấu, ta cũng muốn; nhưng hai thứ ấy không thể cùng có được, bỏ cá mới có được tay gấu. Sống sót là điều ta muốn, nghĩa khí cũng là điều ta muốn, hai thứ không thể cùng có được, từ bỏ sống sót mới có được nghĩa khí”. Giữa “cá” và “tay gấu”, giữa “sống” và “nghĩa khí” đều tồn tại một loại mâu thuẫn. Có lúc bạn muốn ăn cá thì không thể không từ bỏ tay gấu, còn “sống sót” và “nghĩa khí” thì lại càng là lựa chọn khó khăn hơn. Tuy ta không nhất định phải đối mặt với lựa chọn giữa sống và chết nhưng có lúc cũng sẽ phải phiền não vì sự lựa chọn.

Một thương nhân và một học giả cùng ngồi trên con thuyền, vị thương nhân mang theo một hòm tiền, còn vị học giả thì mang theo một hòm sách. Trên đường đi, thuyền gặp phải bão, người lái thuyền yêu cầu thương nhân và học giả mỗi người vứt bớt chút đổ đạc tùy thân, nhưng vị thương nhân nói: “Số tiền này đều là tự tay ta kiếm được, sao có thể vứt bỏ?”. Vị học giả cũng nói: “Ta quyết không bao giờ vứt sách đi!”. Người lái thuyền nghe vậy bèn nói với hai người rằng: “Nếu hôm nay thuyền chìm, số tiền ấy liệu có còn nghĩa lí gì? Hơn nữa tiền có thể kiếm lại được chứ sinh mạng thì không thể có lại được! Còn sách đúng là đáng quý, nhưng ông đọc nhiều sách vậy chẳng phải là vì học hỏi kiến thức hay sao? Nếu không thể sống được để lên đến bờ thì đọc nhiều sách hơn nữa cũng vô dụng”. Vị thương nhân nghĩ một hồi rồi vứt hòm tiền đi, vị học giả cũng từ bỏ số sách quý của mình. Cuối cùng, tất cả họ đều đến nơi an toàn. Biết từ bỏ là một triết lí nhân sinh, còn dám từ bỏ lại là một dạng quyết đoán để sinh tồn. Có khi từ bỏ là để sau này càng phát triển lớn mạnh hơn. Từ bỏ không có nghĩa là lùi bước, cũng không phải là thỏa hiệp mà là một dạng mưu lược nhìn xa trông rộng. Có lúc phải biết từ bỏ để có được nhiều hơn.

TRONG ĐỜI CẦN BIẾT NẮM LẤY, NHƯNG LẠI CÀNG CẦN BIẾT BUÔNG TAY

1. Có một cậu thanh niên nọ tuy đã học được rất nhiều kiến thức nhưng vẫn không thỏa mãn, cậu muốn trở thành người có học vấn cao nhất trên thế giới. Song đã bao năm trôi đi mà cậu thấy vẫn chẳng có gì tiến bộ, bèn đi thỉnh giáo một vị đại sư. Đại sư nói: “Chúng ta hãy cùng leo núi nào!”.

Cậu thanh niên khi ấy trong đầu chỉ toàn là tham vọng, ước mơ của cậu dường như xa vời quá tầm tay, bởi trên đời này không có ai là “học giả uyên bác nhất”.

*** Trút bỏ gánh nặng

2. Trên đường có rất nhiều viên đá đẹp, chỉ cần nhìn thấy viên đá mình thích là vị đại sự liền bảo cậu thanh niên cho vào ba lô đeo sau lưng. Chẳng mấy chốc, cậu không vác nổi ba lô nữa, đành nói: “Đại sư, vác đống đá này, con không lên nổi đỉnh núi được”. Đại sư mỉm cười: “Tại sao con không thử buông tay đặt xuống?”.

Nếu cậu bỏ gánh nặng xuống thì sẽ hiểu được đạo lí nắm – buông, có thể lựa chọn tìm hiểu, nghiên cứu những thứ mình có hứng thú, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

*** Giành được tiến bộ

BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Khả năng tiếp nhận kiến thức của một người là có hạn, không thể trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực được, vì thế chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn. Chỉ có chọn lĩnh vực mình giỏi nhất, có hứng thú nhất thì mới có thể thành công, bởi thứ mà thế giới này cần không phải là “toàn tài” mà là “nhân tài”.

—–⛅️⛅️⛅️—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỌC CÁCH HÀI HƯỚC
  2. SUY TƯ
  3. NHÂN ÁI LÀ BẢN TÍNH

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ